Friday, November 30, 2012

Thần tượng


Hôm nay tôi soạn giáo án cho học kỳ tới. Đây là lớp thạc sỹ có tên "Hành vi con người trong môi trường xã hội". Ngồi chọn bài cho sinh viên đọc lại nghĩ có một số tên tuổi quay đi quay lại, bởi vì cả đời họ chỉ nghiên cứu một lĩnh vực rất sâu nhưng hay.

Một trong những “thần tượng” của tôi là giáo sư Glen H. Elder ở ĐH North Carolina – Chapel Hill. Ông là người xây dựng lý thuyết “life course development” – về cơ bản, lý thuyết này giải thích ảnh hưởng của thay đổi xã hội đối với đường đời của một cá thể, một nhóm, hoặc cả một thế hệ.

Một người khác là giáo sư hướng dẫn của tôi ở ĐH Chicago – bà Sydney Hans. Sydney được đào tạo ở Cornell và Harvard về tâm lý học phát triển và làm nghiên cứu về thời thơ ấu.

Cả hai đều rất hiền. Riêng với Sydney, tôi còn có nhiều món nợ tình cảm

Wednesday, November 28, 2012

Hiện thực

Tư bản chủ nghĩa:


Vẫn phảng phất XHCN.



Thursday, November 22, 2012

Thị trấn Tortilla Flat - Chương 3


Thị trấn Tortilla Flat
John Steinbeck
Người dịch: Lâm Vũ Thao 



Chương 3 

Nọc độc của tài sản tác động tới Pilon như thế nào và cái ác đã tạm thời thắng thế trong chàng ra sao.


Hôm sau Pilon tới sống trong căn nhà bên kia. Căn này giống y hệt căn của Danny, duy chỉ nhỏ hơn. Khắp hiên nhà là hoa hồng dại, có khoảnh sân cỏ mọc rậm rì, có những cây ăn quả cằn cỗi, lâu đời, có hoa phong lữ đỏ - còn trại gà của bà Soto thì ngay bên cạnh.

Danny trở thành một người vĩ đại vì có nhà cho thuê, còn Pilon cũng thăng tiến trên nấc thang xã hội nhờ việc đi thuê nhà.

Không thể nói liệu Danny có mong nhận được món tiền thuê nhà nào không, hay Pilon có tính trả đồng nào không. Nếu có, thì cả hai đều thất vọng. Danny không bao giờ đòi, mà Pilon cũng không bao giờ đề nghị trả.

Hai người bạn thường xuyên gặp gỡ nhau. Hễ Pilon vớ được một bình rượu hay một tảng thịt thì Danny chắc chắn sẽ ghé thăm. Và, nếu Danny may mắn hay tinh khôn cùng một cách như thế, thì Pilon cũng tưng bừng một đêm với chàng. Pilon tội nghiệp ắt sẽ trả tiền thuê nhà nếu có lúc nào chàng có tí tiền, nhưng chàng chẳng bao giờ có - chẳng có tiền đủ lâu để tìm ra Danny. Pilon là người trung thực. Đôi khi chàng lo lắng nghĩ tới lòng tốt của Danny và tình trạng nghèo túng của mình.

Một đêm nọ chàng có một đô la, kiếm được một cách lạ lùng đến nỗi chàng cố quên chuyện ấy ngay lập tức vì sợ ký ức có thể khiến chàng phát điên. Một người đàn ông trước khách sạn San Carlos dúi vào tay chàng một đô la, bảo “Chạy đi mua hộ bốn chai nước ngọt với. Khách sạn hết sạch rồi.” Những chuyện thế này hầu như là những phép mầu, Pilon nghĩ. Người ta nên tin ngay những chuyện ấy, chớ có lo lắng, hỏi han gì.. Chàng cầm một đô la lên đường để đưa cho Danny, nhưng giữa chừng chàng mua một ga lông rượu, và với chỗ rượu ấy chàng dụ được hai cô gái mũm mĩm vào nhà mình.

