Friday, December 07, 2012

Đối đầu


Hôm thứ Ba, tôi giảng buổi cuối cùng của kỳ này. Tuần sau, sinh viên nộp bài cuối khoá nữa là hết học kỳ.

Cuối kỳ nên sinh viên mệt và căng thẳng. Bài vở thì nhiều; các môn thi và bài luận dồn dập; rồi mùa Xmas đang đến, nhiều người nóng lòng muốn về nhà ở bang khác. Thế nên không khí trong lớp rất bồn chồn, bứt rứt; khác hẳn mọi khi. Tôi biết thế, nhưng tôi vẫn cứ bình thường. Sinh viên nổi cáu với nhau trong lúc tranh luận, tôi cứ để sinh viên cãi nhau, rồi tôi bảo:
- Tôi sinh ra ở VN, tôi nhìn thấy conflict nhiều rồi; các em cứ tranh luận đi, tranh luận thật ra ngô ra khoai vào, miễn là công bằng và lịch sự.

Hết giờ, tôi ở lại nói chuyện với mấy sinh viên. Tory bảo tôi:
- Dr. Nguyễn, I love your reaction. "I am from Vietnam," who can argue with that? But you're not a confrontational person, are you?

Ý Tory bảo "cô không phải tạng người thích đối đầu khi có xung đột phải không?". Tôi cười bảo ừ chắc là thế.
- Là cô như thế hay là văn hoá người Việt Nam như thế?

Với người Mỹ, né tránh đối diện với xung đột hiển hiện trước mặt là một điều họ không quen.

Tôi bảo Tory là tại cả hai; nhưng chắc phần nhiều là tại tôi, tại lịch sử cuộc sống của tôi khiến tôi như thế; có những/nhiều vết thương làm cho mình như thế.

Tôi nói, cuộc sống của tôi ở thời điểm hiện tại nhẵn nhụi ở hầu hết các phía, chỉ chừa lại một phía. Đấy là chỗ tôi tập trung toàn bộ sự "đối đầu" của tôi vào; còn những chỗ khác, tôi không quan tâm lắm. Tôi muốn tiết kiệm năng lượng, cho nên tôi nghe đi nghe lại những bản nhạc cũ nếu muốn nghe nhạc, tôi đọc những cuốn sách cũ, tôi nói cả những điều cũ nữa. Chỗ nào có thể thủ tục hoá được, thói quen hoá được là tôi thói quen hoá. Ngày của tôi có lịch đều đặn, tối giản; tôi cũng không mua sắm, tích trữ của cải; tôi set up một số thứ thuộc về tài chính, rồi cứ để mặc nó tự động vận hành, tôi không tốn thời gian quản lý tài chính hay cố gắng làm cho nó phình to ra. Nói chung là rất nhiều sự tự động hoá đến buồn tẻ. Nhưng tôi không sợ sự buồn tẻ ấy, tôi không còn thấy chúng buồn tẻ, nhàm chán.

Tôi không muốn phí thời gian vào việc sợ hãi sự buồn tẻ, nhàm chán.

Bởi vì ở cái phía còn chưa nhẵn nhụi ấy, mọi thứ mở ra vô cùng, không biên giới; tôi thấy mình là một đứa trẻ ở đó, và vũ trụ lớn vô cùng. Lớn đến nỗi tôi không tưởng tượng được 1 đời làm sao có thể tìm hiểu hết (trừ khi bạn may mắn lắm); làm sao còn muốn phí thời gian vào những thứ tô điểm và minh chứng màu mè; làm sao còn có thời gian buồn nản, phiền muộn, ghét bỏ, vân vân?
Tôi cũng biết là không thể tránh khỏi những thứ này; bởi vì thay đổi và không thỏa mãn dường như là hai bản chất của đầu óc con người. Tôi chỉ tiếc cho cái thời gian và năng lượng lãng phí vào chúng.

Nhưng mà sinh viên của tôi cũng đã đúng. Cũng phải học cách đối đầu với những xung đột hiển hiện trực tiếp trước mặt, cho dù bạn có sợ hãi đến mấy.