Friday, March 23, 2012

Nơi dòng sông chảy qua - phần 3






Vì thế, tôi và em tôi đã học quăng câu theo kiểu Trưởng lão, bằng chiếc máy giữ nhịp của mẹ tôi. Nó từng được đặt trên một chiếc đàn dương cầm ở dưới phố khi cha tôi mua nó. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại đứng ở đầu hồi ngó xuống bến tàu, lo lắng tự hỏi không biết chiếc máy có nổi được không nếu nó rơi xuống nước. Trong lúc mẹ tôi quá lo lắng đến nỗi bà chạy thình thịch ra bến tàu để đòi lại nó thì cha tôi vỗ tay theo nhịp bốn với hai bàn tay khum.

Cuối cùng, ông cho chúng tôi làm quen với tài liệu về đề tài này. Ông luôn luôn cố gắng nói điều gì đó thật kiểu cách khi gài nút chiếc găng trên bàn tay quăng câu. Ông bảo với chúng tôi, khi em trai tôi được mười ba hay mười bốn tuổi gì đó rằng: “Izaak Walton không phải là một nhà văn đáng kính. Ông ta là một người Tân giáo[1] và là một người câu cá bằng mồi sống”. Mặc dù Paul nhỏ hơn tôi ba tuổi nhưng nó đã vượt xa tôi về mọi mặt liên quan đến câu cá, chính nó đã tìm ra một bản sách The Compleat Angler (Người câu cá hoàn hảo) trước nhất và nói với tôi: “Gã khốn đó thậm chí còn không biết viết chữ “complete” (hoàn hảo). Ngoài ra, gã còn đưa vào sách những bài ca để hát cho các cô thợ vắt sữa bò nghe”. Tôi mượn cuốn sách đọc, rồi bảo nó: “Một số bài hát cũng hay”. Nó nói: “Có ai trông thấy một cô thợ vắt sữa bò bên dòng Blackfoot Lớn chưa? Em muốn thách gã đó đi câu thi với em một ngày ở sông Blackfoot Lớn”.

Paul rất giận dữ, và tôi không bao giờ nghi ngờ rằng nó sẽ thắng cược gã Tân giáo kia.

Khi bạn ở tuổi thiếu niên – mà có lẽ là trọn cuộc đời – việc bạn lớn hơn em trai bạn ba tuổi thường làm cho bạn cảm thấy nó là một thằng nhóc. Tuy nhiên, lúc đó tôi đã biết rằng em tôi sẽ trở thành một bậc thầy về câu cá. Ngoài việc được huấn luyện tốt, nó còn có đủ mọi thứ cần thiết khác – tài năng, sự may mắn, và có thừa sự tự tin. Ngay lúc ở tuổi ấy, nó đã thích đánh cược với bất cứ ai đi câu cùng nó, trong đó có cả tôi là anh trai nó. Đôi khi buồn cười và đôi khi chẳng buồn cười chút nào khi thấy thằng nhóc luôn muốn đánh cược và gần như chắc chắn sẽ thắng. Mặc dù lớn hơn nó ba tuổi, tôi vẫn không cảm thấy đủ lớn để đánh cược. Tôi cho rằng việc đánh cược chỉ dành cho những người đàn ông đội mũ rơm trật ra phía sau gáy. Vì thế, tôi đã bối rối và lúng túng ở những lần đầu tiên khi nó hỏi tôi có muốn “đánh cược một số tiền nhỏ để làm cho cuộc chơi thú vị hơn” không. Lần thứ ba, nó hẳn phải làm tôi tức giận, bởi vì sau đó nó không bao giờ nói với tôi về vấn đề tiền bạc nữa, thậm chí không bao giờ mượn vài đô la ngay cả khi nó gặp vấn đề thật sự về tiền bạc.

Chúng tôi phải rất giữ gìn trong quan hệ với nhau. Tôi thường nghĩ nó là một thằng nhóc, nhưng tôi chưa bao giờ có thể đối xử với nó theo cách đó. Nó chưa bao giờ là “thằng nhóc em tôi”. Nó là một bậc thầy của nghệ thuật câu cá. Nó không bao giờ thèm xin lời khuyên, tiền hay sự giúp đỡ của ông anh, và cuối cùng thì tôi cũng không thể giúp nó.

