Sunday, January 30, 2011

Ghi vội ở Sài Gòn (2)

Buổi trưa hôm sau, tôi ngồi trong một quán cà phê với mấy người bạn, có người là nhạc sỹ/ca sỹ, có người là họa sỹ. Trong cuộc nói chuyện rất vui đó, một người kể câu chuyện đại khái như sau:
"Có một người đàn ông đến gặp Phật để xin đi theo Phật. Nhưng Phật không có nhà; chỉ có Anan tiếp ông ta. Anan nhìn xuyên 100 kiếp của người này, thấy ông ta tuyệt nhiên không làm một việc tốt nào. Anan nói "Ông chưa có duyên với Phật, chưa thể theo được." Nhưng người đàn ông này không chịu, vẫn tiếp tục ngồi chờ. Phật đi về, thấy ông ta ngồi ở cổng mới hỏi chuyện. Ông này kể lại. Phật nhìn vào 100 kiếp của ông này rồi nhận ông ta làm Phật tử vì Phật nói trong 100 kiếp, có một kiếp ông ta là con ruồi, đã bay quanh lư hương thờ Phật. Vậy là có duyên."
"Duyên" là một chữ kì diệu.
======
Hà Nội đang rạo rực đón Tết.
Dưới đây là bài hát đầu tiên trong đĩa nhạc đầu tiên của nhạc sỹ/ca sỹ tôi nói trên. CD này do bạn họa sỹ vẽ bìa :)


Tuesday, January 25, 2011

Ghi vội ở Sài Gòn (1)

Nửa đêm, tôi đi bộ từ khách sạn trên đường Mạc Thị Bưởi ra đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ xem đêm ở khu trung tâm Sài Gòn thế nào. Phố vắng. Một ông già ngoài 60, gầy, đen, đứng phía sau một cái xe đẩy nhỏ bán bánh mỳ kẹp. Quán hàng chỉ có một cái đèn chụp rất nhỏ thắp phía sau một khung kính để khách đi ngang thấy rõ là hàng bánh mỳ kẹp; bên trong khung kính là những miếng chả, giò lụa, giò thủ, dăm bông, xúc xích; bên cạnh là một cái chậu nhựa nhỏ đựng pate nhiều mỡ nấu nhừ, một chậu khác đựng rau thơm và một cái bát ô tô để cà rốt với xu hào muối thái con chì.

Ông già đứng sau cái xe đẩy nhỏ, cắt cắt thái thái rất chăm chú. Tôi không đói, không định ăn bánh mỳ, nhưng tôi đứng lại, nhẩm tính xem một người bán hàng rong như vậy trong một ngày sẽ bán được bao nhiêu tiền, lãi được bao nhiêu. Mùa hè trước, khi tôi về làm đám 49 ngày cho bà ngoại, các bà già trong họ ngồi vây quanh tôi trên phản, hỏi “thế mày đi làm bên đấy lương bao nhiêu cả con?”. Rồi các bà kêu lên, “ôi giời ơi, mày đi làm một năm thì bằng các bà làm cả đời”. Câu nói đấy cứ đeo đuổi tôi mãi - vì "cả đời" là một khoảng thời gian dài; có bao nhiêu tính toán, dè sẻn, vật lộn, đau khổ trong khoảng thời gian đó. Nông thôn Việt Nam là cả một bức tranh khác mà người trí thức, nhất là nhà văn, phải học, phải hiểu thì mới không trở nên hời hợt, ngay cả khi họ không viết về nông thôn.
- Cho cháu một cái bánh mỳ kẹp.
Ông già không nói gì; tiếp tục cắt cắt, thái thái. Tôi đứng nhìn, chờ.

Ngoài phố hầu như không có xe. Ông già tiếp tục cắt cắt, thái thái; tiếng dao trên thớt đều đều. Đột nhiên, ông già nói, giọng Nam Bộ:
- Thảy hết ra đi.

