Wednesday, December 29, 2010

"Dù sao vẫn không ngừng đi"

Năm vừa rồi, có hai việc quan trọng với tôi: quay lại đời sống độc thân và bắt đầu cuộc sống mới ở San Jose. Việc thứ nhất là một việc rất khó mặc dù tôi đã có một cuộc chia tay hòa bình nhất thế giới. Việc thứ hai đỡ khó hơn một chút vì đây không phải lần đầu tôi đến bắt đầu cuộc sống ở một thành phố mới. Trong tất cả sự khó khăn của 2 năm vừa rồi, tôi nghiệm ra, không ai muốn học về cuộc sống bằng những kinh nghiệm khó khăn nhưng tôi cũng nghĩ rằng nỗi sợ bất hạnh là một trong những nỗi sợ hãi phí phạm nhất của đời người.

Nhưng thôi, chuyện năm 2010 nói như vậy là đủ rồi, mặc dù tôi ngờ là theo một cách nào đó, năm 2010 vẫn còn tiếp diễn vì, nói như một người bạn của tôi, nothing is final.

Có một số việc mà tôi mong đợi vào năm 2011.

Việc thứ nhất là tháng 1 tới đây, trường tôi sẽ sang Việt nam để ký thêm thỏa thuận hợp tác với một số đại học, với Viện nghiên cứu giáo dục thuộc Bộ GD và với Học viện khoa học xã hội về đào tạo công tác xã hội (social work) ở bậc sau đại học. Hiện nay VN mới chỉ có khoảng 40 chương trình cử nhân; năm tới sẽ có một chương trình thạc sỹ đầu tiên của ĐH Lao động xã hội, và vẫn chưa có chương trình tiến sỹ nào - cho nên đào tạo sau đại học rất cần. Nói về nhân lực thì hiện tại toàn bộ VN có khoảng 40 người có bằng thạc sỹ về CTXH và, theo tôi được biết, thì tôi hiện là người VN duy nhất có bằng tiến sỹ về CTXH (không tính những Việt kiều). Theo Nghị định tháng 3-2010 của chính phủ, VN sẽ đầu tư hơn 2000 tỷ để phát triển nền móng cho ngành CTXH trong 10 năm tới. Thực sự là đối với ngành CTXH của VN mà nói thì đây là thời kỳ có tính lịch sử, làm bất cứ cái gì vào lúc này sẽ có khả năng ảnh hưởng lâu dài; nếu làm tốt thì ta có một hệ thống an sinh xã hội tốt; nếu không thì ta sẽ đẻ ra thêm một bộ máy công quyền để hạch sách những đối tượng vốn yếu thế trong xã hội. Tôi thì thấy là được chứng kiến lịch sử và tham gia một chút vào lịch sử là một may mắn lớn, ít nhất từ góc độ một người kể chuyện. Thế nên tôi rất khuyến khích bBạn nào đang băn khoăn về chuyện học gì, làm gì thì thử tìm hiểu ngành CTXH xem.

Việc thứ hai mà tôi cũng mong đợi mang lại nhiều kinh nghiệm thú vị trong năm tới là việc tôi sẽ cùng anh Ngô Bảo Châu khởi động một tủ sách trong khuôn khổ nâng cao “tinh thần hiếu học”. Một thời gian nữa, những việc này sẽ rõ ràng hơn; tôi chỉ thông báo tạm như vậy ở đây vì trong phần công việc của tôi vào thời gian đầu, có một việc là giới thiệu sách tiếng Việt của các tác giả Việt Nam. Vì vậy, nếu bạn nào có bản thảo cần in, hoặc có ý tưởng viết sách thì xin gửi cho tôi bản thảo hoặc đề cương viết. Nếu bản thảo đã sẵn sàng (về chất lượng), tôi sẽ chuyển lại cho NXB để in trong tủ sách; nếu bản thảo chưa sẵn sàng nhưng có triển vọng thì tôi cũng sẽ góp ý với bạn để sửa, để bắt đầu. Bản thảo không hạn chế trong mảng văn học - nếu ở mảng khác, tôi sẽ chuyển cho người có chuyên môn thẩm định.

Tôi chúc tất cả các bạn một năm mới tốt lành, vững chãi. Lời chúc nhố nhăng này của tôi đã bị cũ đến 10 năm (dịch năm 2001), vì thế nên tôi xin thay bằng lời chúc hi-tech hơn, lấy từ Google Translate (bên dưới). Ngoài ra, vì nhiều lí do, tôi hiện chưa mở phần comments cho blog này nhưng tôi đoán để giao tiếp thì không phải lúc nào cũng cần lời. Happy New Year!

Happy New Year - ABBA

Không có thêm rượu sâm banh
pháo hoa được thông qua
Ở đây chúng tôi , tôi bạn
Cảm thấy bị mất cảm giác màu xanh


Đó kết thúc của Đảng
buổi sáng dường như rất xám
Vì vậy, không giống như ngày hôm qua
Bây giờ là lúc để chúng ta nói

Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Có thể chúng ta đều có một tầm nhìn bây giờ sau đó
Trong một thế giới mà mỗi người hàng xóm là một người bạn
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Có thể chúng ta đều có hy vọng của chúng tôi, sẽ của chúng tôi để cố gắng
Nếu chúng ta không chúng ta cũng có thể nằm xuống chết
Bạn tôi

Đôi khi tôi thấy
Làm thế nào thế giới mới dũng cảm đến
tôi thấy làm thế nào phát triển mạnh
Trong đống tro tàn của cuộc sống chúng ta
Oh , người đàn ông một kẻ ngốc
ông nghĩ rằng ông sẽ ổn thôi
Kéo về, chân đất sét
Không bao giờ biết anh lạc lối
Dù sao vẫn không ngừng đi

Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Có thể chúng ta đều có một tầm nhìn bây giờ sau đó
Trong một thế giới mà mỗi người hàng xóm là một người bạn
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Có thể chúng ta đều có hy vọng của chúng tôi, sẽ của chúng tôi để cố gắng
Nếu chúng ta không chúng ta cũng có thể nằm xuống chết
Bạn tôi

Dường như tôi bây giờ
Đó là ước mơ của chúng tôi đã có trước khi
Có phải tất cả không có gì, chết nhiều hơn
Than confetti trên sàn
Đó là kết thúc một thập kỷ
Trong một thời gian mười năm
Ai có thể nói những gì chúng ta sẽ tìm thấy
Những gì nằm chờ đợi xuống dòng
Trong phần cuối của 89
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Có thể chúng ta đều có một tầm nhìn bây giờ sau đó
Trong một thế giới mà mỗi người hàng xóm là một người bạn
Chúc mừng năm mới
Chúc mừng năm mới
Có thể chúng ta đều có hy vọng của chúng tôi, sẽ của chúng tôi để cố gắng
Nếu chúng ta không chúng ta cũng có thể nằm xuống chết
Bạn tôi


Friday, December 24, 2010

Merry Christmas!

Tối nay, tôi đi lễ nhà thờ bên Saratoga cùng với ba người bạn. Mục sư của nhà thờ giảng một bài về Chúa trong đó câu hỏi chính là thế này: What if it's all true?

Câu hỏi này cũng có thể mở rộng cho bất cứ thứ gì mà chúng ta đang nghi ngờ: What if it's all true?

Merry Christmas!

Tuesday, December 21, 2010

Tìm việc làm ở Mỹ - phần 2


Mùa tuyển giáo sư ở Mỹ thường bắt đầu vào khoảng tháng 8 hàng năm và kết thúc khoảng tháng 3 hoặc đầu tháng 4 năm sau. Quy trình tuyển thường có mấy giai đoạn cơ bản:

1. Nhận hồ sơ từ các ứng cử viên. Ở giai đoạn này, có trường yêu cầu cả hồ sơ hoàn chỉnh, có trường chỉ yêu cầu hồ sơ vắn tắt. Hồ sơ vắn tắt chỉ gồm có thư xin việc và CV. Còn nếu là hồ sơ hoàn chỉnh thì thường phải có một số tài liệu sau: (1) Thư xin việc; (2) CV dạng academic, không phải Resume ngắn; (3) Research agenda; (4) ít nhất 3 lá thư giới thiệu từ các giáo sư hoặc sếp cũ; (5) Writing sample, có thể là một vài chương luận án hoặc công trình nghiên cứu đã xuất bản. Đối với các trường chú trọng vào giảng dạy (không phải trường chú trọng nghiên cứu, tức là R1) thì có thể họ bắt có thêm một số tài liệu như Statement of teaching philosophy và Kết quả đánh giá giảng dạy của sinh viên (Teaching evaluations).

2. Đánh giá hồ sơ rồi mời khoảng 10-15 ứng cử viên qua được vòng hồ sơ tới đại hội hàng năm của ngành để tiến hành phỏng vấn vòng 1. Với ngành công tác xã hội của tôi thì có 2 đại hội chính cho việc tuyển dụng; một là CSWE thường dành cho các trường tập trung vào giảng dạy, và SSWR cho các trường tập trung vào nghiên cứu. CSWE diễn ra khoảng tháng 10 hoặc 11, còn SSWR vào tháng 12 hoặc tháng 1. Vòng phỏng vấn ở các đại hội này rất mệt và nhiều chuyện buồn cười, tôi sẽ kể ở phần dưới.