Một trong những điều đầu tiên anh em trai cố gắng phát hiện là sự khác biệt giữa chúng, vì thế một trong những điều mà tôi nhớ lâu nhất về Paul là việc nó thích đánh cược. Nó có thể đến các hội chợ của quận và giả như đang cá cược ngựa đua, giống như người lớn, nhưng không sòng cá ngựa nào cho nó tham gia, bởi vì nó đặt cược quá ít và còn quá nhỏ tuổi. Khi bị từ chối, nó sẽ nói như đã nói về Izaak Walton hay bất cứ ai mà nó xem là kẻ thù: “Em muốn thách gã khốn ấy câu thi một ngày ở sông Blackfoot”.

Khi đã ngoài hai mươi, em trai tôi chơi những ván stud poker[2] lớn.



[1] Episcoplian – xem chú thích trang XX.

[2] Một thể thức phổ biến của bài xì phé (poker) – một lối chơi bài với nhiều người chơi, mỗi người năm lá bài. Những người chơi sẽ tố vào (pot), mục tiêu là kiếm được nhiều điểm hơn mà không để cho các người chơi khác biết được bài mình. Trong stud poker, những người chơi không đổi bài cho nhau.

Thursday, March 22, 2012

Nơi dòng sông chảy qua - phần 2







Tôi và em trai hẳn đã thích học câu cá bằng cách cứ ra sông và câu lấy vài con, bỏ qua toàn bộ những thứ “khó nhai” hay các vấn đề kỹ thuật làm cho việc đi câu bớt vui đi. Nhưng chúng tôi không làm quen với môn nghệ thuật của cha tôi cho vui. Nếu cha tôi có quyền, ông sẽ không cho phép ai không biết câu cá dám “làm nhục” cá bằng cách câu chúng. Vì thế, bạn cũng sẽ phải học nghệ thuật câu cá kiểu Trưởng lão và Thủy quân lục chiến, và nếu bạn chưa bao giờ cầm cần câu trước đây, bạn sẽ sớm nhận ra rằng cả trên thực tế lẫn lý thuyết, con người, về bản chất, là một mớ hỗn độn chết tiệt. Thứ đồ vật nặng một trăm hai mươi tám gram quấn chỉ lụa rung động theo những cử động của cơ bắp con người cứ trở nên một que củi vô hồn, không tuân theo bất cứ điều đơn giản nào người ta mong muốn ở nó.

Công dụng của que củi ấy đơn giản chỉ là kéo sợi dây câu, đoạn cước trong và mồi giả[1] lên khỏi mặt nước, vung qua đầu rồi vụt tới trước. Cú vụt phải làm sao cho tất cả đáp xuống mà không làm động nước: mồi giả phải đáp xuống trước, đến đoạn cước nối, cuối cùng là dây câu; nếu không, lũ cá sẽ nhận ra con mồi là giả và lập tức biến hết. Dĩ nhiên, có những thế quăng câu mà ai cũng biết là khó, và đòi hỏi phải có kỹ thuật quăng câu điệu nghệ ở những nơi dây câu không thể vung qua đầu người câu vì có vách đá hay cây ở ngay phía sau, thế quăng ngang để mồi bay phía dưới những cây liễu mọc nhô ra sông, v.v... Nhưng có gì hay ho ở một cú quăng câu thẳng – chỉ là cầm lấy cần với dây câu rồi vụt qua sông?

À, trước khi là một người thuần thục, anh ta luôn luôn vung cần về phía sau quá mạnh, cũng như bình thường người ta luôn vung cây rìu hay cây gậy đánh golf quá mạnh về phía sau và phí phạm sức lực vào đó; với cần câu thì lại càng tệ hơn, do mồi giả thường bay ra sau quá xa, nó thường bị vướng vào bụi rậm hay vách đá phía sau. Khi cha tôi nói đó là thứ nghệ thuật kết thúc lúc hai giờ, ông thường nói thêm: “gần mười hai giờ hơn là hai giờ”, có nghĩa là chỉ nên vung cần câu ra sau, qua đầu một chút (thẳng ngay trên đầu là mười hai giờ).

