Tuesday, November 29, 2011

Tạm dừng

Tôi tạm dừng blog một thời gian để viết xong cuốn sách.



So you want to write a fugue
Glenn Gould

So you want to write a fugue.
You got the urge to write a fugue.
You got the nerve to write a fugue.
So go ahead, so go ahead and write a fugue.
Go ahead and write a fugue that we can sing.

Pay no heed, Pay no mind.
Pay no heed to what we tell you,
Pay no mind to what we tell you.
Cast away all that you were told
And the theory that you read.
As we said come and write one,
Oh do come and write one,
Write a fugue that we can sing.

Now the only way to write one
Is to plunge right in and write one.
Just forget the rules and write one,
Just ignore the rules and try.

And the fun of it will get you.
And the joy of it will fetch you.
Its a pleasure that is bound to satisfy.
When you decide that John Sebastian must have been a very personable guy.

Never be clever
for the sake of being clever,
for the sake of showing off.

For a canon in inversion is a dangerous diversion,
And a bit of augmentation is a serious temptation,
While a stretto diminution is an obvious allusion.

For to try to write a fugue that we can sing.

And when you finish writing it
I think you will find a great joy in it.

or so...
Nothing ventured, nothing gained they say
But still it is rather hard to start.

Well let us try right now.
Now we are going to write a fugue.
We are going to write a good one.
We are going to write a fugue ... right now.

Thursday, November 17, 2011

Không muốn cũng phải kêu

Vốn hầu như không bao giờ muốn kêu ca phàn nàn cái gì, mà đọc những chuyện như thế này, cảm thấy quá kinh khủng, không kêu không được:


Thay đổi nhận thức đã khó rồi, mà từ thay đổi nhận thức đến thay đổi hành vi lại là một khoảng cách xa, có khi không vượt qua được. Làng quê VN chứa trong nó những cái vòng lẩn quẩn khủng khiếp: thất học thì thường đưa đến tệ nạn, tệ nạn thì tan vỡ gia đình, tan vỡ gia đình đưa đến những di chứng tinh thần và vật chất tạo ra sự thất học...

Hôm vừa rồi tôi về quê nội ăn cưới một người em họ. Đi xuyên qua bãi rác để ra khu nghĩa địa thăm mộ ông, tôi không thể nào không nghĩ: làm thế nào và bao giờ thì đưa sách về đến nông thôn chứ không phải chỉ bày bán ở Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Nguyễn Huệ? Làm thế nào và bao giờ thì từ sách và kiến thức đưa đến thay đổi hành vi con người Việt Nam, bắt đầu từ các thế hệ sắp tới?

Wednesday, November 16, 2011

Người anh giàu có

Truyện ngắn trích từ tập "Chuyện chúng ta bắt đầu" của Tobias Wolff. Bản này là bản tôi có trong máy hiện tại, hình như không phải bản biên tập cuối cùng.


Người anh giàu có

Họ là hai anh em. Pete và Donald.

Pete, người anh lớn, kinh doanh bất động sản. Anh và vợ quản lý một văn phòng chi nhánh cho Century 21 ở Santa Cruz. Pete làm việc chăm chỉ và kiếm được nhiều tiền – dĩ nhiên vẫn không nhiều như anh nghĩ mình đáng được hưởng. Anh có hai con gái, một cái thuyền buồm, một căn nhà mà từ đó anh có thể nhìn thấy một dải biển hẹp, và những người bạn cũng đủ giàu để không phải cầu mong anh sẽ gặp rủi ro. Donald, người em trai, vẫn còn độc thân. Cậu ta sống một mình, sơn nhà khi người ta thuê, và vay nợ Pete ngày càng nhiều khi không tìm được việc.

Không ai có thể tưởng tượng họ là anh em. Pete thì mập mạp, vui vẻ, và yêu đời. Donald thì gầy, nghiêm nghị, và lúc nào cũng ám ảnh về số phận linh hồn mình. Trong nhiều năm, Donald đã đeo mòn ảnh của hai đấng cứu thế khác nhau quanh cổ. Vì sự trung thành với đấng thứ hai, cậu ta đã vào sống trong một tu viện ở Berkeley và suýt chết vì bệnh viêm gan do không được chẩn đoán kịp. Cho đến lúc Pete thanh toán hết viện phí cho Donald thì cậu ta đã kịp trở thành con chiên đạo Ki tô. Cậu ta trôi nổi từ nhà thờ này sang nhà thờ khác, rồi tham gia một cộng đồng theo dòng Pentecost[1]; họ thường xuyên gặp nhau ở trong quận Mission[2] để cùng đọc thần chú và trao đổi các lời tiên tri.

Pete không sao hiểu nổi chuyện này. Cha mẹ của anh và Donald đều đã chết nhưng hồi còn sống, cả hai người đều không thấy cần thiết phải tin rằng thần thánh hay quỷ sứ có mối quan tâm đặc biệt gì đến số phận cuộc hôn nhân của họ. Họ xoay sở để có thể là những người tử tế mà không ngớ ngẩn, và Pete cũng có chung tham vọng này với họ. Anh nghĩ chuyện theo đạo của Donald chỉ là cái cớ để cậu ta khỏi phải suy nghĩ nghiêm túc về chuyện kiếm sống.

Vấn đề là ở chỗ Donald không hài lòng với việc chỉ lo lắng về linh hồn bản thân mình. Cậu ta phải lo lắng về linh hồn của tất cả những người khác nữa, nhất là của Pete. Cậu ta giảng đạo cho anh theo những cách mà cậu ta nghĩ là tế nhị, thông qua những sự im lặng đầy ngụ ý, những lời ám chỉ bóng gió, qua những cái nhìn đượm vẻ tuyệt vọng với hàm ý “Anh trai, hãy xem anh đã sa ngã đến thế nào?”. Cái mà Pete sa ngã vào, theo ý Donald, là sự giàu có. Đấy là vấn đề cốt lõi giữa hai anh em. Pete giàu, còn Donald thì nghèo.

Vào tuổi 40, Pete bắt đầu học nhảy dù trên không. Anh nhảy lần đầu cùng với hai người bạn đã học nhảy dù trước đó có vài tháng nhưng đã bắt đầu biết làm các trò nhào lộn. Pete không bao giờ muốn động đến chữ “huyền bí” nhưng đấy thực sự là cảm giác của Pete về chuyện nhảy dù. Sau đó, anh mắc sai lầm là mô tả lại kinh nghiệm này cho Donald. Donald hỏi chuyện đó tốn bao nhiêu tiền và tỏ ra kinh sợ khi Pete nói ra con số.

“Ít nhất tôi cũng đang thử cái gì mới” – Pete nói – “Ít nhất tôi cũng đang cố thay đổi thói quen”.

Không lâu sau cuộc trò chuyện này, Donald cũng thay đổi thói quen bằng cách chuyển tới sống ở một trang trại gần Paso Robles. Trang trại được sở hữu bởi một vài thành viên trong nhóm của Donald – họ mua nó với ý tưởng sẽ thành lập một gia đình đức tin. Đấy là giải thích của Donald trong lá thư đầu tiên. Hàng tuần, Pete được nghe Donald kể cậu ta đang hạnh phúc như thế nào “trong Chúa”. Cậu ta nói với Pete rằng cậu ta đang cầu nguyện cả cho anh; cậu ta và toàn thể những người anh và người chị tinh thần của Pete trong trang trại.

