Wednesday, February 23, 2011

Ghi vội ở Hà Nội (7): Lại đi

- Thưa thầy, trong trường hợp đó thì nên làm thế nào?
- Thuận theo tự nhiên mà làm.
- Nhưng có hai loại tự nhiên - cái tự nhiên thô sơ theo dục vọng, có thể đi đến lầm lạc, và cái tự nhiên của Đạo; vậy làm sao để...
- Thuận theo cái tự nhiên của Nghiệp.
- Làm sao biết đó là tự nhiên của Nghiệp?
- Khi nào cô giáo không cưỡng lại được thì cô biết đó là tự nhiên của Nghiệp

===========
Trong lần về Hà Nội này, một trong những điều làm tôi vui nhất là những lần đến chùa TN chơi với đại đức TMT. Tôi biết thầy từ mùa hè trước vì thầy là một trong những học viên của lớp bồi dưỡng công tác xã hội sau đại học mà tôi giảng ở ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Đến chùa chơi lần nào tôi và các học viên cũ của lớp đó cũng ăn cơm chay với thầy, nghe thầy nói chuyện; nhờ đó tôi hiểu thêm một số thứ tôi vốn chỉ lờ mờ hiểu khi trước. Ví dụ năm 2004, tôi viết Phù Phiếm Truyện chỉ xuất phát từ câu nói của người bạn: "đời thế là không có gì sướng bằng". Lúc ấy, tôi chỉ có cảm giác lờ mờ rằng hình như trong phát ngôn đó có gói tất cả các vấn đề của đời người: người ta xuất phát từ cái tâm so sánh "bằng" hay "không bằng" trong "sướng/khổ" về "gì" tức là mọi thứ trên thế gian, mà sinh ra mọi thứ hỉ nộ ái ố. Lần này, tôi được thầy giải thích mọi thứ rõ ràng và thấu đáo hơn. Dĩ nhiên tôi không thể nói lại được những gì thày nói; tôi ghi lại điều này ở đây chỉ để khẳng định một điều là kiến thức quan trọng nhưng tầm đạo có lẽ còn quan trọng hơn. Tầm đạo ở đây là đi tìm sự thật.
=============

PHÙ PHIẾM TRUYỆN

Để trêu K.
Lời tác giả: Truyện này tôi viết trêu một người bạn; vì bạn này viết một câu là “Buổi tối tĩnh lặng một tí, các ấy lên gác thượng nghe bản này (một bản nhạc trong phim Điện Biên Phủ) bằng đôi loa ngon ngon, cộng thêm ly Gin, điếu Marl cầm tay, gái (im lặng) ngồi cạnh, trăng sao rì rào, nghe mà lòng miên man nghĩ về thời cuộc, đời thế là không có gì sướng bằng.”. Người bạn tên Kiên, nên phóng tác nhân vật trong truyện là K.
***

Để có mặt tại sân thượng một quán cà-phê với rượu Gin, thuốc Marl và “gái” vào một tối cuối tuần, K phải rời khỏi nhà.

K mới 25 tuổi, đẹp trai, có học, và chưa vợ. Rời khỏi nhà vào tối thứ Bảy - điều này nghe có vẻ hiển nhiên.
*
Để ra khỏi nhà, thường cần có một lý do. Đi làm. Đi sinh nhật bạn. Đi chợ. Đi có hẹn. Đi chơi. Vân vân…

Đôi khi người ta ra khỏi nhà vì không có lí do gì để ngồi ở nhà.

Không có lí do là một tình trạng đáng sợ với hầu hết những người có một chút tự nhận thức. Sự vắng lặng của suy nghĩ hoặc suy nghĩa thường làm cho người ta hoảng sợ.
*
Nghĩa (meaning) là sản phẩm của suy diễn nội tâm hơn là thực tại. Nhân-quả là cái chỉ tồn tại trong thế giới tư duy; chứ thường không quan sát trực quan được. Sự mô phỏng hoặc suy diễn về nhân quả thì có.

