Saturday, September 17, 2011

San Jose vào thu







Những ngọn đồi
Lặng im
Cỏ úa








Friday, September 16, 2011

Crazy talk - số 1: Mỳ ống và thịt băm


(Tôi không chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính logic, hoặc sự có nghĩa của các dòng bên dưới đây.)

Tôi và AJ, một người bạn, đang nói chuyện liệu có cuộc sống sau cái chết hay không. AJ thì đã uống rượu trong bữa tối; tôi thì buồn ngủ. AJ là dân khoa học hardcore (học MIT ra), tự nhận mình vô thần. AJ nói rằng afterlife chỉ là một giả thuyết của những người tiền sử ngồi trong hang đá, thấy sấm thì phải nghĩ là có thần sấm. Họ phải nghĩ ra cuộc sống sau cái chết vì nếu không thì sẽ không thể có một ý nghĩa nào cho cuộc sống con người; đấy chỉ là một model và là một model “tiện lợi” khi không có model nào thay thế. Model thay thế duy nhất là model không có cuộc sống sau cái chết, tất cả chỉ là đây và bây giờ; với model này thì nếu ta nhận ra thêm các dữ kiện là đến một thời điểm nào đó, toàn bộ loài người phải bị tiêu diệt, vân vân… như thế thì cuộc sống rất vô nghĩa, model này không convinient và functional cho tồn tại nên người ta không chấp nhận. Chỗ này AJ còn nói đến các phép chứng minh trong sác xuất thống kê: khi bạn có một null hypothesis, bạn làm gì, khi có một alternative hypothesis, bạn làm gì, nhưng tôi sẽ bỏ qua.

AJ hỏi tôi nghĩ thế nào. Tôi nói vì tôi không biết chắc chắn và sẽ không có khả năng biết chắc chắn cho đến lúc tôi chết đi hoặc là cho đến lúc, alas, tôi thành siêu nhân có khả năng quán chiếu toàn bộ sự thật về vũ trụ, cho nên tạm thời tôi không kết luận mà tôi lựa chọn dùng mô hình giải thích của đạo Phật vì khi tôi dùng đạo Phật để giải thích thì thế giới có nghĩa hơn (make sense) – không phải vì tôi cần một ý nghĩa cho cuộc sống của tôi (meaningful – mô hình interpretive), mà vì như thế thì tôi thấy giải thích các kinh nghiệm và nhận thức của tôi một cách hợp lý và trọn vẹn nhất (data fit model).

Sau phần đầu đó thì đến một đoạn nói chuyện kéo dài 2 tiếng xung quanh vấn đề này; tôi còn nhớ được một số thứ thế này:

- AJ, anh có nghĩ là có một sự thật rốt ráo (an absolute truth) về thế giới hay không? Tức là sự thật chân xác, không thể phủ nhận, không phụ thuộc vào ý chí và nhận thức của con người. Ví dụ, Phật nói có một trạng thái gọi là Chân-như, và khi đạt tới Chân-như, ta thấy thế giới-chính-xác-như-nó-là; thế giới là thế, không thể nghĩ bàn.

- Tôi nghĩ là có 2 câu hỏi ở đây mà ta cần phân biệt. Một là câu hỏi có sự thật rốt ráo không (is there an absolute truth?) và hai là có sự thật rốt ráo mà ta có thể biết được hay không (is there a knowable absolute truth?). Với câu hỏi thứ nhất thì tôi nghiêng về khả năng là có, có sự thật đấy; nhưng mà ta sẽ phải trả lời không cho câu hỏi thứ hai; tức là chắc là có sự thật rốt ráo, nhưng ta sẽ không thể biết được.

- Tại sao không?

- Bởi vì làm sao ta biết là ta biết? Làm sao ta biết được đấy là sự thật rốt ráo. Nếu sự thật rốt ráo là cái giải thích được mọi thứ, thì nó là một hệ thống toàn vẹn, hoàn chỉnh; nhưng để biết nó có đúng không thì phải có một hệ thống bên ngoài chứng minh và kiểm nghiệm tính đúng của nó. Mà nếu đã tồn tại một hệ thống bên ngoài, và vận hành theo quy tắc và tính đúng của nó, thì hệ thống kia không thể nào còn rốt ráo được. Cái này là Godel phát biểu và đã chứng minh được trong toán; không thể có một mô hình hoàn thiện (Godel’s incompleteness theorem), không thể luôn chứng minh được một cái gì là đúng.

- Nhưng mà anh nói thế tức là anh vẫn đang vận hành trong khuôn khổ tư duy của con người. Anh đang nói rằng khi ta đề cập đến việc biết, thì phải có một người nhận thức (perceiver), một đối tượng của nhận thức (perceived) và có một cơ chế nối người nhận thức với đối tượng nhận thức, nhưng mà chưa chắc nó là như thế. Có thể có trạng thái nhận thức hoàn toàn không theo con đường như thế, mà người nhận thức và đối tượng nhận thức là một, ví dụ như trong trạng thái Chân-như thì ta và thế giới là một và ở đây, và lúc nào cũng thế, không sinh không diệt, sắc sắc không không (form is emptiness, emptiness is form – đoạn này là tôi nói nhảm, for the sake of the argument)

Sau đó AJ trình bày một đoạn về Godel và Bertrand Russell (analytical philosophy) và Wittgenstein và các lý thuyết liên quan đến câu hỏi: Làm sao biết là mình biết, và làm sao chứng minh một cái gì đó là thật, là nó, là đúng.

- Trong toán học, thì không thể có cái gì vừa là nó lại vừa không là nó – AJ nói – Nhưng trong vũ trụ thì ta không bị giới hạn bởi quy luật này. Trên thực tế, mọi thứ đều phải vừa là nó vừa không phải là nó. Ví dụ bây giờ tôi hỏi “Đây có phải cuốn sách không?” (AJ cầm cuốn sách lên). Thế thì không thể nào trả lời là đúng, nó là cuốn sách mà không phải là quả tạ. Nhưng trả lời thế là sai; nó là cuốn sách nhưng lại cũng không phải là cuốn sách. Đôi khi, câu trả lời duy nhất hợp lý là “that’s a bad question”.

- Anh nói không khác gì Phật. Đạo Phật sẽ nói chính xác là như thế - ít nhất là như tôi hiểu đến giờ. Không có cái gì là cái gì hết, mọi thứ mà ta nói là là-cái-này, là-cái-kia đều chỉ là quy ước, là phóng dật của tâm, là hình tướng, không phải là chính-nó. Anh nên gọi mình là Phật tử, không nên gọi mình là vô thần.

- Về mặt phương pháp tư duy thì tôi gần với đạo Phật, mà bản chất đạo Phật là vô thần; trong đạo Phật làm gì có Chúa nào đâu; quy trình rất khoa học: ta xuất phát từ một vấn đề/hiện tượng là khổ; ta đi đến giải thích tại sao khổ, rồi sau đó đi đến mô hình thoát khổ. Tôi có thể theo được cái đó.

- À nhưng mà nó không chỉ có thế; nếu anh đã theo thì anh phải theo toàn bộ, phải dùng toàn bộ nhân sinh quan và thế giới quan Phật giáo, như vậy thì anh phải tin là có cuộc sống sau cái chết bởi vì Phật nói rõ là có cuộc sống sau cái chết của con người; mặc dù dĩ nhiên lúc đó ta phải hiểu rộng ra khái niệm “trước” và “sau”; phải định nghĩa lại khái niệm “chết” và phải hiểu lại cái gì chết, cái gì là “thế giới”.

- Nhưng mà như thế thì lại là vận hành trong một mô hình, và ta lại rơi vào cái hố là ta không thể chứng minh mô hình này tốt hơn mô hình kia. Bây giờ tôi bảo, không, không có cuộc sống sau cái chết, thế giới này hoàn toàn chịu sự điều khiển của một siêu nhân làm từ mỳ ống và thịt băm (spaghetti and meatball). Đây, ông ấy đang đứng ngay đây này, em không nhìn thấy à?