Pete muốn trả lời “Tôi chỉ có một thằng em trai và thế là đủ lắm rồi” nhưng anh giữ ý nghĩ đó cho mình.

Vào tháng Mười Một, những lá thư ngừng lại. Lúc đầu Pete không lo lắng về chuyện này nhưng khi anh gọi điện vào Lễ Tạ Ơn, Donald có vẻ ủ rũ. Cậu ta cố gắng vui vẻ nhưng lại không cố gắng đủ để sự vui vẻ đó có tính thuyết phục. “Nghe này” – Pete nói – “cậu không cần phải ở lại cái chỗ đó nếu cậu không muốn”.

“Em không sao đâu” – Donald trả lời.

“Vấn đề không phải là thế. Vấn đề không phải là sao hay không sao. Nếu cậu không thích cuộc sống ở đấy thì cậu nên đi”.

“Em không sao mà” – Donald nói. “Em vẫn ổn”.

Nhưng một tuần sau, Donald gọi điện cho Pete và nói rằng cậu ta sẽ bỏ trang trại. Khi Pete hỏi cậu ta định đi đâu, Donald thú nhận rằng cậu ta chưa có kế hoạch gì. Ô tô của Donald đã bị lấy lại ngay trước khi cậu ta rời thành phố và cậu cũng chẳng còn đồng nào.

“Thế thì chắc là cậu phải đến nhà tôi ở rồi” – Pete nói.

Donald làm bộ phản đối. Nhưng rồi cậu ta cũng đầu hàng. “Em chỉ ở đến khi em ổn định lại thôi đấy”.

“Được rồi” – Pete nói – “Cứ tính toán đi”. Anh nói với Donald anh sẽ gửi tiền để Donald mua vé xe buýt nhưng khi họ chuẩn bị bỏ điện thoại thì Pete đổi ý. Anh biết Donald sẽ cố gắng xin đi nhờ xe dọc đường để tiết kiệm tiền vé và anh thì không muốn Donald đứng ngoài đường chờ xe một mình vì một kẻ bệnh hoạn nào đó có thể cho cậu ta đi nhờ xe và rồi chuyện gì cũng có thể xảy ra.

“Tôi sẽ đến đón cậu” – Pete nói.

“Không cần phải thế đâu. Em không cần anh làm thế” – Donald nói – “Đường cũng xa”.

“Cứ chỉ cho tôi đường đến đó là được”.

Nhưng Donald không chịu chỉ đường. Cậu ta nói trang trại này quá ảm đạm, Pete sẽ không thích. Thay vì thế, cậu ta khăng khăng đòi gặp nhau ở ngoài trạm xăng có tên Tổ hợp đại cơ khí của Jonathan.

“Cậu đùa hả?” – Pete nói.

“Nó ở gần đường” – Donald nói – “Em đâu có đặt tên cho nó”.

“Tên đấy đáng ghi vào sách đỏ” – Pete nói.

Trước hôm đi đón Donald, Pete nhận được một lá thư từ một người tự giới thiệu là “chủ gia đình” ở trang trại mà Donald đã sống. Ông ta thông báo rằng Donald không bỏ trang trại mà bị đuổi đi. Bức thư được viết trên mặt kia của một phiếu điều tra ý kiến về một nghi lễ nào đó. Câu hỏi cuối cùng thế này:

Bạn cảm thấy thế nào trong buổi tế lễ?

· Cảm thấy đang-là

· Cảm thấy đang-trở-thành

· Vừa đang-là vừa đang-trở-thành

· Không phải các cảm giác trên

· Toàn bộ các cảm giác trên[3]

Pete cố gắng quên bức thư nhưng dĩ nhiên anh không thể. Mỗi lần nghĩ đến nó, anh lại thấy nghẹt thở - và anh lại có cảm giác đó khi anh lái xe tới trạm xăng và thấy Donald ngồi dựa vào một bức tường, đầu gục giữa hai đầu gối. Lúc đó là chiều tối. Một cái cốc nhựa bị những cơn gió ẩm cuốn lăn chầm chậm ngang qua chân cậu ta.

Pete bấm còi; Donald ngẩng đầu lên. Cậu ta mỉm cười với Pete rồi đứng dậy vươn vai. Cánh tay cậu ta dài, gầy, trắng bợt. Cậu ta đeo một dải băng ngang trán, người mặc một chiếc áo phông có một dòng logo ở ngực mà Pete không thể đọc được vì những dòng chữ đã bị phai.

“Lớn rồi đấy” – Pete gọi to – “Kiếm con Mercedes mà đi đi chứ”.

Donald bước tới cửa sổ xe. Cậu ta khom người xuống và nói “Cảm ơn. Chắc anh mệt lắm nhỉ”.

“Không sao” – Pete chỉ vào cái áo phông – “Chữ gì thế này?”

Donald nhìn xuống ngực áo. “Try God[4]. Chắc là em mặc ngược. Pete, cho em mượn mấy đồng. Em nợ tiền cà phê và bánh mì kẹp”.

Pete lấy ra 5 tờ 20 đô la từ ví và đưa qua cửa sổ.

Donald lùi lại như thể hoảng sợ. “Làm gì mà lắm thế”.

“Tôi không có tiền lẻ” – Pete nói – “Khi nào cậu có tiền thì trả tôi cũng được”. Anh vẫy vẫy mấy đồng tiền. “Này này, cầm đi”.

“Em chỉ vay tạm thôi đấy” – Donald cầm lấy tiền và đi vào trong trạm xăng. Cậu ta trở ra với hai lon nước cam; cậu ta đưa một lon cho Pete trong lúc vào xe. “Em đãi” – cậu ta nói.

“Không có túi tiếc gì à?”

“Chết, không nhắc thì quên béng”. Donald đặt lon nước cam lên bệ trên đầu xe nhưng khi cậu ta bước ra, xe chòng chành làm lon nước rơi xuống ngế ngồi; một nửa lon nước đổ ra ghế và sủi bọt trước khi Pete kịp tóm lên. Donald nhìn trong lúc Pete giơ lon nước ra ngoài cửa sổ, bọt ga chảy dọc những ngón tay anh.

“Lau đi” – Pete nói – “Nhanh lên!”

“Lấy gì lau bây giờ?”

Pete nhìn Donald. “Cởi áo cậu ra. Lấy áo mà lau”.

Donald xịu mặt nhưng cũng làm như Pete nói; làn da tái của cậu ta nhăn lại trước gió.

“Sướng thật!” – Pete nói – “Chưa ra khỏi trạm xăng đã được một vố”.

Sau đó, khi họ đã ở trên xa lộ, Donald nói: “Xe này mới, nhỉ?”

“Phải, xe mới”.

“Chắc thế nên anh mới làm um lên chuyện cái ghế chứ gì?”

“Quên chuyện đó đi, được chưa? Quên đi”.