3. Sau vòng phỏng vấn ở các đại hội, các trường thường sẽ chọn khoảng 2 hoặc 3 ứng cử viên tốt nhất cho vòng phỏng vấn tại trường, gọi là campus visit. Họ sẽ trả tiền để đưa ứng viên tới trường trong khoảng 2 hoặc 3 ngày, tùy vào trường. Những trường giàu có như ĐH Chicago thường mời ứng cử viên tới trong 3 ngày; các trường nhỏ thì chỉ mời ứng cử viên tới vào ngày hôm trước và về vào tối hôm sau. Trong khoảng thời gian ở campus, các ứng cử viên sẽ phải có một bài presentation về nghiên cứu của mình, gặp mặt toàn bộ hoặc gần như toàn bộ các giáo sư của khoa, có thể gặp mặt sinh viên, có thể phải lên lớp dạy thử; và có thể phải gặp hiệu trưởng, provost, phòng nhân sự hoặc là những người có vai trò phê duyệt tuyển dụng nhân sự cuối cùng. Đây là những ngày rất mệt vì kín đặc lịch gặp gỡ, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối từ 7 giờ sáng đến tối và thường là đến những lúc cuối cùng thì bạn hầu như chỉ có cười và gật chứ khó mà còn hiểu được người đối thoại đang nói gì. Như tôi, trong lần đi campus visit ở một trường đại học khá lớn bên bờ Đông thì còn buột miệng nói tiếng Việt với bà trưởng khoa vì quá mệt.

4. Sau vòng campus visit, các trường sẽ quyết định có offer job cho bạn hay không. Nếu bạn có offer thì bạn có một thời gian để trả lời bạn có nhận lời không, có thể thương lượng các điều khoản làm việc, ví dụ lương bao nhiêu, sẽ dạy bao nhiêu lớp một năm, thời gian nghiên cứu ra sao, có được tiền nghiên cứu ban đầu không (startup research fund), có người trợ giúp không, các hình thức trợ giúp việc bắt đầu công việc mới như trợ giúp tiền chuyển nhà, trợ giúp mua nhà, vv...

5. Nếu bạn quyết định nhận lời mời làm giáo sư thì ký hợp đồng và bắt đầu một giai đoạn mới: cuộc đời đau khổ của một assistant professor.

Tôi sẽ kể dần những câu chuyện lẻ tẻ trong từng giai đoạn trên. Nhưng đầu tiên phải nói rằng những gì tôi kể ở đây có thể không điển hình vì mùa 2009 mà tôi "lên job market" là một mùa không bình thường. Do khủng hoảng kinh tế, rất nhiều trường, nhất là các trường trong hệ thống trường công đóng băng việc tuyển giáo sư; do đó mà số vị trí tuyển dụng thì ít trong khi số người lên job market lại đông bất thường. Có một số giáo sư ở trong các committee tuyển dụng nói với tôi rằng họ chưa bao giờ nhận nhiều hồ sơ cho một vị trí như vậy trong lịch sử của trường. Đối với người nước ngoài, mọi việc càng trở nên khó khăn.

(còn tiếp)

Monday, December 20, 2010

Berkeley


San Jose đã vào sâu trong mùa mưa. Từ ba tuần nay, ngày mưa nhiều hơn ngày nắng. Có những ngày, ngồi trên tầng 8 của thư viện nhìn ra ngoài, chỉ thấy phần lòng chảo thung lũng mờ mịt trong mưa và hơi nước; toàn bộ các sườn đồi đã bị sương và mây từ ngoài vịnh bay vào che phủ. Những ngày dài mưa lạnh; khi trở về nhà buổi tối, thật khó nghĩ đến việc gì khác ngoài một cốc cacao nóng và những lớp chăn ấm.

Như bây giờ, sau cả ngày ở Berkeley làm việc, trở về nhà trên chuyến tàu tối, tôi chỉ nghĩ đến một việc là uống một cốc cacao thật nóng để giã cái lạnh đã ngấm vào người từ sáng sớm. Berkeley đẹp. Từ trên đỉnh đồi của Regional Park nhìn xuống cả vùng vịnh với những town nhỏ kề nhau - Oakland, Richmond, Berkeley, và xa hơn là San Francisco - mới thấy có lẽ đây là một trong những nơi đẹp nhất của nước Mỹ. Nhưng cái đẹp ấy giờ cũng không cứu được tôi khỏi cơn buồn ngủ và không sắp được các ý nghĩ của tôi cho thẳng thớm mà viết thành một câu chuyện đầy đủ.

Một vài chi tiết trong ngày trước khi tôi đầu hàng câu chuyện Berkeley cho cơn buồn ngủ:

- Ở ngoài bến tàu Berkeley có một chỗ mà những người ở Berkeley đi làm trong San Francisco có thể đứng xếp hàng chờ một người nào đó đi làm ở San Francisco bằng ô tô qua cho đi nhờ. Nếu có ít nhất 2 người trong ô tô thì xe của họ được đi vào làn riêng và qua cầu không phải trả tiền; vậy nên nhiều người lái xe đi làm vẫn ghé qua đây cho những người xa lạ đi nhờ xe vào thành phố thì thả họ ở một điểm tập kết cố định. Hoặc phải có đủ lòng tin vào xác suất cao của sự tử tế hoặc phải tồn tại cái thực tại về tính phổ quát của sự tử tế trong lòng nước Mỹ thì người ta mới làm cái việc là cho một người lạ lên ô tô với mình.

- Đường đi từ San Jose tới Berkeley không có gì đáng nói. Tàu dừng ở những town nhỏ, không có gì nổi bật. Ra khỏi Fremont thì mới bắt đầu thấy những quả đồi đã xanh cỏ trở lại; và thỉnh thoảng giữa những sườn đồi lại có một hồ nước lặng ngắt, với những cây dương liễu cũng lặng ngắt bên bờ. Từ ngoài Fremont, cũng có những cánh đồng nước dài và những con vịt với cò trắng nhẫn nại mò tôm cá.

Hình minh họa: một cửa hàng trên phố Telegraph của Berkeley. Phim The Graduate được quay ở phố này.

Wednesday, December 15, 2010

Tìm việc làm ở Mỹ - phần 1


Bắt đầu từ giữa tháng 11, nước Mỹ chỉ có thể được diễn tả bằng một từ: Sale. Một nửa nước Mỹ hối hả bán tất cả những gì có thể bán được, nửa còn lại mua tất cả những gì có thể mua được. Đến cuối tháng 12, cả nước Mỹ mệt nhoài vì mua mua bán bán, lại lặc lè vắt chân lên làm lụng cho 10 tháng tới để có thể mua bán vào cuối năm sau.

Tôi không hề phóng đại. Sự thật là đến người hầu như không có nhu cầu shopping như tôi mà từ một tháng nay, cuối tuần nào cũng thấy mình ngoài siêu thị mua mua bán bán như thật. Trong phòng khách bây giờ, túi lớn túi nhỏ chất đầy - mua về thậm chí cũng không buồn mở ra, và nhiều khả năng là có những thứ sẽ không mở ra cho đến tận giữa hoặc cuối năm sau. Thế nhưng rồi cuối tuần vẫn cứ thấy mình ngoài siêu thị mua mua bán bán, túi lớn túi nhỏ, hớn hở thẫn thờ vì hàng sale.

Ngoài chuyện mua mua bán bán thì mùa cuối năm này còn có một việc thường xuyên khác trong cuộc sống của tôi: SSWR conference. Đây là conference hàng năm của những người làm nghiên cứu liên quan tới công tác xã hội - và về cơ bản thì gồm giáo sư các trường đại học, người của các viện nghiên cứu, các cơ quan chính phủ có liên quan. Đại hội hàng năm này cũng là nơi nghiên cứu sinh chuẩn bị nhận bằng tiến sỹ tập trung để bắt đầu quy trình tuyển việc làm vào các trường đại học. Từ cách đây mấy tuần, các bạn bè cũ của tôi ở Chicago đã email hỏi tôi năm nay có đi conference không để còn ở chung phòng khách sạn cho đỡ tốn kém. Năm nay tôi không đi vì tôi sẽ ở Việt nam vào dịp đó. Nhưng nhận được những email này thì tôi lại nhớ mùa tuyển việc năm trước - lúc mà tôi cũng ở vị trí như một số bạn tôi bây giờ. Tôi sẽ kể lại chuyện ấy dần dần.

Cứ hứa vậy đã. Như người ta nói: nước Mỹ là đất hứa và đất sống bằng tín dụng; nếu bạn không hứa thì bạn hẳn đang chờ người khác thực hiện lời hứa, không có ngoại lệ.

Tuesday, December 14, 2010

Fragments No. 2


- Read me something - bạn tôi nói.
- Are you in the mood for something in particular?
- No, anything.

Tôi rút đại một cuốn sách trên giá, lật trang.

"I adore flies. I am only happy in the sun, naked and covered with flies.... I hate dirty flies. I only love the very cleanest flies."

Ở một trang khác:
" Each morning, on awakening, I experience a supreme joy which, for the first time today, I discover is the joy of being Salvador Dali, and I wonder, full of amazement, what sort of prodigies this Salvador Dali will produce today. And each day I find it more difficult to understand how other people can live without being Gala or Salvador Dali."

- Weird guy - bạn tôi nói.