- Cái gì?

- Spaghetti monster? Đây này, ơ không nhìn thấy à?

- Đâu?

- Đây (chỉ vào khoảng không), ngay đây này. Em chưa nghe bao giờ à?

- Chưa.

- Trời ơi, toàn bộ thế giới này là do Chúa spaghetti điều khiển, Chúa này làm từ spaghetti và thịt bằm.

Đến đoạn này tôi buồn cười quá; tôi tưởng AJ bịa ra, nhưng AJ bảo không, không bịa, có cả một Đạo thờ Chúa Spaghetti và thịt bằm (Spaghetti Monterism). Nó dĩ nhiên xuất phát từ một chuyện có thật là một cậu sinh viên có tên Bobby Henderson muốn phản đối chuyện Phòng giáo dục của tiểu bang Kansas đồng ý cho các lớp học được dạy Kinh thánh thay cho dạy thuyết tiến hóa của Darwin vì đây là hai hệ thống có tính đúng đắn ngang nhau để giải thích về sự hình thành và phát triển của thế giới. Henderson nói rằng nếu dạy các thuyết sáng thế nhờ vào một đức Chúa thì sao không dạy thuyết nào khác – và bèn sáng tạo ra một đạo thờ một vị chúa làm từ mỳ ống và thịt bằm.

Cái mà Henderson đang nói đến là, nếu như không chứng minh được một cái gì đó là sai (ví dụ như Đạo Mỳ ống) thì không bác bỏ nó được, nó ngang bằng với các mô hình khác. Mọi thứ đều vẫn là các giả thuyết và các mô hình, chứ không phải là sự thật rốt ráo. Thế thì trong lớp học, cần phải chia thời gian: 1/3 thời gian dạy thuyết tiến hóa của Đác-uyn, một phần ba dạy thuyết sáng thế nhờ Chúa, và 1/3 thời gian dạy thuyết sáng thế nhờ Chúa Spaghetti. Hiện giờ có cả một cộng đồng đông người thờ Chúa Spaghetti để nói móc lại các đạo khác.

- Đấy – AJ nói - bây giờ tôi cũng mô tả mọi thứ về mô hình thế giới này; và nó cũng logic trong mô hình của nó; chỉ có khác là thay vì Chúa Giê-su hay Phật hay vị nào đấy, tôi nói Chúa này làm từ mỳ ống và thịt bằm. Giờ làm sao em chứng minh được là mô hình này sai, mô hình kia đúng.

Chúng tôi tranh luận một đoạn ở chỗ này, liên quan đến sự hạn chế của ngôn ngữ trong diễn tả những thứ không hạn chế; rồi là chuyện nếu chọn mô hình thì luôn chấp nhận các tiền đề/axioms; làm thế nào phân biệt được “biết” (knowing) và “tin” (believing); rồi đến các “thức” khác nhau theo quan điểm Phật giáo. Tôi nói tại sao Phật Thích Ca giác ngộ xong là nhập Niết Bàn, nếu không có ai thỉnh Phật trụ thế.

Loằng ngoằng một lúc sau, tôi hỏi AJ:

- Thế rút cục anh có nghĩ là anh biết cái gì không? (Do you think you know anything?)

- Không. Vì “biết” là cái gì? Giờ tôi cầm cuốn sách này lên, tôi thả tay ra; tôi có biết là nó rơi xuống đất không? Tôi không biết; tôi có thể nói tôi nghĩ là nhiều khả năng nó sẽ rơi, nhưng thực ra tôi không biết là nó sẽ rơi. Vì có thể một ngày đẹp trời nào đấy, nó cứ lơ lửng ở đây này. Tôi chỉ có thể có các kết luận về mặt thống kê, là tôi nghĩ khà năng nó rơi xuống rất lớn. Hoặc tôi có biết là em ngồi trước mặt tôi và đang nói chuyện với tôi không? Không, thực tế là không. Có thể tất cả những cái này chỉ là tưởng tượng. Có thể não tôi nó tưởng tượng ra bằng cách nào đó là có một cô gái tên là H đang ngồi đối diện tôi và nói chuyện với tôi thế này thế này. Có thể là tôi có nhu cầu nói chuyện nên não tôi sinh ra thế. Tôi có thể ra chạm vào em, nhưng cả cảm giác chạm vào đó chắc gì là thật, có thể chỉ là não tôi bảo là thật, trong bối cảnh là tôi đã tưởng tượng ra một cô H ngồi đây nói chuyện; nó không khác gì việc mình thấy mọi thứ trong mơ là thật. Hoặc cũng có thể là tôi đang vận hành theo một chương trình máy tính ai đó gắn vào não tôi; khi nào chương trình chạy thì tôi bắt đầu dựng lên một thế giới trong đó tôi là nhân viên làm việc ở chỗ này chỗ này, cha mẹ tôi là thế này thế này, tôi sống ở đây, tôi có một người bạn tên là H mà tôi hay gặp để nói chuyện thế này thế này, rồi ngày này ngày này tôi đi hiệu sách, ngày này ngày này tôi đi chợ, vân vân… Có thể hoàn toàn là vấn đề lập trình. Có thể toàn bộ là mơ; làm sao tôi biết là những thứ này thật và làm sao biết là tôi biết. Làm sao tôi biết là tôi có thật.

- Thì Phật nói chính xác như thế. Nhất thiết duy tâm tạo. Tâm sinh tướng; mọi thứ là hình tướng của tâm. Cái “ngã” cũng không có thật. Không có gì là “thật” theo nghĩa thật thật; cái mà ta thấy ở đây và ở trong mơ – hai cái thực tại này về bản chất không khác nhau.

- Tôi không biết nữa. Khi tôi đọc về Bertrand Russell, ông ấy cố gắng xây dựng một mô hình để có thể chứng minh mọi thứ là đúng hoặc sai, thì tôi thấy tôi có lối tư duy rất giống Russell, dĩ nhiên là ông ấy giỏi hơn và nổi tiếng hơn haha.

- Biết đâu anh là kiếp sau của ông ấy. Có thể kiếp trước anh chính là Russell, anh quay lại kiếp này để chứng minh cái gì đó; có thể 10 năm nữa anh sẽ phát hiện ra lý thuyết mới.

- Có thể; mà cũng có thể là tôi quay lại kiếp này chỉ để sống một cuộc sống đơn giản bình thường thôi; tôi không quan tâm đến nổi tiếng hay chứng minh gì nữa. Có thể toàn bộ mục đích của tôi khi đầu thai lại kiếp này là chỉ để ngồi nói chuyện với H về sự thật này, và thế thôi. Có thể toàn độ mục đích của cuộc đời tôi trong cái kiếp này chỉ là để có buổi tối hôm nay, là cuộc đối thoại này, and that’s it.

- Maybe... mà anh cũng có thể chọn toàn bộ mục đích cuộc đời anh là buổi tối này. That’s it.

- That’s it. Do you want some tea?


Wednesday, September 14, 2011

Blog của anh Châu

Anh Ngô Bảo Châu mở lại blog tại địa chỉ http://www.ngobaochau.wordpress.com.








========
Không có gì viết thêm vào entry ngắn này nên tôi đăng một đoạn ghi nhanh ở châu Âu hồi mùa hè 2008. Đây cũng là một dự định dang dở: tôi có hàng trăm trang ghi chép từ chuyến đi, định in một cuốn sách du lịch giải trí thuần túy nhưng rút cục vẫn chưa làm mặc dù chỉ cần một số thao tác biên tập rất đơn giản.

