Tuesday, April 30, 2013

Đạo Hồi

Tuần vừa rồi tôi đi Alabama nhận một cái giải thưởng nho nhỏ của một tổ chức Mỹ. Tôi ở nhà một người bạn Mỹ gốc Ấn Độ theo đạo Hồi. Ngày thứ Sáu, bạn tôi đưa tôi đến nhà thờ đạo Hồi để xem lễ. Lễ lúc 1h chiều thứ Sáu với người đạo Hồi giống như lễ vào sáng Chủ Nhật của người theo đạo Thiên Chúa. Kể chuyện thì dài, tôi post mấy cái ảnh trong nhà thờ.

 Họ có một phòng cho những người có trẻ con để ngồi trong đó, không gây ồn cho bên ngoài.
 Nhà thờ được ngăn đôi, phần phía trên dành cho đàn ông, phần dưới dành cho phụ nữ; giữa hai phần thì có vách ngăn và có dòng chữ "Đàn ông không vượt qua vạch này"
 Quỳ
Hiên nhà bạn tôi

 Ăn trưa đồ Ấn Độ:



Sunday, April 21, 2013

Paris - trích Một mình ở châu Âu

"Một mình ở châu Âu" là một cuốn rất khó trích


*
*    *


Đêm qua, tôi ăn bữa tối chia tay với Kai và Sarah. Chúng tôi đi bộ qua sông Seine ở đoạn Quai aux Fleurs, rồi vào một nhà hàng Địa Trung Hải chuyên phục vụ các loại crepe khác nhau. Kai gọi món crepe với thịt xông khói, trứng và rau; Sarah ăn bánh crepe với rau spinach; còn tôi ăn crepe với măng tây. Loại bánh crepe này có da màu nâu chứ không phải màu vàng vì chúng được làm bằng lúa mỳ còn nguyên thay vì bột mỳ. Kai gọi nước quả lên men, chỉ có 5% cồn. Chúng tôi ăn xong thì đi uống cà phê ở một quán ngay gần quảng trường Thánh Michel – lúc này đông nghẹt người ngồi ăn tối, uống cà phê và rượu. Khi chúng tôi đứng dậy đã là 11 giờ 33 phút và Kai phải bắt chuyến tàu muộn về lại nhà. Chúng tôi ôm hôn nhau và hẹn sẽ còn gặp lại.
Trở về khách sạn lúc gần nửa đêm sau khi chia tay Kai và Sarah, tôi có cảm giác như đã chia tay Paris đến nơi và một nỗi buồn len lén dâng lên. Tôi đi bộ trở lại bờ sông Seine, đứng đó nhìn xuống dòng nước một lúc rồi mới về phòng.
 Trong phòng, Carrie đang ngồi trên giường chăm chú nghiên cứu bản đồ Paris.
“Em đã tìm được nhà thuê chưa?” - tôi hỏi.
“Chậc," - Carrie tặc lưỡi rồi phá lên cười.  "Kế hoạch của em có một thay đổi nhỏ. Fuck, em đã khóc suốt cả ngày hôm nay…”
“Sao thế?”

Hóa ra, Carrie đi tới xem căn hộ và thích căn hộ đó. Nhưng vì Carrie chưa có việc làm và chỉ có visa du lịch nên người cho thuê nhà yêu cầu Carrie phải trả trước ba tháng tiền mặt, tức là khoảng 4000 đô la. Khi Carrie ra ngân hàng rút tiền, cô phát hoảng vì bốn nghìn là một nửa số tiền mà Carrie đã tiết kiệm được trong suốt mấy năm vừa học vừa làm bồi bàn.