Lúc đó, do người câu thường cố gắng quăng câu cho mạnh mà không giữ tư thế, anh ta vụt sợi dây câu ra trước, về sau, làm nó kêu vun vút, và đôi khi còn làm long mồi giả ra khỏi đoạn cước nối, nhưng sức mạnh để vụt mồi câu bé xíu qua sông không biết sao lại ném một nùi dây câu, cước nối và mồi câu ra trước mặt người câu cá có đến ba mét. Nếu người câu mường tượng được quỹ đạo vòng tròn của dây câu, đoạn cước trong và mồi giả từ khi rời mặt nước cho đến khi trở lại mặt nước, anh ta sẽ dễ quăng câu hơn. Thông thường, sợi dây câu to sẽ rời mặt nước trước và dẫn đầu, đoạn cước nối và mồi câu sẽ theo sau. Nhưng khi bay qua đầu, chúng sẽ phải cần một nhịp nghỉ để đoạn cước nối mảnh trong suốt và mồi câu có thể đuổi kịp sợi dây câu lớn lúc này bắt đầu hướng ra trước và lại đuổi theo phía sau nó; nếu không như vậy, sợi dây câu bắt đầu quỹ đạo quay trở lại sẽ va chạm với đoạn cước nối và mồi vẫn đang trên đường bay lên, như thế sẽ tạo thành một nùi dây nhợ rơi xuống nước cách người câu ba mét.

Tuy nhiên, gần như ngay khi cái thứ tự trước sau của dây câu, đoạn cước nối và mồi câu được tái lập thì nó lại phải bị đảo ngược, vì mồi và đoạn cước nối phải ở phía trước sợi dây câu to khi chúng nằm trên mặt nước. Nếu lũ cá trông thấy sợi dây câu vốn dễ lộ, thì người câu cá sẽ chỉ còn trông thấy những cái lưng đen trũi phóng đi như tên bắn, và có lẽ lúc đó, anh ta cũng nên bắt đầu đi tìm cái vũng mới. Sau đó, ở cao tít trên đầu, ở vị trí quăng câu về phía trước (góc mười giờ), người câu cá lại nhả dây.

Tất nhiên, nhịp đếm đến bốn có công dụng của nó. Nhịp một kéo dây câu, đoạn cước nối và mồi lên khỏi mặt nước; nhịp hai phất chúng gần như thẳng đứng lên trời; nhịp ba, theo cách nói của cha tôi là tại đỉnh, đoạn cước nối và mồi phải có một tích tắc nghỉ để rơi lại phía sau dây câu khi nó bắt đầu hướng về phía trước; nhịp bốn là lấy đà và thu dây vào cần cho đến khi đến vị trí mười giờ thì thả dây, để cho mồi câu và cước nối đi ra phía trước dây câu, rồi thả cho chúng đáp xuống nhẹ nhàng và hoàn hảo. Người ta quăng câu được xa không phải do dùng sức, mà là do biết được khi nào thì ra lực. Cha tôi vẫn luôn nói: “Hãy nhớ đó là một thứ nghệ thuật được biểu diễn theo nhịp đếm đến bốn, giữa vị trí mười giờ và hai giờ”.

Cha tôi rất chắc chắn về một số vấn đề thuộc về vũ trụ. Đối với ông, tất cả những điều tốt đẹp – cả cá hồi lẫn sự cứu rỗi vĩnh hằng – đều là do ơn phước, còn ơn phước thì đến qua nghệ thuật, và để có nghệ thuật thì không dễ chút nào.



[1] Câu cá mồi giả không dùng chì để tạo độ nặng khi quăng câu mà dùng bản thân trọng lượng của sợi dây câu. Vì vậy sợi dây câu (line) khá lớn và thường làm bằng dây bện, nối với sợi dây câu là đoạn cước trong và mảnh (leader) để cá không nhìn thấy, dưới cùng là mồi giả bện vào lưỡi câu được làm phỏng theo hình dạng các loại côn trùng (fly).