Ngày Chủ Nhật ở Paris

10:42 sáng: Đang đứng trên cầu Royal Port - cầu bắc qua sông Seine từ vườn Tuileries sang Musee d’Orsay. Tôi vẫn không thể nào get enough of the Seine. Mỗi lần qua sông, tôi lại đứng lại nhìn và lại choáng váng. Vào lúc này, từ chỗ tôi đứng, bên trái là bảo tàng Orsay, bên phải là vườn Tuileries, phía trước mặt là vòm kính màu xanh của Gare du Nord đang ánh lên trong nắng (hay là Gare Saint-Lafaze?). Tôi quay người và thấy hai ngọn tháp kiêu hãnh của nhà thờ Đức Bà, vòm tròn của Pantheon, những cây cầu bắc ngang sông Seine, những ngôi nhà dọc sông, hàng dương liễu dưới sông và dĩ nhiên là the Seine itself. Vẫn là cảnh đã nhìn thấy nhiều lần, vậy mà lần nào cũng mới.

Trời đã mưa cả đêm qua nhưng đến sáng nay thì ngừng và bây giờ mặt trời đang nghĩ đến chuyện ló ra. Vẫn có nhiều mây, nhưng xuyên qua những đám mây thấp là một vài khoảng xanh nhạt. Ở phía đường chân trời, phía Gare du Nord, nắng chiếu chéo lên các nóc nhà, thắp sáng cả khoảng thành phố bên đó. Bên dưới sông, các thuyền du lịch chạy đều đặn; khách đứng đầy ở ngoài boong, nhìn lên vẫy vẫy tay, tôi cũng vẫy tay đáp lại. Tuy thế, ngoài những con thuyền dưới sông, thành phố vắng vẻ lạ thường. Paris còn chưa dậy. Từ sáng tới giờ, những người Paris duy nhất mà tôi nhìn thấy là những người chạy bộ trong vườn Tuileries và dưới con đường bê tông dọc sông Seine. Không có những dòng xe ô tô. Không có khách du lịch nườm nượp trên phố. Các quầy bán sách dọc sông không mở. Đây là một Paris khác – yên tĩnh, hơi ảm đạm, hơi ngái ngủ… nhưng vì thế mà càng quyến rũ.

Người ta bảo “ngày nào ở Paris cũng là ngày Chủ Nhật”. Tôi nghĩ phải sửa lại: “ngày nào ở Paris cũng là thứ Bảy; còn ngày Chủ Nhật ở Paris là ngày Chủ Nhật ở Paris.” Bất thần, ít nhất là vào những giờ sớm của buổi sáng, thành phố rửa sạch son phấn trang điểm và lộ khuôn mặt mộc của nó. Một vẻ nostalgia cổ điển bao trùm, khiến cho người ta đột nhiên cũng trở nên trầm mặc và muốn xích lại gần nhau. Trên metro buổi sớm, tôi ngồi cạnh một chàng trai có vẻ là sinh viên Sorbonne. Anh ta liếc tôi, khi tôi nhận ra và liếc lại thì anh ta lại quay đi. Buồn cười. Thật dễ dàng để bắt đầu một romance ở Paris. Thành phố này giống như một bãi mìn, à không, nói thế thì dễ nghĩ đến dog poop khắp nơi; thành phố này giống như là một bãi cỏ khô được đánh tơi, chỉ cần một cái liếc mắt cũng có thể bốc thành một ngọn lửa. Anytime, anywhere.

3:02pm: Viết từ Café A Bonaparte, 42 Rue Bonaparte, 75006 Paris.

Đã gọi một thứ đồ uống có tên café crème và một món có tên Mixte Ourf et Omelettes. Họ vừa mang ra một cái chén sứ trắng đựng chocolate dạng sirup và một cái bình sứ đựng cái gì đó có bọt trắng ở trên, bốc hơi nữa. Tôi đoán là sữa nhưng không chắc. Cách phục vụ đồ ăn ở Paris khác với ở Mỹ mà tôi lại không biết tiếng Pháp nên nhiều khi cũng không biết chắc là mình gọi được món gì.

Quán café này nằm ở Place Saint Germain des Pres, góc cắt giữa Rue de Rennes và Rue Bonarparte. Tôi ngồi ở một cái bàn phía bên ngoài vỉa hè. Từ chỗ này, nhìn thẳng ra nhà thờ St.Germain và cách 20 mét phía trước mặt là quán café Les Deux Magots, chỗ mà Hemingway, Fitzregald và nhiều người viết thuộc thế hệ Lost Generation hay hang out. Tôi đã định vào bên trong café Deux Magots nhưng quán quá đông nên tôi đi sang bên café Bonaparte. Tôi sẽ ngồi đây, having fun vào một buổi chiều Chủ Nhật lười biếng. Viết thế này cũng là cách having fun; ghi phác vài thứ cho khỏi quên.

3:24pm: Vừa ăn xong món omelette. Món omelette này nhìn bên ngoài giống như trứng rán sơ hai mặt nhưng bên trong có ham, bacon, cheese và một chút lòng trắng chỉ trần qua nước sôi. Món này bày thành hình tròn, giống như một cái bánh quy lớn. Ăn mấy miếng đầu tiên rất ngon – rich and creamy and tasty… nhưng sau khi ăn được một nửa thì tôi bắt đầu no mặc dù nó rất mỏng.

Người ta bảo Place Saint Germain des Pres là một trong những nơi tuyệt vời nhất để ngắm người qua lại ở Paris. Chắc ngày thường thì chỗ này rất đông. Nhưng hôm nay là Chủ Nhật, đường phố vắng vẻ hơn nhiều. Trời lại có vẻ sắp mưa nữa. Tuy thế, quanh chỗ tôi ngồi, không ai có vẻ lo lắng đến chuyện trời nắng hay mưa. Họ cứ đủng đỉnh ngồi ăn bữa trưa muộn (giờ là 3:33 chiều rồi), uống coffee, hút thuốc, đọc báo và dĩ nhiên vibrating the beautiful French language. Bên phải tôi, một người phụ nữ châu Á đứng tuổi (có lẽ là người Philippines) đang uống espresso; bà ta mặc cocktail dress màu đen, đánh phấn rất đậm, mang kính to che gần nửa khuôn mặt và đeo một cái bangle bằng bạc lớn ở cổ tay. Bà ta có cái vẻ của một thương nhân thành đạt mà bạn thấy bước vào các cửa hàng với vẻ mặt lạnh lùng và các cô phục vụ phải xô ra đón tiếp. Bà ta ngồi một mình – in fact, tôi và bà ta là hai người duy nhất ngồi một mình.

Bên tay trái tôi là một người đàn ông Pháp ngồi với một phụ nữ - cả hai uống bia Corona. Trông họ như là lovers đã nhiều năm, biểu hiện vừa có cái yêu chiều lại vừa thân mật, tin tưởng, tức là vừa là người yêu vừa là bạn đường. Trước mặt tôi là hai đôi vợ chồng trẻ - ngồi quay lưng lại nên tôi không thể quan sát kỹ được. Chênh chếch là 3 học sinh trung học, vừa hút thuốc vừa uống coffe đen và làm crossword puzzle trên báo. Lại tự hỏi: đàn ông Pháp bắt đầu học các phép tắc phòng trà từ năm lên mấy?

Hôm nay, nhiều cửa hàng trên phố đóng cửa. Trên đường đến đây, tôi lần đầu tiên nhìn thấy những người vô gia cư và ăn xin của Paris. Nói chính xác thì hôm qua, hôm kia, hôm kìa, tôi cũng đã nhìn thấy họ ở Montmartre, ở khu Clignancourt, ở dưới bến tàu điện… nhưng những người này bị nuốt chửng trong biển người đi bộ nườm nượp trên các đường phố Paris. Còn hôm nay, Chủ Nhật, khi các đường phố hoàn toàn vắng vẻ, đột nhiên những người vô gia cư và ăn xin này nổi lên trên nền chính như những cư dân chính thức của thành phố thay vì chỉ là người tạm trú hoặc phần tử bên lề. Mà nói đúng thì trông họ như kings and queens trên những con đường mang tên các vị thánh: Saint Dominique, Saint Germain, Saint This and Saint That.