“Thế là em bắt đầu khóc và nghĩ, fuck, không biết em đến Paris làm quái gì nhỉ. Chẳng hiểu thế quái nào mà em lại nảy ra cái ý định chuyển đến Paris sống một năm chứ. Em không thể làm thế được, em không thể. Em khóc, em gọi điện cho mẹ em, em bảo mẹ ơi, con không làm được. Mẹ em bảo con có thể làm bất cứ thứ gì con muốn, nếu con muốn chuyển đến Paris sống thì dũng cảm lên, con có thể làm được; còn nếu con chỉ muốn đi du lịch khắp châu Âu thì cũng được, tùy con. Em bảo là thôi con không chuyển đến Paris sống nữa, con chỉ đi du lịch quanh châu Âu khoảng ba tháng rồi sẽ về lại Mỹ. Đấy, giờ kế hoạch mới của em là thế… Nhưng vấn đề là bây giờ em không biết làm gì với cả cái đống shit này của em. Fuck! Em mang theo nhiều đồ quá, em cứ nghĩ là em sẽ chuyển đến đây, nhưng giờ chỉ đi du lịch thôi thì em không biết làm quái gì với cái đống shit này.”

Tôi nói với Carrie rằng sợ hãi là chuyện bình thường; ai cũng sẽ có một chút sợ hãi khi một mình chuyển đến một thành phố xa lạ ở một nước khác, không người thân thích.

“Nhưng em cần cho Paris một cơ hội và cho em một cơ hội với Paris,” tôi nói. “Rồi em sẽ thấy mừng là em đã chuyển đến đây.”

“Ồ không, không không" - Carrie lắc đầu quầy quậy - "Không đâu, em biết là em không muốn chuyển đến đây sống. Em chẳng biết là em lấy đâu ra cái ý nghĩ điên rồ đấy. Lúc em email cho cái bà chủ nhà và bảo bà ấy là xin lỗi bà, cháu không thuê nữa đâu, xin lỗi làm mất thời gian của bà, em thấy nhẹ hết cả người. Phù. Chúa ơi, không không, em không muốn đến đây sống đâu, em chỉ muốn đi du lịch ba lô quanh châu Âu một thời gian rồi về nhà tìm việc đi làm thôi. Lại đi làm kiếm tiền như mọi người.”

 Và đấy là lý do mà Carrie đang nghiên cứu cái bản đồ Paris bởi vì từ hôm đến đây, cô ấy quá lo lắng chuyện tìm nhà nên chẳng có tâm trí đâu mà ngắm Paris. Tôi chỉ cho Carrie cách gửi đồ thừa ngoài nhà ga, cách xem bản đồ, cách đi tàu điện và cách định hướng. Tôi trả lời các câu hỏi về Paris… và Carrie ngẩn ra, đập mạnh vào vai tôi:
“Ê bồ, làm thế quái nào mà bồ biết quá nhiều về Paris thế? Chị đến Paris được bao lâu rồi?”
“Mười hôm.”
“Mười hôm? Nghe cứ như chị đã sống ở đây cả năm, cái quái gì chị cũng biết là thế nào hử?”

Nghĩ cho kỹ thì Carrie cũng không sai nếu như tôi tính cả những năm tháng tôi đã đọc về Paris. Thực sự là, mới ở đây mười ngày nhưng tôi cảm giác như tôi đã biết rất rõ Paris, tôi có thể lên tàu đi bất cứ đâu, tìm đường về khách sạn từ bất cứ địa chỉ nào… tôi có thể chuyển đến đây sống mà sẽ không bỡ ngỡ. Thực sự, tôi đã không còn là một khách du lịch ở Paris nữa rồi.