Tôi cười. Những trang tôi đã lật là những trang mà tôi đã gấp mép sách lại để đánh dấu. Có thể là tôi đã đánh dấu những trang này từ nhiều năm trước - rất lâu rồi tôi không đọc lại cuốn sách này ("Diary of a genius" - Salvador Dali). Đánh dấu vì lí do gì thì khó nói chính xác vì tôi bây giờ không chính xác là tôi của nhiều năm trước. Tôi chỉ biết tôi vào lúc này nghĩ rằng: bất kể người khác có cho rằng việc Dali thích nằm trần truồng dưới nắng, tưới mật ong lên đầu cho ruồi bay vo ve xung quanh là bất bình thường đến đâu, thì Dali không có con đường nào khác là trung thực với sự say mê ruồi và say mê tất cả những cảm giác duy mỹ của mình khi những con ruồi cánh mỏng, bụng ỏng vàng, với những cái chân lông lá vo ve quanh đám mật rớt xuống từ đỉnh đầu Dali.

Minh họa: Một bức tranh mà Dali vẽ trong những ngày ám ảnh ruồi.

Friday, December 10, 2010

e-this and e-that


Google đã ra eBookstore. Hình như nếu bạn có account Google thì bạn cũng nghiễm nhiên có tài khoản trong Google eBookstore và có thể tha hồ mua sách.

Những người làm xuất bản trong và cạnh academic cũng bắt đầu thử mô hình epublication, tức xuất bản trực tuyến, open-access thay vì mô hình xuất bản truyền thống mà thường khiến cho một bài báo mất từ 6 tháng đến vài năm để lên được mặt tạp chí, chưa kể các loại giới hạn về khuôn khổ trang, nội dung, etc. Sage Publications đã khai trương SageOpen, sẽ bắt đầu nhận bài từ 1-1-2011.

Nhiều khi muốn được emancipated khỏi vô vàn các loại tiện ích của xã hội tiêu dùng mà không làm sao escape được. éo le thay!

Thursday, December 09, 2010

Thăm nhà John Steinbeck ở Salinas


Hôm nay là ngày cuối cùng của học kỳ này - chúng tôi gọi là "dead day". Suốt cả 2 tuần vừa rồi, khu vực hành lang bên ngoài văn phòng của tôi lúc nào cũng ầm ỹ sinh viên ngồi làm bài cuối khóa và chờ gặp giáo viên để giải quyết các công việc tồn đọng của học kỳ. Đấy là hai tuần nước rút - ai cũng hối hả và phờ phạc. Hôm nay, hành lang vắng tanh; giáo viên chúng tôi tổ chức pot luck vào buổi trưa, và chia quà; sau đó, mọi người tản mát đi làm việc. Từ tuần sau, trong khoa sẽ còn vắng nữa. Sinh viên không đến trường và giáo viên cũng hầu như không đến.

Tôi muốn kể chuyện tôi đi thăm nhà và bảo tàng John Steinbeck hồi cuối tháng 9 vừa rồi; nhưng để tiết kiệm thời gian, tôi chép lại đây một email ngắn tôi gửi cho các "sinh viên" của tôi ở Việt Nam. Đây là những sinh viên tôi dạy trong khóa học bồi dưỡng chuyên môn công tác xã hội do ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức vào mùa hè vừa rồi. Gọi là sinh viên - và họ cũng gọi tôi bằng "cô" xưng "em" - nhưng thực ra đa số họ đang là giảng viên ngành CTXH ở các trường đại học và nhiều người lớn hơn tôi nhiều tuổi và giỏi hơn tôi nhiều. Dạy họ là một kinh nghiệm khó khăn và thú vị và tôi ngờ là tôi học được ở họ nhiều hơn những gì họ học được từ bài giảng của tôi. Email này được gửi chung cho lớp.

====================
"San Jose, ngày 28-9-2010

Chào cả lớp,

Thư này tôi viết chủ yếu để hỏi thăm lớp vì có một số bạn nói "dạo này không thấy cô viết thư cho lớp". Thực ra là vì toàn viết thư riêng theo công việc của từng bạn, nhất là với nhóm thành lập Hội :)

Hỏi thăm lớp thì tôi tranh thủ kể chuyện nước Mỹ một chút. Cuối tuần vừa rồi, tôi đi Salinas thăm bảo tàng và nhà của John Steinbeck. Đề phòng bạn nào chưa biết, Steinbeck là một nhà văn Mỹ, được giải Nobel năm 1962, tác giả một số tiểu thuyết lớn như Của người và chuột; Chùm nho nổi giận (có bản dịch là Chùm nho phẫn nộ) và Phía đông vườn địa đàng. Steinbeck lớn lên ở Salinas và sách của ông chủ yếu lấy bối cảnh ở đây, về con người ở đây.

Tôi đi Salinas từ sáng. Lái xe chỉ mất hơn 1 tiếng thôi. Mùa này ở California vẫn đang là mùa khô, nói chung từ mấy tháng nay không có mưa cho nên cỏ cây cháy nắng và lấm lem bụi đất. Ở trong San Jose thì còn thấy màu xanh vì cây cối sạch sẽ; nhưng ra đến ngoài xa lộ và càng đi gần về Salinas thì màu xanh càng biến mất dần; thay vào đó là màu vàng nhạt của nắng và bụi. Bụi phủ lên những cánh đồng, những cây phi lao và cọ lưa thưa, và những bụi xương rồng tàn tạ dọc xa lộ. Địa hình ở đây cũng khác; bên cạnh các ruộng trồng bắp cải và dâu đất trải dài là những khu đầm lầy do nước biển lấn dần vào; xa hơn là biển và ở về phía bên kia lại là các quả núi của rặng X, rặng Y, rặng Z mà giờ tôi không còn nhớ tên (Steinbeck có nói đến chúng). Càng vào gần Salinas tôi càng có cảm giác đi ngược thời gian bởi vì những gì mà Steibeck kể về vùng đất này vào nửa đầu và giữa thế kỷ trước dường như giờ vẫn còn nguyên. Đấy là khí nóng bốc lên mờ mắt, và gió biển, và thung lũng, và cái mệt, cái nắng, cái trễ nải buồn tẻ đến mức làm người ta chỉ muốn ngồi trên hiên nhà uống nước mát hoặc uống rượu say rồi ngủ vùi - để cho cái thực tại rung rinh vì hơi nóng bên ngoài lẫn luôn vào những giấc ngủ nhiều mộng mị. Đấy là cuộc sống thị trấn nhỏ (small town) mà tôi đã gặp nhiều ở Mỹ nhưng ở Salinas lại có phong vị riêng bởi ở đây nhiều người gốc Mexico và người châu Á. Họ vẫn cứ là nông dân, vẫn đứng dàn hàng trên các thửa ruộng mà trồng, cấy, nhặt cỏ, cuốc đất, tưới nước, và thu hoạch như họ đã làm 50 năm trước. Trên đường đi, tôi thấy rất nhiều người gốc Mexico và châu Á - có lẽ là gốc Trung Quốc hoặc Nhật - mặc quần áo dày và trùm những tấm khăn dày để tránh nắng, ngồi trên các vạt ruộng dâu tây thu hoạch dâu; rồi bê về phía một chiếc xe tải thu mua ở gần đó. Họ là các paisanos mà Steinbeck nói đến trong những cuốn như Tortilla Flat.

Ở Salinas, tôi vào trong bảo tàng xem một lượt các hiện vật về cuộc đời Steinbeck và về quá trình sáng tác của ông. Sau đó thì ăn trưa trong một nhà hàng kiêm luôn công ty sản xuất bia. Thực ra là một nhà hàng gia đình có phòng nấu bia. Bên California này, vì khí hậu nắng ấm nên người ta trồng nhiều nho và không thiếu các gia đình sản xuất rượu bia. Tôi ăn trưa rồi đi loanh quanh thị trấn, ngắm nghía sự vắng vẻ, trễ nải và uể oải của nó vào một ngày thứ Bảy cuối tuần; rồi quay lại bãi biển ở gần đó và nằm đến chiều tối thì về nhà. Bắt đầu ngấm cái tinh thần laid-back nổi tiếng của người California - với họ, dường như cuộc sống chủ yếu diễn ra vào cuối tuần, còn các ngày trong tuần với công việc thường nhật chỉ là những thứ phụ, là phần không cơ bản trong sự tồn tại.

Tôi kết thúc email này bằng mấy câu của Steinbeck:

"Con người, khác với tất cả các sinh vật trong vũ trụ, có khả năng lớn vượt ra khỏi công việc của anh ta, leo lên những bậc thang ý niệm của chính anh ta, và đi trước các thành công của mình."

"Rất nhiều hành trình còn tiếp tục rất lâu sau khi động thái di chuyển đã dừng lại về mặt thời gian và không gian"

"Con người có khả năng thay đổi, và thay đổi đến giống như một cơn gió lay nhẹ bức rèm vào lúc sáng sớm hoặc như mùi hương thoang thoảng của những bông hoa dại ẩn náu dưới cỏ"

"Không ai thực sự biết về người khác. Điều tốt nhất mà anh ta có thể làm là mặc định rằng họ cũng giống với anh ta"

Chúc cả lớp một tuần vui vẻ.

H."

Ảnh minh họa: Máy cày trên những cánh đồng trồng đậu hoặc dâu ở gần Salinas.