Wednesday, March 21, 2012

Nơi dòng sông chảy qua - phần 1



Nơi dòng sông chảy qua

tác giả: Norman Maclean

dịch giả: Nam An

Trong gia đình chúng tôi không hề có sự phân biệt rạch ròi giữa chuyện đạo và chuyện câu cá. Chúng tôi sống tại vùng hợp lưu của các con sông đầy cá hồi ở miền Tây bang Montana. Cha tôi là một mục sư dòng Presbyterian[1], cũng là một người câu cá bằng mồi giả. Ông không những tự bện lấy mồi mà còn hướng dẫn cho những người khác cách làm. Ông kể cho chúng tôi nghe về những tông đồ của Chúa là người đánh cá, rồi ông để tôi và em trai tôi tự suy ra rằng tất cả những người đánh cá giỏi nhất ở biển Galilee là những người câu cá mồi giả và thánh John, vị thánh mà chúng tôi yêu thích, là một người câu cá mồi nổi[2].

Thật sự là mỗi tuần, có một ngày được dành trọn cho việc đạo. Vào các buổi sáng Chủ nhật, tôi và em trai Paul đến trường Chúa nhật và sau đó dự lễ sáng để nghe cha chúng tôi giảng đạo, còn buổi chiều thì đi sinh hoạt hướng đạo và sau đó thì lại đi lễ chiều để nghe cha giảng tiếp. Giữa hai lễ, vào các buổi trưa Chủ nhật, chúng tôi phải học cuốn Giáo lý vấn đáp Westminster[3] trong một tiếng và sau đó, trả bài trước khi chúng tôi được đi dạo trên các ngọn đồi với ông vào lúc ông nạp năng lượng giữa hai buổi lễ. Nhưng ông không bao giờ hỏi chúng tôi quá câu đầu tiên trong sách giáo lý: “Mục đích cuối cùng của con người là gì?”. Và chúng tôi đồng thanh trả lời để một đứa có thể đọc tiếp nếu đứa kia quên: “Mục đích cuối cùng của con người là vinh danh Chúa, và để làm vui lòng Ngài mãi mãi”. Câu trả lời này có vẻ luôn làm ông hài lòng, tất nhiên là phải thế đối với một câu trả lời hay như vậy. Ngoài ra, ông nóng lòng muốn đi dạo trên các ngọn đồi để có thể lấy lại sự minh mẫn và năng lượng nhằm cống hiến cho buổi lễ chiều. Cách chủ yếu để ông lấy lại cảm hứng là kể cho chúng tôi nghe những gì ông sẽ giảng ở buổi lễ tới, lâu lâu lại xen vào những đoạn thành công nhất của lễ sáng.

Mặc dù vậy, thông thường mỗi tuần, tôi và Paul vẫn được dạy câu cá nhiều như được nghe giảng giáo lý.

Khi tôi và em trai đã trở thành những người câu cá giỏi, chúng tôi nhận ra rằng cha chúng tôi không phải là một người quăng câu cừ khôi, nhưng ông ném chính xác và điệu nghệ, và hay đeo găng ở tay quăng câu. Khi ông gài nút găng tay để chuẩn bị hướng dẫn cho chúng tôi, ông sẽ nói: “Đây là một nghệ thuật được trình diễn theo nhịp đếm đến bốn từ góc mười giờ đến góc hai giờ[4]”.

Là một người Scotland theo Cơ đốc giáo dòng Trưởng lão, cha tôi tin rằng con người, về bản chất, là một mớ hỗn độn và đã bị sẩy chân khỏi trạng thái tốt đẹp ban đầu. Không biết làm sao hồi nhỏ tôi lại có ý nghĩ họ đã bị như vậy khi ngã từ trên cây xuống. Về cha tôi, tôi không bao giờ biết liệu ông có tin Chúa là một nhà toán học không, nhưng chắc chắn ông tin rằng Chúa có thể đếm và chỉ cần bắt được vào nhịp điệu của Chúa là chúng tôi có thể lấy lại sức mạnh và cái đẹp. Không giống nhiều tín hữu Trưởng lão, ông thường sử dụng từ “đẹp”.

Sau khi cài nút găng tay, cha tôi sẽ giữ cần câu thẳng ngay trước mặt, nó sẽ rung lên với nhịp đập của trái tim ông. Mặc dù chiếc cần dài hơn hai mét rưỡi, song nó chỉ nặng một trăm hai mươi tám gram. Nó được làm bằng thân tre chẻ có xuất xứ từ tận Vịnh Bắc bộ[5]. Nó được quấn chỉ lụa màu đỏ và xanh, và lớp chỉ được quấn cẩn thận để làm cho chiếc cần tinh tế đó chắc nhưng không quá cứng và có được độ nhún.

