Sunday, October 05, 2014

Sách mới: Thác loạn ở Las Vegas

Thác loạn ở Las Vegas (Fear and loathing in Las Vegas) là một trong ba cuốn sách mà tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng cho ra mắt đợt này. Tôi sẽ giới thiệu 2 cuốn kia sau. Tác giả cuốn sách, Hunter Thompson, được coi là "người viết hài hước nhất của Mỹ trong thế kỷ 20" (Tom Wolfe); còn Thác loạn ở Las Vegas là international best-seller, "cuốn sách tuyệt vời nhất về thập kỷ dope của nước Mỹ", và "cuốn sách kinh điển về pop culture Mỹ".
================

Lời giới thiệu cho
“Thác Loạn ở Las Vegas”

       Giống một cá thể người, mỗi dân tộc cũng trải qua những giai đoạn tâm trạng khác nhau. Từng thế hệ của dân tộc do đó trở thành người mang vác, trình diễn, và bị định dạng bởi một tâm trạng dân tộc nổi trội mà họ hấp thụ vào thời thanh xuân. Những năm tháng người lớn sau này có thể làm sắc nét hay nhạt bớt nhưng thường khó có thể thay thế vai trò chủ đạo của tâm trạng thanh xuân nguyên sơ ấy. Trong nhiều trường hợp, những năm tháng người lớn trở thành sự tưởng niệm, níu kéo, hoặc phản ứng lại cảm giác chủ đạo mà tuổi thanh xuân đã kinh nghiệm.

            Khó có thể hiểu rõ nước Mỹ hiện tại – với công nghệ, sáng tạo, học thuật đỉnh cao đi liền thác loạn, cùng quẫn, điên rồ cũng đỉnh cao – nếu không hiểu những cơn sóng tâm trạng mà những thế hệ người Mỹ đã trải qua trong thập kỷ 60 và 70. Bùng cháy trong các phong trào nhân quyền và phản chiến liên tục, thập kỷ 60 là thập kỷ mà “vũ trụ tràn ngập một thứ cảm giác tuyệt vời rằng bất cứ thứ gì chúng tôi đang làm đều đúng, và chúng tôi […] đang thắng Cái Cũ và Cái Xấu”. Nói cách khác, nước Mỹ và phần thế giới chịu ảnh hưởng của Mỹ đã cưỡi trên đỉnh một con sóng cao và đẹp. Nhưng thập kỷ 60 rồi cũng kết thúc; con sóng đó đã chạy hết đường của nó, phải đổ bờ, tan thành bọt nước với quá nhiều tàn dư. Thập kỷ 70, do đó, là thập kỷ nhiều hoang mang, bải hoải khi một thế hệ mới lớn lên cũng như thế hệ đã đi qua những năm 60 cố gắng ngoái đầu mà cắt nghĩa xem họ đã làm gì, rồi tất cả những đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn sẽ đi về đâu, và làm thế nào có thể níu kéo cái năng lượng tuyệt vời của những ngày tháng say sưa cũ. Ma túy, vốn chỉ là thứ hỗ trợ cho sự thăng hoa và chia sẻ giữa người với người trong thập kỷ 60, bỗng nhiên trở thành câu trả lời và cứu cánh để người ta chạy trốn những hoang mang, bải hoải cá nhân và thế hệ.