Wednesday, December 08, 2010

Phương Đông - phương Tây


Ngày hôm qua tôi đi cùng bà trưởng khoa và một đồng nghiệp tới dự buổi họp tổng kết năm của Phòng 3 Nguyên Lý Sống thuộc Sở Dịch Vụ Ma Túy và Rượu của hạt Santa Clara. Chúng tôi dự cuộc họp này theo lời mời từ một trong những nhân viên chính của phòng - sơ Margarita, hay còn có tên tiếng Việt là Dì Bảy. Dì Bảy là người công giáo Việt Nam, đã sang Mỹ ngay sau năm 1975 và cống hiến cả đời cho việc giúp đỡ những người Việt Nam bị vào tù do nghiện ngập, phạm pháp, vv... Chuyện về Dì Bảy tôi sẽ kể một dịp khác.

Nói đến chương trình 3 nguyên lý sống (3 principles) thì chương trình này bắt đầu vào những năm 1970 bởi một người đàn ông chỉ học hết lớp 7 có tên là Sydney Banks. Cho đến bây giờ, chương trình đã nhân ra khá rộng và được mở cho bất cứ ai muốn học cách thay đổi đời sống của họ, sao cho họ sống hạnh phúc hơn. Chương này được đưa vào Sở Dịch Vụ Ma Túy và Rượu của hạt Santa Clara với mục đích giúp những người có các vấn đề nghiện ngập, bạo hành gia đình và các vấn đề khác có thể học cách làm lại cuộc đời bằng cách dẹp bỏ trầm cảm, giận dữ, tuyệt vọng, và stress trong cuộc sống của họ; tìm lại bản thân, làm mới bản thân, vv... Riêng trong năm 2010 chẳng hạn, chương trình 3 nguyên lý sống này phục vụ 2000 người.

Tôi có xem các tài liệu về chương trình cũng như các sách của Sydney Banks thì phải nói rằng những gì mà chương trình 3 nguyên lý sống đặt ra không khác gì những nguyên tắc nền tảng của Đạo Đức Kinh: nó là chuyện vô sở cầu, chuyện sống trong khoảnh khắc hiện tại, chuyện vô vi, chuyện lùi lại và nhận biết những xung động tình cảm hay suy nghĩ của mình trong khoảnh khắc nhất định, chuyện thuận theo lẽ tự nhiên, chuyện hướng tới cái Đạo lớn, biết cái Đạo lớn, hòa vào cái Đạo lớn, vân vân và vân vân…

Ở buổi họp về, tôi cứ nghĩ một việc: ở VN, Đạo Đức Kinh vẫn cứ là một thứ hầu như chỉ dành cho giới học giả thuần túy, một bộ phận của giới kinh doanh, và lẻ tẻ các đối tượng khác – tóm lại vẫn là đối tượng có đặc quyền nhất định trong cơ hội tiếp cận tri thức. Những triết lý của nó – dù hữu ích đến mấy – vẫn khó tiếp cận với công chúng bình dân bởi vì nó vẫn cứ tồn tại dưới dạng "Đạo khả đạo phi thường đạo". Nó không được người ta triển khai ra thành những công cụ cụ thể, có tính ứng dụng để giải quyết những vấn đề cụ thể cho những người thực ra rất cần nó – kiểu như chương trình 3 nguyên tắc sống mà một trong những nội dung cụ thể của nó là dạy người ta cách điều khiển giận dữ hay các kỹ năng làm cha mẹ (parenting skills).

Đây dĩ nhiên chỉ là một ví dụ nhỏ của những khác biệt có tính nền tảng giữa phương Đông và phương Tây trong cách tiếp cận những thứ trừu tượng và sau đó là cách làm cho cuộc sống con người tốt hơn. Tôi dĩ nhiên có nhìn thấy mặt trái của việc cụ thể hóa cái trừu tượng nhưng tôi nghĩ trong nhiều trường hợp, cụ thể hóa để thay đổi dần thì tốt hơn là bảo tồn/bảo toàn cái trừu tượng rồi biến nó thành u mê. Nhưng tôi tạm thời dừng ở đây đã.

Thêm 1: Ở hạt Santa Clara, người Việt Nam, mà chính xác là Việt kiều đang làm rất nhiều việc tích cực và giữ nhiều trọng trách trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Có dịp tôi sẽ giới thiệu công việc của họ.

Thêm 2: Giới thiệu bản dịch Đạo Đức Kinh ra tiếng Anh của Stephen Mitchell - bản dịch mà tôi thấy là tốt nhất. Chỉ cần nhìn vào cách dịch của người Mỹ cũng phần nào thấy sự khác biệt Đông - Tây mà tôi đề cập ở trên. Vấn đề ở đây không phải là chuyện khả năng hiểu bản gốc hay chuyện ngôn ngữ (ta không nên mặc định người khác kém "hiểu đạo" hơn ta) mà là chuyện cách tiếp cận và, quan trọng hơn, sự lựa chọn cách tiếp cận vào những thời điểm nhất định, cho những đối tượng nhất định.

Monday, December 06, 2010

Trò chuyện với nhà toán học Ngô Bảo Châu


Nhân anh Ngô Bảo Châu có nhắc đến văn sỹ nào đó “tìm lại nhiệt độ bình thường” :), tôi tìm lại cuộc nói chuyện giữa tôi và anh Châu mà tạp chí Tia Sáng đã đăng. Tôi post nó lên đây, coi như để lưu lại chính thức trên website của tôi. Bài nói chuyện gốc thực ra dài hơn, nhưng vì khuôn khổ tạp chí, tôi cắt đi một số đoạn mà tôi nói là chủ yếu. Ở đây, tôi cũng chỉ đăng bản đã cắt ngắn này; bản dài sẽ để một dịp khác.

Tấm ảnh bên là Hutch Commons - nơi diễn ra cuộc trò chuyện :)

==============
Trò chuyện với nhà toán học Ngô Bảo Châu

Tôi gặp anh Châu lần đầu vào cuối tháng 1-2010, lúc anh đã nhận lời sang Đại học Chicago làm giáo sư. Trong lần gặp đầu tiên đó, anh Châu đi cùng với hai người bạn chung của chúng tôi ở Chicago; chúng tôi hẹn nhau đi ăn tối ở trong khu Việt Nam. Hôm đó, trời rét đậm. Anh Châu mặc một chiếc áo choàng dài màu đen và đội mũ len; dáng người nhỏ, đôi mắt chắc chắn của người thường xuyên phải đọc và mái tóc đã bạc nhiều. Cảm giác đầu tiên không thể nhầm lẫn khi gặp anh Châu: anh Châu là một người rất giản dị và cởi mở. Trong xe ô tô trên đường vào khu Việt Nam, anh phụ họa đọc thơ với một người bạn. Hôm đó, chúng tôi không có dịp nói chuyện nhiều. Điều mà tôi nhớ nhất là trong câu chuyện, anh hỏi tôi “Viết văn chắc là khó lắm nhỉ?”. Câu hỏi ấy làm tôi nhận ra có thể không chỉ có tôi thấy khó hình dung về công việc của một nhà toán học như anh, mà ngược lại những người làm toán có lẽ cũng không biết nhiều về công việc của người làm nghệ thuật. Nhưng có thể, toán học và văn học nói riêng, cũng như khoa học và nghệ thuật nói chung, đều chỉ là việc dùng những ngôn ngữ và công cụ khác nhau để mô tả và giải thích thế giới. Và đấy là lí do tôi đề nghị anh Châu cho tôi phỏng vấn anh trong lần gặp sau, với mong muốn rằng việc biết rõ thêm một chút về hành trình công việc và hành trình cá nhân của anh có thể giúp rất nhiều người thuộc các lĩnh vực khác nhau có thêm niềm tin với những gì họ theo đuổi.

Chúng tôi đã hẹn sẽ gặp nhau lúc 9 giờ sáng ở nhà anh rồi đi bộ vào trường. Đầu tháng Tư, Chicago đã có nắng ấm; hoa tulip, thủy tiên và mộc lan bắt đầu nở trên mặt đất mặc dù lá chưa mọc trở lại trên các cây cổ thụ dọc các con đường trong khu Hyde Park. Chúng tôi mua cà phê ở Reynold Club rồi vào Hutch Commons ngồi. Hutch Commons là phòng lớn, nơi sinh viên và cả các giáo sư thường tới ngồi làm việc, ăn trưa, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp. Căn phòng cao, với nhiều cửa sổ lớn gắn kính màu đón nắng mặt trời. Dọc hai bên tường có treo ảnh các đời hiệu trưởng của trường. Lúc này còn sớm và lại là thứ Hai nên trong Hutch Commons chỉ có vài ba sinh viên ngồi rải rác làm bài tập. Chúng tôi chọn một bàn ở góc trong cùng của căn phòng. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng việc tôi thú nhận rằng tôi không biết sẽ phải phỏng vấn như thế nào; anh Châu nói thôi thì cứ nói chuyện bình thường thôi. Tôi ghi lại đây một số đoạn từ cuộc “nói chuyện bình thường” này và giữ nguyên cách xưng hô “anh-em” để trung thực với cuộc trò chuyện.