Những ngày này, đêm nào tôi cũng đọc lại một chương trong Những người khốn khổ trước khi đi ngủ. Tôi sẽ trở về nhà từ đâu đó trong lòng Paris và trên chiếc giường đơn ở tầng hai, tôi bật cái đèn cá nhân ở đầu giường rồi mở Những người khốn khổ ra và lại chìm trong một Paris của Hugo với những cái tên quen thuộc – phố Thánh Denis, phố Thánh Jacques, Rue de Babylone, nhà xép Gác-bô, quán Cô-ranh, vườn Luxembourg, nhóm ABC, nhà tu Picpus, cầu Austerlitz, cánh đồng Sơn-ca, chân trời có rạng chớp, một phòng khách ngày ấy, Ma-ri-uýt nghèo, Ma-ri-uýt túng quẫn, Ma-ri-uýt tuyệt vọng… trong lúc cách đó không xa, sông Seine vẫn tiếp tục chảy trong đêm, Nhà thờ Đức Bà vẫn đứng sừng sững, vườn Luxembourg thiu thiu ngủ, và những tiếng giày lẻ loi của một người Paris nào đó vọng lên từ dưới lòng đường lát đá… - và tôi nghĩ “À phải, mình đã ở đây, mình biết chỗ này” hoặc “À, chỗ này mình chưa đến… mình phải nhớ đi tìm chỗ này…” và cứ thế, tôi chìm vào một giấc ngủ giữa một Paris ở gần tôi hơn, thật hơn, đẹp hơn đồng thời lại xa lạ, bí ẩn, và quyến rũ hơn bao giờ hết.


Ảnh: một cái ảnh hiếm hoi mà tôi chụp trong vườn Luxembourg; nếu không chẳng có bằng chứng gì về việc từng đến đây.




Wednesday, April 17, 2013

Trang mạng Học thế nào

Xin giới thiệu website mới: Học thế nào

Nhóm chủ xướng: Ngô Bảo Châu - Phạm Toàn - Vũ Hà Văn.


Monday, April 15, 2013

Học thế nào - sở tri chướng và phiền não chướng


Hôm nay tôi dạy buổi cuối cùng của kỳ này. Buổi hôm nay học về tuổi già và chúng tôi nói về việc đối mặt với cái chết. Chúng tôi nói về các lý thuyết của phương Tây, ví dụ lý thuyết của Elizabeth Kubler-Ross; rồi nói chuyện tại sao đa số người già sợ chết. Xong tôi hỏi sinh viên là các bạn có nghĩ là người ta có thể dùng ý chí để quyết định việc chết của mình như quyết định giơ tay lên hoặc bỏ tay xuống hay không? Tức là một ngày nào đó, bạn tự nhủ một cách chắn chắn "Tôi đã xong việc ở đây rồi; cuộc sống này với tôi thế là có thể chấm dứt", bạn biết chắc rằng không còn gì ở đây níu kéo bạn nữa và bạn ngồi xuống rồi nói "Nào, giờ ta chết" và thế là bạn dừng thở, giống như bạn quyết định giơ tay lên.

Sinh viên của tôi bảo cũng có thể; có nhiều người già bị bệnh, họ không muốn sống nữa, không muốn điều trị thì họ bỏ ăn dần rồi chết theo ý nguyện của họ.

Tôi bảo không, không phải bỏ ăn rồi chết; cũng không phải già có bệnh rồi quyết định chết. Mà là bạn có thể hoàn toàn khỏe mạnh, bạn có thể đang rất thành công, bạn hoàn toàn vui vẻ, bình thản khi nói "ta đã xong cuộc sống này, ta không còn gì ở đây để học nữa, ngày mai không mang lại giá trị gia tăng nào so với hôm nay" và bạn chết. Giống như đi đã ăn no thì ta chủ động dừng lại mặc dù thức ăn còn đầy trên bàn. Và ở đây có hai câu hỏi: thứ nhất, các bạn có thể nghĩ đến cái chết như cái gì đó mà bạn có thể chủ động quyết định trong cuộc đời bạn thay vì để nó "xảy ra" với bạn như đa số mọi người đều nghĩ thế; như đa số mọi người nghĩ đến việc sống lâu như một đặc ân/may mắn, và chết như một thứ mà họ phải chờ và phó mặc số phận? Thứ hai, nếu bạn muốn chủ động với cái chết của mình, thì bạn có thể dùng ý chí làm cho mình chết mà không cần đến việc nhịn ăn hay các phương pháp can thiệp khác (như thuốc ngủ, dao, súng, hoa hồng, nến, tàu điện, vv...)