Theo nghĩa đó, người ta phải đọc “Thác loạn ở Las Vegas” của Hunter Thompson bởi cuốn sách này là “biên niên ký tuyệt vời nhất” về thập kỷ 70 của nước Mỹ và một thiên hài hước có một không hai trong lịch sử những cuốn sách viết về pop culture Mỹ. Ra đời năm 1972, cuốn tiểu thuyết nhiều yếu tố tự truyện này kể lại hành trình của nhà báo Raoul Duke và luật sư Gonzo từ California tới Las Vegas để tường thuật một cuộc đua xe “hoàng tráng nhất thế giới” như cách đuổi theo giấc mơ Mỹ mà thập kỷ 60 đã xác quyết. Tuy thế, với “hai túi cỏ, bảy mươi lăm viên mescaline, năm vỉ a-xít dạng viên giấy cực mạnh, một nửa lọ cocaine, và cả một thiên hà mĩ miều các loại thuốc lắc, thuốc rũ, thuốc cười, thuốc hét ...”, chuyến đi của hai người đàn ông chưa già nhưng không còn trẻ nhanh chóng biến thành một triền miên mê mê tỉnh tỉnh. Khó có thể kể lại họ đã làm gì, thấy gì ở Las Vegas - và thực sự không quan trọng việc họ đã làm gì, thấy gì - bởi vì trong sự chuếnh choáng của ma túy mà đồng hành với nó luôn là sự sợ hãi cái phải thấy, phải làm khi tỉnh táo, Duke và Gonzo cho ta thấy cái thực tại đầy ảo giác và ảo thanh của ma túy với cái thực tại của tỉnh táo đều nực cười, phi lý, và xót xa ngang nhau. Chuếnh choáng, điên loạn, vì thế, có vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng. Tỉnh táo, trái lại, không phải luôn luôn là thứ đáng mong chờ.

Đọc “Thác loạn ở Las Vegas” là bước vào một cơn ngật ngưỡng, siêu vẹo tuyệt mỹ của hai kẻ say lãng mạn muốn xác quyết "tất cả những gì đúng, thật, và tử tế trong tính cách của dân tộc Mỹ". Bất kể bạn nghĩ gì về ma túy, ít nhất bạn cũng sẽ phải lòng sự ngây thơ và thanh xuân này. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng tiểu thuyết "Thác loạn ở Las Vegas" của Hunter Thompson qua bản dịch của Phủ Quỳ.

Phan Việt

           
Ghi chú: Bìa sách làm theo sách nguyên bản mà NXB đối tác gửi từ Mỹ.

Sunday, August 24, 2014

Một mùa hè hạnh phúc

Tôi đã trở lại Mỹ, kết thúc hơn 3 tháng hè ở Việt Nam. Trước mùa hè, tôi đã lên kế hoạch các công việc cần hoàn thành trong mùa hè; đến cuối hè, một số việc không hoàn thành nhưng là vì tôi cố tình không làm để giành thời gian cho việc khác (trong nhiều trường hợp, việc khác đó là "không làm gì"). Xưa nay vẫn thế: nếu phải chọn giữa hoàn thành một việc để thăng tiến và một việc mang lại niềm vui cá nhân không tên, tôi luôn chọn vui; giữa tiền và thời gian thì tôi sẽ luôn chọn dùng tiền mà mua lấy thời gian, nhất là thời gian hạnh phúc.


Hè năm nay, như hè trước, tôi lại sống hơn 2 tháng trong chùa. Nhưng năm nay khác năm ngoái là 3 buổi chiều mỗi tuần, tôi dạy tiếng Anh cho chư tăng và bất cứ ai đến chùa muốn học. Tôi cho đi quá ít mà nhận lại được thì quá nhiều. Trong nhiều thứ nhận được là cái nhận biết rõ ràng mà thực ra từ ngày xưa tôi cũng đã lờ mờ thấy: rằng cuộc đời quá hào phóng mà cho tôi sống trong môi trường học thuật nhiều nơi, cho tôi khả năng cảm/hiểu những thứ phức tạp, nhưng đấy chỉ là nhân duyên khởi đầu. Cái khả năng mà cuộc đời cho tôi và muốn tôi sử dụng nhất chính là từ những thứ phức tạp đó mà cảm/hiểu những điều căn bản, bình thường, của những người bình thường và diễn giải chúng một cách thật đơn giản. Tất cả những tò mò của tôi; những trực cảm về những câu hỏi mà một người mới bắt đầu muốn học về cái gì đó có thể có, và làm thế nào có thể giải thích một cách dễ hiểu - là cái thường xuyên nổi lên trong tôi nhất. Tôi muốn người khác cũng hiểu, cũng thấy những cái đẹp mà tôi thấy, và tôi muốn họ cũng có niềm vui của một cuộc sống sáng dần ra, rộng dần ra.