Phan Việt (PV): Anh có nói với em là anh muốn đi khỏi Princeton sang Chicago bởi vì Princeton không có cảm giác cuộc sống. Cái “cảm giác cuộc sống” đấy chính xác là cái gì? Anh tìm kiếm điều gì?
Ngô Bảo Châu (NBC): Anh đẻ ra ở 47 Hàng Bài, lúc nào cũng có 1 triệu người quay xung quanh; ở Princeton không đủ 1 triệu người quay xung quanh, nên thấy thiếu cảm giác cuộc sống (cười). Đùa vậy chứ thật ra thì anh thích Hyde Park này; nó ở trong thành phố lớn nhưng mà nó vẫn đủ nhỏ. Nếu anh ở một mình thì đơn giản, nhưng có trẻ con thì ở Hyde Park này là một lựa chọn tốt.

PV: Thế tức là trong quyết định của anh, trẻ con là một phần rất quan trọng?
NBC: Ừ, tất nhiên rồi. Không, tức là nó có hai phần; một phần là trẻ con, phần nữa là về khoa học thì anh thích mấy người ở trường Chicago này. Về toán thì Chicago thực ra là xuất sắc, nhất là trong ngành của anh.

PV: Ngành của anh chính xác là gì ạ?
NBC: Anh làm cái nó gọi là algebraic geometry (hình học đại số) và chương trình Langlands. Nó cũng rộng. Cho nên cái Bổ đề mà anh vừa viết ấy, anh viết 8 chương, 200 trang, thì anh vừa nhận được 6-7 cái report của những người đọc kiểm tra các phần khác nhau, có người thì đọc toàn bộ, có người thì đọc một phần thuộc về chuyên môn của người ta thôi, để xem nó có chính xác chặt chẽ không. Ai có chuyên môn phần nào thì đọc phần đấy... vì ngoài chuyện chuyên môn thì đọc như thế cũng là một việc mất thời gian mà cũng là cái hy sinh của người ta; một bài đấy cũng phải mất vài tháng để đọc nếu có chuyên môn, còn nếu không có chuyên môn thì phải lâu hơn.

PV: Nhân anh nói chuyện hy sinh... Lúc mà tạp chí Time công bố là công trình của anh nằm trong 10 công trình khoa học lớn nhất năm 2009 thì VnExpress có đưa tin về chuyện đó và chuyện anh về Chicago dạy học. Em không biết là anh có đọc những ý kiến bạn đọc ở bên dưới không...
NBC: Anh có đọc loáng thoáng.

PV: Thì có một số ý kiến nói nào là chảy máu chất xám, nào là lẽ ra anh phải về VN cống hiến. Anh có cảm thấy đòi hỏi như vậy là bất công với anh không?
NBC: Anh không thấy bất công ... nói chung là có một số ý kiến mà nó... nó ấu trĩ đến mức mà anh không thể nào quan tâm được (cười). Anh cảm thấy là anh đã qua cái tuổi mà anh còn chịu áp lực xã hội rồi. Tất nhiên là anh vẫn chịu áp lực từ một số người mà mình quan tâm ý kiến của họ; ý kiến của họ chính xác thì làm anh suy nghĩ; còn có nhiều ý kiến xuất phát một là từ sự ấu trĩ, hoặc là từ sự ghen tị thì anh không để ý.

PV: Nhưng mà, để đi đến cái chỗ biết cái gì là ấu trĩ để mà bỏ qua cũng là cả một quá trình, đúng không ạ? Lúc đầu có lẽ mình không làm được như vậy đâu; kể cả mình biết là người ta nói vô lí thì mình vẫn đau...
NBC: Anh nghĩ là... thực ra để đạt đến sự ổn định thì mình phải có sự nhạy cảm nhất định với cuộc sống. Một khi mình đã đau thì mình đừng nhắm mắt bịt tai, mà mình phải cố gắng phân tích cho đến cùng cái đau đấy, hoặc là cái ngu ngốc của mình. Anh thực ra không phải là người có nhiều va chạm xã hội; chỉ có điều là mỗi một lần va chạm thì anh chịu khó phân tích cái va chạm của mình; thì mỗi lần va chạm, mình càng đau mà mình càng chịu khó phân tích thì mình càng hiểu, hiểu mình và hiểu người khác hơn.

PV: Nhưng nếu như mình cứ phải phân tích để biết cái gì không đáng làm mình đau, thì nó cũng có thể làm mình chai sạn, mệt mỏi. Có thể với toán học thì khác; nhưng với nhà văn chẳng hạn, nếu mà mình cố gắng lý trí để không làm mình đau thì mình cũng có khi làm mất cái con mắt quan sát thuần khiết của mình đi…
NBC: Làm toán thì tất nhiên nó hơi khác nhưng nó cũng có cái giống như thế. Bởi vì làm toán thực ra là cực kỳ violent (bạo lực) với bản thân mình, lúc nào mình cũng phải lý trí, không bao giờ được chiều bản thân mình, không được chiều theo cái ham muốn hiện tại. Với lại, toán cũng có cái mâu thuẫn giống như em nói. Một mặt nó cũng là một dạng profession (nghề nghiệp), tức là nó cũng có những hoạt động của nó; tức là phải đi làm seminar, đi làm hội thảo, viết báo cáo; tức là nó cũng phải có những thủ tục; cộng đồng thì bao giờ cũng phải có thủ tục; nhưng nếu có thủ tục mà thành chuyên nghiệp quá thì vô thức nó cũng có thể giết đi cái trong sáng, cái khởi thủy của người làm toán, tức là cái con mắt trong sáng của trẻ con, cái gì mình cũng muốn hiểu ngọn ngành từ đầu đến cuối, trong khi nếu mình thành chuyên nghiệp thì mình chỉ chú tâm để ý những cái gì đang nổi, đang mới, đang là mốt, làm cho mình quên đi cái cơ bản nhất. Nếu muốn làm nhà toán học giỏi thì không thể để mất đi cái cơ bản. Thực ra anh viết blog Thích Học Toán một phần là như thế; vì lúc nào anh cũng có điều kiện xem lại những thứ cơ bản nhất .

PV: Em muốn quay lại với chuyện về tìm kiếm “cảm giác cuộc sống” mà anh đã nói. Với văn học, người ta có khái niệm cảm hứng rất rõ ràng và nó thường xuất phát từ cuộc sống. Thế với toán học thì nguồn cảm hứng đấy ở đâu ra?
NBC: Nó là bài toán toán học. Nhưng mà bài toán toán học, khi mình đã làm việc đủ lâu với nó, thì nó cũng hiển hiện như là một xã hội; nó có hình tròn, hình cầu, hình méo...

PV: Nó có đem lại cảm giác say mê như với say mê nhân vật, say mê ngôn ngữ không ạ? Tức là có cái cảm giác mình không thể sống được nếu mình không làm toán?
NBC: Tất nhiên nếu anh không làm toán thì anh cũng không đi tự tử (cười) nhưng mà... nó là cái phần cơ bản của mình, nó là một nguồn hạnh phúc lớn. Mà anh không nói đến làm toán theo kiểu chỉ có nghiên cứu viết báo cáo đâu, anh nói đến việc mình liên tục đọc sách, xem cái mới, cái cũ, tìm kiếm, suy nghĩ, nó là một hành trình liên tục...

PV: Cái hành trình và cái hạnh phúc đấy nó liên quan nhiều đến sự phát triển nội tâm của mình, đúng không? Nó gắn với hành trình phát triển của con người mình.
NBC: Đúng rồi. Anh nghĩ là nếu một người mất cảm giác mình vẫn còn nhiều cái không biết thì không thể nào làm được cái gì hay ho nữa. Cho nên phải học. Ví dụ như anh thì có một cái kém mà nhiều lúc cũng khó xử đấy; tức là anh cảm tưởng cái gì anh cũng không biết rõ lắm, cái gì anh cũng biết lơ mơ; dĩ nhiên cái mà anh làm thì anh biết rõ còn lại thì anh rất lơ mơ, nhưng anh lại không có thói quen giấu cái sự lơ mơ đấy; thế thì nó khó xử là đi đâu lúc đầu người ta cũng trọng vọng mình, nhưng xong rồi người ta hỏi cái gì mình cũng không biết thì có khi cũng khó xử vì ở những vị trí nhất định thì mình không thể xuề xòa quá được... Cho nên bây giờ anh cũng phải học. Đấy, mình phải giữ cái ham muốn học hỏi, và mình cũng phải học cách chia sẻ nữa. Cũng phải chọn người mới chia sẻ, đâu phải ai cũng chia sẻ được, vì nhiều khi nó có thể làm mình rất tổn thương; ví dụ là có những cái mà mình quý nhất thì người ta lại coi thường.

PV: Trong văn học, anh thấy là có khái niệm “văn phong” rất là rõ ràng. Toán học thì có khái niệm phong cách riêng không?
NBC: Có chứ, nhưng nói chung là nó hơi khác, vì toán thì… khi mà nó đến cái mức hoàn hảo thì nó không còn có tính cá nhân nữa, nó vô tính, nó trong sáng đến mức không biết là ai nữa mặc dù style làm toán thì cũng có tại vì cái cách suy nghĩ của mỗi người thì có khác nhau.

PV: Thế style của anh là gì nếu anh phải mô tả bằng một vài từ?
NBC: Anh cũng không rõ nhưng mà anh làm toán hầu như không bao giờ cần giấy cả.