Bao giờ nó cũng phải được gọi là cần câu. Nếu ai đó gọi là cây sào, cha tôi sẽ nhìn anh ta như một trung sĩ Thủy quân lục chiến nhìn một cậu lính mới gọi khẩu súng trường là súng lục.



[1] Trong suốt thế kỷ 16, phong trào Cải cách do John Calvin và Martin Luther lãnh đạo nhằm ly khai khỏi giáo hội Công giáo La Mã phát triển tại châu Âu. Tại Scotland, những người Cải cách đã lập ra giáo hội riêng vào năm 1560, nhưng giáo hội bị chia rẽ thành phái Trưởng lão (Presbyterian) và phái Tân giáo (Episcopalian). Phái Trưởng lão chủ trương giáo hội không chịu sự kiểm soát của nhà nước và không có giám mục. Một thế kỷ xung đột tôn giáo chỉ được kết thúc vào năm 1689, khi Nghị viện Scotland và tòa án quyết định Giáo hội sẽ theo dòng Trưởng lão. Những người Scotland di cư sang Bắc Mỹ mang theo những bản sắc tôn giáo, cũng như những tàn dư xung đột tôn giáo này (tất cả các chú thích trong sách là của người dịch).

[2] Dry fly – mồi giả được thả cho nổi trên mặt nước, khác với phương pháp câu cá bằng mồi chìm (sinking fly).

[3] The Westminster Shorter Catechism.

[4] Tức góc 30 độ và 150 độ.

[5] Bay of Tonkin – xét bối cảnh câu chuyện thì lúc đó nước ta đang dưới thời Pháp thuộc.

Tuesday, March 20, 2012

Gay quá

Chết, lâu nay cạnh tranh với các nhà văn đã mệt rồi, giờ còn phải cạnh tranh với nhà toán học nữa, gay quá.






======
Bổ sung: Phew, may quá, vừa đọc bài này trên tờ New York Times. Theo bài này thì các nhà khoa học thần kinh (neuroscientists) đã chứng minh được rằng đọc tiểu thuyết giúp phát triển trí tuệ vì khi đọc tiểu thuyết, nhất là các đoạn tả cảnh sinh động, thì não người đọc bị kích thích. Nhà toán học thì sức mấy mà viết văn tả cảnh hay được, chắc tả được 1 dòng là quay sang số :)

Sunday, March 18, 2012

Chết ở Venice - Phần 6


chương ba


Sau cuộc dạo chơi hôm ấy, nhiều bận rộn văn chương và đời thường đã giữ chân người nóng lòng đi du lịch lại München khoảng chừng hai tuần lễ. Cuối cùng ông cho người sửa soạn căn nhà ở quê hẹn trong vòng bốn tuần phải xong để mình dọn về, và vào một ngày hạ tuần tháng Năm ông lên chuyến tàu đêm đi Trieste, chỉ dừng chân ở đó hai mươi bốn tiếng đồng hồ, rồi ngay sáng hôm sau đáp tàu thủy đến Pola.

Dự định tìm một nơi khác lạ và biệt lập nhưng không xa quá, cuối cùng ông quyết định đến hòn đảo trên biển Adriatic mấy năm gần đây rất nổi tiếng, nằm cách bờ biển Istrian không bao xa, có đám thổ dân trang phục rách rưới nhưng sặc sỡ, nói một thứ tiếng lạ tai, và những vách đá lởm chởm ngoạn mục án ngữ phía biển khơi. Tuy nhiên mưa dầm và bầu không khí ngột ngạt, khách trọ thì rặt hạng người Áo nửa tỉnh nửa quê, lại thiếu bãi tắm cát mịn làm chốn nghỉ ngơi giao hòa với biển, những điều đó làm ông bực bội, không cho ông cái cảm giác đã đến đúng nơi tiền định; một thôi thúc nội tâm, chính ông cũng chưa rõ theo chiều hướng nào, khiến ông bồn chồn không yên, ông tìm hiểu lịch tàu chạy, ông nhìn ngó xung quanh, và bỗng nhiên, vừa bất ngờ vừa dễ hiểu, mục tiêu hiện ra rành rành trước mắt ông. Nếu tự dưng muốn tìm kiếm những điều độc nhất vô nhị, huyễn hoặc khác thường thì người ta đi đâu? Thật rõ như ban ngày. Ông đến đây làm gì? Ông nhầm to rồi. Lẽ ra ông phải tới đó. Không chậm trễ, ông hủy bỏ cuộc du lịch lầm chỗ. Một tuần rưỡi sau khi đặt chân lên đảo, ông chất hành lý xuống một chiếc xuồng máy phóng như bay trên mặt nước mịt mù sương sớm quay trở về hải cảng quân sự, vừa lên bờ ông lại bước ngay qua tấm ván gỗ bắc sang mặt boong ẩm ướt của một chiếc tàu thủy đang xì hơi chuẩn bị đi Venice.

