Đoạn dưới đây trích từ cuốn "Một mình ở châu Âu", thay lời chúc năm mới của tôi. Đối với cuộc sống, tôi thường có cảm giác mình là người si tình đơn phương (như ở đoạn dưới này); vì không thể cưỡng được sự phải lòng của mình với cuộc sống nên thờ ơ luôn với những hệ lụy của sự si mê đó. Mà cuộc sống thì phần cơ bản nhất là con người; dù cái hệ lụy lớn nhất của nó cũng là con người.
==============
...
Ở Maison de Victor Hugo ra, trời
bắt đầu nhập nhoạng tối và mưa xối xả. Không có ô nên tôi đành đứng lại trong
mái hiên của khu nhà mà lúc này một nghệ sĩ piano đường phố có tên Yuri
Klempert đang chơi nhạc. Tôi bỏ 1 euro để yêu cầu ông chơi bản Raindrops
(Những giọt mưa) của Chopin. Rồi tôi
yêu cầu vài bản nhạc nữa của Liszt và Tchaikovsky. Bên ngoài, mưa tiếp tục
trút, khác hẳn những cơn mưa lây rây mấy hôm trước. Nước mưa chảy ròng ròng từ
mái hiên xuống thành một bức rèm nước; ngoài công viên không một bóng người; chỉ
có tiếng piano thánh thót lẫn tiếng mưa trong hành lang lớn bao bọc cả khu nhà
này.
Tôi ngồi khoảng ba mươi
phút thì một cô gái rất đẹp cũng ghé vào tránh mưa và cũng bỏ tiền để yêu cầu
nghe Beethoven.
Thế rồi, giữa lúc mưa ngày
một nặng hạt, một thanh niên chạy một chiếc xe Yamaha dừng lại dưới hiên. Cậu
ta rất trẻ, có lẽ khoảng mười tám hay hai mươi tuổi. Cậu ta mặc một cái áo da
đen với quần bò đen bó sát và giày da đen cao cổ kiểu nhà binh, dây buộc còn
lòng thòng. Lúc mới tới, cậu ta đội mũ bảo hiểm nhưng giờ thì đã bỏ mũ ra ôm
trước ngực. Lúc mới xuống khỏi xe, cậu ta bồn chồn, vừa hút thuốc vừa trầm ngâm
nhìn ra ngoài trời mưa nặng hạt như sợ rằng sẽ không kịp đến một cuộc hẹn nào
đó; nhưng sau khi hút hết điếu thuốc, cậu có vẻ bình tĩnh lại, rồi bỏ mũ xuống
yên xe và giờ thì đang hướng về phía Yuri Kemplert để nghe nhạc. Lúc nãy tôi chỉ
thấy khuôn mặt nhìn nghiêng của cậu ta, giờ thì tôi thấy cả khuôn mặt.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy
Ma-ri-uýt trong Những người khốn khổ,
nhưng nếu Ma-ri-uýt hiện ra bằng xương bằng thịt thì chắc sẽ có khuôn mặt của
chàng trai này.
Và cái ý nghĩ tự nhiên tiếp
theo, mà không, đó không phải ý nghĩ, nó là một cảm giác tự nhiên mà tôi cảm thấy
bằng cả cơ thể: tôi yêu chàng trai này, không phải như yêu sự tái hiện của
Ma-ri-uýt mà như chính cậu ấy, chàng trai Paris xa lạ này. Giá tôi có thể mời cậu
ấy đi ăn tối. Giá mà có thể ngồi bên cạnh cậu ấy ăn một bữa tối như hai người
xa lạ, và cậu ấy có thể nói gì hoặc không nói gì cũng được, có thể hiểu tôi hoặc
không hiểu tôi, có thể biết về tình yêu của tôi hoặc không biết cũng được, tôi
không bận lòng. Chỉ cần được ngồi cạnh nhau ăn một bữa tối; tôi sẽ chấp nhận
khoảng trống ở giữa để đổi lấy cái việc ở gần cậu ấy vào một chiều mưa thế này;
như lúc này tôi đã đang chấp nhận khoảng trống giữa tôi với cậu ấy, với cô gái
đẹp kia và với Yuri Klempert.
“Anh có thể đi ăn tối với
tôi không?”
Như thế có kỳ cục quá
không? Có rẻ tiền quá không? Tôi đang làm đúng cái việc mà người bán sách và
“nhà khoa học sở hữu lý thuyết giãn nở vũ trụ” đã làm với tôi. Những cơn bốc đồng
này? Chúng là lỗi của Paris hay của tôi? Nhưng mà thực sự, tôi ước gì tôi có đủ
dũng cảm mà nói với cậu ấy “Anh có thể đi ăn tối với tôi không?”
Anh
có thể đi ăn tối với tôi không?
Nhưng tôi là một kẻ hèn
nhát, đã luôn là một kẻ hèn nhát trong những tình huống thế này. Thế nên tôi chỉ
tiếp tục nghe nhạc và viết những dòng này vào sổ trong lúc vẫn theo dõi
Ma-ri-uýt của tôi qua đuôi mắt. Ma-ri-uýt cũng đang theo dõi tôi – có lẽ cậu ấy
đang tự hỏi không biết tôi viết gì, và chắc không hề ngờ rằng tôi đang viết về
cậu ấy.
Người yêu Paris của tôi.
Mon cœur. Tôi yêu cậu nhiều hơn cậu biết.
Trời vừa đổ một đợt mưa nặng
hạt mới. Yuri Klempert đang chơi Pathetique của Beethoven và Ma-ri-uýt của
tôi lại lo lắng nhìn ra trời mưa. Tôi mong trời ngớt mưa để cậu ấy kịp đến cuộc
hẹn với Cô-dét của cậu ấy.
Đi đi, và hãy yêu cô ấy thật
nhiều. Tôi sẽ không ghen.