PV: Anh cứ nghĩ trong đầu?
NBC: Ừ, anh không cần phải ngồi tính toán, anh cứ nghĩ đến một lúc mà anh cảm tưởng là được rồi thì anh ngồi viết ra; lúc đó lại phải lắp ghép lại. Thực ra cái quá trình viết ra đấy là quá trình hiện thực hóa vì lúc mình nghĩ thì nó giống như là mình xây dựng cả một thế giới của mình, nó có nhiều đường, nhiều ngã rẽ; đến lúc mình viết ra giấy thì mình phải viết tuần tự. Có những bài toán đơn giản thì dễ nhưng với bài toán phức tạp như cái Bổ đề vừa rồi thì anh viết rất nhiều lần; lúc mới bắt đầu viết, anh cũng không biết là viết thế nào cả... anh cũng phải chuẩn bị rất nhiều... như văn chắc là cũng phải chuẩn bị, nhưng văn thì có thể chuẩn bị thừa một chút chứ toán thì về mặt nguyên tắc là không được chuẩn bị thừa cái gì cả, chỉ viết cái gì cần thiết, đúng như thế thôi, không dài hơn. Lúc đầu anh viết thì anh không biết chính xác là cái gì mình cần, bởi vì nó là cả một cái hệ thống, anh cứ mô tả dần dần cho đến cuối cùng, sau đó thì mới lại quay lại sửa. Cái quá trình đấy cũng tương đối là painful (khó khăn), vì lúc mình nghĩ trong đầu thì kể cả mình suy nghĩ nhiều, mình cũng không thể nào chặt chẽ 100% được, có nhiều chỗ lúc nghĩ thì mình bảo chỗ này được rồi, có thể bỏ qua, mình sẽ làm được, cái đấy là do kinh nghiệm thì mình biết và thường là cũng đúng, nhưng mà lúc viết ra, thì mỗi đoạn đấy lại phải bổ sung chi tiết, thì có khi mình thêm chỗ này nó lại phình ra chỗ kia.

PV: Hôm qua em ngồi đọc về Viện IAS ở Princeton mà anh đang làm việc. Thì có người chỉ trích là cái viện đó thực ra cũng là chỗ giết chết nhiều người tài, tức là lúc trước họ làm được nhiều thứ tử tế, nhưng khi đến Viện thì không làm được gì nữa bởi vì sang đó chỉ phải ngồi nghiên cứu thôi, không có áp lực dạy học hay làm gì nếu không muốn, cho nên họ đi đến chỗ cô lập, bế tắc. Anh có nghĩ là đứng về mặt sáng tạo, việc được “bao cấp” và không có áp lực như thế là cái có hại?
NBC: Với một số người thì nó có hại thật. Có những người, khi họ không còn chịu áp lực phải xuất bản công trình nghiên cứu nữa, thì họ chẳng làm gì cả. Nhưng ngược lại nếu phải chịu áp lực xuất bản nhiều quá, như ở Mỹ này áp lực lớn quá thì người ta cũng in nhiều thứ nhảm nhí chẳng ai đọc.

PV: Em thấy rác nhiều lắm.
NBC: Nhưng không có cái áp lực xuất bản công trình nghiên cứu đấy thì cũng nguy hiếm. Cho nên anh vẫn nói làm khoa học nó có hai mặt; một mặt mình vẫn phải giữ cái con mắt trong sáng của người muốn tìm hiểu, một mặt mình vẫn phải giữ con người làm việc chuyên nghiệp. Đến hẹn mình vẫn phải tham gia hội thảo, làm thuyết trình, đấy là việc mình phải làm, mình không nên từ chối bởi vì khi mà mình từ chối, mình tự rút ra khỏi xã hội thì không sớm hay muộn mình cũng bị thoái hóa. Thu mình vào thì nhiều khi cũng cần thiết để mình có thể nghĩ lâu một cái gì đó nhưng mình cũng có thể bị một cái bệnh là bệnh chủ quan, tức là mình chỉ quan tâm đến cái mình nghĩ thôi mà mình lại quên mất nhiều thứ, và mình sẽ khó giao tiếp với người khác. Thì ở IAS có những người rất là giỏi, bài toán nào các ông ấy cũng giải được, mà ai có gì khó thì các ông ấy đến giúp; nhưng các ông ấy không thấy có động lực đủ lớn để làm thêm cái gì nữa, có lẽ họ đã chán chán toán rồi.

PV: Lúc bé, anh có ý thức gì về việc thích toán không? Anh có ý thức là mình muốn trở thành nhà toán học không?
NBC: Lúc bé anh chẳng có ý thức gì cả. Lúc bé thì toán văn anh đều học giỏi cả nhưng bố anh bảo anh vào chuyên toán thì anh vào chuyên toán.

PV: Thế thì anh có nghĩ là cần định hướng sớm cho trẻ con về nghề nghiệp không? Ví dụ như là hướng cho trẻ con trở thành nhà toán học hay bác sỹ hay kiến trúc sư?
NBC: Anh nghĩ là cũng không cần phải định hướng về mặt nghề nghiệp sớm như thế đâu. Với nhạc sỹ chẳng hạn thì anh không biết, có thể họ cần định hướng từ lúc rất bé; còn những nghề mà làm việc trí óc nghiêm túc thì nhận thức về nghề nghiệp nó phải là lúc mình trưởng thành rồi. Chẳng hạn như ông Langlands, ông ấy là một trong những người có ảnh hưởng mạnh nhất tới toán học thế kỷ 20-21, nhưng mà ông ấy thực ra cứ tự học, mà học toán cũng tình cờ; bố ông ấy là tiều phu, ông ấy không đi học trường trung học hay đại học nổi tiếng nào cả, đào tạo cơ bản của ông ấy thực ra bình thường; nhưng khi ông ấy đi học đại học bên Canada thì học cũng được, thế là thày giáo toán của ông ấy bảo ông ấy đi làm PhD (tiến sỹ). Ông ấy bảo PhD là cái gì. Sau rồi ông ấy thấy ừ thì bây giờ được đi học có học bổng, mà lại được lấy vợ sớm nữa thì cũng thích (cười); thế là đi làm PhD. Cho nên anh thì anh không nghĩ chuyện định hướng nghề nghiệp sớm cho trẻ con là quan trọng.

PV: Đối với các cháu nhà anh bây giờ anh có định hướng gì không?
NBC: Anh không định hướng gì cả.

PV: Anh có dạy các cháu học không?
NBC: Anh có dạy. Thực ra mấy năm nay anh cũng bận nhưng anh có dạy, và anh cũng để ý rèn các cháu những thứ mà đối với anh là quan trọng, là có giá trị.

PV: Ví dụ là thứ gì?
NBC: Ví dụ là đọc sách, là cố gắng viết đúng chính tả (cười)... vì cái gì bố không làm được thì con phải làm được .

PV: Đọc sách gì ạ?
NBC: Sách thì cũng đủ loại... đến bây giờ thì con gái lớn của anh cũng lớn rồi nên anh cũng không muốn áp đặt. Tất nhiên anh cũng cố gắng hướng dẫn một chút để nó không đọc sách nhảm nhí nhưng anh cũng không muốn áp đặt.

PV: Anh có kỳ vọng điều gì ở con anh không?
NBC: Anh chỉ kỳ vọng là chúng nó có một cuộc sống bình thường, hạnh phúc... anh không kỳ vọng chúng nó phải làm gì vĩ đại cả.

PV: Nhưng anh có cảm thấy là mình đã biết đến cuộc sống trí thức và cái cuộc sống đấy làm cho nội tâm mình thanh thản, nó sạch, nó là một lựa chọn sống tương đối thích so với một số ngành nghề khác, thì anh có hướng các cháu vào cuộc sống đấy không?
NBC: Anh không nghĩ là cuộc sống trí thức là điều kiện bắt buộc để có cuộc sống trong sáng. Nhưng cái mà em nói đúng là quan trọng, tức là có cuộc sống nội tâm trong sáng là cái quan trọng. Nhưng mà có nhiều cách để đạt được chuyện đó. Đấy là một trong những cái mà lúc nào anh cũng muốn dạy cho trẻ con, tức là cách quan hệ xử sự với người khác, rồi là thái độ đối với của cải vật chất như thế nào, những chuyện đấy thì anh nói tương đối nhiều...

PV: Nhân anh nói đến của cải vật chất...
NBC: Ừ (cười)

PV: Bây giờ thì anh giàu rồi, đúng không ạ?
NBC: Ừ (cười)

PV: Giả sử là anh không giải quyết được Bổ đề và anh cứ sống cuộc sống trung lưu hoặc nghèo khó đến hết đời, thì đối với anh điều đó có khó chấp nhận không? Có cái thời điểm nào mà anh nhìn ra rằng kể cả nếu mình chỉ sống nghèo khó như thế này hoặc mình không có tên tuổi gì đến hết đời thì điều đó cũng không sao?
NBC: Không, thực ra chưa bao giờ anh thấy bức bối lắm về chuyện thiếu thốn vật chất, kể cả lúc anh không nhiều tiền. Thực ra lúc nào anh cũng cố gắng ý thức cái chuyện là mình không ham muốn những cái không cần thiết cho mình; chỉ có lúc nào là mình cần mà mình không làm được thì cũng hơi bức bối; thực ra ở Việt Nam thì cái đấy cũng khó; nhưng ở nước ngoài thì việc hạn chế những cái không cần thiết, những cái phù phiếm cũng tương đối dễ dàng; cho nên anh chưa bao giờ anh cảm thấy bức bối về chuyện đó. Đồng lương của giảng viên đại học thì cũng đủ để sống trung lưu bình thường, nói chung là anh thích cuộc sống trung lưu.