Đó là một chiếc tàu Ý già nua tuổi tác, cũ kỹ, tối tăm, đóng lọ nghẹ đen xì. Vừa đặt chân lên boong, Aschenbach đã bị một gã thủy thủ lưng gù nhếch nhác, cười nhăn nhở, săn đón đẩy vào một khoang sâu như cái hang trong bụng tàu, phải thắp sáng bằng đèn. Ngồi sau bàn là một lão già râu dê tướng tá như ông chủ một gánh xiếc rong, trang phục cổ lỗ sĩ, mũ kéo sụp xuống trán, một đầu mẩu thuốc lá vắt vẻo bên mép, nhăn nhó khổ sở chăm chú ghi tên tuổi hành khách và bán vé. “Đi Venice!” lão nhắc lại yêu cầu của Aschenbach, rồi dang tay chọc cọng bút lông vào bãi cặn nhoe nhoét dưới đáy một cái lọ mực để nghiêng. “Vé hạng nhất đi Venice! Có ngay, thưa ngài!” Và lão hí hoáy viết mấy chữ to như quạ bới, rắc lên đó một nhúm cát xanh đựng trong cái ống nhỏ, dốc cát chảy vào một cái thẩu bằng đất sét nung, gập đôi tờ giấy bằng mấy ngón tay xương xẩu vàng khè rồi lại tiếp tục viết. “Đúng là chọn mặt gửi vàng!” vừa làm lão vừa tán. “Ôi, Venice! Thành phố tuyệt vời! Hấp dẫn vô cùng đối với một vị học giả, bằng vào lịch sử lâu đời và vẻ hoa lệ ngày nay!” Cử động nhanh thoăn thoắt và những lời đưa đẩy sáo rỗng của lão có cái gì đó thôi miên và đánh lạc hướng, cứ như thể lão sợ hành khách trù trừ đổi ý không muốn đi Venice nữa. Lão thu tiền nhanh như chớp, xỉa tiền thừa xuống tấm khăn trải bàn ố bẩn thành thạo như một tay hồ lì chuyên nghiệp ở sòng bạc. “Chúc ngài một chuyến đi vui vẻ!” lão cúi chào như diễn viên trên sân khấu. “Rất hân hạnh được phục vụ quý ngài... Nào mời quý vị tiếp theo!” Vừa nói lão vừa giơ tay lớn tiếng gọi tiếp ra ngoài, làm như hành khách chờ mua vé đông lắm, kỳ thực ở đó chẳng còn ai khác nữa. Aschenbach quay trở lên boong.