“Em đã xin lỗi rồi mà”

“Thế cậu không cẩn thận hơn được à?” – Pete nói – “Mấy cái ghế này là ghế da. Cái vết đó chả tẩy được đâu; lại còn mùi nữa. Có ghế da mà lại chả có mùi da, toàn mùi nước cam, chả ra cái thể thống gì”.

“Cái xe cũ của anh bị làm sao à?”

Pete liếc sang và thấy Donald đã kéo mũ của cái áo thụng xanh lên đầu. Cái chóp mũ dựng đứng trên khuôn mặt gân guốc, chăm chú của cậu ta khiến cậu ta trông như một quan tòa trung cổ.

“Chả sao cả” – Pete nói – “Tôi thích cái xe này hơn, thế thôi”.

Donald gật đầu.

Họ im lặng một lúc lâu trong khi Pete lái xe và trời tối dần. Hai bên đường là những cánh đồng đầy những gốc rạ. Những quả đồi thấp chạy dọc chân trời, thỉnh thoảng lại có những chỏm cây màu đen cắt vào nền trời buổi tối. Trong dòng xe chạy ngược với họ, một người lái xe đã bật đèn pha. Pete cũng bật đèn pha.

“Rút cục thì chuyện thế nào?” – Pete hỏi – “Cậu không thích sống ở trang trại nữa à?”

Donald không trả lời ngay. Sau cùng cậu ta nói đơn giản “Lỗi tại em”.

“Cậu có lỗi gì?”

“Tất. Thôi đừng giả vờ nữa đi Pete. Em biết là họ viết thư cho anh”. Cậu ta nhìn Pete, rồi nhìn đường.

“Tôi không giả vờ”.

Donald nhún vai.

“Tôi chỉ biết là họ yêu cầu cậu rời trang trại” – Pete nói tiếp – “Tôi không biết gì cụ thể cả”.

“Em làm hỏng hết” – Donald nói – “Tin em đi, anh không muốn biết mấy cái chi tiết li kì rùng rợn đấy đâu”.

“Có chứ” – Pete nói. Anh thêm – “Ai mà chả muốn nghe các chi tiết li kì rùng rợn”.

“Ý anh là ai cũng muốn nghe xem người khác đã thất bại thế nào chứ gì?”

“Chứ sao” – Pete nói – “Đời là thế đấy”.

Donald co một chân lên ghế và ngả người dựa vào cửa xe. Pete biết Donald đang quan sát anh. Anh chờ. Đêm đang xuống nhanh, lấp dần các khoảng trống trên mặt đất. Hai cái má hõm và đôi mắt sâu của Donald cũng đầy bóng tối. Lông mày cậu ta trắng.

“Anh có bao giờ mơ thấy em không?” – Donald hỏi.

“Tôi có bao giờ mơ thấy cậu không? Hỏi với han kiểu gì thế? Dĩ nhiên là tôi không mơ thấy cậu” – Pete nói dối.

“Thế anh mơ thấy cái gì?”

“Sex và tiền. Chủ yếu là tiền. Khi tôi mơ tôi chả có đồng nào thì đấy là ác mộng”.

“Anh nói dối” – Donald nói.

Pete mỉm cười.

“Thỉnh thoảng em tỉnh dậy nửa đêm” – Donald nói tiếp – “và em biết là anh đang mơ thấy em”.

“Chúng ta đang nói chuyện trang trại” – Pete nói – “Nói cho xong chuyện đó đã rồi chúng ta sẽ nói mấy cái chuyện thần giao cách cảm và những ba lăng nhăng tiền kiếp hậu kiếp”.

Trong một khoảnh khắc, Donald trông giống như một cái hộp sọ đang nhe răng cười; rồi cậu ta lại nghiêm nghị trở lại. “Cũng chả có gì mà kể” – cậu ta nói – “Thì nói chung em chả làm gì ra hồn cả”.

“Nói thế mơ hồ quá” – Pete nói.

“Thì, ví dụ như là chuyện thức ăn. Cứ lúc nào đến lượt em đi mua thức ăn thì em lại làm hỏng bét. Em mang thức ăn về nhưng mà một nửa bị mất, hoặc là em mua sai đồ, hoặc là mua sai loại bột mì, sai loại sô-cô-la, đại loại thế. Một lần thì em đem cho tất chỗ đồ ăn. Pete, anh cười cái gì?”.

“Cậu cho ai?” – Pete hỏi.

“Thì mấy người em cho đi nhờ xe về nhà. Mấy người nông dân đó. Họ có tám đứa con mà lại còn không biết nói tiếng Anh, chỉ biết gật. Dĩ nhiên là em không nên cho không thức ăn. Tức là không nên cho hết. Em biết thế. Nói chung là phải thực tế. Phải nghĩ đến bản thân mình nữa”. Donald cúi người về phía trước và Pete có thể cảm thấy sự hào hứng của cậu ta. “Thực ra thì kinh doanh cũng chả có gì sai” – cậu ta nói – “Miễn là mình công bằng với người khác thì mình cũng vẫn có thể nghĩ đến bản thân mình. Em đang nghĩ là em sẽ kinh doanh, Pete ạ”.

“Sẽ nói chuyện đó sau” – Pete nói – “Thế chuyện chỉ có thế à? Không còn gì nữa à?”

“Thế họ nói với anh những gì?” – Donald hỏi.

“Chả nói gì cả”.

“Chắc chắn là họ đã nói gì với anh”.

Pete lắc đầu.

“Họ không nói với anh chuyện đám cháy à?”. Khi Pete lắc đầu lần nữa, Donald quan sát anh một lúc rồi khoanh tay trước ngực và ngả người trở lại cửa xe. “Ở đấy, mọi người thay phiên nhau nấu ăn. Em hay làm món cá thu hầm hoặc spaghetti với bánh mì nướng bơ tỏi. Nhưng có một tối, em nghĩ là em sẽ thử làm món khác, một món gì đó thú vị”. Cậu ta nhìn chăm chú vào Pete. “Anh thấy mấy cái chuyện này lố bịch lắm hả?”

“Xin lỗi cậu” – Pete nói.

“Anh chả biết lúc nào thì nên dừng lại. Lúc nào anh cũng thế”.

“Kể tiếp chuyện đám cháy đi”

Donald vẫn tiếp tục quan sát Pete. “Anh lúc nào cũng muốn biến em thành thằng ngốc”.

“Thôi nào, Donald. Cậu cứ có bé xé ra to”.

“Em biết tại sao anh thích làm thế. Tại vì đời anh chả có cái mục đích quái gì cả. Anh sợ phải so sánh anh với những người sống có mục đích, thế nên anh nhạo báng họ”.

“So sánh á?” Pete nói.

“Thực ra bên trong anh sợ chết khiếp” – Donald nói – “Sợ vãi cả đái ra. Từ xưa đến nay vẫn thế. Anh có nhớ là ngày xưa anh toàn định giết chết tôi không?”

“Tôi không muốn biến cậu thành thằng hề. Donald, cậu tự làm điều đó. Giờ cậu cũng đang làm điều đó”.