Sinh viên của tôi bảo: không, không có chuyện đấy.

Tôi bảo có nhiều nhà sư có thể làm thế. Rồi tôi kể là bản thân tôi từng có lúc nhận biết rõ ràng nếu tôi nói với tôi "ta đã xong cuộc sống này" và biết chắc chắn điều đó, thì tôi sẽ ngừng thở. Tôi chưa thử nên không biết có đúng không, nhưng tôi có cảm giác rõ ràng như thế. Ngược lại, tôi cũng có cảm giác, chừng nào tôi còn bảo tôi sẽ không chết thì nhất định tôi sẽ không chết.

Cái chuyện tôi vừa nói ở trên không xa chuyện sở tri chướng và phiền não chướng. Nỗi sợ chết cũng như tất cả các cảm giác khác, chúng chỉ là thế mà thôi - chúng chỉ là các cảm giác; chúng đến liên tục, rồi chúng biến đổi, và rồi chúng ra đi, rồi chúng lại đến. Phút này mình vui, phút sau mình buồn. Phút này nghĩ cái này, phút sau nghĩ cái khác... cứ thế, cứ thế... Nhưng chúng chỉ là thế là thôi. Ngày trước, tôi cứ để những cảm xúc khác nhau lôi mình đi, hết lên cao lại xuống thấp, hết lên đỉnh núi lại xuống vực sâu - khiến mình mệt nhọc, chẳng làm được việc. Cho đến một ngày, tôi bảo "Đứng lại, mặc xác mày, tao không theo mày nữa". Thế là chúng đứng lại. Nói chính xác là tôi đứng lại. Những cái tình cảm và ý nghĩ thì vẫn đến mỗi phút, mỗi giây, mỗi khắc - vì đấy là việc của chúng, là bản chất của chúng, không thể thay đổi - nhưng mà tôi không theo chúng nữa.

Không theo chúng nữa - nhất là theo các cảm giác phiền muộn, đau buồn, theo các ý nghĩ cứ trở đi trở lại - thì tự nhiên đầu óc nhẹ bẫng, tiếp thu mọi thứ rất dễ dàng.

Phiền não chướng chính là việc để cho các cảm xúc và suy nghĩ phiền não lôi kéo, hành hạ mình như thể chúng với mình là một. Nhưng không phải vậy - chúng chỉ là chúng; kệ chúng thì rồi chúng sẽ thôi.

Sở tri chướng chính là việc để cho những suy nghĩ đứng chắn lối của mình. Suy nghĩ kiểu này chính là định kiến. Lấy ví dụ đơn giản, nếu các bạn gái tin rằng mình không thể giỏi toán, thì ngồi vào học toán là thấy đầu óc mụ mị. Nếu các bạn nam tin rằng mình không thể giỏi văn và ngoại ngữ, thậm chí còn tin con trai phải dốt văn, thì cái "sở tri" đó sẽ cản đường các bạn. Nói rộng ra, tất cả các tín điều về con người, thế giới, nhất là về bản thân mình sẽ là những cái hàng rào chắn bạn tiếp thu các kiến thức mới. Rộng nữa ra, chừng nào bạn chưa đạt tới hiểu biết rốt ráo về thế giới (trí tuệ Như Lai) thì mọi kiến thức bạn có, kể cả kiến thức uyên bác và tinh vi nhất, đều có thể chỉ là kiến thức nằm trong một hệ thống quy ước nhất định, nó là một mô phỏng và biến hiện mà thôi. Như thế thì mình luôn phải giữ một đầu óc thật rỗng và cởi mở để xem xét các hệ thống khác nữa, cho đến khi mình đi đến cái biết cuối cùng.