Danny, lúc ấy đi ngang, nghe tiếng ồn ào vui vẻ bèn tiến vào. Pilon ngã nhào vào cánh tay chàng và dâng hết mọi thứ cho Danny xử lý. Sau đó, khi Danny đã giúp xử lý một trong hai cô gái và nửa chỗ rượu vang, một vụ ẩu đả thực sự ngoạn mục xảy ra. Danny mất một cái răng, còn áo Pilon bị xé toạc. Hai cô gái đứng cạnh thét lên the thé, đá loạn xạ bất cứ người nào ngã xuống. Cuối cùng Danny đứng dậy được và húc vào bụng một trong cô gái, cô nàng văng ra cửa kêu ốp ốp như một con ếch. Còn cô kia chôm hai cái xoong rồi theo gót cô trước.

Cả một đỗi sau, Danny và Pilon khóc lóc trước sự bội bạc của đàn bà.
“Huynh không biết bọn đàn bà gian ngoan thế nào đâu,” Danny nói với vẻ thông thái.
“Tôi biết thừa,” Pilon nói.
“Huynh không biết.”
“Tôi biết thừa.”
“Bốc phét.”
Thêm một vụ ẩu đả nữa nổ ra, lần này thì không mấy ngoạn mục.

Sau chuyện đó, Pilon cảm thấy ổn hơn khi nghĩ tới khoản tiền thuê nhà không trả. Chẳng phải chàng đã tiếp đãi rất tử tế chủ nhà của chàng sao?

Một vài tháng trôi qua. Pilon lại bắt đầu lo lắng về tiền thuê nhà. Càng ngày, nỗi âu lo càng trở nên không chịu đựng nổi. Cuối cùng, trong tuyệt vọng, chàng rửa mực ống cho lão Chin Kee suốt một ngày và được trả hai đô la. Tối đến chàng cột cái khăn tay đỏ của mình quanh cổ, đội cái mũ đáng kính của cha mình và bắt đầu leo lên đồi để trả hai đô la còn nợ cho Danny.

Nhưng trên đường đi chàng mua hai ga lông rượu. “Thế này sẽ hay hơn đấy,” chàng nghĩ bụng. “Nếu mình đưa hắn tiền mặt thì sẽ không thể hiện mình cảm thấy tình bạn bè nồng ấm thế nào. Nhưng một món quà thì có. Và mình sẽ bảo hắn hai ga lông này hết năm đô la.” Chuyện này thật ngớ ngẩn, Pilon biết điều đó, nhưng chàng tự phỉnh phờ mình. Chẳng ai ở Monterey này rành giá rượu hơn Danny.

Pilon lâng lâng tiến bước. Lòng chàng đã quyết; mũi chàng hướng thẳng về phía nhà Danny. Chân chàng chuyển động, không nhanh, nhưng đều đặn, đúng hướng. Mỗi cánh tay chàng xách một túi giấy, trong mỗi túi là một ga lông rượu.

Hoàng hôn tim tím, đó là thời khắc ngọt ngào khi giấc ngủ ngày đã qua, và buổi tối của hoan lạc và hàn huyên chưa bắt đầu. Những thân cây thông in hình rất sẫm trên nền trời, và bóng tối che khuất mọi đồ vật trên mặt đất; nhưng bầu trời lại sáng rỡ thảm sầu như ký ức. Lũ mòng lười nhác bay về tổ từ những mỏm đá ngoài biển sau một ngày thăm viếng các nhà máy cá hộp vùng Monterey.
Pilon là người yêu cái đẹp và tin vào sự thần bí. Chàng ngước mặt lên trời, linh hồn chàng rời bỏ thân thể bay bổng nhập vào ánh tà dương. Chàng Pilon không quá hoàn hảo đó -  kẻ lắm toan tính và hay đánh lộn, kẻ thường say xỉn và ưa nguyền rủa – tiếp tục chậm chạp lê bước; nhưng còn một Pilon trâm thầm và sáng láng lại bay lên cùng lũ mòng biển, nơi chúng tắm trên những đôi cánh thiên thần mong manh vào buổi tối. Chàng Pilon đó đẹp đẽ, và ý nghĩ của chàng không mang chút tỳ vết ích kỷ hay dục vọng nào. Những tư tưởng của chàng đáng được biết đến.