Càng ngày, cái mong muốn được về sống gần hơn, vào sâu hơn đời sống của những người dân thường, hiểu cho rõ hơn về Việt Nam từ trong đời sống bình dân càng trở nên mạnh mẽ. Tôi có thể có một tay kết nối với giới trí thức nhưng còn tay kia và cả hai chân thì phải trụ trong chỗ khác bình dân hơn, trên một cái đế lớn hơn và vững hơn. Tất cả những gì tôi đã học và làm trước đây bỗng nhiên chỉ trở thành bản nháp và bước chuẩn bị cho những năm tháng sắp tới này khi những cuộc đời song song mà tôi đang sống vào lúc này cuối cùng sẽ tụ lại thành một mối.

Cuộc đời 1:


Cuộc đời 2:

Thursday, July 17, 2014

Thursday, July 03, 2014

Trò chuyện về Xuyên Mỹ: 15-7 tại L'Espace


Ngày 15-7 này, tôi sẽ có buổi trò chuyện về cuốn Xuyên Mỹ trong bộ Bất Hạnh Là Một Tài Sản. Đây là buổi nói chuyện chính thức tại Hà Nội về cuốn sách này. Khách mời của tôi tại buổi nói chuyện này là hai người bạn lâu năm: họa sỹ Lê Thiết Cương và ca sỹ Giang Trang. Chương trình sẽ có một chút nhạc, còn lại là trò chuyện cởi mở với bạn đọc về cuốn sách.

Trân trọng mời các bạn tới dự. Vào cửa tự do, không cần giấy mời.

Thời gian: 6h chiều, ngày 15-7-2014.

Địa điểm: Trung tâm văn hóa Pháp L'Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Sau buổi này, chắc tôi sẽ có một buổi nói chuyện tại TP Hồ Chí Minh.

Saturday, May 31, 2014

Tìm hiểu cơ hội du học tại Đh South Carolina: chiều ngày 4-6






TÌM HIỂU CƠ HỘI DU HỌC VỚI ĐẠI HỌC SOUTH CAROLINA, MỸ

Đại học tổng hợp South Carolina, đại học công lớn nhất tiểu bang South Carolina và một trong hơn 60 trường được xếp hạng 1 ở Mỹ (R1), trân trọng mời các bạn học sinh, sinh viên, phụ huynh và những người có quan tâm tới dự buổi trao đổi mở về cơ hội du học tại Đại học South Carolina ở các bậc cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ trong tất cả các ngành, đặc biệt là ngành công tác xã hội.

Thời gian:       2- 3:30 chiều ngày 4-6-2014

Địa điểm:        Phòng Họp B, tầng 3, nhà A
                              Đại học Lao Động – Xã Hội
                              43 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Diễn giả:     GS. Anna Scheyett, Hiệu trưởng trường Công tác xã hội của ĐH South Carolina; GS. Naomi Farber, Hiệu phó phụ trách đào tạo; GS.Sue Levkoff, Giám đốc trung tâm SmartSENIOR; PGS. Kirk Foster; PGS. Nguyễn Ngọc Hường (nhà văn Phan Việt); cùng một số sinh viên ĐH South Carolina

Nội dung:        Tại buổi nói chuyện, các giáo sư và sinh viên sẽ trả lời các câu hỏi về chương trình học, cơ hội du học, học phí, học bổng, và các vấn đề có liên quan tới du học tại ĐH South Carolina.