Theo một nghĩa nào đó, thế giới này là một tổng thể chắp vá các mô phỏng của thế giới tư duy.
*
K không đi một mình mà đi với một người bạn gái. Thống kê 1 cho thấy 99,9% những người ở độ tuổi 25, đẹp trai và chưa vợ, thường ra khỏi nhà vào tối thứ bảy cùng với một ai đó; hoặc có thể ra khỏi nhà một mình nhưng sẽ gặp một ai đó. Chỉ có 0,1% không gặp ai. Số 0,1% này thường bị coi là “lập dị” và/hoặc “thiên tài” .
Sau nhiều hành trình vòng vèo, K và người bạn gái có mặt ở trên sân thượng một nhà hàng. K không biết nhà hàng này. Người bạn gái dẫn anh tới đây vì - theo lời cô ấy - “nó lạ”. “Lạ” - sau này K nhận ra - vì nó nằm trên một sân thượng hẻo lánh, bàn ghế không phải là ghế gỗ hay ghế sắt Xuân Hoà; bài trí có cả tranh của Thành Chương 2 lẫn ảnh Kurk Cobain 3 và Che Guevara 4. Nhạc lạ. Khách lạ. Đồ uống không ở trong những cái cốc thuỷ tinh Trung Quốc trắng và cao thông thường. Đèn treo cũng lạ. Cây cảnh treo cũng lạ. Vân vân. Trăm nghìn thứ lớn nhỏ khác nhau…
“Lạ” là một thứ “giá trị gia tăng”, không có hình thù cụ thể nhưng có thể truy dấu qua hoá đơn tính tiền khi K trở về nhà. Một ly Gin ở đây đắt hơn X đồng so với cái quán Dilmah lỗi thời ở đầu phố. K không thực sự thấy tiếc. Bởi vì người bạn gái đã có vẻ rất hứng khởi.
*
Hầu hết những người nghèo bình thường lo lắng về thiếu ăn. Hầu hết những người-có-học-bình-thường lo lắng về sự tầm thường. Khác biệt là cái họ tìm kiếm. Họ hưởng thụ sự nhận-thức-về-cái-khác-biệt và cả sự tìm-kiếm-cái-khác-biệt. Đôi khi họ bị đánh bẫy trong chính sự say sưa của mình.

Một số người - ở cuối hành trình này - nhận ra một sản phẩm phụ mà họ đã không chờ đợi: nhận ra rằng sự khác biệt của họ - đôi khi có tên là “vĩ đại” - không có cái ngang xứng tầm vóc trong thế giới này và (có lẽ) chẳng để làm gì. Kết quả của nhận thức này đôi khi là sự tự tử. Thuật ngữ khoa học gọi là “Phá sản sự sống”, tiếng Latin là Lifeahueyoscnhuqón 5.
*
Gin – cũng giống Vodka - được làm từ nước và rượu chưng cất nguyên chất, pha thêm vị. Người ta làm rượu bằng cách cho lên men ngũ cốc hoặc hoa quả (thường là nho); rồi sau đó chưng cất bằng quá trình đun sôi-bay hơi thông thường.

Marl là tên tắt của Marlboro - loại thuốc tiêu thụ số 1 thế giới. Thống kê ở Mỹ cho thấy Marl là thuốc của giới trung lưu da trắng. Trong số những người da trắng hút thuốc thì 60% hút thuốc Marl; trong khi đó chỉ có 6% dân da đen hút thuốc là hút loại này. 82% dân da đen hút Newport 6. Quảng cáo thuốc Marl cho nam - từ đầu - đã là những chàng cao bồi da trắng quất ngựa chạy trên thảo nguyên. Theo quy ước: bạn hút thuốc Marl, (cho nên) bạn nam tính, ít nhất cũng trung lưu, bạn tự chủ và có lẽ là “hay” .