“Đức Chúa Cha của chúng ta đang ngự trong buổi tối này,” chàng nghĩ. “Những cánh chim này bay ngang vầng trán đức Cha. Ôi chim thân yêu, ôi mòng biển thân yêu, ta yêu các ngươi biết bao. Những đôi cánh khoan thai của các ngươi vỗ về lòng ta như bàn tay của một ông chủ dịu dàng vỗ về cái bụng căng đầy của một con chó đang ngủ, như bàn tay của Đức Ki-tô vỗ về những mái đầu trẻ nhỏ. Ôi chim thân yêu,” chàng nghĩ, “hãy bay về với Đức Mẹ Phiền Muộn Ngọt Ngào cùng với trái tim rộng mở của ta.” Và rồi chàng thốt lên những lời đáng yêu nhất chàng biết, “Ave Maria, gratia plena[1]-”

Đôi chân của chàng Pilon xấu xa đã thôi chuyển dịch. Sự thật là chàng Pilon xấu trong giây phút ấy đã ngừng tồn tại. (Hãy nghe điều này, hỡi vị thiên thần đang nghiêng tai theo dõi!) Xưa không có, nay không có, và chưa bao giờ có một linh hồn nào tinh khiết hơn linh hồn của Pilon ở giây phút đó. Con chó trâu xấu xa của Galvez đến bên cặp giò bỏ ngỏ của Pilon trong bóng tối. Nhưng nó chỉ ngửi ngửi rồi bỏ đi mà không đớp cặp giò đó.

Một linh hồn đã được gột rửa và cứu rỗi là một linh hồn gặp nguy hiểm gấp đôi, vì mọi sự trong thế gian đều âm mưu chống lại một linh hồn như thế. Thánh Augustine nói, “Ngay cả những cọng rơm dưới đầu gối ta cũng la hét để khiến ta xao lãng việc cầu nguyện.”

Linh hồn của Pilon lại không hề được trang bị để chống lại trí nhớ của chính chàng; vì, trong lúc ngắm lũ chim, chàng nhớ ra rằng bà Pastano thỉnh thoảng sử dụng mòng biển để làm món tamale[2] của bà, và ký ức đó khiến chàng đói bụng, và cơn đói làm linh hồn chàng ngã nhào khỏi bầu trời. Pilon đi tiếp, một lần nữa chàng lại là một sự trộn lẫn khéo léo giữa cái thiện và cái ác. Con chó trâu xấu xa của Galvez gầm gừ lởn vởn quanh chàng, nuối tiếc vì đã bỏ qua một cơ hội hoàn hảo để đợp giò Pilon

Pilon khuỳnh tay cho mấy cái chai bớt nặng.

Có một thực tế đã được xác thực và ghi nhận trong nhiều câu chuyện; đó là linh hồn nào có khả năng làm những điều thiện vĩ đại nhất thì cũng có thể làm những điều ác vĩ đại nhất. Có ai báng bổ Chúa hơn một linh mục vừa bị rút phép thông công? Còn ai ham nhục dục hơn một kẻ mới đó hãy còn trinh? Tuy nhiên, nhìn bề ngoài thì khó mà biết được điều này.

Pilon, mới từ Thiên đàng trở về, mặc dù chàng không hay biết điều đó, một mình hứng chịu những cơn gió rét buốt, phơi mình trước tất cả những lực lượng hắc ám đầy rẫy trong màn đêm vây quanh chàng. Đúng, chân chàng vẫn di chuyển về phía nhà Danny, nhưng những thành ý và sự quyết tâm thì đã biến mất. Đôi chân chàng chỉ chờ đợi cơ hội nhỏ nhặt nhất để trở bước. Pilon đã bắt đầu nghĩ tới chuyện với hai ga lông rượu thì chàng có thể say xỉn kỳ tuyệt thế nào; chưa kể, chàng còn có thể say rất lâu với hai ga long ấy.

