Sunday, June 24, 2012

Ở đây bây giờ...


đang là mùa khô - thành phố không mưa đã lâu rồi. Những sườn đồi bao quanh thung lũng chỉ có một màu vàng của cỏ cháy dưới nắng, lác đác những tán cây thông, tùng, và một vài loại cây lá kim thân thấp không rõ tên. Trời lúc nào cũng một màu xanh ngắt, không mây. Ngày bắt đầu sáng lên từ khoảng 4 giờ và nắng không tắt cho tới tận 8-9 giờ tối. Đêm chỉ thực sự kéo dài chừng 5 tiếng và không có màu đen đặc của những vùng núi miền Đông.

Ngày hôm trước, tôi chạy xe vào tận chân thung lũng và leo ngược những con dốc ngoằn ngoèo để lên đỉnh đồi. Trên đường đi, tôi phải dừng lại hai lần ngay giữa lúc xe đang lên dốc để nhường đường - lần thứ nhất cho một con hươu mẹ dẫn con ngơ ngác băng vạt đồi cỏ sang phía thung lũng, và lần thứ hai cho một đôi gà tây to đen thủng thẳng đi chính giữa đường, vừa đi vừa kêu kọoc koọc và rung rung những chùm bướu cổ đỏ rực. Từ trên đỉnh một ngọn đồi bao quanh thung lũng Silicon nhìn xuống và nhìn ra xa, cảm giác bát ngát dài rộng của không gian và của cái sẽ đến trong cuộc sống mới này làm tôi nghẹn thở.

Note: Ảnh minh họa đi mượn, có lẽ chụp vào mùa xuân, khi các đồi cỏ còn xanh.


Wednesday, June 20, 2012

Ghi vội ở Hà Nội - 10


Hà nội, ngày….

Sáng nay, như thường lệ, mình dậy lúc 5:30 để đi tập thể dục với mẹ. Mình đi trước, mẹ đi sau vì còn rẽ vào trả chai nước đậu tương cho bà bán bánh mỳ. Đi ngược lại với mình trong ngõ có hai thanh niên cửi trần, đã đi tập về rồi. Mình đang đi, thì bỗng nghe một thanh niên nói với mình:

  • -       -vung tay mạnh lên em.
Mình giật mình choàng tỉnh.  Hai thanh niên đã đi qua mất rồi.

Trời ơi, quanh mình đâu đâu cũng có các vị Phật. Hà Nội nhiều vị Phật quá. Mấy triệu vị Phật, mỗi vị một dáng vẻ, một cung cách, một cách hoằng pháp khác nhau. Có vị cư xử lạ lắm; như tối hôm thứ Ba, mưa ngập hết đường, mình đang lò dò chạy xe nép nép vào bên vệ đường bên này của đường Khuất Duy Tiến kéo dài thì một vị Phật chạy xe tải, phóng vọt qua vùng đường ngập bên kia; làm nước ré lên thành sóng, trùm lên người mình ướt đẫm, lại còn dúi mình suýt nữa đâm vào vệ đường. Mình tức quá, chửi:

  • -       Tổ sư bố mày.
Nhưng mình nói thế thôi, chứ mình vẫn một lòng yêu kính các Phật; các vị hoằng pháp vi diệu,  vạn pháp cho vạn người, mình chưa hiểu cách của vị Phật này đấy thôi.

Mình đi tắt qua ngõ ra chỗ cổng đại sứ quán Nhật Bản; đã có rất nhiều vị Phật ở đó rồi; một số vị đang đánh cầu lông vun vút “chết này, chết này”; một số vị đi bộ; còn đến gần trăm vị nữ Phật thì đang hoằng pháp aerobics trong tiếng nhạc của bậc đại từ đại bi đời 1970s Boney M. Nhiều vị Phật người rất đẹp, một số vị hơi beo béo; các vị Phật hăng say hoằng pháp lắm. Mình cung kính đảnh lễ rồi cũng mon men lại gần.