Tôi giật mình; lúc đó mới nhìn thấy phía sau ông già là một người phụ nữ nhỏ, ngồi sụp bên cạnh lò than nướng bánh mỳ phía dưới. Nhưng lúc đó, cái duy nhất mà tôi nghe thấy là mấy từ "Thảy hết ra đi". Chúng cứ âm vang bình thản, như một tiếng chuông dài trong thung lũng:
- Thảy hết ra đi. Thảy hết ra đi.


Bổ sung ngày 27: Đọc được bài này

Thursday, January 20, 2011

Ghi vội ở Hà Nội (3)


Buổi sáng ra đầu đường:

- Xe ôm không em?
- Ra tháp Hà Nội bao tiền chú?
- Ở Hai Bà Trưng hả?
- Vầng
- 50 ngàn
- Trời, ngày nào cháu cũng đi.
- Ngày nào cũng đi à? Thế mọi ngày đi bao nhiêu?
- 25 hoặc 30 ngàn
- OK, 30 ngàn. Lên đi

Một lúc sau:
- Thế ngày nào cũng đi từ đấy ra à?
- Vầng
- Nhà trong đấy à?
- Vầng
- Đi làm à?
- Vầng
- Thế đi mấy giờ để chú qua đón hàng ngày luôn.
- Cháu đi mỗi lúc một giờ.
- Làm gì mà đi mỗi lúc một giờ? Đi bán hàng marketing à?
- Sao chú đoán giỏi thế?
- Thì đi mỗi lúc một giờ thì chả làm thế thì làm gì? Có đúng không?
- Hì, đùa chứ không ạ.
- Thế làm gì mà đi mỗi lúc một giờ? Đi làm nhà nước thì phải có giờ giấc thường xuyên chứ.
- Cháu buôn đô chú ạ.
- Ối giời, trông thế mà buôn đô. Thế dạo này đô bao nhiêu?
- Bán ra 21, đô lẻ thì rẻ hơn chú ạ.
- Thế cứ mua đô rồi bán à?
- Vầng.
- Thế thì giàu lắm nhỉ?
- Đâu chú. Giàu thì đã không phải đi xe ôm ạ.
- Thế ra tháp Hà Nội làm gì? Chỗ đấy khách sạn Somerset mà, đúng không?
- Vầng.
- Lấy đô của khách Tây à?
- Không, cháu giao hàng xách tay cho khách.
- Thế buôn cả hàng xách tay à?
- Vầng
- Buôn từ nước nào về?
- Mỹ ạ.
- Chết chết, Mỹ cơ à? Thế sống bên đấy à?
- Vầng
- Sướng nhỉ.
- Chẳng sướng đâu chú ạ.
- Mỹ mà còn không sướng. Thế buôn hàng xách tay thì người ta cứ đặt mình mang về cho người ta à?
- Vầng
- Thế buôn gì về? Iphone à?
- Không ạ.
- Hay là máy tính?
- Dạ không, sách ạ.
- Ui giời, ai lại xách tay sách bao giờ. Sách thì được mấy tiền.
- Vầng, éo le lắm chú ạ.

Chiều tối đi taxi từ bờ Hồ về nhà. Anh lái taxi cứ mở đi mở lại và hát rất hăng say theo bài gì đó có mấy câu “nói thế thôi nhưng thật ra anh rất đau lòng, giờ ai có yêu anh, anh chỉ yêu 50 phần trăm”
- Nhạc của ai đấy hả anh?
- Anh không biết, chỉ nghe thôi, không nhớ của ai.
Một lúc sau:
-Bài này tâm trạng. Cái chính là nó thật, em hiểu không? Nhạc nhẽo bây giờ thì nhiều, ca sỹ ca xiếc loạn cả lên; anh thật anh lái taxi, suốt ngày trên xe, không phải cái gì anh cũng nghe, giờ phải cái gì nó thật, người ta cần là cần cái thật, em hiểu không?
-Vầng.
Ngồi xe lúc tan tầm, mất 45 phút để đi từ bờ Hồ về Đội Cấn. Ngồi trong xe nghĩ được rất nhiều điều.
Ảnh minh họa lấy trên mạng
Bổ sung ngày 22: Nói đùa vậy mà cũng có bạn tưởng tôi đi buôn đô với hàng xách tay thật :)