Trời đã sâm sẩm tối. Không còn nhìn thấy con đường đất hay hai con mương hai bên vệ đường. Cũng chẳng thể trách ai khi vào đúng cái giờ khắc mà những manh nha toan tính của Pilon đang chấp chới như một cái lông chim giữa một bên là lòng hào hiệp và bên kia là sự ích kỷ, thì vào đúng cái giờ khắc ấy Pablo Sanchez lại tình cờ ngồi dưới con mương bên vệ đường ước ao có một điếu thuốc và một ly rượu.

Ôi chao, triệu triệu con chiên, họ phải chiến đấu khổ sở với nhau như thế nào mới đến được bên ngai vàng của Chúa.

Thoạt tiên Pablo nghe tiếng chân, rồi thấy một dáng người nhờ nhờ, và nhận ra Pilon. “Này, amigo,” chàng nồng nhiệt gọi. “Chẳng hay huynh mang gì mà nặng thế?”

Pilon đứng sững lại, quay mặt về phía con mương. “Tôi tưởng huynh ở tù,” chàng nghiêm nghị nói. “Tôi nghe nói chuyện con ngỗng.”
“Thì tôi có ở tù mà, Pilon,” Pablo vui vẻ nói. “Nhưng tôi không được đón tiếp tử tế lắm. Quan tòa bảo vào tù chẳng ích gì cho tôi, còn cảnh sát nói tôi ăn nhiều hơn suất của ba người. Và thế là,” chàng tự hào kết thúc, “tôi được tại ngoại”.

Pilon được giải cứu khỏi sự ích kỷ. Đúng chàng không mang rượu đến nhà Danny, nhưng ngay lập tức chàng mời Pablo chia sẻ chỗ rượu đó ở căn nhà thuê. Nếu có hai lối đi rộng rãi rẽ ra từ chính lộ của cuộc đời mà ta chỉ có thể chọn một, thì ai dám nói chắc lối nào tốt hơn?

Pilon và Pablo khấp khởi bước vào căn nhà nhỏ. Pilon thắp một ngọn nến và lấy hai hũ trái cây để làm ly.
“Chúc sức khỏe!” Pablo nói.
Salud![3]” Pilon nói.
Và vài khắc sau, “Salud!” Pablo nói.
“Cạn chén nào!” Pilon nói.
Họ nghỉ một lúc. “Chén nữa nhé,” Pilon nói.
“Trăm phần trăm,” Pablo đáp.

Hai ga lông là rất nhiều rượu, kể cả đối với hai chàng paisano. Về mặt tinh thần bình rượu có thể chia thành các nấc thang như sau: Ngay dưới cổ chai thứ nhất, đối thoại nghiêm túc và tập trung. Xuống thêm năm phân, ký ức buồn dịu ngọt. Tám phân nữa, suy ngẫm về những mối tình đã qua và có hậu. Thêm hai phân rưỡi, suy ngẫm về những mối tình đã qua và cay đắng. Đáy bình thứ nhất, buồn bã vẩn vơ không định hướng. Cổ bình thứ hai, chán chường đen tối, báng bổ. Xuống hai ngón tay nữa, bài ca chết chóc hoặc sự hoài vọng. Thêm một ngón tay cái, bất cứ bài ca còn lại nào mà một trong hai người thuộc. Cầu thang dừng ở đây vì lúc này con đường sẽ rẽ đôi và không ai biết chắc cái gì sẽ xảy ra. Kể từ điểm này bất cứ chuyện gì cũng có thể.