K không say mặc dù Gin anh uống khá nặng. K không thể say vì K còn mải nghĩ. K nghĩ đến nhiều thứ; những thứ không tồn tại ở xung quanh trong vòng bán kính 10 mét. Người ta chỉ say khi uống mà không nghĩ. Khi người ta nghĩ, người ta không say được.

K nghĩ về thời cuộc. Công việc của K ở toà soạn khiến K tiếp xúc với đủ loại tin tức thế giới hàng ngày. K có cảm giác như thế giới này đang phát điên. Cứ nhìn ảnh một cô ả cai tù tươi cười thòng dây xích chó vào cổ một tù nhân trần truồng rồi lôi đi quanh trại giam, thì còn có thể nghĩ gì hơn ngoài việc cho rằng cô kia đã phát điên một cách có điều kiện? 7

Điên loạn có điều kiện. K nghĩ đến những thí nghiệm kinh điển của Paplov 8 về phản xạ có điều kiện; rồi đến những thí nghiệm sau này của Watson 9; không khỏi nhận ra rằng loài người đã được tập cho sự điên loạn và tê liệt khi nhìn thấy sự điên loạn.
Chó tiết nước bọt khi đèn sáng. 10

Người lên cơn điên khi thấy người khác…

Qua hàng ngàn năm, loài người chẳng tự do thêm mấy về mặt tư tưởng mà chỉ được giải phóng thêm về cơ bắp. Đời sống này vẫn nguyên dạng…
*
Vô thường
*
Nếu được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, một con chuột bạch có thể sống trong một cái lồng thí nghiệm chật hẹp cho đến lúc chết một cách bình thường.11
Nếu được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, một người sẽ ngồi được ở nhà bao lâu mà vẫn thấy “bình thường”? 12
*
Người bạn gái của K yên lặng từ đầu. K không đoán được ý nghĩ của nàng. Nhưng nàng có vẻ hài lòng - thế là được rồi. K thích nàng. Nàng xinh xắn và khéo léo. Nàng hồn nhiên thụ hưởng sự được-đi-chơi-cùng-K vào một tối thứ Bảy. K lén quay sang nhìn nàng. Nàng đang mơ màng một điều gì đó; ánh mắt vui vui tản mát ở phía xa. K vội quay đi. Tiếng nhạc từ đôi loa Bose - một bài hát tình yêu - làm cho K không lộ tẩy. Cứ như thể nó đang thay K tâm sự với nàng.

Không có âm thanh, con người biết làm gì với ý nghĩ của mình?
*
Không kể loài người, các con đực của các loại động vật có vú chỉ thực hiện các hoạt động “cưa”, “tán”, “hẹn hò”, “cặp”, “bồ bịch” “gây ấn tượng” vào một mùa nhất định trong năm. Hoạt động này thường chỉ hạn chế ở việc dùng âm thanh ghẹo cái, đánh nhau tranh cái, nhảy cái. Chấm hết. Không đi kèm trách nhiệm sau cưa/tán/hẹn hò/cặp/bồ bịch; cũng không có ý thức trách nhiệm trước cưa/tán/hẹn hò/cặp/bồ bịch. Một tiến trình tự nhiên hoàn hảo.

Phần lớn thời gian còn lại trong năm, động vật có vú bậc cao chỉ phân biệt giữa thời gian săn mồi và nghỉ ngơi. Chúng không phân biệt ngày thường và cuối tuần; không có Gin, không có Marl, không có gái ở cạnh. Chúng không biết thế nào là “không có gì sướng bằng”.

“Gì” là một khái niệm xa lạ với thế giới tự nhiên.