Liên hệ:            Trung tâm Hợp tác Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Lao Động – Xã Hội
Số điện thoại: (84 - 4) 5563446. Fax: (84 - 4 ) 5563446

Giới thiệu: Trường Đại học tổng hợp South Carolina (University of South Carolina) là trường đại học công lớn nhất và hàng đầu của tiểu bang South Carolina. Trường có lịch sử hơn 200 năm, với khuôn viên chính ở thành phố Columbia (thủ phủ bang South Carolina) và 8 khuôn viên vệ tinh ở các thành phố khác trong tiểu bang.ĐH South Carolina được xếp vào nhóm trường hạng nhất ở Mỹ (gọi là nhóm trường R1). Trong hơn 4000 trường đại học tại Mỹ, chỉ có 63 trường được xếp hạng này, bao gồm 23 đại học công và 40 đại học tư. Tại khuôn viên đại học chính ở Columbia, trường đào tạo khoảng hơn 30 ngàn sinh viên ở 342 chương trình khác nhau, thuộc các bậc cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Nhiều chương trình của trường được xếp thứ hạng cao trên toàn nước Mỹ, ví dụ:
-        Chương trình cử nhân và thạc sỹ về kinh doanh quốc tế đứng thứ 1, 2, 3 tại Mỹ trong 20 năm liên tiếp.
-        Chương trình tiến sỹ về tâm lý trường học và tâm lý xã hội đứng thứ 2 hoặc 3 nước Mỹ.
-        Chương trình sau đại học về y tế cộng đồng đứng thứ 23 trên toàn nước Mỹ.
-        Chương trình tiến sỹ về cơ khí điện đứng thứ 7 trên toàn nước Mỹ
-        Chương trình quản lý khách sạn và du lịch đứng thứ 9 trên toàn nước Mỹ
Khuôn viên chính ở thành phố Columbia nằm ở ngay chính trung tâm thành phố Columbia, cạnh văn phòng thống đốc và tất cả các cơ quan lớn nhất của tiểu bang. Trường có liên hệ rất chặt chẽ với chính quyền tiểu bang và có tác động lớn tới các chính sách của tiểu bang và đời sống trong tiểu bang.

Monday, May 19, 2014

Nói chuyện về cuốn Xuyên Mỹ

 Hòa trong không khí thi đua yêu nước, nhân cuốn Xuyên Mỹ vừa ra mắt, vào thứ Tư tuần này, ngày 21-5, tôi sẽ có buổi nói chuyện về văn hóa Việt - Mỹ với vấn đề phụ nữ - gia đình - sự nghiệp. Khách mời của tôi tại buổi nói chuyện này là hai giáo sư và 12 sinh viên Mỹ đang ở Hà Nội theo học chương trình tìm hiểu Việt Nam do tôi hướng dẫn.

Đây là một buổi nói chuyện có tính chất cởi mở. Trân trọng mời các bạn có quan tâm tới dự buổi nói chuyện. Vào cửa tự do, không cần giấy mời.

Thời gian: 7h tối ngày 21-5-2014

Địa điểm: Bảo tàng Phụ Nữ, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Xem thêm tin tức về buổi nói chuyện và cuốn Xuyên Mỹ tại các link sau:

http://gafin.vn/20140517050817492p64c88/xuyen-my-khoi-mo-the-gioi-giau-kin-cua-phu-nu-viet.htm

Wednesday, May 14, 2014

PBS đưa tin về biển Đông

Hôm qua, đài PBS của Mỹ đưa tin về biển Đông. Khách mời là ông Kenneth Lieberthal, cựu giám đốc khu vực châu Á trong ban cố vấn an ninh của tổng thống Clinton, hiện làm việc tại Viện nghiên cứu danh tiếng Brookings, và ông Gordon Chang thuộc tạp chí Forbes. Về cơ bản, hai ông này cho rằng việc TQ đưa dàn khoan dầu vào trong vùng biển rõ ràng thuộc chủ quyền của VN theo Công ước biển là một âm mưu lâu dài, có tính toán của TQ nhằm củng cố quyền lực trong đối thoại với các nước trong khu vực cũng như để khẳng định với người dân trong nước về sức mạnh thực sự của Trung Quốc. Ông Chang cho rằng đây cũng là phép thử với tổng thống Obama và cách để TQ tuyên bố với các nước châu Á rằng họ không thể dựa vào Mỹ. Ông Lieberthal thì không đồng ý với ý kiến này vì ông cho rằng một hành động như thế này phải được tính toán từ lâu, chứ không phải nhằm đáp lại chuyến đi gần đây của ông Obama tới khu vực châu Á. Ông Lieberthal cho rằng TQ chủ yếu muốn khẳng định sức mạnh ở khu vực, ngoài việc theo đuổi các mục đích kinh tế trên biển. Cả hai đều cho rằng TQ đã xâm phạm vào khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của VN.



