Sunday, August 28, 2011

Cánh cửa mở rộng



Họp báo ra mắt tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng từ 9h đến 10:30 sáng thứ Năm vừa rồi. Buổi chiều, lúc chỉ có hai anh em, tôi nói với anh Châu:
- Anh hiền thật.
- Hiền quá à?
- Không, không hiền quá, nhưng lúc nào anh cũng nhẹ nhàng, dễ chịu. Làm sao lúc nào anh cũng có thể nhẹ nhàng thế nhỉ?
- Anh cũng phải tập đấy. Mình phải tiết kiệm năng lượng; cái gì không cần thì cầu kỳ làm gì cho phí sức.

Nếu là trong phim chưởng Hồng Kông, tôi sẽ phải quỳ sụp xuống lạy tạ sư phụ đã gia ân truyền cho bí kíp võ công thượng thừa. Nhưng vì đây không phải phim chưởng nên tôi chỉ lặng im, trong lòng hân hoan không sao tả xiết.

Đối với tôi, nghe được câu này là cả buổi họp báo thành công rồi.

***

Một số bạn hỏi về năm cuốn sách sẽ phát hành vào đợt đầu tiên của tủ sách, tức tháng 11, tôi xin được nói rõ. Năm cuốn này là:

1. Rene Leys: người tình trẻ trong Tử Cấm Thành - tác giả Victor Segalen.
2. Những cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils - tác giả Selma Lagerlof
3. Phải trái đúng sai - tác giả Michael Sandel
4. Cơ học toán - tác giả Mark Levi
5. Chuyện chúng ta bắt đầu - tác giả Tobias Wolff

Tôi sẽ post bìa sách và lời giới thiệu lên dần.

Một số bạn hỏi tại sao blog của tôi không để chế độ comments; tại vì hiện tại tôi rất nhát, các bạn thông cảm.

Sunday, August 21, 2011

Họp báo về tủ sách Cánh cửa mở rộng


Ngày thứ Năm tuần này, 25-8, NXB Trẻ tổ chức một buổi họp báo giữa anh Ngô Bảo Châu, tôi, và một số dịch giả của tủ sách Cánh cửa mở rộng tại Tp Hồ Chí Minh. Bạn nào có điều kiện xin mời đến dự.

Thời gian: 9h sáng, ngày 25-8-2011.

Địa điểm: Nhà văn hóa Thanh Niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Nội dung: Lễ ký kết, công bố về tủ sách Cánh cửa mở rộng và giao lưu với những người làm tủ sách.

Tháng 11 này, tủ sách sẽ ra loạt sách đầu tiên gồm 5 cuốn.

Tuesday, August 16, 2011

Một thế giới hậu-ý-tưởng?


Trong bài báo này trên tờ New York Times, Neal Gabler gợi ý rằng chúng ta đang sống trong một thế giới hậu-ý-tưởng (an increasingly post-idea world) - ở đó, những ý tưởng lớn, độc đáo mà không lập tực sinh lời sẽ có ít giá trị đến nỗi không mấy người buồn theo đuổi chúng và cũng có ít các nguồn phát tán các ý tưởng này.

Neal cho rằng các tiến bộ công nghệ (nhất là Internet) đang làm chúng ta coi trọng việc biết (knowing) hơn là việc nghĩ (thinking). Và do đó mà xã hội loài người đang đi ngược dòng trong quá trình phát triển: tức là chúng ta ít tư duy hơn mà có xu hướng quay đầu tin nhiều hơn - giống như thời trung cổ. Neal gọi con người ngày nay là những kẻ ái-thông-tin (information narcissists). Thế giới này rồi sẽ có hàng núi thông tin, không có gì là chúng ta không biết, nhưng mà sẽ chẳng có mấy ai nghĩ về những gì chúng ta biết.

what do you think?

Thursday, August 11, 2011

Wednesday, August 03, 2011

Vietnam


Stan, sinh viên của tôi trong chương trình học hè vừa rồi, có viết về khóa học hè Việt Nam trên trang chủ website của trường. Stan cũng có một website ảnh về chuyến đi Việt Nam.

Buổi tối cuối cùng đoàn chúng tôi ở Sài Gòn, trời mưa như trút nước. Lúc hơn 6h, tôi đưa Stan - sinh viên cuối cùng rời VN - đến nhà một người bạn của tôi ăn tối, rồi sau đó ra sân bay. Ngoài đường, gạt nước của xe taxi đã gạt hết cỡ mà vẫn không thể thấy rõ đường; chỉ thỉnh thoảng có những lằn chớp rạch ngang trời, soi sáng những khối nhà lởm chởm dọc đường từ quận Nhất sang quận Hai.

Trong xe taxi, Stan lấy iphone ra quay con đường phía trước mặt; rồi lại kề ống kính vào cửa sổ xe để quay những đường phố loáng nước và những người trùm áo mưa, co chân lên bệ xe chạy xé qua những vũng nước đang dâng cao. Xe rung và kính xe nhòe nước, cộng với trời tối nên màn hình chỉ có những mảng đen thẫm và vài đốm đèn xe nhòe nhoẹt cộng với tiếng cần gạt nước kin kít và những tiếng còi xe âm âm trong tiếng mưa đập xối xả trên nóc xe. Có một lúc, màn hình không có gì ngoài những dải ánh sáng méo mó. Nhưng tôi đoán cái mà Stan muốn lưu lại không phải là những thứ đang hiện hữu. Hình có rõ hay không không thực sự quan trọng.

Trong ba tuần đưa sinh viên đi, tôi học được nhiều điều, mà lớn nhất là học cách nhìn lại VN qua con mắt của họ, những người hầu hết chưa đến VN, chưa ra khỏi Mỹ. Là người Việt Nam, tôi biết cái mà các sinh viên của tôi nhìn thấy trong 3 tuần dĩ nhiên không hẳn là chính xác, nhưng tôi cũng phải tự nhắc nhở mình rằng cái mà tôi nhìn thấy trong 30 năm làm người VN chưa chắc đã chính xác và chưa chắc chính xác hơn. Mà nói chính xác có khi khó, đôi khi vấn đề là ta lựa chọn cách nhìn nào cho có nghĩa (ít nhất là với ta) hơn.


Ảnh minh họa chụp bằng điện thoại ở tòa thánh Tây Ninh - một buổi lễ của đạo Cao Đài.