Bỏ chúng xuống, để chúng nó đấy, đừng theo chúng, bám vào chúng mỗi khi chúng trỗi lên. Gột sạch chúng, để cho đầu mình thật rỗng, thật sạch thì những kiến thức mới mới có chỗ để vào.

Bất cứ khi nào bạn đang học một điều mới mà một tình cảm hay ý nghĩ trỗi dậy cản bạn, bạn chỉ cần nhìn nó rồi đặt nó sang bên, bạn bảo "chắc gì" và bạn tiếp tục nghe cái điều mới... rồi suy xét. Đừng suy xét trước khi nghe xong.

Đặc biệt với các phiền muộn, bạn cần phải nhìn chúng, bỏ chúng xuống, đặt chúng sang bên. Chúng không phải là bạn. Chúng chỉ là thế mà thôi.

Bạn sẽ hỏi "chúng không phải là bạn" thì ai là bạn? Và cái người "bỏ" chúng xuống là ai? Tạm thời tôi sẽ nói thế này theo kinh nghiệm cá nhân: nếu bạn hít thở sâu, nhắm mắt và nhìn vào bên trong, thì cái phần tĩnh lặng nhất, sâu nhất ở trong cái làm thành sự nhận biết của bạn chính là bạn. Cái phần nằm yên lặng ở đáy tim bạn ấy. Hãy chỉ tin và theo cái đó thôi. Còn những cảm xúc và ý nghĩ chạy nhảy trên bề mặt, mặc kệ chúng. Chúng chỉ thế mà thôi.

Tôi nghe nói sau này, toàn bộ cảm giác về "tôi" về ngã sẽ biến mất. Nhưng trước khi đi đến đó, đầu tiên, hãy cứ bám vào cái tôi nằm yên lặng đáy tim bạn và để cho nó dẫn đường. Trong kinh nghiệm của tôi, nó độ lượng và sáng suốt hơn rất nhiều tất cả những thứ tình cảm, kiến thức chạy nhảy trên bề mặt mà ta hay nhầm tưởng là ta. Nó mới thực sự là "người học". 

Tuesday, April 09, 2013

Mùa xuân rồi

Hoa nở, cỏ mọc lại, cây ra lá trong trường




Sinh viên bắt đầu mặc áo phông, quần sóoc đến trường

Đã bắt đầu có thể ra ngồi ăn trưa ở cái vườn nhỏ sau văn phòng của tôi

Friday, April 05, 2013

Lặn

Có lần tôi nói viết văn giống như đào mỏ... phải đào bới, gạt đất đá ra để thấy quặng. 

Hoặc viết văn giống như bắt bướm... lúc đó phải đứng im, toàn thân bất động để nó không bay đi mất

Hoặc viết văn giống như ngủ mơ, và không được phép thức dậy để làm gián đoạn giấc mơ.

Viết văn cũng giống lặn. Mỗi lúc hoàn thành một cuốn sách là một cuộc lặn sâu, chỉ thỉnh thoảng ngoi lên mặt nước lấy không khí, rồi lại lặn xuống tiếp.

Mỗi lúc như thế, dù không muốn thì cuộc sống bên ngoài vẫn bị đẩy vào trạng thái cảnh nền, về cơ bản là nhòa; mọi hoạt động có tính auto-pilot.

Dạo này tôi cũng đang trong trạng thái lặn.

Nhưng cũng không thể lặn liên tục được; thỉnh thoảng vẫn phải ngoi lên mặt nước để thở và thấy mặt trời.

Ví dụ như mặt trời chân lý này của Goldmund:
"Một mình ở châu Âu - Phan Việt: Chuyện gái đi lang thang một mình và ngắm những anh đẹp trai."

Thật là thiên tài! Từ giờ tất cả các sách tôi viết sẽ có công thức thế này:

"Chuyện gái [.......điền động từ thích hợp vào chỗ này.....] những anh đẹp trai"

Thật đấy :).