Đài PBS cũng đưa tin về các hoạt động phá nhà máy ở Bình Dương của người biểu tình; về thái độ của Nhà Trắng với vấn đề biển Đông và về quan hệ giữa Việt nam với TQ. Đài PBS cũng đưa hình ảnh về các diễn biến trên biển.


Tuy nhiên, tất cả những điều trên - kể cả lời chuyên gia hay lời người phát ngôn TQ và Mỹ - ít nhiều đều chỉ là phỏng đoán và câu chuyện đối-đãi với công chúng, dư luận. TQ muốn gì thì thực sự có lẽ chỉ có một số ít người trong giới lãnh đạo TQ biết. Mỹ muốn gì thì thực sự cũng chỉ có một số ít người trong giới lãnh đạo Mỹ biết. Thậm chí có khi chính TQ và Mỹ cũng không biết chắc. Ta cứ mặc định có một cái gọi là "chính quyền" hay giới lãnh đạo TQ và Mỹ thống nhất nhưng bên trong nó đầy những nhóm, những cá thể khác nhau, liên tục biến đổi, chai rẽ, cấu kết, vv...; mỗi hành vi và lời nói vào một thời điểm bị chi phối bởi cái gì thì khó nói.

Ta không thể sống dựa vào phỏng đoán hành vi, suy nghĩ của người khác hoặc dựa vào một thứ lòng tốt cơ hội và thất thường của người khác. Ta không thể sống trong tư thế bị động, lúc nào cũng chỉ phản ứng lại người khác. Cách duy nhất để sống có chất lượng là sống đàng hoàng, cư xử đàng hoàng, xây dựng mình vững mạnh, có nguyên tắc thống nhất. Kể cả đối tác có lươn lẹo, ta vẫn phải đàng hoàng. Họ nói gì, ta đáp lại bằng sự đàng hoàng, bằng nguyên tắc vững vàng của ta. Họ làm gì, ta cũng đáp lại bằng sự đàng hoàng, bằng các nguyên tắc thống nhất của ta. Hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn cũng như của chính nhân dân các nước gây hấn với ta nhưng bản thân mình vẫn phải mạnh mẽ và đàng hoàng trước. Phải cắm rễ vững chắc thì gió mới không lay được.

Nói dĩ nhiên dễ hơn làm, nhất là vì để trở nên đàng hoàng, có nguyên tắc thì phải tích lũy lâu dài, phải kiên trì, và phải bình tĩnh liên tục trước những lạm dụng, khiêu khích, quấy rối mà cuộc sống hiện đại lúc nào cũng ném vào mặt ta theo các cách khác nhau. Nhưng có lẽ cũng không có con đường sống nào khác cả.

Từ ngày 1 đến ngày 5-5, tôi ở Hồng Kong dự một hội thảo do ĐH Harvard và Fung Global Institute tổ chức. Người dự hội thảo đa phần là chính khách, thương gia, nhà kinh tế, học giả nổi tiếng trong khu vực (trừ tôi được mời do may mắn). Hội thảo có chủ đề là bẫy thu nhập trung bình với Trung Quốc nhưng rút cục quay về vấn đề an ninh khu vực và biển đảo. Tất cả những người tham gia - nhất là từ Phillipines, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ - đều lo lắng về vấn đề này. Có một số kết luận nổi lên từ các thảo luận tại hội thảo:
- Trung Quốc có chiến lược lâu dài với vấn đề biển đảo, an ninh và sẽ theo đuổi chiến lược này
- Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục con đường đàm phán song phương để có thể có lợi thế với từng nước
- Các quốc gia trong khu vực phải tích cực thúc đẩy hợp tác đa phương trong vấn đề an ninh.
-  Hòa bình phải là mục tiêu tối cao của khu vực, không biến khu vực thành một trung tâm xung đột thế giới như các khu vực khác; thúc đẩy dân chủ để phát triển.
- Phải hướng tới phát triển bền vững thay vì phát triển theo kiểu lấy thành tích, ăn xổi. 