PV: Nhưng mà em đang nói tới lúc anh trẻ hơn... em hỏi điều này bởi vì là anh đã thành công sớm, ta tạm gọi là như vậy, anh được 2 giải Olympic toán quốc tế, cho nên có thể có một số kỳ vọng hoặc sức ép thành công nào đó về mặt danh vọng hoặc của cải vật chất.
NBC: Không, thực ra thì có một cái là... dạo mà anh học cấp 2, cấp 3 chẳng hạn, anh cứ nghĩ đến những anh được giải toán quốc tế như là thiên tài vĩ nhân; xong đến lúc mình thi được giải thì mình thấy nó cũng… bình thường (cười). Thì vì anh coi chuyện đấy là bình thường cho nên anh cũng không thấy có áp lực gì. Lúc anh làm luận án thì cũng có khó khăn, nhưng mà làm việc gì cũng có lúc khó khăn cả; nó khó khăn là vì bản thân cái việc đó nó khó khăn chứ không phải là vì có sức ép xã hội; anh thì không tưởng tượng là xã hội kỳ vọng gì ở bản thân mình.

PV: Có thể là toán học ít sức ép xã hội hơn vì xã hội không có cái kỳ vọng là ví dụ trong vòng 2 năm, anh Ngô Bảo Châu phải giải xong bài toán này. Nhưng với nhà văn, đôi khi có cảm giác sức ép là bởi vì nhà văn phải có sản phẩm là cuốn sách và phải công bố ở diện rộng hơn công trình toán học và ai cũng có thể phê bình...
NBC: Ừ, như lúc nãy anh nói là phải có thái độ rõ ràng với hai mặt của công việc mà hai cái đấy mình không thể xem nhẹ cái nào; một cái là chuyện học thuật của mình, còn một cái là cái đời sống xã hội của mình, cái cách mình cư xử với sức ép xã hội. Thì đối với sức ép xã hội, mình phải quản lý nó theo nghĩa là mình quản lý nó chứ mình không để nó ép mình; quản lý tức là những việc mình thấy nên làm, như việc dự hội thảo hay đi nghe thuyết trình thì cứ đúng đến ngày đến giờ là mình đi; nếu cái hội thảo đó có nghĩa cho công việc của mình, thì tuần nào cũng đến đúng giờ đấy là anh đi nghe, chứ mình không đi nghe theo kiểu là cứ thấy ông này nổi tiếng, ông kia nổi tiếng thì mình đi nghe. Anh nghĩ là trong đời sống giao tiếp với xã hội, nếu mình muốn giữ nó là một cái có ích cho mình thì mình phải rất kỷ luật, cứ tuần tự mà làm, mình không từ chối nó nhưng mình cũng không cố gắng ôm thêm vào người. Có thể mình đang theo đuổi một cái gì đó cần lâu dài, thì mình cứ làm nhưng trong lúc đó mình cũng nên làm một cái gì đó tuần tự để giữ vững tinh thần của mình...

PV: Thế lúc tinh thần của anh không vững, tức là lúc anh nản chí ấy, thì anh làm gì?
NBC: Nói chung là lúc mà tâm lý đã đi xuống thì chỉ cứ đợi cho nó đi qua thôi.

PV: Trên blog Thích Học Toán của anh, anh có nói đến một cụm từ là “15 cô đơn với Bổ đề”, và anh hứa là anh kể, nhưng anh vẫn chưa kể.
NBC: Từ lúc anh bắt đầu làm PhD, tức là năm 1993 ấy, thì đến giờ là 15 năm. Lúc mà anh làm PhD thì vấn đề của Langlands chẳng ai quan tâm, người ta coi là vấn đề chết; tức là mấy chục năm không ai làm được thì người ta không làm nữa. Cái luận án tiến sỹ của anh cũng gần giống với Bổ đề Langlands; nó là của ông Jacquet; nó dĩ nhiên là không nổi tiếng và không kéo theo quá nhiều những kết quả rực rỡ gì khác như Bổ đề Langlands nên người ta càng không để ý. Lúc anh làm PhD là khoảng thời gian thử thách tâm lý rất lớn; lúc đấy mình còn chưa tin lắm vào khả năng của mình. Mà lại còn có nhiều chuyện làm mình nản. Chẳng hạn như là ngay cái tên ấy, ông Langlands ông ấy đặt cái tên “Bổ đề cơ bản” nghe nó đã buồn cười rồi. Cái Bổ đề bình thường thì nó không phải là một kết quả quan trọng, nó chỉ là một kết quả trung gian thôi, người ta dùng cái đó để làm cái khác. Nhưng mà với Bổ đề Langlands thì vì sau này có quá nhiều thứ liên kết với nó, phụ thuộc vào sự vững chắc của Bổ đề cơ bản cho nên nó mới trở thành vấn đề trung tâm của ngành. Thì lúc mà anh đi phỏng vấn xin việc lần đầu ở Pháp ấy, người ta hỏi anh làm cái gì, anh bảo là anh làm Bổ đề cơ bản, thì đến một nửa cái hội đồng phỏng vấn là họ phá ra cười, vì nghe nó buồn cười, nghe nó ngớ ngẩn, vì người ta không biết ngành của anh. Tất nhiên là lần đấy anh không đỗ, sau này anh mới đỗ. Lúc đó thực ra không mấy ai tin là có thể giải quyết được Bổ đề Langlands; kể cả lúc anh sang Chicago năm 2001 rồi sang Princeton, thì lúc đó thực ra anh cũng chỉ có âm mưu giải quyết nó thôi, chứ anh cũng không chắc chắn lắm; có điều là lúc nào anh cũng giữ trong đầu một cái hy vọng là lúc nào đấy sẽ làm. Không biết em có thấy không, ở đây thì ít đấy chứ ở Princeton có rất nhiều những cái cờ xanh đỏ cắm trên bãi cỏ để đánh dấu chỗ này là đường ống nước, chỗ này là đường cáp điện, thì ở Princeton mọi người hay đùa đấy là cờ tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh vì Bổ đề Langlands (cười).

PV: Thế nếu anh không làm được Bổ đề cơ bản thì nó có phải là một thất bại cá nhân nặng nề không? Nó có phải là một điều kinh khủng không?
NBC: Anh cũng không biết... Về bản chất anh không phải là người thích cuộc sống của mình trở thành dramatic (kịch tính). Nếu đã để nó trở thành một thứ như là một thất bại nặng của đời mình thì lại thành ra dramatic quá. Giả sử anh đã công bố anh làm được rồi mà hóa ra là giải sai thì lúc đó rất tệ; nhưng mà lúc anh chưa làm được thì thực ra cũng bình thường. Nó chỉ là một cái mình thích và mình làm thôi… Thực ra ấy mà, nhiều khi anh cũng muốn tìm ra một vấn đề mà mình không bao giờ làm được.

PV: Vì sao ạ?
NBC: Vì, nói thật là, khi mình đang làm toán, khi mình đang theo đuổi một vấn đề thì nó vô cùng thú vị, nó như là một nguồn sinh lực sống với mình... Toán học ấy mà, lúc mình theo đuổi một vấn đề, thì thực ra là mình tự làm đau mình, đúng không? Như là tự hành hạ bản thân vậy. Nhưng mà làm xong rồi thì lại phải tìm chỗ khác để hành hạ tiếp (cười). Anh nghĩ là trong cuộc sống, bản chất con người là không thích sự ngẫu nhiên, bất định; mình chỉ muốn sự ngẫu nhiên ở một mức nhất định cho cuộc sống vui vẻ thôi, còn về bản chất thì mình muốn có một cuộc sống logic, mà để có cái logic đấy thì phải chọn một cái mục đích gì đó. Dĩ nhiên mục đích nó phải đủ cao quý thì nó mới vực được cuộc sống của mình lên, chứ mục đích mà thấp kém hèn hạ thì nó cũng chẳng thể là cứu cánh được cho mình. Nhưng bản thân cái mục đích đấy cũng chỉ là cách để mình tổ chức cuộc sống thôi, cho nó có hướng; nếu không thì cuộc sống của mình nó vô hướng. Anh cảm thấy đối với anh, việc tìm một bài toán để giải nó xuất phát từ nhu cầu tự nhiên là con người mình cần một cái mục đích để tổ chức cuộc sống của mình... nhưng nó chỉ là đích, mình không cần cố sống cố chết đạt được; cái chính là khi mà mình đi tới cái đích ấy thì mình phải biết cách thưởng thức con đường trong lúc mình đi. Cái đích chỉ là cứu cánh cho mình sắp xếp cuộc sống, để cho mình đi qua cuộc đời này một cách hạnh phúc thôi.

PV: Thế cứu cánh tiếp theo của anh là gì?
NBC: Chưa tìm được cứu cánh tiếp theo... Chưa tìm được cứu cánh cụ thể. Vẫn đang đi tìm; phải đi tìm chứ.

PV: Anh đã bắt đầu ngấm cái chuyện anh rơi vào trường bất tử chưa?
NBC: Trường bất tử là thế nào?

PV: Tức là... với thế giới thì có thể là anh chỉ được biết nhiều trong giới toán học; nhưng mà ở Việt Nam thì anh chắc chắn sẽ đi vào lịch sử rồi, có thể là sẽ có trường Ngô Bảo Châu, có đường Ngô Bảo Châu, có giải thưởng Ngô Bảo Châu, vv...
NBC: Thực ra thì đấy là cái đáng ngại nhất đấy, đấy chính là cái đáng ngại nhất...