Nhưng ta hãy quay lại nấc thang đầu tiên, chỗ còn đối thoại nghiêm túc và tập trung, vì Pilon ra đòn chính ở chỗ đó.
“Pablo,” chàng nói, “chẳng lẽ huynh không bao giờ chán cảnh ngủ vất vưởng dưới cống, ướt át và vô gia cư, không bằng hữu và cô độc?”
“Không,” Pablo nói.

Pilon dịu giọng thuyết phục. “Tôi cũng từng nghĩ y như vậy, bạn thân mến ạ; khi tôi còn là một kẻ cầu bất cầu bơ, tôi cũng hài lòng như huynh, vì tôi không hề biết rằng có một căn nhà nhỏ, có mái nhà trên đầu, và một cái vườn thì sung sướng đến dường nào. Pablo ôi, thế này mới thật là sống.”
“Cũng khá hay,” Pablo đồng ý.

Pilon dấn tới. “Thấy chưa, Pablo, huynh có muốn thuê một phần nhà của tôi không? Huynh sẽ không còn phải nằm trên sàn đất lạnh lẽo nữa. Cát thô dưới cầu cảng cùng với những cua còng sẽ không bao giờ chui vào giày của huynh nữa. Huynh có muốn chuyển tới đây sống cùng tôi không?”
“Cũng được” Pablo nói.
“Xem nào, huynh chỉ phải trả mười lăm đô một tháng! Và huynh có thể sử dụng toàn bộ cái nhà trừ giường của tôi, và toàn bộ khu vườn. Nghĩ mà xem, Pablo. Và nếu có ai đó muốn gửi huynh một bức thư, người ấy sẽ có chỗ để mà gửi thư tới.”
“Ừ”, Pablo nói. “Được đấy.”

Pilon thở ra nhẹ nhõm. Đến giờ chàng mới nhận ra gánh nợ đối với Danny đã trĩu trên vai mình thế nào. Mặc dầu chàng gần như chắn chắn rằng Pablo sẽ chẳng bao giờ trả đồng tiền thuê nhà nào nhưng việc ấy không làm sứt mẻ thắng lợi của chàng. Nếu Danny có đòi tiền, Pilon có thể nói, “Tôi sẽ trả tiền, khi nào Pablo trả.”

Họ chuyển tới nấc thang kế tiếp và Pilon nhớ khi còn là một cậu bé con chàng đã hạnh phúc như thế nào. “Hồi ấy chẳng có gì phải lo lắng, Pablo ạ. Tôi không biết đến tội lỗi. Tôi vui sướng làm sao.”
“Kể từ lúc đó chúng ta chưa bao giờ vui sướng,” Pablo buồn bã đồng ý.



[1] “Lạy đức mẹ Maria lòng lành” (tiếng Tây Ban Nha).
[2] Một món ăn Mexico làm từ thịt băm, gói trong lớp áo bắp ngô, rồi hấp lên.
[3] Chúc sức khỏe (tiếng Tây Ban Nha).

Wednesday, November 21, 2012

Thị trấn Tortilla Flat - Chương 2

Thị trấn Tortilla Flat
John Steinbeck
Người dịch: Lâm Vũ Thao 




Chương II

Bị quyến rũ bởi lòng tham địa vị, Pilon khước từ lòng hiếu khách của Danny như thế nào


Vị luật sư chia tay họ ở cổng ngôi nhà thứ hai rồi leo lên chiếc Ford của mình, chạy giật cục xuống dốc đồi để vào Monterey. 

Danny và Pilon đứng trước hàng rào gỗ không sơn phết trầm trồ ngắm nhìn tòa nhà, một căn nhà thâm thấp quét vôi trắng đã cũ, và các cửa sổ không rèm trống trơn đóng kín mít. Nhưng ở hiên nhà có một cội hoa hồng dại khá to, và mọc lẫn trong đám cỏ nơi sân trước là những bụi phong lữ đại tướng.
“Trong hai căn thì căn này oách hơn,” Pilon nói. “Nó to hơn căn kia.”