Người vô gia cư và ăn xin thì chỗ nào trông cũng giống hệt nhau, dù là Paris hay Chicago hay Boston. Họ luôn cuộn một tấm chăn lớn quanh người, quây những hộp các-tông rỗng thành pháo đài xung quanh mình, chất quần áo cũ và đồ đạc trong một cái xe chở hàng lấy được ở một siêu thị nào đó. Họ chiếm một cái cửa kính ăn sâu vào tường của một cửa hàng trên phố, để có thể tránh gió mà vẫn không quá xa đám đông đi lại trên phố. Và họ có thể ngủ bất cứ lúc nào, trong bất cứ tư thế nào.

3:50pm: Người phục vụ vừa dọn đĩa trứng của tôi và hỏi tôi có muốn gọi gì nữa không. Chắc còn ngồi đây thêm một lúc nên tôi gọi crème brulee. Người đàn ông và đàn bà bên trái tôi bây giờ đang ăn bánh mỳ với salami và cheese để trên một cái thớt gỗ. Ngày càng nhiều người vào quán trong khi chẳng ai có vẻ muốn đi.

5:44 chiều: Viết từ trong vườn Luxembourg (từ đây gọi là Lux). Đang ngồi ở thảm cỏ giữa những hàng cây được tỉa thẳng tắp, cạnh cổng ra đường Thánh Michel. Ngồi xung quanh tôi chủ yếu là sinh viên La Sorbonne và học sinh từ Lycee Saint Louis. Từng nhóm đứng, ngồi, nằm trên cỏ.. ăn, uống, nói chuyện, đánh bài, ném đĩa, đọc sách và dĩ nhiên hút thuốc. Từ đêm qua, cổ họng tôi bắt đầu rát, chắc là vì hít quá nhiều khói thuốc lá ngoài đường phố. Nhưng ở Paris, không thể tránh được khói thuốc lá. Ngay lúc tôi đang viết những dòng này, khói thuốc cũng bay vào tôi từ tứ phía.

Nhưng kể cả có khói thuốc, tôi cũng không muốn rời đi chỗ khác. Cứ nằm đây đọc sách cho đến khi trời tối thì sẽ chạy qua bên jazz club The Little Journal ngay bên kia đường.

6:13pm: Nói thật, tôi đã ngừng đọc sách từ cách đây 15 phút mặc dù vẫn nhìn vào trang sách. Nguyên nhân: một đôi tình nhân vừa đến ngồi cạnh tôi. Chàng trai ngồi hướng mặt về phía tôi – có khuôn mặt rất cute, mặc jeans với một cái áo phông màu hồng nhạt (not looking gay at all); còn cô gái ngồi quay lưng lại tôi nên tôi chỉ biết là cô gái có tóc dài màu hạt dẻ, người mảnh mai. Trong 15 phút vừa rồi, họ chỉ làm một việc là hôn nhau. Tôi dĩ nhiên không nhìn… thì tôi đang đọc sách mà, nhưng tôi vẫn có thể theo dõi được sự việc.

Sự việc diễn ra như thế này:

Đầu tiên, chàng trai ôm hai tay vào khuôn mặt cô gái rồi nói gì đó (alas!), rồi sau đó hôn vào tóc cô gái ở phía bên ngoài vành tai bên phải, sau đó thì hôn đến vành tai, sau đó thì cụng trán vào trán cô gái và giữ như vậy khoảng mấy phút. Sau đó thì the kissing on the mouth started. Không biết là bên trong thì thế nào còn từ bên ngoài thì có thứ tự thế này:

First, there was a lot of gentle sucking on the lower lip, then the upper lip, then the corners of the mouth, then the whole mouth, then tongue actions … then tilt to the other side… then repeated the process from the sucking on the lower lip… again… and again… and again… for the last 15 minutes.

Trong lúc này, một nhóm 20 sinh viên đi ngang qua và không một ai thèm nhìn. Xung quanh tôi, cũng không ai nhìn. Thì tôi cũng đâu có nhìn; tôi cũng đang đọc sách.

Ngay sau khi kết thúc the 1st kiss thì đôi tình nhân này lại bắt đầu the 2nd kiss. Well, có vẻ như là the show còn tiếp diễn lâu… cho nên tôi sẽ tiếp tục đọc.

6:40pm: Đôi bạn đã đi rồi. My free French cancan show is over.

7:25pm: Tôi đã quyết định không qua bên Little Journal. Cứ ở đây đến khi nào thích thì về. Nhưng bây giờ, tôi không nằm ở bên bãi cỏ vuông giữa những hàng cây nữa, tôi đang ngồi trên một cái ghế sắt đặt cạnh thảm cỏ tròn ở phía trên trái của the Pepiniere. Mặt trời đang lặn dần phía sau cây thông cao đứng chính giữa bãi cỏ và hắt những cái bóng dài của cây, ghế, và người lên mặt cỏ phía sau. Phía trước mặt tôi là 4 cô gái trẻ rất đẹp, nói chuyện nhát gừng theo cái cách của những người bạn gái thân, sau một ngày đi shopping mệt thì ngả ngốn trên sa-lông một quán café nào đó, thi thoảng nói một câu – cái khác là 4 cô gái này không ngả ngốn. Họ ngồi hút thuốc lặng lẽ, thi thoảng chỉ quay ngang để vẩy tàn thuốc hoặc nói một điều gì đó mà những người còn lại gật gù nhưng hầu như không đáp lại đủ để thành một conversation.

Thảm cỏ này xanh lạ lùng, là thứ cỏ ngắn màu xanh non giống cỏ sân golf chứ không phải cỏ mật… khiến cho cái vòng tròn này giống như một ốc đảo mà ngay bên ngoài hàng rào sắt là đường phố Paris lúc này chật người ngồi trong các quán cà phê vỉa hè. Nhưng cái ấn tượng nhất là cách tất cả mọi người đều kéo ghế ngồi thành vòng cung quanh bãi cỏ, mặt hướng về mặt trời và để bóng họ đổ dài ra phía sau. Người thì đọc sách, người thì nói chuyện, người thì vẽ, nhiều người chỉ ngồi im.

11:30pm: Ngày hôm nay, tôi tìm ra con đường tối ưu để đi từ vườn Lux về khách sạn: thoát ra bằng cổng trên đường Saint Michel, sau đó đi thẳng Rue Sourflot hướng về Pantheon, đến Rue Saint Jacques thì rẽ trái và cứ thế đi thẳng cho đến lúc gặp sông Seine và nhà thờ Đức Bà.

Rue Saint Jacques là một con đường dốc, như đi xuống đồi. Khi đi dọc phố, có thể nhìn thấy mặt trời lặn trên nóc nhà thờ Đức Bà. Đi ngang qua College de France (cạnh đó có một cái Square of Michel Foucault), rẽ vào nhà thờ Eglise-Sevrin, nhà thờ cổ nhất Paris… qua mấy khu khố nhỏ và chật cạnh đó… rồi thoát ra ở khoảng trống trước nhà thờ Đức Bà.

Hôm nay phát hiện ra trong vườn Lux có tượng Stendhal và George Sand.

Ghi ở lề: Ngày nào cũng đi ngang nhà thờ Đức Bà trên đường về khách sạn hoặc ra khỏi khách sạn, vậy mà vẫn không chán.

Đã sụt hơn 1 cân.

Saturday, September 10, 2011

The New Yorker Festival

Các bạn ở New York City hoặc gần đó mà có quan tâm đến văn học/văn hóa/xã hội thì có thể đến dự The New Yorker Festival, từ 30-9 đến 2-10. Họ có rất nhiều buổi nói chuyện ở các địa điểm khác nhau trong thành phố, với các tác giả nổi tiếng, theo các chủ đề khác nhau, giá vé dao động từ 27$ đến 75$, nhưng thường là 30-35$. Các hình thức nói chuyện ở đây là nhóm tác giả ngồi nói chuyện với nhau; hoặc có khi là người dẫn với tác giả; có cả các diễn viên như Olwen Wilson, Steve Martin; chính trị gia như Nancy Pelosi.