“Đừng có nói là anh không nhớ. Đấy là hồi sau khi tôi mổ. Chắc chắn anh vẫn nhớ chuyện đó”.

“Cũng hơi hơi” – Pete nhún vai – “Nhưng cũng chả rõ mấy”.

“Ồ, chắc chắn là anh nhớ” – Donald nói – “Anh có muốn xem cái sẹo không?”

“Tôi nhớ cậu phải mổ. Tôi không nhớ rõ mọi chi tiết, có thế thôi. Mà làm quái gì có chuyện tôi định giết cậu”.

“Thế sao?” – Donald giận dữ – “Rõ ràng là anh có. Lúc chó nào chả cố giết tôi. Mà vấn đề là về sau, tôi chả bao giờ được động vào cái chỗ quanh vết mổ, không thì ruột của tôi lại phòi ra và tôi lại bị ngộ độc. Chuyện đó không phải chuyện đùa, Pete. Mẹ lúc nào cũng như lên đồng khi tôi trèo lên cây hoặc làm cái gì đó. Còn anh thì cứ nhằm chỗ đó của tôi mà đánh, cứ hở ra là đánh”.

“Mẹ thì lên đồng ngay cả khi cậu ợ hơi” – Pete nói – “Chịu. Có thể tôi vô tình va vào cậu một hai lần gì đó. Tôi chả bao giờ cố tình làm thế”.

“Cứ hở ra là đánh!” – Donald nói – “Như là có tối bố mẹ vắng nhà và để anh trông tôi. Tôi nghe thấy họ chúc ngủ ngon, rồi họ nổ máy xe và khi họ đi rồi thì tôi nằm nghe ngóng. Sau đó, anh sẽ đi dọc hành lang, rồi tôi phải nhắm mắt giả vờ ngủ. Có tối thì anh chỉ đứng ngoài cửa; chỉ đứng ở đấy rồi bỏ đi; nhưng thường thì anh mở cửa vào và tôi nghe thấy anh trong phòng tôi; tôi nghe thấy anh thở. Anh đến ngồi bên giường của tôi, anh có nhớ không, Pete, chắc chắn là anh phải nhớ - anh ngồi cạnh giường tôi và kéo chăn xuống. Nếu tôi nằm sấp thì anh sẽ lật tôi lên. Rồi anh sẽ lật áo ngủ của tôi và đấm vào mấy vết khâu. Anh lấy hết sức để đấm, đấm đi đấm lại. Tôi sợ là anh sẽ nổi điên nếu anh biết tôi thức. Anh thấy có lạ không? Tôi lại phải sợ anh sẽ nổi điên nếu anh phát hiện ra tôi biết anh cố gắng giết chết tôi”. Donald cười lớn – “Nào, anh nói đi, đừng có giả vờ là anh không nhớ”.

“Có thể chuyện đó cũng xảy ra một hai lần. Trẻ con thì cái gì mà chả nghịch. Tôi không thể quan tâm đến mấy cái chuyện tôi có thể đã làm cách đây hai mươi lăm năm”.

“Làm gì có chuyện có thể. Anh chắc chắn đã làm chuyện đó”.

Pete nói. “Cậu làm tôi mệt với mấy cái chuyện vớ vẩn này. Chúng ta còn phải lái xe một đoạn dài, nếu cậu không thôi đi thì chắc là chúng ta chả bao giờ tới nơi. Ít nhất là cậu sẽ không tới nơi”.

Donald quay đi.

“Tôi đang cố gắng hết sức rồi còn gì” – Pete nói. Cái vẻ tự thán trong giọng của anh làm cho câu nói nghe như một lời nói dối. Nhưng đó không phải một lời nói dối. Anh đang cố gắng hết sức thật.

Xe lên đỉnh một con dốc. Ở phía xa, Pete nhìn thấy một đám đèn sáng nhấp nháy và lặn dần khi anh xuống dốc. Trời không có trăng. Bầu trời thấp và đen.

“Nghĩ kỹ lại thì” – Pete nói – “Hôm trước tôi có mơ thấy cậu thật. Thực ra cách đây cũng lâu rồi. Cậu đói chưa?”

“Anh mơ thấy gì?”

“Cũng lạ. Tôi thấy cậu đang chăm sóc tôi. Chỉ có tôi với cậu. Tôi không biết là mọi người đi đâu hết”.

Pete chỉ nói như vậy. Anh không nói với Donald rằng trong mơ, anh bị mù.

“Không biết có phải lúc đó là lúc em tỉnh dậy không” – Donald nói – “Nghe này, em xin lỗi em lôi lại chuyện cái sẹo. Em đã cố quên chuyện đó nhưng chắc em sẽ không bao giờ quên được. Không quên hẳn được. Cũng lạ; ai đời lại có người lúc nào cũng muốn giết chết mình”.

“Chuyện trẻ con ấy mà” – Pete nói – “Qua lâu rồi”.

Họ ăn tối trong quán Denny’s ở bên kia thị trấn King City. Khi Pete đang trả tiền, anh nghe tiếng một người đàn ông sau anh nói “Xin lỗi cho tôi hỏi anh đi về phía nào vậy?”

Donald trả lời: “Santa Cruz

“Tuyệt vời” – người đàn ông nói.

Pete có thể nhìn thấy ông ta trong cái gương tròn phía trên quầy tính tiền: một cái áo khoác màu đỏ với một hình trăng khuyết trên túi áo; một hàng ria mép đen, mỏng; mái tóc đen bóng được chải rủ xuống trán như một hoàng đế La Mã. “Tóc giả” – Pete nghĩ – “Chắc chắn là tóc giả”.

Anh lấy tiền thừa rồi quay người lại. “Cái gì tuyệt vời thế?” – Pete hỏi.

Người đàn ông nhìn Pete. Ông ta có một khuôn mặt hồng hào mà lúc này đang cố bày tỏ một sự ngạc nhiên dễ chịu, như thể ông ta vô cùng sung sướng được gặp Pete, tuy nhiên, đôi mắt ẩn sau cặp kính phi công lại để lộ sự hối tiếc. Môi ông ta ẩm và bóng. Ông ta nói, Tôi đoán hai người đi cùng nhau”.

“Chính xác!” – Pete nói.

“Thế càng tốt” – người đàn ông nói. “May quá, tôi cũng đi Santa Cruz. Ô tô của tôi bị hỏng dọc đường. Cái xe Caddilac cũ phản chủ”.

“Xe ông hỏng kiểu gì?” – Pete hỏi.

“Hỏng động cơ” – người đàn ông nói – “Mà tôi lại đang có việc khẩn. Con gái tôi bị ốm. Nặng lắm. Tôi có điện tín ở đây này”. Ông ta đập đập vào túi ngực.

Trước khi Pete kịp nói gì, Donald đã bắt đầu. “Không sao” – cậu ta nói – “Xe chúng tôi còn đầy chỗ”.

“Làm gì có nhiều chỗ” – Pete nói.

Donald gật đầu. “Em sẽ bỏ đồ của em vào cốp”.

“Cốp đầy rồi” – Pete nói.

“May quá tôi lại chẳng có hành lý gì” – người đàn ông nói – “Ở chặng này thì chả mang gì cả. Như bây giờ thì chả có tí hành lý nào cả”.