“Bằng” là một khái niệm xa lạ với thế giới tự nhiên
*
Sự tự ý thức về sự phù phiếm cuối cùng thường cũng không ngăn được bản thân sự phù phiếm.
Sự tự nhận thức về khả năng nhận thức rút cục (thường) cũng không ngăn được vô thức.
*
11 giờ đêm K đưa bạn gái về nhà. Cô gái không dám đi lâu hơn giờ giới nghiêm của Mẹ. Tối thứ Bảy như vậy là hoàn hảo.

Trước khi đi ngủ, K. kiểm tra email và đọc tin cuối ngày.

Internet kéo con người lại gần; đồng thời bóp méo không gian và thời gian truyền thống; bóp méo nhịp sống của con người. K cảm thấy giấc ngủ bây giờ nặng nề hơn vì khi ngủ, K bị đẩy ra ngoài dòng chảy thác loạn đang diễn ra bên ngoài. Nỗi sợ bị bỏ rơi thường trực cả trong giấc ngủ. Buổi sáng nào cũng thế, việc đầu tiên K làm là kiểm tra email và đọc tin tức để yên tâm rằng mình vẫn còn tồn tại. Và, quan trọng hơn, mình “đang kết nối”.

K lên giường. K từ chối những ý nghĩ đang chạy nhảy trong đầu. K từ chối những chuỗi so sánh đang trỗi lên một cách khó cưỡng lại.
*
Những tiếng nói của một con người có thể một đời không bày tỏ hết. Bóng dáng của chúng lấp loá ở đây đó; đôi khi xấu tồi tệ so với cái mà chúng định thay thế. Sự vật lộn của con người là đáng quý nhưng bản thân sự vật lộn cũng không thể là cứu cánh khi sản phẩm của sự vật lộn vẫn chỉ là những miếng vỡ phù phiếm của tư tưởng.

K nghĩ về thế giới rộng lớn mà chẳng có chốn dung thân.

K nghĩ thứ Bảy tuần tới, có lẽ K sẽ ngồi nhà xem chương trình Thế Giới Động Vật.
Nhưng K sẽ giải thích thế nào với thế giới đây? K mới 25 tuổi, đẹp trai, có học, và chưa vợ.

Cần quá nhiều dũng cảm và nhận thức để có thể sống một cuộc sống thực sự trong thế giới này.
[1] Thống kê này do tác giả bịa ra.
[2] Thành Chương: hoạ sĩ Việt Nam đương đại có tiếng.
[3] Kurt Cobain: thành viên đứng đầu ban nhạc Rock nổi tiếng Nivarna.
[4] Che Guevara: một trong những thủ lĩnh cách mạng ở Cuba cùng thời với Fidel Castrol; một biểu tượng của tự do và nhiệt tình tuổi trẻ.
[5] Từ này do tác giả bịa ra bằng cách gõ vớ vẩn lên bàn phím.
[6] Từ này do tác giả bịa ra bằng cách gõ vớ vẩn lên bàn phím.
[7] Lấy ý từ ảnh chụp các cai tù nữ người Mỹ đối xử với tù binh Iraq trong vụ việc ầm ĩ hồi năm 2004.
[8] Paplov: nhà khoa học người Nga đã xây dựng khái niệm phản xạ có điều kiện và vô điều kiện dựa trên các thí nghiệm về sự tiết nước bọt của chó khi thấy đèn sáng.
[9] Watson: một nhà khoa học Mỹ, người nghiên cứu hành vi của con người như các phản xạ dựa trên các kích thích của môi trường.
[10] Watson: một nhà khoa học Mỹ, người nghiên cứu hành vi của con người như các phản xạ dựa trên các kích thích của môi trường.
[11] Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm trên chuột bạch và thấy chúng có thể sống trong một cái lồng thí nghiệm nhỏ một cách “bình thường”, không có các biểu hiện điên loạn hoặc suy sụp thể chất.
[12] Theo như các thông tin mới nhất thì thời gian lâu nhất mà một người có thể giam mình trong một căn phòng ở dưới lòng đất, đầy đủ thức ăn, thậm chí có cả TV, nhưng không được tiếp xúc với bất kỳ ai là 40 ngày. Sau đó thì người kia không thể chịu đựng tiếp được.