Xem chương trình cụ thể tại đây:

=====
Bổ sung: Tờ New Yorker số ra ngày 12-9-2011 là số đặc biệt để tưởng niệm 10 năm vụ khủng bố 9/11. Adam Gopnik viết về chủ nghĩa suy thoái (declinism), mục The Talks of the Town có rất nhiều essays lẻ; George Parker có một bài có tên A decade of missed opportunities. Đọc xong số này, người ta không thể không hỏi: rút cục thì sao? Mười năm sau khi 9/11 xảy ra, chúng ta có hiểu được gì thêm về nguyên nhân rốt ráo khiến việc này xảy ra, hay vẫn chỉ có những phản ứng, những đối phó ở đây, ở đó, lẻ tẻ, cục bộ cho những cái mà ta nghĩ là nguyên nhân của vụ việc? Và rất nhiều các phương pháp ngăn ngừa bề mặt. Từ sau 9/11, nước Mỹ trở nên nhốn nháo, nặng nề, cồng kềnh hơn nhiều vì bỗng nhiên cái từ "khủng bố" trở thành một mối đe dọa thường trực, có thật, không chỉ ở tầm vĩ mô mà xuống tới từng gia đình Mỹ và ảnh hưởng vào hoạt động hàng ngày của họ: từ lọc email, điện thoại, kiểm soát đi lại, hạn chế đồ ăn thức uống, quy định nơi công cộng, cắt các chi phí phúc lợi để tăng chi phí an ninh-quân sự, vv... Tổng chi phí cho việc cưỡng lại mối đe dọa khủng bố từ sau 9/11 là không kể xiết - cả về vật chất và tinh thần.

Ngoài những con người thật, đã chịu những mất mát thật mà chúng ta có thể hiểu được thật với từng trường hợp cụ thể - thì rút cục chúng ta có hiểu gì thêm về vụ việc này không? Mọi thứ dường như tiếp tục vỡ vụn, chảy trôi, được làm phức tạp và cồng kềnh lên, đồng thời cũng được cố gắng bình thường hóa đi để xoa dịu, nhưng một cái nhìn chân xác thì hình như vẫn không có. Ít nhất là không có ở tầm vĩ mô mà xã hội có thể đồng ý được; dù nó có thể có ở từng cá nhân.

Friday, September 09, 2011

Soft spots

Ln nào gp, Tobias Wolff cũng hôn vào hai bên má tôi - mt c ch châu Âu nhiu hơn M. Tôi thy điu này tht d thương. Ông không ln tui hơn b tôi nhiu nhưng mái tóc trng và hàng ria trng ca ông luôn làm tôi nghĩ ông ging như mt người ông.

Chúng tôi nói chuyn v cun sách sp ra, tôi hi li cho chc chn mt s chi tiết. Tôi hi v truyn A Mature Student. Trong truyn này có mt bà giáo sư vn là người Tip Khc; thi chiến tranh lnh, bà y Tip Khc và cùng vi các bn bà y đu tranh cho chế đ dân ch, nhưng ri đã b phe đi lp bt và tra kho, và bà y đã phn bi li bn bè. They broke her.

- I always have a soft spot for those who have been broken - Tobias nói - They are too hard on themselves; it's not worth it and it’s tragic that way.

Ý ông là ông luôn mm lòng vi nhng người tng b "b gãy" trong hoàn cnh khó khăn. V sau, h quá nghiêm khc vi bn thân mình, họ không tha thứ cho mình được. Tôi nói:

- Cháu cũng vy; cháu nghĩ đng ngoài nói bao gi cũng d, nhưng không trong hoàn cnh đó thì không th biết mình s hành x thế nào.

- Chính xác.

ngoài bãi xe ca ĐH Stanford, tôi b tin vào cái máy t đng nhưng cái máy hút tin vào ri li nh ra. Tôi nghĩ tin b nhàu nên rút ra vut li ri cho vào máy. Máy li hút vào và nh ra. Tôi đnh th li ln th ba thì nghe một ging nói phía sau:

- The other way around.

Phía sau tôi là mt sinh viên rt cao, da trng, ging ht Armie Hammer. Cu ta cười cười:

- It's the other way around. You have to turn the face the other way.

- Thank you - tôi nói - I thought it didn't matter which way, as long as the face's up.

- Yeah, this machine is pretty particular.

Tôi làm như cu ta nói.

- Now you press the red button and wait for the receipt.

- Thank you.

- You're welcome.

Cu ấy nice đến ni tôi không đng được, quay li nhìn thng mt cách bt t giác. Cu ta cũng nhìn thng vào mt tôi, cười. Nhng cái khonh khc này - hi tôi còn đi hc - hay xy ra lm. Bn nhìn mt người con trai, người đó nhìn li bn, và trong khonh khc đó có mt s ghi nhn: tôi biết bn, tôi biết tâm hn bn, tôi biết câu chuyn ca bn, tôi có th là bn ca bn. Dĩ nhiên đây là mt mc đnh đy t tin ca tui tr - và nhiu lần s b chng minh là sai, nhưng nó là mt trong nhng mc đnh d thương nht và người nht, là cái khi đu cho nhiu th tt đp – v sau mi đến các headache và heartache.

Cái ch cha các mc đnh đó cũng là các soft spots.

Phn headache và heartache (or heartbliss) v sau này thường là phn ca các hard spots.

Đi t ch soft sang hard và ngược li là phn ca lòng dũng cm và k năng. Cng vi mt s th khác.

Ngày hôm qua, tôi ch biết nói "Thank you, you have a good day" và đi mt vi thêm mt ký c trong lòng v mt người xa lạ.

Tuesday, September 06, 2011

Khai tĩnh

Suy nghĩ ngày hôm qua còn thấy mới, đến hôm nay đã cũ rồi.

Lời nói ngày hôm qua còn dường như đúng, đến hôm nay đã trở nên chật hẹp.

Điều làm ngày hôm qua có vẻ quan trọng, đến hôm nay đã trở nên khác.

Không vì một lí do nào khác ngoài cảm giác vui mừng tràn trề vì mình đang sống, tôi muốn nói rằng:

Tôi bỏ qua tất cả mọi hành vi "xấu", lời nói "xấu", ý nghĩ "xấu" mà người khác đã gây cho tôi, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ bao giờ. Không một ai mắc nợ gì tôi và có lỗi gì với tôi cả. Tôi không oán giận, chấp lỗi bất cứ ai.

Tôi cũng mong tất cả những ý nghĩ, những lời nói, những việc làm không tốt mà tôi đã gây ra cho người khác được họ xả bỏ.

Tôi không mong gì hơn ngoài sự tốt lành cho tất cả mọi người.

========

Những dòng trên tôi viết đêm hôm qua ( vẫn đang jetlag). Nó không phải sản phẩm của một phút màu mè, hoang tưởng. Nhiều năm nay, tôi đã nghĩ thế và làm thế. Nói thực sự, tôi hiếm khi giận ai bất cứ điều gì. Nhưng nghĩ trong lòng là một chuyện; đêm hôm qua tôi muốn nói ra cái lời ấy công khai. Đọc lên thì có thể màu mè, kỳ cục, nhưng nó vẫn là một lời công khai và ý của tôi thì đúng là như những lời đó.

Đạo Phật có nói rằng trong đời sống, người ta nên bố thí, và có ba loại bố thí: tài thí, vô úy thí, và Pháp thí. Tài thì là bố thí bằng vật chất, tiền bạc, sức lực. Vô úy thí là giúp đỡ về mặt tinh thần lúc người khác khó khăn, sầu khổ. Còn Pháp thí là giúp người khác về mặt trí tuệ, hiểu biết, về Đạo. Trong ba loại thì Pháp thí là khó nhất và cao cả nhất nhưng là cái cần thiết nhất. Nói nôm na như ta vẫn nói, cho người khác một cái cần câu thì tốt hơn là cho họ một con cá.