Pete nói. “Chắc ông để cả trong cái xe Cadillac nhỉ?”

“Phải rồi” – người đàn ông nói.

“Không sao” – Donald nhắc lại. Cậu ta bước ra ngoài và người đàn ông đi cùng cu ta; Pete đi cách đó một quãng. Khi họ đến chỗ ô tô của Pete, Donald ngẩng mặt nhìn trời và người đàn ông cũng vậy. Họ đứng cạnh nhau nhìn lên trời. “Trời tối” – Donald nói.

“Như hũ nút” – người đàn ông nói.

Pete vẫn có ý muốn đuổi người đàn ông nhưng anh không làm thế. Trái lại, anh mở cửa xe rồi mở cửa sau cho ông ta. Anh muốn xem chuyện gì sẽ xảy ra. Đây là một cuộc mạo hiểm, mặc dù nó không nguy hiểm. Người đàn ông có thể ăn cắp gạt tàn của Pete nhưng ông ta sẽ không giết chết anh. Nếu có ai đó giết anh trên đường thì đó chính là cái anh chàng sùng đạo mặc áo thể thao rộng, cái anh chàng hay nhìn về phía chân trời xa, cái anh chàng sở hữu một cái áo phông ướt nhoét mang dòng chữ “Try God” mà anh ta đã cất vào túi đựng đồ.

Họ vừa rời khỏi chỗ đậu xe, người đàn ông lập tức châm xì gà. Ông ta phà khói lên vai Pete và thở ra mãn nguyện.

“Dập đi” – Pete nói.

“Dĩ nhiên rồi” – ông ta nói. Pete nhìn vào gương chiếu hậu và thấy ông ta hít thêm một hơi dài trước khi ném điếu xì gà qua cửa sổ ô tô. “Tha lỗi cho tôi” – ông ta nói – “Lẽ ra tôi nên hỏi trước. À, tên tôi là Webster”.

Donald quay đầu lại nhìn. “Tên hay họ?”

Người đàn ông lưỡng lự. “Họ” – ông ta nói.

“Tôi cũng biết một người có họ Webster” – Donald nói – “Mitch Webster”.

“Có nhiều người họ này lắm” – ông già nói.

“Cao to, một chân gỗ” – Pete nói.

Donald nhìn Pete.

Webster lắc đầu. “Không biết. Nhưng cũng có thể là có họ với tôi. Có thể có họ xa”.

“Con gái ông làm sao?” – Pete hỏi.

“Cũng không rõ lắm” – Webster nói – “Có vẻ là bệnh phụ nữ gì đó. Nhưng mà cũng có thể là bệnh nhiệt đới”. Ông ta im lặng một lúc rồi nói thêm: “Nếu mà đúng là bệnh nhiệt đới thì tôi có lỗi một phần. Chỉ vì cái tham vọng của tôi mà chúng tôi đã tới vùng rừng nhiệt đới và ở đó nhiều năm và mắc đủ loại bệnh tật. Thực sự, lỗi phần lớn là ở tôi. Tôi đã bỏ vợ tôi ở lại đó”.

“Ý ông là bà ấy chết ở đó?” – Donald hỏi.

“Chính tay tôi đã chôn bà ấy. Âu cũng là đền bù cho đất đai, đem vàng đền vàng”.

“Rừng nhiệt đới nào?” – Pete hỏi.

“Ở Peru

“Vùng nào của Peru?”

“Vùng hạ lưu” – Webster nói.

“Ở đó thế nào? Cái vùng hạ lưu ấy?” – Pete hỏi.

“Một thế giới khác” – Webster nói. Giọng ông ta thật thống thiết. “Một thế giới không thể mô tả mà chỉ có thể tưởng tượng”.

“Một thế giới rất xa” – Pete nhại[5].

Ba người im lặng trên xe một lúc lâu. Một hàng xe tải chạy ngang qua họ ở chiều đối diện; rơ-moóc gắn đèn hiệu, động cơ gầm rú.

“Phải” – cuối cùng Webster lên tiếng – “Phần lớn là lỗi tại tôi”.

Pete mỉm cười với Donald nhưng cậu ta đã quay người trên ghế và đang chăm chú nhìn Webster. “Tôi rất tiếc về chuyện vợ của ông” – Donald nói.

“Làm sao mà bà ấy chết?” – Pete hỏi.

“Một căn bệnh bào mòn” – Webster nói – “Các bác sỹ không có tên gọi cho nó nhưng tôi thì có”. Ông ta cúi người về phía trước và gằn giọng “Bệnh tham. Bệnh tham của tôi, không phải của bà ấy. Bà ấy không hề muốn”.

Pete cắn chặt môi. Webster quả là một báu vật và Pete không muốn đánh động ông ta bằng cách lật tẩy. Anh hỏi bằng một giọng trầm và ngây thơ: “Sao ông lại đi Peru?”

“Ôi, thật khó nói”

“Ông cố xem” – Pete nói.

“Nếu được một điếu thuốc, có thể tôi dễ kể hơn”.

Donald quay sang Pete. “Em không sao”.

“Được rồi” – Pete nói. “Ông hút đi. Nhưng nhớ kéo kính cửa sổ xuống”.

“Tất nhiên rồi”.

Ông ta bật diêm. Sau đó là rất nhiều những tiếng hít nghiến ngấu.

“Ông nói đi” – Pete nói.

“Tôi vốn được đào tạo làm kỹ sư” – Webster bắt đầu – “Công việc của tôi khiến tôi phải đi khắp nơi, chỉ còn thiếu một châu lục; tôi đã đến sa mạc, núi cao và rừng rậm, tới khắp các địa hình và các mùa trên trái đất. Cách đây vài năm, chính phủ Peru thuê tôi đến tìm quặng vonfram ở vùng rừng nhiệt đới. Vợ và con gái tôi đi theo. Chúng tôi là những người da trắng duy nhất trong khu vực bán kính 1000 dặm quanh đó và chúng tôi không có cách nào khác là sống như những người thổ dân da đỏ đã sống – phải dùng thức ăn và nước uống và cả văn hóa của họ”.

“Ông biết nói tiếng Peru hả?” – Pete hỏi.

“Thì chúng tôi học dần” – đầu điếu xì gà nhấp nhô lên xuống. “Chúng tôi đã quen với việc học bất cứ thứ gì mà hoàn cảnh đòi hỏi. Thế nhưng, sau một vài năm, tôi vẫn không tìm thấy vonfram. Vợ tôi thì đã ngã bệnh nên đòi về nhà. Nhưng tôi đã hoàn toàn bịt tai trước những lời cầu xin của bà ấy bởi vì lúc đó tôi còn mải lần theo dấu vết một kim loại khác, một kim loại giá trị hơn vonfram rất nhiều”.

“Để tôi đoán nhé” – Pete nói – “Vàng?”

Donald nhìn Pete rồi nhìn Webster.