Friday, February 11, 2011

Ghi vội ở Hà Nội (6): Bươm bướm

Nhà văn có một nỗi khổ hơn các nhà khác là không thể nói về nghề của mình trong lúc mình đang làm nghề. Họ không thể nói gì cả - về quá trình viết, về nhân vật, về câu chuyện, về mọi thứ diễn ra trong quá trình viết một tác phẩm. Họ chỉ có thể đứng rất im trong lúc đó. Nó rất giống như bắt một con bươm bướm; phải đứng rất im mới hy vọng bắt được nó.

Ở Hà Nội những ngày này, tôi cũng đứng im. Cùng lắm, tôi chỉ có thể nói là tôi không thể nói gì. Bởi vì cả Hà Nội bây giờ là một cái cười, một câu chuyện đùa, một tiếng kêu và một tiếng thở dài khổng lồ mà tôi đang cố nắm lấy. Tôi chỉ có 2 mắt, hai tai, và hai tay, và chừng ấy thời gian trong một ngày để sốngviết. Lúc nào cũng chìm trong cảm giác mình đang bơi trên một biển vàng, mọi nỗ lực thu vén của mình đều hết sức nực cười. Mà mình thì không thể ngừng bơi hoặc ngừng thấy vàng là quý giá.

Đấy, vàng hôm nay đã vọt qua ngưỡng 36 triệu rồi.

Wednesday, February 02, 2011

Ghi vội ở Hà Nội (5): Tất niên


Sau ba tuần về Hà Nội, ngày hôm nay tôi có thể nói chính xác câu mà tôi đã viết cách đây mấy năm trong truyện ngắn "Những ngày ở Việt Nam":

"Rồi thì nắng cũng hửng lên sau đợt rét dài"

Hôm nay, Hà Nội có nắng. Nắng rất ấm, vàng. Buổi chiều, tôi đi vào phố với một người bạn xem chiều 30. Từ Đội Cấn lên Nghi Tàm, trở lại Lý Thái Tổ, qua bờ Hồ, đường phố rộng thênh thang, không xe cộ, không tiếng còi, không tiếng nhạc. Kể cả Hàng Bạc, Hàng Đào, Đinh Liệt cũng chỉ còn là các con đường với những cửa hàng đã kéo kín cửa sắt. Ai cũng đã về nhà, làm cơm cúng tất niên, để chờ năm mới sang.

Năm mới mọi sự tốt lành.

Tuesday, February 01, 2011

Ghi vội ở Hà Nội (4)

Hôm qua có người bạn nhắn một dòng tin offline cho tôi và chắc cũng cho nhiều người khác - trích từ bài phỏng vấn Hồng Nhung về Trịnh Công Sơn: "Yêu được nhau là quý lắm, trong đời này, nếu bạn yêu được một ai (không chỉ là tình yêu đôi lứa), hãy yêu ngay vì biết đâu, ngày mai sẽ muộn. Cái lòng của mình mở sẵn thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều."

Tôi nhắn lại: "Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết đại ý: những tình yêu vĩ đại nhất trên đời thường có vẻ ngoài của một sự thờ ơ".

====
Hôm nay Hà Nội vắng. Thành phố vơi đi một nửa - những người về quê ăn Tết. Ở Hà Nội những ngày này, tôi hầu như không nghĩ gì cả. Đầu óc tiệm cận trạng thái không suy nghĩ. Nó cũng giống như là sự thờ ơ vậy. Nhưng thật ra, trong lòng tôi rất vui và tôi rất yêu mọi thứ - mặc dù tôi cũng chẳng biết là thứ gì, mà cũng chẳng quan trọng; đại khái là yêu; yêu vô hướng; yêu mà không có đối tượng nào cả; yêu chẳng buồn nói ra nữa.