Friday, January 14, 2011

Ghi vội ở Hà Nội (2)

Suốt tuần vừa rồi, đoàn trường tôi họp liên miên với các trường đại học và viện nghiên cứu ở Hà Nội. Ngày nào cũng từ sáng đến tối; có hôm hơn 10h đêm mới về (vì đi hát karaoke với sinh viên). Mệt nhưng vui.

Đoàn từ San Jose sang có 5 người - Phó hiệu trưởng của trường lớn, Dean của trường khoa học và nghệ thuật ứng dụng bên trong trường lớn, Giám đốc trường công tác xã hội, một giảng viên khác trong khoa CTXH, và tôi. Ngoài chuyện là người Việt Nam, thì tôi cũng trẻ nhất đoàn - và đều cách những người còn lại ít nhất là 20 tuổi. Cho nên cũng hay xảy ra trường hợp là khi đoàn bước vào phòng làm việc với đoàn của trường từ phía VN, thì trừ khi đã gặp tôi lần trước, những người từ phía VN thường mặc định tôi là cô phiên dịch đi cùng hoặc một cương vị gì đó tương tự, chứ không phải tư cách một thành viên và đồng nghiệp trong đoàn Mỹ. Có khi họ bắt tay cả bốn người kia mà không bắt tay tôi. Cho đến khi hai bên chủ và khách đã yên vị, và phía chúng tôi giới thiệu từng người trong đoàn, trong đó tôi được giới thiệu là "giáo sư" hoặc "giảng viên" của trường đại học bên kia, thì phía VN mới "à", "trẻ quá chết chết"...

Tôi có chạnh lòng không? Mấy năm trước thì có thể là có một chút. Nhưng bây giờ thì nói thực là không - hoàn toàn không. Những điều này là những điều không cơ bản. Bạn được gọi bằng cái gì không quan trọng. Người ta có bắt tay bạn không không quan trọng. Người ta để bạn ngồi mâm nào trong các cuộc tiếp khách cũng không quan trọng. Cái quan trọng là bạn ở đây và những điều mà bạn sẽ làm. Cá nhân tôi thấy may mắn vì mình là một phần trong những thứ đang diễn ra ở VN với ngành công tác xã hội. Bằng cấp, chức vụ, vị trí, xuất thân không có nghĩa lý gì so với sản phẩm và cái tác động thực sự mà một người tạo ra. Và ngay cả lời nói cũng rẻ tiền nốt.

Saturday, January 08, 2011

Ghi vội ở Hà Nội

Tôi mới về Hà Nội được mấy ngày. Ngày 1, tôi ngồi hết một buổi chiều ở một hàng cắt tóc để cắt tóc. Cô bé gội đầu khoảng 18 tuổi, hỏi:
- Chị gội đầu kiểu gì?
Lần này thì tôi biết nói "Gì cũng được em ạ". Lần trước - tức mùa hè vừa rồi - cũng ở hàng cắt tóc này và cũng với câu hỏi này, tôi ngớ ra không hiểu "kiểu" ở đây là gì.

"Lẽ ra em phải bảo chị muốn gội đầu kiểu trường phái Chicago" - một người bạn đùa tôi như vậy khi tôi kể lại.