“Vàng, phải!” – Webster nói – “Một vỉa vàng lớn hơn cả vỉa Mother Lode[6]. Sau khi tôi tìm ra những vụn vàng đầu tiên, không gì có thể kéo tôi khỏi cuộc săn vàng – kể cả sự ốm yếu của vợ tôi hay bất cứ điều gì khác. Tôi quyết phải tìm ra mỏ vàng, và tôi đã tìm ra nó, nhưng chỉ sau khi tôi chôn cất vợ tôi. Như tôi nói, đất đã được trả nợ”.

Webster yên lặng. Rồi ông ta nói, “Nhưng cuộc đời vẫn tiếp diễn. Kể từ khi vợ tôi chết, tôi đã làm mọi thủ tục để mở mỏ vàng. Tôi đã có thể làm ngay và có thể giàu có lập tức nhưng tôi hiểu điều đó nghĩa là gì – nó đồng nghĩa với bóc lột những người thổ dân da đỏ yêu mến của chúng tôi, rồi tàn phá môi trường. Tôi cảm thấy tôi đã có quá nhiều thứ phải ăn năn xám hối”.

Webster dừng lại và khi ông ta cất tiếng trở lại, giọng ông ta trở nên vội vã và tẻ nhạt, như thể ông ta không đã cạn kiệt hứng thú với những lời mình nói.

“Thay vì khai thác vàng, tôi đã thiết kế một chương trình để hoàn trả phần lớn của cải cho những người thổ dân da đỏ. Kiểu như là một quỹ tín dụng ủy thác. Chỉ riêng tiền lãi cũng đủ để họ có thể bảo toàn đất đai của họ và quyền hưởng lợi tức trên đất đai đó. Đồng thời, các nhà đầu tư của chúng ta sẽ được tưởng thưởng hàng nghìn lần hơn thế. Hơn hai nghìn lần. Mọi người sẽ cùng nhau hưởng lợi”.

“Tuyệt vời” – Donald nói – “Phải thế mới được chứ”.

Pete nói: “Tôi cá là ông vẫn giữ một vài phần cho mình chứ? Phải không nhỉ?”

Webster không trả lời.

“Sao?” Pete biết Webster đã chột dạ nhưng anh không quan tâm. Anh đã chán câu chuyện. Anh đã kỳ vọng một cái gì khác, một cái gì đó độc đáo nhưng Webster đã làm anh thất vọng. Ông ta thậm chí chẳng thèm cố gắng. Pete thấy ngán ngẩm và bực mình. Mắt anh cay vì khói xì gà và ánh đèn cao của những chiếc xe tải ngược chiều. “Dụi thuốc đi” – anh nói với Webster – “Tôi bảo ông kéo kính cửa sổ xuống mà”.

“Dưới này hơi lạnh”

“Thôi nào Pete” – Donald nói – “Vui lên”

“Tắt đi!”

Webster thở dài rồi ném điếu xì gà qua cửa sổ.

“Tôi mệt quá” – Pete nói với Donald – “Cậu lái một lúc được không?”

“Trời, em vừa định hỏi anh. Thật đấy, em đang định mở miệng đây này”.

Webster yên lặng ở ghế sau. Donald hát khe khẽ trong lúc lái xe cho đến lúc Pete bảo cậu ta ngừng lại. Sau đó, cả ba im lặng.

Khi Pete tỉnh dậy, Donald lại đang hát. Anh cau có nhìn đường rồi nhìn những vệt kẻ đường màu trắng chạy lùi ra phía sau xe. Một lúc sau, anh quay đầu hỏi “Tôi ngủ bao lâu nhỉ?”

Donald liếc nhìn anh. “Hai mươi, hai nhăm phút gì đó”.

Pete quay ra phía sau. Webster đã biến mất.

“Lão ấy đâu rồi?”

“Ông ấy vừa đi rồi. Ông ấy xuống ở Soledad. Ông ấy gửi lời cảm ơn và chào anh”.

Soledad? Thế còn đứa con gái bị ốm của lão ấy thì sao? Lão ấy giải thích với cậu thế nào?”

“Em trai ông ấy sống ở đấy. Ông ấy sẽ mượn xe rồi tự lái vào sáng mai”.

“Chắc chắn là em trai lão ấy sống ở đấy rồi” – Pete nói – “Chắc là đang thụ 50 án chung thân cả thảy. Cả em trai, chị gái, bố mẹ họ hàng hang hốc lão ấy nữa”.

“Em thích ông ấy” – Donald nói.

“Dĩ nhiên là cậu thích rồi” – Pete nói.

“Ông ấy thú vị. Ông ấy đã đi nhiều nơi”.

“Tôi thì chỉ chắn chắn là xì gà của lão ấy đã đi nhiều nơi”.

“Thôi nào, Pete”.

“Cậu thôi đi thì có. Đúng là một thằng già dối trá”.

“Anh đâu có biết chắc”.

“Dĩ nhiên là tôi biết”.

“Làm sao anh biết?”

Pete duỗi chân. “Cậu nghe này, có những thứ mà người ta biết, thế thôi. Xăng thế nào?”

“Còn hơi ít”.

“Sao cậu không đổ thêm?”

“Anh không cần phải cáu thế” – Donald nói.

“Thế sao cậu không chịu động não đi? Nhỡ hết xăng thì sao?”

“Hết thế nào được” – Donald nói – “Em chắc chắn còn đủ xăng cho tới nhà. Anh không cần phải thô lỗ với ông ấy như thế”.

“Tôi không muốn hết xăng giữa đường vào tối nay”

Donald tạt vào trạm xăng đầu tiên mà họ thấy trên đường và đổ đầy bình trong lúc Pete vào nhà vệ sinh. Khi Pete trở lại, Donald đang ngồi ở bên ghế bên kia. Trong lúc Pete ngồi vào sau tay lái, nhân viên đổ xăng đi tới cửa xe, cúi xuống nói:

“Hai mốt đô, năm mươi nhăm xu”.

“Cậu nghe rồi đấy” – Pete nói với Donald.

Donald vẫn nhìn thẳng về phía trước. Cậu ta không nhúc nhích.

“Trả đi” – Pete nói – “Cậu phải trả tiền xăng cho chuyến đi này”.

“Em không thể”.

“Có chứ sao không. Móc ví ra đi”.

“Thôi mà, Pete” – Donald nói – “Em chẳng còn xu nào cả”.

Pete lặng im. Anh gật đầu rồi trả tiền cho nhân viên trạm xăng.

Khi xe rời trạm xăng, Donald cất lời nhưng Pete cắt ngang. Anh nói: “Tôi không muốn nghe cậu nói một lời nào cả. Cậu nên im lặng, nếu không, thề có Chúa là tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy”.

Họ rời khỏi những cánh đồng và tiến vào một khu rừng nhiều thông cao. Những cây thông trải dài mãi. Sau cùng Pete cất tiếng. “Để tôi thử nói lại xem có đúng không nhé. Cậu không còn đồng nào từ số tiền tôi mới đưa cậu”.

“Anh đối xử với ông ấy như thể ông ấy là con ruồi con muỗi không bằng” – Donald nói.

“Cậu không còn một đồng nào?” – Pete nhắc lại.

Donald lắc đầu.