Các Phật tập đẹp quá. Một, hai, ba, bốn, năm, sau, bảy, tám, lên nào, mạnh ra sau, năm, sáu, bảy, chuyển, ép mạnh hông đi nào… Mình cũng ép… Một, hai, ba, bốn, nhún, nhún… mình cũng nhún… vi diệu quá…

Mình đang tập theo các vị Phật thì đại mẫu của mình (cũng là một vị Phật) ra đứng gần mình cùng với một bậc đại từ đại bi khác có pháp danh là Cô Huế. Bậc đại bi Cô Huế hỏi đại mẫu của mình:

  • -       - cháu đấy hả chị?
  • -     -   ừ, nó đấy, ở bên kia, cứ suốt ngày ngồi máy vi tính rồi lại đi ô tô, không vận động mấy, người nó bệu ra, nên về đây chị bắt đi thể dục.
Vị đại từ đại bi nhìn mình rồi mỉm cười, truyền cho mình một bài kệ như sau:

  • -      -  Cháu ạ, phải vận động đi, sau này già như cô nó mới đỡ bệnh, chứ để đến lúc đấy là muộn rồi. Con cô đấy, nó ở bên Sing, cũng như bọn cháu, suốt ngày ngồi máy vi tính, cô bắt mỗi ngày phải dậy sớm chạy một tiếng để xả choét.
Mình xúc động quá. Đây hẳn là đức Phật Lưu Ly Dược Sư chuyển sinh tái thế để dạy mình về sức khoẻ. Mình cúi đầu cung kính:

  • -     -   Vâng ạ.
Mình theo các Phật tập pháp tu aerobics 30 phút; rồi các Phật tản ra, lên xe máy tiếp tục đi hoằng pháp ở các phương; còn mình với đại mẫu và đại từ đại bi Cô Huế tiếp tục đi bộ quanh đại sứ quán mấy vòng. Bậc đại bi hỏi mình:

  • -       Về Hà Nội vui không cháu?
Mình cung kính:

  • -       - Vui lắm ạ.
Chẳng biết bao người còn đi tìm Tây phương Cực Lạc ở tận đâu đâu; cực lạc là đây rồi chứ còn đâu nữa. Ngày ngày, đi giữa mấy chục triệu đức Phật Hanoians, và hằng hà sa số vô lượng các chư Phật mười phương, mình lâng lâng sung sướng, tạ ơn chư Phật gia hộ độ trì cho mình nhiều phước duyên mà đến được xứ này.

Con cung kính đỉnh lễ vô lượng chư Phật mười phương!
Con Phan Việt ạ


Friday, June 15, 2012

Ghi vội ở Hà Nội - 9

Hai tuần nay ở Hà Nội, tôi sống chủ yếu bằng kỹ năng. Tất cả những thứ thuộc về soul and spirit, tôi cất tạm chúng vào một góc; nhìn thấy đấy nhưng không thể chăm sóc chúng vào lúc này.

Hội thảo 2 ngày chính, bắt đầu từ thứ Hai; đến tận tối Chủ Nhật, những người trong ban tổ chức vẫn còn ở trong khoa XHH để chuẩn bị những khâu cuối cùng cùng. Lần này có hơn 40 khách nước ngoài về tham dự, lịch lại dày đặc, nên các bên đồng tổ chức muốn extra-careful. Người làm ít nên trong hai ngày diễn ra hội thảo, tất cả mọi người trong BTC đều phải làm "cửu vạn" đủ thứ, từ dẫn chương trình, chủ trì một số phiên song song, làm phiên dịch cấp cứu, thu tiền, sửa mic, chỉnh băng-rôn, thậm chí đưa sinh viên đi cấp cứu, vv... Ngày thứ ba đi Hạ Long cùng đoàn, đến 8 giờ tối về nhà. Sáng hôm sau đi đám ma một thày giáo bên khoa XHH vừa mất; trưa về tiếp khách đến ăn trưa; 3h chiều xong, chuẩn bị tiếp khách đến ăn cơm tối; nhưng 5 rưỡi, trời đổ mưa sầm sập; rồi có điện thoại từ Mỹ sang của phụ huynh một sinh viên.

"Professor Nguyễn, con tôi là L, nó vừa bị ăn trộm trong khách sạn".

Gọi điện đến khách sạn, sinh viên khóc "Professor Nguyễn, em sợ lắm, em thấy trời mưa, em đi xuống lobby xem, đến lúc em đi lên thì thấy cửa phòng mở; trong phòng, có người nhân viên khách sạn đang cầm ví của em và cầm tiền của em; em nói anh làm gì thế, sao anh lấy tiền của tôi, thế là anh ta xin lỗi, rồi bỏ lại tiền vào ví; em ấn điện thoại gọi lễ tân, anh ta dập máy của em, rồi anh ta quỳ xuống, bảo là nhà anh ta nghèo, con anh ta ốm trong bệnh viện, anh ta bảo em đừng gọi cho ai, em bảo em phải gọi ai lên chứng kiến; thế là em gọi lễ tân lên, một người đi lên, hai người đó nói gì với nhau rồi cười, em bảo chuyện thế này có gì đáng cười mà cười, rồi anh kia đi, còn anh còn lại cứ bảo em đừng nói với ai; em bảo không, tôi phải gọi cho Prof. Nguyễn; thế là anh ta cứ ngăn không cho em gọi; em bảo anh ta đi ra, em đóng cửa lại, họ cứ ở ngoài gõ cửa bảo em cho vào nói chuyện; em sợ quá, em chỉ sợ người kia quay lại làm gì em; em bảo tôi không mở cửa đâu, thế là họ lại cố gọi điện thoại cho em, em không nghe máy, họ lại đi vòng sang bên phongf bên cạnh, vẫy vẫy em qua cửa sổ bảo em mở cửa cho họ vào; em kéo rèm xuống, họ cứ cố vào phòng, em bảo tôi không mở cửa cho ai hết, em không gọi được điện thoại cho cô vì máy trong phòng không gọi được, may mà em lên mạng gọi được bố em, cô ơi, em rất sợ".