Một tay vịn lan can, ông đứng ngắm cảnh những người nhàn rỗi chạy lông rông trên bờ đợi xem tàu rời bến và đám hành khách trên boong. Những hành khách hạng hai, cả đàn ông lẫn đàn bà chen chúc ở boong trước, lôi hết hành lý hòm xiểng ra làm ghế ngồi. Khách đi trên boong hạng nhất chỉ có một toán trai trẻ, chừng như là thư ký hãng buôn ở Pola, đang sôi nổi thống nhất với nhau về một chuyến tham quan Ý. Họ làm bộ làm tịch quan trọng hóa bản thân, nói cười huyên thuyên, cử chỉ dương dương tự đắc, nhoài cả người ra ngoài lan can chọc ghẹo các đồng nghiệp bận đi giải quyết công việc dưới bến, nách cắp cặp táp, tay dứ dứ ba toong dọa lại đám trên tàu. Một anh chàng mặc bộ đồ mùa hè mốt mới nhất màu vàng chóe, thắt cravát đỏ, đội mũ Panama vành bẻ cong tớn, nói cười quàng quạc tỏ ra hăng hái nhất bọn. Nhưng để ý nhìn kỹ Aschenbach giật mình kinh hãi nhận ra gã này cưa sừng giả nghé. Gã đã già khằng, không còn nghi ngờ gì nữa. Quanh mắt quanh miệng gã chi chít nếp nhăn. Gò má phớt hồng nhờ đánh phấn, mớ tóc nâu thò ra dưới vành mũ rơm sặc sỡ uốn cong là tóc giả, cần cổ gân guốc tong teo, hàng ria mép vểnh lên và chòm râu nhỏ dưới cằm đã được nhuộm lại màu, hàm răng vàng khè không thiếu chiếc nào mà gã nhe ra mỗi khi cười là một bộ răng giả rẻ tiền, và đôi bàn tay, mỗi ngón trỏ đeo một chiếc nhẫn mặt ấn, là tay một người già cốc đế đại vương.

Aschenbach nhìn lão và đám bạn đùa cợt mà rùng mình ghê tởm. Chẳng lẽ họ không biết, không nhận ra lão đã trọng tuổi, không có quyền mặc bộ đồ diêm dúa lòe loẹt kia, không có quyền ra dáng trai tơ như họ? Cứ như một sự đương nhiên và thông thường nhất trần đời, đám trẻ chấp nhận lão là đồng bọn, đối xử với lão như với bạn bè cùng trang lứa, đáp lại không ngại ngùng những cú thúc cùi chỏ thân mật của lão. Sao lại có thể như thế được? Aschenbach đặt tay lên trán và nhắm nghiền cặp mắt nóng ran vì thiếu ngủ. Ông thấy hình như vừa xảy ra điều gì đó bất thường, như thể bắt đầu một sự thoát ly mộng mị, thế giới quanh ông trở nên méo mó lạ đời, và để ngăn chặn có lẽ ông nên che mặt đi giây lát trước khi mở mắt ra nhìn lại xung quanh. Nhưng đúng lúc ấy người ông tròng trành chao đảo, hoảng hồn mở choàng mắt trông lên ông thấy thân tàu nặng nề tối thui đang từ từ tách khỏi bờ kè. Từng tấc từng tấc, dưới tác động đẩy tới đẩy lui của cỗ máy, dải nước bẩn loang lổ giữa bờ và thân tàu cứ rộng dần ra, và sau vài động tác xoay trở nặng nhọc con tàu quay hẳn mình hướng mũi ra khơi. Aschenbach bỏ đi sang mạn phải, ở đó gã lưng gù kê cho ông một chiếc ghế nằm và một gã bồi tàu mặc bộ đồng phục ố bẩn tới hỏi ông cần gì để y phục vụ.

Bầu trời xám xịt, gió ẩm ướt; hải cảng và những hòn đảo lùi lại đằng sau, chẳng bao lâu đất liền biến mất hẳn trong màn sương dày đặc. Bụi than trương lên vì ngấm nước lấm tấm đậu xuống sàn tàu ướt rượt chẳng chịu khô. Độ một tiếng đồng hồ sau trời bắt đầu mưa, và người ta phải căng một tấm bạt lên che boong tàu.

Quấn kín trong chiếc áo choàng, quyển sách để trên lòng, người khách lãng du nằm nghỉ và thời gian trôi tựa tên bay. Mưa đã tạnh; người ta dỡ tấm vải cất đi. Chân trời hiện lên rõ nét. Dưới vòm trời rộng mặt biển hoang vắng trải ra bốn phía như một cái đĩa khổng lồ; nhưng trong không gian trống rỗng đơn điệu ấy con người dần dần đánh mất cảm giác về thời gian, và mụ mị chìm đắm vào cõi vô biên. Những nhân vật quái đản, lão già nhí nhảnh, lão râu dê từ khoang tàu ra, lướt qua tâm trí lơ mơ của người khách đang nằm nghỉ như những cái bóng với cử chỉ mơ hồ, lời nói lộn xộn, và rồi ông ngủ thiếp đi.