“Mà tôi thì trả tiền ăn tối và chúng ta không hề dừng lại dọc đường nên tôi đoán là cậu đã cho lão Webster. Đúng không? Có phải cậu đã làm thế không?”

“Phải”.

Pete nhìn Donald. Khuôn mặt cậu ta tối thẫm dưới vành mũ nhưng vẫn để lộ ra vẻ thản nhiên, như thể tất cả những chuyện này không liên quan gì tới cậu ta.

“Tại sao?” – Pete hỏi – “Tại sao cậu đưa tiền cho lão ấy?”. Khi Donald không trả lời, Pete nói: “Cả một trăm đô. Cho không. Cứ thế cho không. Tôi phải gãy lưng mới làm ra chỗ tiền ấy đấy, Donald”.

“Em biết, em biết” – Donald nói.

“Không, cậu không biết. Cậu làm chó gì mà biết được? Cậu chỉ kiếm tiền bằng cách ngửa tay ra”.

“Em cũng làm việc” – Donald nói.

“Cậu cũng làm việc cơ à? Đừng có tự dối mình nữa, em trai ạ”.

Donald cúi người về phía Pete định nói gì đó nhưng Pete cắt lời cậu ta.

“Cậu không phải là người duy nhất tôi phải nuôi, Donald. Tôi không nghĩ là cậu hiểu điều này. Tôi còn có gia đình”.

“Pete, em sẽ trả lại anh”.

“Có mà đến mùa quýt. Một trăm đô!”. Pete đập lòng bàn tay vào vô lăng. “Chỉ vì cậu nghĩ là tôi làm mếch lòng một thằng cha căng chú kiết nào đó. Vì Chúa, cậu đúng là…”

“Không phải thế” – Donald nói – “Mà em cũng đâu có cho không ông ta”.

“Thế thì cậu gọi là cái gì? Cậu gọi việc cậu làm là cái gì?”

“Em đầu tư. Em muốn có phần, Pete”.

Khi Pete nhìn sang, Donald gật đầu và nhắc lại. “Em muốn có phần”.

Pete nói: “Tôi đoán là cậu đang ám chỉ đến mỏ vàng ở Peru”.

“Đúng” – Donald nói.

“Cậu tin là cái mỏ vàng đó có thật?”

Donald nhìn Pete và Pete có thể thấy cậu ta chỉ bắt đầu hiểu ra.

“Cậu thì cái gì cũng tin, nhỉ?” – Pete nói – “Thực sự là cái gì cậu cũng tin”.

“Em xin lỗi” – Donald nói và quay mặt đi.

Pete lái xe giữa hai hàng cây và ngẫm nghĩ điều anh vừa nói – rằng Donald cái gì cũng tin. Và anh bỗng nhận ra cuộc đời thật bất công nếu như rút cục Donald lại vượt lên trước anh chỉ bằng cách tin vào một lời hứa hẹn viển vông nếu như lời hứa đó bỗng thành sự thực trong khi anh, Pete, lại chối bỏ nó thẳng thừng chỉ vì anh quá khôn ngoan để có thể tin những lời hứa hẹn của người khác, trừ khi là để cho vui. Nực cười làm sao. Lố bịch làm sao nếu như quả thực có ơn phước trong cuộc sống nhưng ơn phước đó lại không được ban cho người xứng đáng được hưởng, người đã còng lưng làm việc, mà cho kẻ kia.

Và như thể điều này đã xảy ra, Pete cảm thấy một bóng đen choán lấy anh, làm mờ những ý nghĩ của anh. Sau một lúc, anh nói: “Tôi biết những chuyện này rồi sẽ đi đến đâu, Donald”.

“Em sẽ trả lại anh” – Donald nói.

“Không” – Pete nói – “Cậu sẽ không trả lại tôi. Cậu không thể. Cậu không biết cách trả lại. Cậu chỉ biết cách lấy đi của người khác. Suốt đời cậu đã luôn thế”.

Donald lắc đầu.

“Tôi biết chắc chuyện này sẽ kết thúc tế nào” – Pete nói – “Cậu không thể làm việc, cậu không lo nổi thân cậu, cậu tin bất cứ cái gì người ta nói với cậu. Tôi sẽ phải nuôi cậu suốt đời, đúng không?”. Anh nhìn Donald. “Tôi sẽ phải nuôi báo cô cậu cả đời”.

Donald ép những ngón tay xuống bệ xe trước mặt, như để lấy sức. “Tôi sẽ xuống xe ở đây” – cậu ta nói.

Pete tiếp tục lái xe.

“Thả tôi xuống” – Donald nói – “Tôi nói nghiêm túc đấy, Pete”.

“Thế hả?”

Donald lưỡng lự. “Phải” – cậu ta nói.

“Cậu chắc chưa? – Pete nói – “Tôi không đùa đâu. Đã đi thì đừng có quay lại”.

“Tôi nghiêm túc đấy”.

“Rồi. Cậu tự chọn đấy nhé”. – Pete đạp mạnh vào chân phanh và tạt lên vệ đường. Anh tắt máy và ra khỏi xe. Những thân cây đứng sừng sững ở cả hai bên đường, che khuất bầu trời. Không khí lạnh và ẩm mốc. Pete lấy túi hành lý của Donald ra khỏi ghế sau và đặt xuống cạnh xe. Anh đứng đó, đối mặt với Donald trong ánh sáng đỏ của hai chiếc đèn hậu. “Thế này sẽ tốt hơn” – Pete nói.

Donald chỉ nhìn anh.

“Tốt hơn cho cậu” – Pete nói.

Donald vòng tay ôm lấy mình. Người cậu ta rung lên. “Anh không cần phải nói thế” – cậu ta nói – “Em không trách anh”.

“Trách tôi? Cậu nói cái quái gì thế? Trách tôi vì cái gì?”

“Vì bất cứ cái gì” – Donald nói.

“Tôi muốn biết cậu có ý gì khi cậu nói trách tôi?”

“Không có gì, Pete. Không có gì. Anh nên đi đi. Chúa phù hộ anh”.

“Đủ rồi đấy” – Pete nói và bước một bước về phía Donald.

Donald chạm vào vai Pete. “Anh nên đi đi” – cậu ta nói.

Đâu đó trong những thân cây trên đầu họ, một cành cây gãy. Pete ngẩng lên nhìn và cảm thấy tay mình nắm chặt. Anh quay lưng về phía Donald và bước về phía cửa xe rồi lái đi. Anh lái nhanh, người chúi trên vô-lăng, hoàn toàn ý thức được việc mình đang chúi đầu và thở gấp; anh từ chối nhìn vào gương chiếu hậu phía trên đầu cho đến khi không còn lại gì phía sau anh ngoài bóng tối.

Rồi anh nói: “Một trăm đô!” như thể có ai đó đang nghe.

Những thân cây dần nhường chỗ cho cánh đồng. Pete tiếp tục lái xe giữa những hàng rào sắt dính đầy những vụn giấy phấp phới trong gió. Sương mù là là trên mặt những con mương, tràn xuống đường, làm mờ những ngọn đèn huỳnh quang ma quái trong sân những trang trại mà anh vượt qua. Sương mù để lại những vệt nước chạy ngược trên kính xe.