Sinh viên vừa sang tới VN được 1 ngày, ngày hôm sau mới chính thức bắt đầu khoá học mùa hè.

Tôi bảo "Sẽ không ai làm gì em đâu; em hoàn toàn an toàn, anh ta có thể lấy tiền của em nhưng sẽ không dám làm gì hại em đâu; năm ngoái đoàn trường mình đã ở khách sạn này, họ là khách sạn tốt, chuyện xảy ra là với một cá nhân người nhân viên đó thôi, cô sẽ đến đưa em về nhà cô tối nay, được không?"

"Vâng, em không ở đây đâu; mà em cũng lo không biết P đi đâu. P đi từ 10h sáng, giờ tối rồi mà chưa thấy về, trời thì mưa thế này".

"Em cứ ở đó, cô đến bây giờ; sẽ lo về P sau. Em có thể tiếp tục nói chuyện với gia đình em qua mạng cho đỡ sợ."

Trong ngõ nhà tôi, nước ngập đến ngang đùi. Xắn quần lội từ trong nhà ra đến đường Đội Cấn. Đường Đội Cấn cũng ngập ngang đùi; xe máy chết đầy lòng người, mọi người bì bõm lội, dắt xe và dắt díu nhau trong nước ngập. Ô tô không chạy. Tôi hỏi một người đang đứng quay phim bằng điện thoại xem có thể bắt xe ở đâu, anh ta bảo ra Liễu Giai vẫn bắt được xe. Lại lội từ đó ra Liễu Giai thì thấy có xe ôm và taxi. Hỏi xe ôm từ đây vào phố cổ bao nhiêu tiền, xe ôm bảo "100 ngàn, đi thì đi, tắc lắm". Lên xe, đi theo đường Hoàng Hoa Thám ra vườn hoa Hàng Đậu vào phố cổ. Đường tắc nghẹt, nhưng lần mò mãi rồi cũng đến.

Tôi lên phòng, gõ cửa bên ngoài. L hỏi mấy lần, nghe đúng tiếng tôi mới chịu mở cửa ra. Trong phòng đã có P vừa về nên L có vẻ cũng đã bình tĩnh lại. Tôi yêu cầu khách sạn cử quản lý lên phòng nói chuyện. Họ cử một người lên; họ xin lỗi, nói cũng không biết tại sao anh kia lại ăn cắp; anh ta đã làm ở đây hơn 1 năm, rất tốt và trách nhiệm, có thể có chuyện gì mới xảy ra khiến anh ta cùng quẫn.

Tôi nói chuyện này không ai muốn xảy ra, cùng là người Việt với nhau, tôi rất tiếc có chuyện như thế này xảy ra, tôi cũng đã từng đưa đoàn về đây và biết ks này tốt, nhưng việc đã như vậy, các anh nên xử lý thế nào cho thoả đáng nhất, đừng để gây rắc rối lớn, vì gia đình sinh viên đã chuẩn bị liên hệ luật sư, nếu để họ nói chuyện với bên đại sứ quán nữa thì rất rắc rối.

Phía khách sạn nói chúng tôi hiểu, chúng tôi sẽ giải quyết mọi việc thật nhanh và hợp ý khách.

Tối đó, tôi ngủ lại khách sạn với sinh viên. Từ đó đến sáng hôm sau phải giải quyết chuyện này cùng với công ty du lịch mà bọn tôi thuê tổ chức chương trình. Chúng tôi chuyển hết sinh viên sang khách sạn mới và làm việc với khách sạn cũ để bồi thường thiệt hại "vật chất và tinh thần cho sinh viên". Nghĩ cũng tội cho khách sạn kia; vừa mất một khách hàng thường xuyên, vừa phải bồi thường. Những nhân viên khác và người quản lý đều hết sức hợp tác, nhã nhặn. Họ nói đã đuổi việc anh kia và sẽ bồi thường cho khách. Họ gọi cho tôi hỏi ý kiến các vấn đề để xử lý. Tôi tự nhiên thành người đứng giữa, vừa cố gắng bảo vệ cho sinh viên của mình, vừa cố gắng bảo vệ cho "đồng bào" mình; thực sự bên nào cũng là nạn nhân. Có cái gì đó làm tôi rất đau lòng trong chuyện nho nhỏ này.

