Mưa ngoài Tam bảo |
Tôi đã trở lại Mỹ từ giữa tuần trước nhưng nửa đêm Chủ Nhật vừa rồi mới chính thức về đến nhà và từ sáng thứ Hai đã trở lại trường cho năm học mới. Mấy hôm nay jetlag, đêm nào cũng gần 3h sáng là tỉnh dậy. Bên ngoài trời tối đen, mắt và đầu biết vậy nhưng bên trong cứ có cảm giác như đang là đầu giờ chiều và lại muốn ngồi dậy làm việc. Suốt mùa hè, khi tôi còn ở chùa, đầu buổi chiều là lúc chư tăng học tiểu trường trong nhà trai; tôi thì mang máy tính lên Tam bảo ngồi viết. Viết đến ngoài 4h thì phải ra để chư tăng lên tụng khóa lễ chiều. Cũng có khi tôi tham gia; có khi tôi chỉ ngồi ngoài hiên nghe mọi người tụng.
Lúc chiều là lúc nắng bắt đầu nhạt, gió nhẹ và mát; cây hoa đại ở góc sân đỏ hoa suốt mùa hè và có một con gà trống tre rất hay lảng vảng quanh Tam bảo lúc buổi chiều gáy te te. Có những hôm mưa; nước mưa làm ướt mặt sân bên ngoài, rỏ thành hàng từ mái Tam bảo xuống, chảy dọc các thân tượng Tỳ Lô Giá Na vàng óng, tiếng mưa lẫn vào tiếng chuông mõ và tiếng kinh...
Tụng xong, mọi người xuống dưới nhà, tôi vẫn ngồi ở ngoài hiên. Có hôm sư ông đi qua:
- Ơ, sao cô lại ngồi đây?
Tôi cười:
- Con ngồi đây hưởng... - rồi không biết dùng từ gì cho đúng - con cũng không biết...
- Hưởng sự an lạc hả?
Đúng là có an lạc; nhưng còn nhiều hơn thế.
Ở chùa học được nhiều thứ - những thứ không phải do biện luận mà ra. Ví dụ như:
- Muốn có trí tuệ, phải bắt đầu bằng hoài nghi; nhưng đến một mức nào đó, muốn có trí tuệ nữa lại phải đoạn nghi, tức là dứt trừ sự hoài nghi để không rơi vào sự mênh mênh mang mang, nghi nghi hoặc hoặc, đi 1 bước lùi 2 bước.
- Trí tuệ thực sự nhất định đi kèm với từ bi. Bởi vì trí tuệ thực sự thì không còn thấy phân biệt mình với người; nếu mình cũng là người thì cảm giác của người mình đều cảm/hiểu được cả; cảm/hiểu được thì thương người cũng như thương mình.
- Pháp khó nói cao thấp. Cả đời chỉ niệm một câu "Nam mô A Di Đà Phật" cũng có thể thành đạo, mà ngồi nghĩ cao siêu cũng chưa chắc thành cái gì.
- Ai thì rồi cũng phải có một cái đạo cho mình - dù là đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Lão, hay đạo do tự mình nghĩ ra. Sống là hành cái đạo của mình. Hành đạo thì không có sự ngơi nghỉ. Không phải ngồi đọc kinh mới là hành, không phải ở trong chùa mới là hành... mà mọi lúc, mọi nơi, mọi hành vi từ nhỏ nhất đều là hành đạo của mình. Thở là hành cái đạo của mình; đi, đứng, nói, cười, làm việc, dạy con, viết blog, lái xe, ngủ... cũng là hành đạo. Không có sự ngơi nghỉ khỏi nó, giống như người ta không thể nói "thôi, tôi tạm nghỉ thở một lúc". Toàn bộ sự sống của mình phải thống nhất tự nhiên trong cái đạo đó.
- An lạc là cái người ta phải tìm cầu; phiền não là cái người ta phải kiên quyết, dũng mãnh đoạn trừ chứ đừng nghĩ nó là gia vị thú vị cho cuộc sống. Chư tăng trong chùa vẫn tụng:
"Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành
Tự tính chúng sinh thệ nguyện độ
Tự tính phiền não thệ nguyện đoạn
Tự tính Pháp môn thệ nguyện học
Tự tính Phật đạo thệ nguyện thành"
- Ai cũng có Phật tính bởi vì đó là tự tính của tất cả vạn vật. Thông minh, an lạc, hạnh phúc, tiền tài, thành công... tất cả đều nằm trong tự tính, từ tự tính mà ra. Con người không trở lại với tự tính, cứ toan tính theo những lối nhỏ, cuối cùng thường lại chẳng được gì.
Ở Tam bảo xuống |
Chùa ngập nước. Sư chú phải bắc ghế gõ mộc bản để gọi mọi người vào niệm Phật khóa chiều |
Thiền |
No comments:
Post a Comment