Danny cầm cái chìa khóa mới toe trên tay. Chàng nhón chân đi qua hàng hiên ọp ẹp và mở khóa cửa trước. Căn phòng chính vẫn giống như thời ông cụ còn sống ở đó. Tấm lịch hoa hồng đỏ năm 1906, dải lụa trên tường, với hình Fighting Bob Evans[1] đứng nhìn giữa các tầng của một chiến hạm, một bó hồng giấy được kết lại, những chuỗi ớt tỏi đầy bụi, cái bếp củi và cái ghế bấp bênh tơi tả.

Pilon thò đầu qua cửa. “Có những ba phòng,” chàng hổn hển nói, “lại còn một cái giường và một bếp lò. Ở đây ta sẽ vui vẻ, Danny.”

Danny thận trọng di chuyển vào bên trong nhà. Chàng hãy còn ký ức đắng nghét về ông cụ. Pilon phóng ra trước chàng, thẳng vào nhà bếp. “Bồn có vòi rửa này,” chàng kêu lên. Chàng xoay tay nắm. “Không có nước. Danny, huynh phải bảo công ty cấp nước mở nước lên.”

Họ đứng mỉm cười với nhau. Pilon nhận thấy nỗi âu lo về tài sản đang dồn về trên gương mặt Danny. Gương mặt ấy sẽ chẳng còn vô lo nữa trong cuộc đời. Danny sẽ không đập vỡ cửa sổ nữa vì giờ đây chàng có cửa sổ của riêng mình để đập. Pilon đã đúng - Danny đã lớn lên giữa các bằng hữu. Vai chàng đã gồng lên để chống đỡ những phức tạp của cuộc đời. Một tiếng kêu đau đớn buột ra khỏi chàng trước khi chàng vĩnh viễn rời bỏ cuộc sinh tồn xưa cũ và giản dị của mình.
“Pilon,” Danny buồn bã nói, “tôi ước chi huynh mới là người sở hữu và tôi có thể đến sống cùng huynh.”

Trong lúc Danny đi Monterey để kêu mở nước, Pilon đi lại vẩn vơ trong cái sân sau đầy cỏ rối. Đám cây ăn quả nơi đó khẳng khiu, đen đủi, già nua, bị bỏ hoang nên xương xẩu và gãy đổ. Vài cái chuồng gà giống như những túp lều nằm chỏng chơ trong đám cỏ, một đống đai thùng rỉ sét, một đống tro và một tấm đệm ướt sũng. Qua hàng rào Pilon nhìn vào sân nuôi gà của bà Morales; cân nhắc một chút, chàng khoét mấy cái lỗ ở hàng rào cho mấy con gà mái. “Lũ gà này sẽ thích dọn ổ đẻ trứng trong trong đám cỏ cao,” chàng suy nghĩ đầy thiện tâm. Rồi chàng nghĩ đến việc sẽ đặt một cái bẫy sập, đề phòng lũ gà trống cũng mò sang quấy rầy bọn gà mái khiến chúng bỏ ổ. “Chỗ này sẽ vui đây,” chàng lại nghĩ.

Từ Monterey, Danny bực tức trở về. “Cái công ty đó đòi tiền cọc,” chàng nói.
“Tiền cọc?”
“Ừ. Họ đòi ba đô la thì mới mở nước.”
“Ba đô la,” Pilon nghiêm nghị nói, “tức là ba ga lông rượu. Uống rượu xong, ta sẽ vay một xô nước của bà Morales hàng xóm là được”.
“Nhưng ta không có ba đô la để mua rượu.”
“Tôi biết,” Pilon nói. “Hay là chúng ta vay ít rượu của bà Morales.”