Sinh viên sang 7 người thì 3 người bị ăn cắp dưới các hình thức khác nhau trong ngày đầu tiên - người thì bị taxi charge nhiều tiền hơn và giật tiền khỏi ví; hai người bị ăn cắp. Dường như, đang có rất nhiều người ở VN mới trở nên cùng quẫn nên "đói ăn vụng, túng làm càn" - hoặc là đạo đức đã xuống cấp đến độ người ta bất chấp. Lí do nào cũng đáng lo và đáng thương. Tôi muốn gặp người đã lấy tiền của sinh viên để hỏi xem lí do thật sự anh ta lấy tiền là gì. Nhưng khách sạn nói anh ta đã trốn mất, gọi điện không thấy.

Năm ngoái, cũng chương trình mùa hè này, chúng tôi không hề có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Dường như đang có rất nhiều lục bục chuyển động trong xã hội. Chỉ trong vòng một năm, dường như có thêm nhiều người cùng quẫn; hàng chục nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản; mọi thứ nháo nhào, bất ổn hơn. Từ hôm về, tôi cứ nói với mọi người là HN hình như thưa đi nhiều so với năm ngoái, mọi người bảo không phải, vẫn đông, vẫn tắc như thế, nhưng tôi cảm giác rõ ràng HN thưa đi, có thể là do sinh viên về nghỉ hè, có thể là do nhiều người không còn sinh kế phải bỏ thành phố về quê.

Những chuyện đau lòng nhìn thấy khắp nơi. Nhưng mà cứ tạm phải gác chúng lại một bên để làm những việc khác. Những lúc khó khăn trong cuộc sống, những khi người khác ngã lòng, là những lúc mình phải đứng vững như đá. Đá thì dĩ nhiên là sẽ phải gác lại phần soul và spirit; chỉ tự nhủ là không được quên.

Kiên nhẫn chờ những ngày rảnh rỗi sắp tới để ngồi viết cả ngày.










Friday, June 08, 2012

Hội thảo quốc tế về CTXH - ngày 11 và 12 tháng 6



Ngày 11 và 12 tháng 6, hội thảo quốc tế về công tác xã hội và chính sách xã hội do Đại học KHXHNV thuộc Đại học quốc gia, Hiệp hội giáo dục CTXH châu Á - TBD thuộc Hội đồng GDCTXH Hoa Kỳ, và Đại học San Jose State đồng tổ chức sẽ diễn ra tại ĐHKHXHNV, 336 Nguyễn Trãi, HN.

Hội thảo sẽ có sự tham gia của nhiều các lãnh đạo chính phủ, các nhà khoa học và người thực hành CTXH hoặc các ngành liên quan từ nhiều quốc gia và Việt Nam. Khách mời danh dự là GS.TS. Angie Yuen, Chủ tịch Hiệp hội các trường CTXH quốc tế.

Ngoài 2 phiên toàn thể, sẽ có 7 phiên song song và 3 phiên tập huấn chuyên đề. Các phiên song song gồm:
- Phiên 1: CTXH với trẻ em và gia đình - Phần 1
- Phiên 2: CTXH với người khuyết tật và các nhóm dễ tổn thương
- Phiên 3: CTXH với trẻ em và gia đình - Phần 2
- Phiên 4: CTXH với cộng đồng
- Phiên 5: Hệ thống dịch vụ xã hội và chính sách XH
- Phiên 6: Đào tạo và nghiên cứu CTXH
- Phiên 7: Đào tạo và thực hành CTXH

Các phiên tập huấn chuyên đề gồm:
- Phiên 1: Hệ thống phúc lợi trẻ em
- Phiên 2: Thực hành CTXH trong cộng đồng
- Phiên 3: Hệ thống dịch vụ xã hội và nhân viên CTXH

Rất tiếc là tôi không upload được giấy mời và chương trình chi tiết của từng phiên lên, nên tạm để như vậy. Mời các bạn có quan tâm tới dự. Đăng ký đại biểu bắt đầu lúc 8 giờ sáng; khai mạc lúc 8h30 tại tầng 8 nhà E.