Cái blog này của tôi thực ra thì có thể làm nhiều chuyện. Ví dụ trình bày các kiến thức về ngành Công tác xã hội - là ngành tôi được đào tạo bài bản nhất (note: CTXH khác Xã hội học). Hoặc nói chuyện văn học, xã hội. Hoặc là kể chuyển hàng ngày, tâm sự, nhật ký, chuyện du lịch. Vân vân... Hoặc không làm gì. Lâu nay tôi vẫn cứ để nó loăng quăng, không có theme nào cụ thể. Nhưng khi bắt đầu lờ mờ tìm hiểu về Phật pháp, và thấy những kiến thức trước đây của mình hạn hẹp làm sao, thế giới mà mình từng thấy và chấp vào nhỏ làm sao, và cái sự cấp bách của việc ra khỏi những hạn hẹp ấy... thì dù là mới bắt đầu lờ mờ biết một tí ti, tôi cũng muốn thỉnh thoảng chia sẻ cái tí đó cho những bạn có đọc blog này.

Muốn cuộc sống của mình không còn rơi qua hết vực này đến vực khác một cách khó kiểm soát và khó hiểu, thì chúng ta phải có ham muốn tìm hiểu những cái lớn hơn cái thế giới mà ta vẫn đang phản ứng hàng ngày. Và phải bắt đầu gỡ. Gỡ tất cả những thứ thói quen và mù quáng đã chồng chất lên cuộc đời của mình từ bao lâu nay.

Đấy là lí do từ nay tôi sẽ thỉnh thoảng nói vài thứ nghe có thể không ăn nhập vào đâu. Nếu bạn thấy nó đồng vọng với một chỗ nào đó trong bạn thì tốt rồi, bạn có thể tiếp tục đọc và tự tìm hiểu thêm. Nếu không thì bạn cứ bỏ qua, đọc những chỗ dễ chịu hơn là được.

Sunday, September 04, 2011

Đỗ Duy phỏng vấn


Sau buổi họp báo ở Sài Gòn vừa rồi, bạn Đỗ Duy có phỏng vấn tôi về chuyện viết văn ngay trước lúc tôi ra sân bay về Hà Nội. Bản rút gọn của bài phỏng vấn đã đăng trên Thể Thao - Văn Hóa cuối tuần. Tôi post ở đây bài phỏng vấn dài để các bạn đọc cho vui, gọi là bày tỏ một chút vì lâu rồi không phát biểu gì về chuyện viết văn cả.

Hình minh họa là Paris vào mùa hè năm 2008. Có những ngày, tôi ra công viên Luxembourg từ sáng sớm, rồi cứ nằm ở đấy cả ngày đến tận lúc công viên đóng cửa thì đi bộ về lại nhà trọ trên phố Rivoli.

===========

Phan Việt: “Cực đoan không phải là lựa chọn mà là tất yếu”

Nhà văn Phan Việt (tác giả các tập truyện ngắn Phù phiếm truyện, Nước Mỹ nước Mỹ và tiểu thuyết Tiếng người) về nước lần này để đưa sinh viên của mình đi thực tập với tư cách Phó giáo sư ngành Công tác xã hội - đại học San Jose, Mỹ. Chị cũng vừa tham gia sự kiện ra mắt tủ sách “Cánh cửa mở rộng” của NXB Trẻ cùng GS Ngô Bảo Châu và một số dịch giả. Nhưng cuộc đối thoại này không phải về cả hai việc đó, mà một cách tự nhiên, được dẫn về về đời sống của chị - một nhà văn đang trong tâm thế “đứng giữa” nhiều sự chọn lựa về nghề nghiệp, ngôn ngữ, nơi sống….

Chuyện được bắt đầu khi Phan Việt nhất định từ chối ý định tôi muốn chụp một chân dung mới của chị, khi hầu như những bức chân dung Phan Việt được nhiều bài báo sử dụng đều là những ảnh rất cũ, chụp cách đây ít nhất 4 năm. Lý do từ chối của Phan Việt là : “Tôi không quen lắm với việc chụp ảnh. Có thể viết khác với chụp ảnh ở chỗ đó là công việc của mình, hoàn toàn kiểm soát, khống chế nó được”.

- Chị đã từng bị chi phối bởi việc xem chân dung của một nhà văn, cùng với việc tiếp xúc với họ qua tác phẩm?

- Nhìn chung tôi không để ý đến chân dung tác giả lắm. Lúc tôi bắt đầu đọc sách thì đã thường đọc tác giả cổ điển, đã chết, không có chân dung, nó khiến họ dường như không có thật mà văn học cũng là một thế giới không thật. Sau này, với các tác giả đương đại, tôi cũng không có thói quen đi tìm ảnh tác giả để xem, trừ khi sách tôi đọc là dạng tự truyện hoặc hồi ký.


- Chị có bị thôi thúc phải gặp họ không?

- Nói chung là không.


- Chị có ngại việc phải gặp họ không?

- Không. Đối với tôi, tiếp xúc quan trọng nhất là tiếp xúc với tác phẩm. Mình đã gặp họ ở tác phẩm rồi. Tất cả những gì họ muốn nói với mình, thậm chí những điều cao hơn bản thân họ thì họ đã nói hết trong tác phẩm rồi. Gặp họ dĩ nhiên cũng có những thú vị riêng, trên tư cách gặp một con người, nhưng về mặt văn chương thì giá trị gia tăng không nhiều.


- Có những trường hợp con người lớn hơn tác phẩm.

- Nếu thế thì thật là đáng tiếc – về mặt văn chương. Tôi thì nghĩ là nếu một nhà văn thực sự làm đúng công việc của mình thì tác phẩm bao giờ cũng phải lớn hơn bản thân họ. Càng viết thì tôi càng thấy là nhà văn chỉ là công cụ truyền tải; bản tôi thường xuyên có cảm giác mình là miếng mút cứ thấm hút đời sống rồi vắt lại đời sống đó lên sách; tôi cứ càng trong suốt, nhạt nhòa thì càng tốt.

- Tất cả những điều chị muốn nói có thể đã qua tác phẩm hết rồi?

- Về cơ bản là như thế. Sau khi viết xong một cuốn sách, tôi thường có cảm giác là tôi không còn gì để nói thêm về tác phẩm đó nữa. Bởi vì khi viết, mình sống trong tác phẩm đấy, mọi thứ đều được kinh nghiệm thật ở thời điểm đấy. Sự thăng hoa hoa là của khoảnh khắc đó và không thể lặp lại. Việc sau đó mình dùng ngôn ngữ để kể lại về quá trình đó thì thường là đã có độ vênh rồi. Nên thường thì viết xong một cuốn sách, tôi chỉ muốn nói “Đây, tôi đã viết cuốn sách này, bạn hãy đọc”. Vậy thôi.


- Còn nói về công việc viết lách thì thế nào?

Đến bây giờ thì tôi hình dung khá rõ là tôi muốn viết như thế nào. Cái này là tự việc viết lách dạy cho mình. Câu chuyện cụ thể thì thay đổi theo thời gian nhưng nói chung tôi biết khá rõ cái tạng viết của mình, mình đã hiểu là mình không cần và không nên giả vờ làm ai khác nữa; và mình cũng đã hiểu cả những vấn đề có tính kỹ thuật ở cá nhân mình, ví dụ mình nên viết sáng hay tối, ở nhà hay ra hiệu sách, lúc không viết được thì nên làm gì, khi nào có thể lười và khi nào nhất định không được lười. Mà cái cơ bản nhất là mình học được cách nhìn ra một câu chuyện từ trong các chi tiết của đời sống. Tôi thuộc tạng có tư duy bố cục mạnh; cho nên tôi luôn biết khi nào tôi đã có một câu chuyện trong lúc tôi đang nhìn, đang nghe, đang quan sát.

- Khi nào?

Cái này khó nói cụ thể, anh viết nhiều thì anh tự biết thôi. Với truyện ngắn, nó là việc bắt lấy một khoảnh khắc tạo nghĩa, một khoảnh khắc có khả năng rọi sáng về đời sống. Tiểu thuyết thì khó hơn. Tiểu thuyết thì quan trọng nhất với tôi là cái kết thúc – khi tôi hình dung ra được cái kết thì thường là tôi biết tôi có một cuốn sách, ngay cả nếu tôi không biết phần giữa của cuốn sách là cái gì. Phần giữa là phần mình có thể làm dần bằng cách liên tục thu thập chi tiết. Nói chung, nếu anh đã là một nhà văn, anh không bao giờ ngừng là một nhà văn cả.