Buổi chiều trôi qua. “Ngày mai chúng ta giải quyết chuyện này,” Danny thông báo. “Ngày mai ta sẽ lau chùi. Còn huynh, Pilon, huynh sẽ cắt cỏ và ném rác xuống khe núi.”
“Cỏ ư?” Pilon hốt hoảng kêu lên. “ Không phải đám cỏ kia chứ.” Chàng giải thích với Danny lý thuyết của mình về lũ gà của bà Morales.

Danny đồng ý ngay tắp lự. “Bạn tôi ơi,” chàng nói, “tôi sung sướng khi huynh đến ở với tôi. Bây giờ, trong khi tôi kiếm ít củi, huynh phải xoay cái gì đó cho bữa tối nhé.”

Pilon, nhớ tới chai rượu mạnh của mình, nghĩ rằng chuyện này không công bằng. “Mình đang bắt đầu nợ nần hắn,” chàng cay đắng nghĩ. “Tự do của mình sẽ bị cắt phụp, Chẳng mấy chốc mình sẽ thành nô lệ vì cái căn nhà Do Thái này.” Nhưng chàng vẫn đi ra ngoài tìm gì đó cho bữa tối.

Cách hai dãy nhà, gần mép rừng thông, chàng bắt gặp một con gà trống ri choai đang bới bới trên đường. Nó đã đến cái tuổi choai choai khi giọng bắt đầu ồ ề, còn giò, cổ và ức đều trụi lủi. Có lẽ bởi vì chàng đang mải độ lượng nghĩ về mấy con gà mái của bà Morales, chú gà trống nhỏ này khơi dậy lòng cảm thông của Pilon. Chàng thong thả cuốc bộ về phía cánh rừng thông tối sẫm, con gà chạy trước mặt.

Pilon trầm ngâm, “Con gà trụi lủi bé nhỏ tội nghiệp. Mày hẳn phải lạnh lẽo biết bao trong buổi sáng tinh mơ, khi sương rơi và khí trời trở lạnh cùng với bình minh. Thượng đế nhân từ không phải lúc nào cũng quá tử tế với những loài thú nhỏ.” Đoạn chàng nghĩ, “Nơi đây mày tung tăng trên đường, chú gà bé nhỏ. Ngày nào đó một chiếc xe hơi cán mày; và nếu nó giết chết mày, thì ấy sẽ là điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra. Có khi nó chỉ làm mày gãy chân hay cánh. Thì khi đó cả đời mày sẽ lê lết trong khốn khổ. Cuộc đời quá khắc nghiệt với mày, ôi con chim bé nhỏ.”

Chàng di chuyển chậm rãi và thận trọng. Thỉnh thoảng con gà muốn quay đầu lại, nhưng Pilon luôn luôn đứng chắn đầu. Cuối cùng nó biến mất vào cánh rừng thông, và Pilon thong thả theo sau.

Vinh quang thay cho linh hồn chàng vì phải nói rằng không có tiếng kêu đau đớn nào phát ra từ lùm cây ấy. Con gà đó, mà Pilon đã tiên tri có thể phải sống trong đau đớn, đã chết trong bình an, hay ít ra thì trong thinh lặng. Việc ấy cũng không phải là tôn vinh nhỏ tí nào đối với kỹ thuật bắt gà của Pilon.

Mười phút sau, từ khu rừng chàng hiện ra và đi ngược lại về phía nhà Danny. Chú gà trống nhỏ, đã được vặt lông và xé ra, được giấu rải rác trong các túi của chàng. Nếu có một quy tắc ứng xử mạnh mẽ hơn bất cứ quy tắc nào khác đối với Pilon, thì nó là thế này: Trong bất kỳ tình huống nào, không được mang lông, đầu hay chân gà về nhà, vì không có những thứ này thì gà không thể nào bị nhận dạng.