Pete lục trong đống băng cát-xét. Anh thấy băng Canon của Pachelbel và ấn nó vào hộc băng. Khi những tiếng vi-ô-lông bắt đầu cất lên, anh ngả người ra sau và lấy một vẻ mặt chăm chú, như thể anh đang lắng nghe. Anh mỉm cười như một người đàn ông đang thảnh thơi thưởng thức âm nhạc, một người đã hoàn thành công việc của mình và đã trả hết nợ, đã làm hết những việc cần làm.

Và cứ như thế, vừa mỉm cười, vừa gật gù theo tiếng nhạc, anh lái thêm một hai dặm và giả vờ như anh đã không đi chậm lại, rằng anh sẽ không quay xe, rằng anh sẽ có thể cứ đi tiếp như thế này một mình và sẽ có câu trả lời thích đáng khi vợ anh đứng đối diện anh ở cửa ra vào của căn nhà họ và hỏi, “Cậu ấy đâu rồi? Em trai anh đâu?”.



[1] Pentecost là một nhánh trong Ki tô giáo. Pentecost có nghĩa là “Ngày thứ năm”; nó khởi nguồn từ một tích trong Kinh Thánh, theo đó, vào ngày thứ năm sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh, các sứ thần hiện lên trước 12 tông đồ của Chúa Giê-su để thông báo về việc phục sinh của Chúa.

[2] Một khu vực ở thành phố San Francisco.

[3] Nguyên văn: “being” (đang-là) và “becoming” (đang-trở-thành).

[4] Try God có nghĩa là “Thử Chúa xem”, ý là hãy thử tin Chúa xem sao.

[6] Một vỉa vàng lớn nổi tiếng ở California, được phát hiện vào những năm 1850, trong thời kỳ người Mỹ đổ xô về miền Tây để đào vàng.

Monday, November 14, 2011

Vui


Hôm trước nhìn thấy 5 cuốn sách, trong lòng thật vui.






Wednesday, November 09, 2011

11-11-2011: CCMR


Ngày mai, 11-11-2011, 5 cuốn sách đầu tiên của tủ sách Cánh cửa mở rộng sẽ được phát hành trên toàn quốc:


NXB Trẻ cũng sẽ tổ chức Hội sách CCMR từ 17 đến 21-11.

Ngày mai cũng là Ngày Công Tác Xã Hội ở Việt Nam. Năm nay đơn vị đăng cai lễ kỷ niệm là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Các bạn có quan tâm tới ngành này có thể tới trường ĐHKHXHNV tham dự các chương trình từ 8h sáng đến 6h tối.

Sunday, November 06, 2011

Đứng giữa


Tôi về đến Hà Nội nửa đêm qua; đầu tháng 11 rồi mà không giống mùa thu lắm; trời ấm, nhiều mù, và vẫn ẩm. Xuống đến sân bay và bước vào cái không khí ấm nóng ấy, cảm giác nổi trội nhất trong tôi là một sự ghi nhận lặng lẽ: lần về này, dường như tôi có thể hòa ngay vào cuộc sống ở đây mà không cần một đoạn trung gian để điều chỉnh bản thân như những lần trước. Như thể tôi vẫn luôn ở Hà Nội. Cũng có thể vì lần này tôi về rất ngắn nên đã chuẩn bị tâm lý vứt bỏ tất cả những thứ thừa, mà cũng có thể bởi vì từ cuối mùa hè vừa rồi, tôi hiểu rằng mình không cần lựa chọn Việt Nam hoặc Mỹ. Tôi chọn cả hai; sẽ đi đi về về, sẽ đứng giữa. Như thế là như thế.

Đứng ở giữa là một vị trí khó. Nó chông chênh; nó dường như không có thật vì biên giới của nó không rõ ràng và luôn luôn xê dịch. Nhưng đứng ở giữa cũng có nhiều cái lợi: bạn có thể quan sát cả hai thế giới và kết nối chúng để tạo nghĩa mà nếu chỉ có một thế giới, có thể bạn sẽ không nhìn ra. Nói cách khác, vị trí "ở giữa" là vị trí do chính bạn tạo ra; biên giới của nó do bạn quyết định, toàn bộ những thứ tồn tại trong thế giới ấy cũng do bạn nốt.

"Thợ cơ khí toán học" của Mark Levi là cuốn sách đứng giữa thế giới vật lý và toán :)). Đây là cuốn sách khoa học đầu tiên trong tủ sách Cánh cửa mở rộng. Sách do anh Đàm Thanh Sơn giới thiệu, Huy Nguyễn dịch, sẽ ra mắt ngày 11-11. Đoạn nhảm nhí ở bên trên là do tôi thừa giấy vẽ voi :).

Trân trọng giới thiệu lời giới thiệu sau của anh Thanh Sơn.

==============


"Trong các hình có cùng một thể tích, hình cầu là hình có diện tích bề mặt nhỏ nhất.


Chứng minh chặt chẽ định lý này không phải là đơn giản. Nhưng những ai đã chơi thổi bong bóng xà phòng đều cảm nhận được là mệnh đề này đúng. Thật vậy, do sức căng bề mặt, quả bong bong khi thả ra khỏi ống sẽ tìm cách làm tối thiểu diện tích bề mặt của nó mà vẫn chứa được lượng không khí ta thổi vào. Qua quan sát, ta thấy hình bong bóng xà phòng là hình cầu, và như vậy thì hình cầu phải là hình có diện tích bề mặt nhỏ nhất trong các hình có cùng thể tích.


Không làm toán chuyên nghiệp, tôi rất thích cách giải thích các định lý toán học kiểu như trên: không chặt chẽ, nhưng gần gũi với trực quan. Trong khi làm việc, tôi thỉnh thoảng lại gặp một định lý toán học có thể “chứng minh” được bằng cơ học, vật lý hoặc bằng trực giác ta có được qua đời sống thường ngày. Tôi đã định tập hợp chúng lại thành một bài báo nhỏ, nhưng tình cờ tôi được giới thiệu một cuốn sách mới ra, chính là nguyên bản cuốn sách các bạn đang có trong tay. Sau khi đọc ngấu nghiến từ trang đầu đến trang cuối, tôi vỡ lẽ ra rằng cuốn sách này chứa đựng phần lớn những gì tôi định viết, nhưng sâu và rộng hơn nhiều.


Tôi tin rằng nhiều bạn đọc sẽ bị quyển sách này lôi cuốn. Và nếu bạn, giống như tôi, đọc xong mà thấy luyến tiếc là cuốn sách quá mỏng, bạn có thể tìm đọc thêm một số sách và bài báo trong phần tài liệu tham khảo. Và có thể chính bạn cũng sẽ tìm ra những cách mới để chứng minh các định lý toán học quen thuộc thông qua trực giác cơ học hay vật lý của mình."

Đàm Thanh Sơn

Lưu ý: Trong lần ra mắt tủ sách vào tháng 8, cuốn sách này được giới thiệu với tên "Cơ học toán"; tuy nhiên nhóm làm sách quyết định đổi lại tên là "Thợ cơ khí toán học" cho chính xác.

Xin xem thêm