- Biểu hiện của cái không ngừng là nhà văn đó ở chị là gì?

- Ở chỗ tôi chỉ thích nghe thôi, lúc nào cũng thấy câu chuyện của người khác rất thú vị. Rồi là tự động trong đầu mình lúc nào cũng liên tục lọc thông tin, bắt chi tiết. Hemingway nói là người viết có một cái ăng-ten tự động, đại loại là như thế. Cái này người làm nghề nào thì có bản năng của nghề đó thôi.

- Nghe nhiều và quan sát nhiều có làm cho chị thấy mình có sự cách biệt với xã hội mình đang sống?

Cũng có. Nhưng cũng có thể là vì tôi sống ở nước ngoài nữa. Khi mình sống ở nước ngoài thì tự khắc mình đã có độ lùi hay cách biệt so với đời sống ở Việt Nam rồi. Gần đây, tôi thấy rất rõ là tôi là một người đứng giữa; tôi không còn thực sự thuộc về Việt Nam, mà tôi rõ ràng cũng không thuộc về Mỹ.

- Bất lợi của chị trong thế đứng “chẳng thuộc về đâu cả” là gì?

- Là cái gì cũng mất nhiều thời gian hơn để có cái nhìn chân thực. Trong rất nhiều vấn đề, khi anh đứng ngoài quan sát thì nó có cái lợi là anh có thể có cái nhìn bao quát, anh không bị cuốn vào tiểu tiết. Nhưng chỉ làm thế được ở một mức độ nào đó thôi. Đến một lúc nào đó, nếu anh không muốn chỉ mô tả mọi thứ trên bề mặt và với tư cách phán xét hoặc tư cách khách du lịch, thì anh buộc phải bước vào làm người đứng trong. Có những thứ mình lựa chọn đứng trong nữa, mình không thờ ơ được. Dù sai, dù xấu, dù tệ, mình vẫn cứ chọn là người đứng trong.

- Có vẻ công việc viết của chị mang đầy những mâu thuẫn?Thế thì cái hạnh phúc của việc viết là ở đâu?

- Tôi thấy viết văn rất khó nhưng tôi không thấy khổ sở. Nó khó bởi vì cái mà tôi muốn làm là diễn tả “đây, thế giới là thế này, đây, cái đẹp là thế này”. Để làm được thế rất khó, khó mà vẫn muốn làm cho nên vất vả. Nhưng mà cái quá trình đấy cũng rất là hạnh phúc, nhất là khi mình viết được như mình mường tượng.

- Có bao giờ chị mang cảm giác là thực tế cuộc sống đã hàm chứa những cái hay, và tự nó đã giải quyết những vấn đế của nó rồi….

Thì mình cứ sống đi, mình viết làm gì, ý anh là vậy? Gần đây, tôi thỉnh thoảng có cảm giác đó; tức là cảm giác mình viết về cuộc sống nhiều hơn là mình sống cuộc sống. Thấy như vậy không đáng. Cho nên bây giờ tôi viết khác đi và cũng chậm hơn. Ngày trước, tôi viết truyện ngắn cứ phải có tư tưởng; giờ tôi chỉ kể chuyện thôi.

- Nhưng trong kể chuyện đã có quan điểm của người viết rồi?

- Tất nhiên, kể cả một tuyên ngôn vô thưởng vô phạt cũng là một tuyên ngôn có lựa chọn. Nhưng nó là một lựa chọn ít áp đặt, ít tính phiên dịch hơn. Những năm trước, khi trẻ hơn, tôi lúc nào cũng tiếc thời gian, lúc nào cũng thấy mình có nhiều quyển sách trước mặt mình cần phải viết nên mình phải nhanh lên. Nhưng bây giờ tôi không thấy thế nữa. Tôi bình tĩnh hơn.

- Bình tĩnh đó có thể dẫn đến hậu quả là tham sống hơn tham viết, lười biếng viết?

- Không, cái tạng của tôi không thế. Tạng của tôi muốn lười cũng không lười được. Viết chậm hơn chỉ là vì muốn viết tốt hơn thôi.

- Trước một trải nghiệm mới, chị háo hức viết như một nhà văn hay háo sức sống với nó như một con người bình thường hơn?

- Hai cái đó không tách rời nhau. Khi tôi thấy một kinh nghiệm thú vị, thì muốn tham gia, nhưng trong lúc mình tham gia thì mình cũng đang viết.

- Nhưng có thể khi chị ghi nhớ một khoảnh khắc nào đó thì chị đã không sống trọn vẹn với nó?

- Không, nó không diễn ra như vậy. Tức là tôi không phải “pause” lại để “take note” rồi mới sống tiếp. Tất cả là một dòng chảy rất liên tục. Mà nó không chỉ là dòng tiên tục ở thời điểm đang xảy ra sự việc đâu, nó là dòng liên tục tự động lập ý và kết nối với những cái đã xảy ra nữa. Nó là những câu chuyện và mạch chuyện liên tục ở trong mình, dù mình có viết ra giấy hay không. Cái con người mình nó là như vậy.

- Đôi khi mình cũng không thể viết hay như chính cuộc sống diễn ra?

- Đó là thách thức của anh trong tư cách là người viết.

- Trong tất cả những bài phỏng vấn của chị về nghề viết, vẫn thấy nghề viết thật sự là lý tưởng?

- Đối với tôi thì nó thích hợp với con người mình, nó làm mình hạnh phúc. Có thể trời sinh ra mình là như vậy thì mình cứ làm như vậy, mình không còn cưỡng lại nữa. Như ngày xưa, tôi còn có nhu cầu làm thế này thế khác để mua vui cho bản thân; bây giờ tôi ít có nhu cầu đấy. Cái con người sống bình thường của tôi càng ngày càng thu hẹp lại, nó cứ trong dần, trong dần; tôi hầu như chỉ sử dụng nó ở mức tối thiểu, ví dụ như là tôi vẫn phải đứng lớp, phải thuyết trình khoa học, vân vân… thì vẫn phải dùng đến các kỹ năng giao tiếp. Tôi vẫn phải tự đặt cho mình một mục đích là ít nhất khi mình đứng lớp, sinh viên không chán nghe. Nhưng ngoài chuyện đó ra, khi không có ai hỏi gì thì tôi không có nhu cầu bày tỏ gì về bản thân, không có nhu cầu nói gì cả.

- Là một nhà văn, khi bắt gặp một câu chuyện nào đó của bạn bè, hoặc người thân, chị có bị trở ngại là không dám kể lại để tránh tổn thương họ?

- Về cơ bản là không; vì tôi thấy nó không liên quan. Văn học là văn học; tôi thấy rất rõ cái tách biệt đấy vì tôi đã từng lấy bản thân tôi ra viết rồi, và tôi thấy cái tổn thương của cá nhân tôi chẳng liên quan gì đến văn học cả. Tuy nhiên, tôi vẫn có một quan điểm là trước khi làm gì thì mình cố gắng làm một người tử tế đã. Bản thân tôi, tôi muốn hành hạ thế nào cũng được, nhưng nếu chuyện tôi viết có thể gây những tổn thương không khắc phục được cho người khác thì tôi cũng không viết; tôi thấy nó không đáng.

- Nhưng có thể điều chị viết làm tổn thương một người mà mang lại giá trị cho nhiều người khác thì sao?

- Khó nói lắm; anh luôn phải lựa chọn. Có trường hợp viết ra chỉ làm đau mình chứ chẳng được cái lợi gì mà vẫn viết. Có trường hợp viết ra thì làm tổn thương một người mà làm lợi ích cho nhiều người nhưng vẫn không làm. Một câu chuyện dù hay đến đâu cũng không đáng kể bằng một người; có lúc anh sẽ thấy là như thế.

- Thế tức là con người viết lách trong chị không đủ mạnh như con người bình thường?