Quả thật là lúc đó, tôi cũng tưởng tượng một cái gì tương tự như vậy - có thể là các hàng gội đầu bây giờ có gội đầu ấn tượng, gội đầu tân cổ điển, gội đầu lập thể, gội đầu hậu hiện đại, gội đầu hiện sinh, gội đầu giải cấu trúc, gội đầu tối giản, gội đầu hiện thực phê phán hoặc ít nhất cũng gội đầu 2 nước, gội 3 nước, gội xả mát xa rửa mặt combo hay gì gì đó mà tôi không biết. Lúc ấy lúng túng và đã đang trong tư thế nằm trên ghế, mắt nhắm lại, tôi đành nói chung chung:
- Chị gội đầu bình thường, gội để cắt tóc thôi em ạ.
Ý tôi là em chỉ cần xả nước và gội qua một chút để cắt cho dễ - vì trong 10 năm qua thì những người cắt tóc cho tôi tại Mỹ bao giờ cũng chỉ mất 5 phút để xả nước và gội qua trước khi cắt tóc.

Em bé gội đầu vẫn kiên quyết:
- Vầng, nhưng chị gội kiểu gì?

Tôi bí quá:
- Thế em có những kiểu gội gì?

Em nói:
- Bọn em có Sunsilk, Pantene với Clear.

Ra thế. Cảm giác phải học lại về một nơi vốn thân thuộc với mình bắt đầu từ những thứ nhỏ trở đi là một cảm giác thú vị. Mà có lẽ phải nói là cảm giác quý giá. Từ góc độ người kể chuyện, tất cả những điều có thể làm nên “nghĩa” và “thực tại” ở tầng bên dưới của sự kể và minh họa đều là những thứ quý giá với người viết. Cho nên đối với tôi, mỗi lần về Hà Nội thời gian gần đây là một lần quý giá – quý giá vì sự thân quen và xa lạ của nó, quý giá vì được bắt đầu lại, được thấy sự bề bộn và liên tục chảy trôi ở đây, sự nghiễm nhiên của những thứ không bao giờ là nghiễm nhiên ở Mỹ… như những mỏ vàng cho người viết.
Một khi bạn đã là người viết văn, bạn sẽ không bao giờ ngừng là người viết. Bạn viết cả trong lúc nghe cô gái gội đầu nói “Vầng, nhưng chị gội kiểu gì?” Bạn viết cả trong lúc bạn nằm ngửa trên ghế để cho cô gái đó xả nước, xoa xà phòng, gãi đầu cho bạn, lật đầu bạn sang bên để gãi bên phải, rồi lật đầu bạn sang bên để gãi bên trái bằng những động tác tay uyển chuyển đến mức không hề có sự đứt gãy giữa gãi, lật, xả nước. Và bạn tiếp tục viết trong lúc cô gái đó lại xả nước lần 2, rồi lại xoa dầu gội, lại gãi, lại xả nước, lại xoa dầu, lại gội. Bạn viết bằng sự ghi nhận cái lúng túng của bạn trước một câu hỏi bình thường “Chị gội đầu kiểu gì?” Và trong sự ghi nhận thấm thía, bình tĩnh những cảm giác không chỉ ở trên da đầu bạn khi tiếp xúc với nước ấm, với một đôi bàn tay khác, với sự uyển chuyển đã nói trên, mà với những thứ khác nữa. Ví dụ của "những thứ khác" đó là việc bỗng nhận ra mồn một cái xa lạ và lưu vong về tâm lý của những người sinh ra và lớn lên ở một nơi, nhưng sinh sống và lập nghiệp ở một thế giới khác. Những chuyện này, nếu coi giản đơn thì chỉ là những lựa chọn và vào bất cứ lúc nào, nếu muốn, người ta đều có thể chấm dứt nó bằng cách lựa chọn chấm dứt nó. Nhưng nếu coi nó là phức tạp thì nó cũng rất phức tạp. Cả sự giản đơn và phức tạp đều là một phần của cái làm nên thực tại và cuộc sống con người.
Nếu nhận ra như thế thì ở Hà Nội bây giờ, phải viết 24/24 mới đủ thời gian. Ở Hà Nội bây giờ, ở Việt Nam bây giờ, cuộc sống cứ ứa ra, túa ra lênh láng như nước từ một đường ống chẳng may bị những người đặt cáp làm đường bổ vỡ vậy.