Buổi tối họ đốt một đống lửa trong bếp củi. Lửa bập bùng phả vào ống khói. Danny và Pilon, no nê, ấm áp và vui vẻ, ngồi trên những chiếc ghế bấp bênh nhẹ nhàng nhún tới nhún lui. Trong bữa ăn tối họ đã thắp một mẩu nến, nhưng lúc này chỉ có ánh sáng hắt ra từ các khe hở của bếp xua bóng tối trong phòng. Để cảnh tượng thêm hoàn hảo, mưa bắt đầu gõ lộp bộp trên mái. Chỉ vài giọt dột qua, nhằm vào những chỗ đằng nào cũng không có ai ngồi.
“Thế này, thật tốt,” Pilon nói. “Hãy nghĩ tới những đêm ta phải ngủ trong giá lạnh. Sống phải như thế này chứ.”
“Ừ, mà cũng lạ,” Danny nói. “Bao nhiêu năm tôi chẳng có nhà cửa gì. Giờ lại có những hai cái. Tôi không thể ngủ ở cả hai nhà.”

Pilon ghét sự lãng phí. “Cái sự này đúng là làm tôi bực bội. Sao huynh không cho thuê cái nhà bên kia,” chàng gợi ý.
Danny giậm chân lên sàn. “Pilon,” chàng kêu lên. “Sao tôi không nghĩ ra nhỉ?” Ý tưởng dần trở nên gần gũi hơn. “Nhưng ai chịu thuê hả Pilon?”
“Tôi thuê,” Pilon nói. “Tôi sẽ trả mười đô la một tháng.”
“Mười lăm,” Danny kiên quyết. “Căn nhà đó ngon lành. Đáng mười lăm đô đó.”

Pilon càu nhàu đồng ý. Nhưng chàng đã có thể đồng ý mức cao hơn nhiều, vì chàng đã nhìn thấy sự danh giá của một người sống trong nhà của riêng mình và Pilon muốn có sự danh giá ấy.
“Vậy là đồng ý rồi nhé,” Danny chốt hạ. “Huynh sẽ thuê nhà của tôi. Ôi, tôi sẽ là một chủ nhà tốt, Pilon ạ. Tôi sẽ không làm phiền huynh đâu.”

Trừ thời gian đi lính, Pilon chưa bao giờ có mười lăm đô la trong đời. Nhưng, chàng nghĩ, cả tháng nữa mới tới kỳ trả tiền thuê nhà, và ai mà biết được điều gì có thể xảy ra trong vòng một tháng.

Họ đung đưa trên ghế một cách mãn nguyện bên bếp lửa. Lát sau Danny đi ra ngoài một lúc rồi quay lại cầm theo mấy quả táo. “Đằng nào thì mưa cũng làm chúng hỏng,” chàng giải thích.

Pilon, không muốn kém, đứng dậy thắp nến; chàng đi vào phòng ngủ và một lúc sau mang ra chậu rửa và bình nước, hai bình thủy tinh đỏ và một bó lông đà điểu. “Không nên bày biện quá nhiều đồ dễ vỡ xung quanh,” chàng nói. “Khi chúng vỡ, ta sẽ buồn. Tốt hơn là đừng bao giờ có chúng.” Chàng bóc những bông hồng giấy khỏi tường. “Để tặng Señora[2] Torrelli,” chàng giải thích trong lúc đi ra cửa.

Chốc sau chàng quay lại, ướt lướt thướt vì mưa, nhưng hết sức đắc thắng vì chàng đã có một ga lông rượu vang đỏ trong tay.

Lát sau họ cãi nhau gay gắt, nhưng không ai quan tâm đến chuyện thắng thua  vì họ đã mệt nhoài với bao chuyện phấn khích trong ngày. Rượu vang làm họ chóng mặt, và họ lăn ra sàn mà ngủ. Lửa lụi dần; bếp lò kêu lích tích trong lúc nguội đi. Ngọn nến gục xuống rồi lụn đi trong chính đống sáp đã chảy ra, với những đốm lửa xanh lam nhỏ, leo lét. Căn nhà tối, yên ắng và thanh bình.




[1] Tức Dunglison Evans, đô đốc hải quân trong thời nội chiến Mỹ và chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha.
[2] Tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là bà, cô.