- Không phải thế. Hai cái đấy không bao giờ tách rời nhau. Tôi không thể chỉ là con người viết lách hay là con người bình thường. Cho dù con người viết lách trong anh rất lớn thì anh vẫn phải ra quyết định đấy. Vẫn luôn luôn phải ra một quyết định là anh có viết câu chuyện này không. Thực ra, câu chuyện thì có nhiều, không viết cái này thì viết cái khác, không nhất thiết phải làm việc đó.

- Hiện nay, công việc giảng dạy có cho chị những điều kiện về thời gian, vật chât cho công việc viết lách?

- Vật chất thì bây giờ tôi thoải mái hơn, nhưng thời gian thì tôi có ít. Chức danh chính thức của tôi hiện nay là phó giáo sư đại học San Jose và tôi phải hoàn thành trách nhiệm của mình nên bây giờ tôi vẫn đang viết trong tình trạng tranh thủ. Tôi biết là tôi không thể viết theo kiểu tranh thủ mãi được.

- Chị sẽ giải quyết thế nào?

- Thì phải viết full-time thôi.

- Xu hướng. Chị có đi theo nó không?

- Thật ra, có muốn đi anh cũng chẳng đi được. Câu chuyện, con mắt, cách kể đều là của anh, làm sao anh đi theo cái gì được? Anh chỉ có thể giả vờ đi theo trong một khoảng thời gian thôi.

- Chị có lựa chọn tâm thế suy nghĩ cực đoan của một người viết?

- Đây không phải chuyện lựa chọn mà nghiễm nhiên nó phải là như thế, trong bất cứ lĩnh vực nào. Văn hóa của Việt Nam hay trọng sự hài hòa, êm thấm, êm ái nên người ta nghĩ đến từ cực đoan với nghĩa xấu. Nhưng nếu anh thực sự hiểu cái lựa chọn của mình và công việc của mình thì anh cũng không có lựa chọn nào khác ngoài sự cực đoan. Người ta chỉ không cực đoan được vì người ta không hiểu rõ sự lựa chọn của mình thôi.

- Chị có định sử dụng chất liệu trong môi trường sư phạm của chị vào viết lách?

- Có, chắc là sẽ viết. Đợt vừa rồi, khi tôi đưa sinh viên của mình về Việt Nam thực tập, có một cậu sinh viên; khi tôi đưa cậu đi mua đồ thì cứ bị người ta hỏi, tôi là vợ hay là bạn gái cậu ấy? Người ta có mặc định như vậy. Có thể tôi sẽ viết một cuốn sách về tất cả những điều đấy – về những kinh nghiệm của tôi khi mình sống một cuộc sống ở giữa Mỹ và Việt Nam. Cho đến giờ, hầu như tôi chưa khai thác gì những kinh nghiệm sống của mình cả.

- Khi nào thì chị sẽ viết cuốn sách đó?

- Khi nào thời điểm của cuốn sách đó đến.

- Chị sẽ về Việt Nam chứ?

- Có thể. Hiện giờ thì tôi thấy tôi sống bên ngoài sẽ tốt hơn.

- Hiện nay, chị có vướng phải cảm giác phải giao tiếp thường ngày bằng một ngôn ngữ, và viết lách bằng một ngôn ngữ khác?

Tôi bắt đầu có một xung đột là không biết nên viết tiếng Việt hay tiếng Anh. Ví dụ cuốn sách mà hiện tôi đang viết, tôi đã bắt đầu bằng tiếng Việt, sau đó chuyển sang tiếng Anh, và lại quay về với tiếng Việt. Mà bây giờ, vì phải dùng tiếng Anh hằng ngày nên tôi bắt đầu bị một chuyện nữa là tôi viết sai chính tả mà không hề ý thức được. Ngày xưa tôi không bao giờ viết sai chính tả; thế mà bây giờ có từ mình viết sai lè ra mà không biết. Cứ như là mình bị rơi vào những điểm mù vậy.

- Như Linda Lê là tách biệt hoàn toàn với môi trường tiếng Việt, chỉ viết bằng tiếng Pháp, có khi sẽ có những thành tựu như mong muốn hơn?

- Lựa chọn cự tuyệt như thế cũng tốt. Hoặc là đến lúc mình thấy có nhu cầu tự nhiên là phải viết tiếng Anh, cho độc giả nói tiếng Anh thì mình sẽ tự viết.

- Vì sao chị vẫn muốn độc giả của chị là người Việt Nam?

- Vì người Việt với tôi là thân hơn. Tôi nhớ khi tôi đi xin việc ở Mỹ, tôi có nói thẳng với những người tuyển việc là tôi không quan tâm tới công tác xã hội ở Mỹ, tôi không quan tâm đến các vấn đề của người Mỹ vì họ có nhiều người lo rồi, tôi không cần phải lo thêm nữa. Với người Việt thì khác; mình có quan hệ máu mủ mà mình không phủ nhận được. Tôi không nói tới cái tinh thần dân tộc kiểu mặc định đâu mà đây là một sự quan tâm có thật. Là sự đồng cảm có thật với những người đồng bào của mình. Càng lớn thì tôi càng hiểu điều đó.

Gần đây, khi tôi về Việt Nam làm việc với tư cách là người của trường đại học bên Mỹ thì tôi bắt đầu phải đối mặt với những tình huống mà tôi buộc phải lựa chọn, hoặc là tôi bảo vệ lợi ích của phía Mỹ vì tôi ăn lương của họ, hoặc tôi phải bảo vệ lợi ích của người Việt Nam, thì tôi thấy rõ là mình luôn đứng về phía Việt Nam. Mình không cưỡng được điều đó. Còn trong viết lách, thì ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ đẹp.

- Ngày xưa chị thấy cái đẹp của ngôn ngữ tiếng việt, bây giờ là cái đẹp ở một ngôn ngữ khác. Công việc viết lách sẽ đạt đến thành tựu mới?

- Ngày xưa tôi thấy tiếng Việt đẹp theo một cách hơi thủ công; ví dụ mình thấy sung sướng khi có thể diễn đạt một cách lắt léo những ý nghĩ phức tạp của mình. Nhưng bây giờ, tôi thấy ngôn ngữ là công cụ sáng tạo, khi mình nhận ra được cái đẹp, cái kỳ diệu của nó thì mình cũng đồng thời nhận ra sự hạn chế của mình. Bây giờ tôi hiểu viết một cách khéo léo, trôi chảy thì rất dễ nhưng viết hay, viết đẹp thì khó.

- Đến một lúc nào đó, chị sẽ có sách bằng tiếng Anh?

- Có chứ.

- Có khi nào chị viết vô tư hơn, không hướng đến độc giả nào?

Cái câu hỏi viết cho ai là một câu hỏi kép – một là chuyện triết lý viết, hai là chuyện kỹ thuật viết. Về mặt triết lý, anh có thể định hướng là anh viết cho độc giả thông minh, hay viết cho Chúa hay viết vì một cái gì đó cao cả, vân vân… Nhưng khi anh theo đuổi một cuốn sách trong ba năm thì chỉ có 10% số ngày đó là anh viết trong trạng thái thăng hoa, còn 90% số ngày là anh phải dùng đến kỷ luật và sự khổ luyện. Thế thì trong 90% số ngày đó, về kỹ thuật, có thể anh phải viện đến một độc giả nào đó cụ thể hơn để mà có thể đi tiếp. Ví dụ là tôi thường nghĩ tôi sẽ viết để cho người bạn này, người bạn kia của tôi đọc. Hoặc có người phải lấy động cơ là viết trả thù các nhà phê bình đã chê cuốn sách trước của mình. Vân vân… Đấy là chuyện kỹ thuật thôi. Suy cho cùng, thì tất cả các đối tượng trên đều không liên quan gì lắm đến tác phẩm, đến chính tôi cũng chẳng liên quan gì mấy đến tác phẩm của tôi sau khi tôi đã viết xong. Nó không thuộc về tôi nữa.

Đỗ Duy thực hiện