PV: Nhưng anh có tự hào về điều đó không?
NBC: Không.

PV: Không tự hào?
NBC: Ừ… là vì từ bé anh đã có cảm giác là mình phải sống thế nào để sau khi mình ra đi thì mình không để lại dấu vết gì về bản thân nữa. Anh nghĩ là chuyện không để lại dấu vết gì cũng là chuyện quan trọng. Giống như trong cuộc sống bình thường, khi mình rời khỏi nơi nào đó hoặc làm xong chuyện gì thì mình nên thu dọn sạch sẽ để ra đi.

PV: Nhưng mà Flaubert có nói là cứ đưa cho tôi một người anh hùng, tôi sẽ viết cho anh một bi kịch; có thể hiểu một nghĩa là sau người anh hùng nào cũng có bi kịch. Anh bây giờ là anh hùng rồi đấy, dù anh có muốn hay không. Thế anh có bi kịch nào không? Hoặc là một cái gì đấy mà đến cuối đời, nó có thể coi là một cái mà mình đã không dọn được sạch sẽ để ra đi?
NBC: (Cười)...

PV: Ngần ngừ tức là có rồi (cười)
NBC: (Cười)

PV: Em muốn hỏi cái này từ góc độ nhà văn. Với nhà văn hoặc người làm nghệ thuật, khi mà mình muốn làm cái gì tử tế ấy, thì nhiều khi mình phải cực đoan lắm. Ông Faulkner có nói là “nghĩa vụ duy nhất của một nhà văn là nghĩa vụ với nghệ thuật; tất cả những thứ khác như danh dự, tự trọng, cuộc sống ổn định, hạnh phúc cá nhân, tất cả, đều tung hê hết, miễn là có thể viết. Nếu cần phải ăn cướp từ mẹ đẻ để hoàn thành cuốn sách, thì một nhà văn cũng làm, nếu như anh ta thực sự là một nhà văn”. Anh nghĩ đối với người làm toán hoặc người làm khoa học nói chung thì nghĩa vụ cao nhất là nghĩa vụ với cái gì hoặc với ai?
NBC: Anh nghĩ là toán thì nó không cực đoan như thế, nhưng để làm cái gì tử tế thì mình cần có sự nghiêm túc. Nghĩa vụ của người làm khoa học là làm khoa học, tất cả những cái khác là hệ quả, chứ không phải cái mình tìm đến. Bởi vì giá trị của khoa học nó thể hiện chính xác ở sản phẩm khoa học mình làm ra.

PV: Có thể là toán khác, vì toán không có tính personal (cá nhân) nhiều
NBC: Ừ, nó không personal, nó không quá quan tâm đến quan hệ xã hội như nghệ thuật hoặc văn học. Toán thực ra là quá trình giành giật chiến đấu với bản thân mình, nó không liên quan nhiều đến người khác, đến các quan hệ. Đấy, văn khổ là ai cũng tưởng mình hiểu, còn toán thì cứ yên tâm là người ta không hiểu (cười), đỡ lo lắng.

PV: Thế thì với toán, cái lo lắng nhất là cái gì?
NBC: Toán học thì khó nhất chính là làm được lâu, tức là giữ được sự ham mê lâu. Hầu như đến 90% các nhà toán học khi già ấy mà, anh thì không nghĩ là vì họ già nên họ không làm được nữa đâu, mà là họ chán; khi thấy cuộc sống ổn định, đủ tiền tiêu, thì làm toán chỉ còn là một cái nghề, đến giờ thì đi dạy học, cũng làm nghiên cứu nọ kia nhưng nó không còn đam mê nữa.

PV: Anh có nghĩ là anh sẽ đến lúc đấy không? Lúc chán?
NBC: Bây giờ thì chưa chán. Anh nghĩ là để biết cách duy trì cái ham mê của mình cũng phải có nghệ thuật. Chính cái chuyện mà người ta muốn mình thành expert (chuyên gia) về một cái gì đấy là cái giết chết sự đam mê trong sáng của mình; cho nên mình phải chống trả quyết liệt cái chuyện đó. Cho nên là có khi mình phải đặt mình vào một tình trạng hơi kì cục, tức là tình trạng của người lúc nào cũng đang đi học.

PV: Khi nói đến toán học, hoặc đến người như anh, người ta hay nói đến khái niệm trí thông minh và người ta cứ nói nó là bẩm sinh, có hoặc là không có chứ không luyện tập được. Anh có nghĩ thế không? Nếu có thể luyện tập được thì có thể luyện theo những cách nào?
NBC: Anh nghĩ là cũng phải có bẩm sinh, nhưng mà anh nghĩ cái bẩm sinh đó không phải hiếm như người ta nghĩ, rất nhiều người có cái bẩm sinh đó, nhưng mà cái quá trình rèn luyện trong làm việc mới đưa đến thành công.

PV: Bây giờ em muốn hỏi anh một số câu hỏi ngắn, mà anh không được nghĩ, anh phải trả lời ngay… Hàng ngày anh dậy lúc mấy giờ?
NBC: 7 giờ sáng.

PV: Khi lên mạng anh làm gì?
NBC: Kiểm tra thư, đọc báo.

PV: Món ăn mà anh thích... nhất?Hoặc một số món ăn.
NBC: Phở.

PV: Thời gian trong ngày mà anh làm việc hiệu quả nhất?
NBC: Buổi sáng.

PV: Mô tả một ngày bình thường của anh?
NBC: Sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị cho các cháu đi học; đến khoảng 8 giờ rưỡi thì anh bắt đầu làm việc; đầu tiên là có email anh phải trả lời thì trả lời cho xong. Buổi sáng là lúc đầu óc sáng sủa nhất thì anh ngồi làm những thứ mà phải suy nghĩ nhiều nhất; ăn trưa xong đến chiều thì nếu có hẹn gặp người nào thì anh hẹn gặp nói chuyện buổi chiều. Đến cuối giờ làm việc thì anh trả lời nốt email anh phải trả lời; sau rồi chiều tối anh về nhà; cho trẻ con học, xong nếu còn đủ minh mẫn thì anh ngồi nghĩ tiếp hoặc anh đọc sách, rồi đi ngủ.

PV: Anh có thường mơ trong lúc ngủ không?
NBC: Cũng hay mơ lung tung (cười).

PV: Anh có đức tin tôn giáo nào không? Hoặc là cảm thấy anh gần với một tôn giáo nào đó?
NBC: Anh không tin cụ thể nhưng anh cũng thấy tôn giáo cũng thú vị. Anh đọc sách cả về đạo Phật và Thiên Chúa Giáo; anh cũng chia sẻ một số suy nghĩ của họ nhưng bản thân anh không phải là con người tôn giáo theo nghĩa anh tin vào một cái gì đó; nhưng triết lý sống của họ có nhiều cái phải suy nghĩ.

PV: Anh quan niệm thế nào là bất hạnh?
NBC: Bất hạnh nhất là không biết mình muốn cái gì.

PV: Anh dễ tha thứ nhất cho tính xấu nào của con người?
NBC: Con người bình thường thì ai có nhiều tính xấu nhưng mà đối với anh thì chuyện đấy nó bình thường, anh không chỉ trích họ.

PV: Phẩm chất hoặc tính cách mà anh đánh giá cao nhất ở một con người?
NBC: Không bao biện cho bản thân. Bao biện tức là có lúc mình xử sự sai, lẽ ra phải làm thế này thì mình làm khác; mình làm sai và sau đó mình luôn tìm cách viết lại lịch sử của bản thân. Trên blog Thích Học Toán, anh có viết về phim Rashomon, em đã xem phim đó chưa?

PV: Em chưa.
NBC: Phim đó là một phim tuyệt hay.

PV: Nhưng em nhớ anh có viết là đừng bao giờ viết lại lịch sử của bản thân để làm cho mình thấy tử tế hơn, để có thể sống với bản thân mình...
NBC: Đúng rồi.

PV: Nhà văn, nhà thơ mà anh yêu thích?
NBC: Nhà thơ thì hồi xưa anh thích Quang Dũng. Nhà văn thì anh thích Thomas Mann với J.M. Coetzee.

PV: Tài năng hoặc năng khiếu bẩm sinh mà anh muốn có nhất?
NBC: Có lẽ nếu có một điều ước thì anh muốn có năng khiếu âm nhạc.

PV: Anh có chơi giỏi một môn thể thao nào không? Hoặc có quan tâm đến thể thao?
NBC: Càng ngày càng ít quan tâm. Ngày trước thì anh cũng thích bóng đá.

PV: Mong muốn lớn nhất của anh bây giờ là gì?
NBC: Tìm lại nhịp sống bình thường để làm toán trở lại. Thời gian vừa rồi anh cũng nhiều việc, chuyển nhà rồi đi lại.

PV: Câu hỏi này có lẽ hơi buồn cười. Triết lý sống hoặc khẩu hiện sống của anh là gì?
NBC: Không để lại dấu vết.

PV: Nhiều người bảo anh có nụ cười hiền. Anh có nghĩ “hiền” là từ chính xác để mô tả anh không?
NBC: Anh nghĩ là đúng... Em không nghĩ thế à?

PV: Không, em nghĩ là đúng. Ngô Bảo Châu là một người hiền.

4-2010