Sunday, May 11, 2014

Hanoi notes: Trung Quốc

Vừa về Hà Nội.

Buổi sáng đi tập thể dục, thấy các cụ đập cầu lông:
- Trung Quốc này! Trung Quốc này!

Các cụ ông đi bộ thì vừa đi vừa nói:
- Oánh bỏ mẹ nó đi, sợ đ...éo gì.

Đến các chị tập aerobics cũng tụm lại nói chuyện Trung Quốc sau khi tập.

Tối nói chuyện qua mạng với bạn tôi ở Mỹ. Bạn tôi người gốc Ấn Độ:


-     -   Ở Việt Nam, chúng tôi đang sôi sùng sục chuyện Trung Quốc. Mỹ đang sôi lên chuyện gì?
-     -   Toàn chuyện vớ vẩn. Mother’s Day.
-      -  Ở Mỹ, bạn có nghe chuyện Trung Quốc không?
-      -  Có, tôi đọc trên NY Times. Chuyện dàn khoan dầu ở biển Đông. Có một nhận xét thú vị: có người nói rằng nếu xảy ra chiến tranh, dân Trung Quốc có thể nổi loạn vì họ đều chỉ có một con và không muốn đứa con duy nhất của họ ra trận.
-       - Nếu có người xâm lược Ấn Độ, bạn có ra trận không?
-        - Chắc là không.
-        - Tại sao lại không? Với tôi, đây trước hết là chuyện của chính nghĩa, công bằng. Tôi không thích thấy kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu. Tiếp đó là chuyện của các cháu trai, cháu gái của tôi, của các thế hệ sau này.
-        - Nhưng chiến tranh, bạo lực không phải là câu trả lời cho chính nghĩa, công bằng.
-        - Đôi khi có đấy.
-        - Gandhi và Mandela sẽ không đồng ý với bạn.
-        - Có đấy, đôi khi bạo lực là cách cần thiết để người ta phải thực sự nghe câu trả lời đúng. Gandhi và Mandela hiểu rõ điều này. Họ có cái xa xỉ là người khác đã đổ máu và dùng bạo lực trước để họ có thể dùng phi-bạo-lực.
-        - Có thể
-        - Tôi nghĩ nhiều người về cơ bản không hiểu giá trị của hòa bình by default. Họ cứ cần phải trả giá và phải có cái đối chiếu mới hiểu được giá trị của hòa bình. Phải có những người như Malcolm X xong rồi mới có Martin Luther King.
-        - Ừ
-        - Bạn cứ nhìn kỹ những chuyện bully mà xem. Những kẻ bully người khác không bao giờ tự dừng lại và tự hiểu rằng mình sai. Nếu bạn không đứng lên, chúng không bao giờ tha cho bạn.
-        - Ừ.
-        - Hàng ngàn năm nay, Trung Quốc luôn muốn biến VN thành một phần của họ. Lặp đi lặp lại.
-        - Không chỉ VN đâu. Họ muốn cả một phần của Ấn Độ. Họ muốn cả Phillipines, Malaysia, Thái Lan, một phần của Nhật, Hàn Quốc… Với họ thì đường bờ biển của các bạn chỉ nên kéo dài 1 cm.
-        - 1cm với họ có lẽ cũng quá nhiều.
-        - Nhưng cần phải phân biệt chính quyền TQ với người dân TQ.
-        - Bạn sinh ra ở đâu thì bạn cộng nghiệp với dân tộc, đồng bào, và cả chính quyền của bạn. Bạn phải làm việc cần phải làm thôi. Vả lại câu chuyện hòa bình xưa nay bao giờ cũng có nhiều chương; bạo lực đôi khi là một chương cần thiết của nó và nếu nhìn cho kỹ thì nó cũng không khác về bản chất so với phi-bạo-lực. Chúng là phương tiện, hình tướng của cùng một thứ.

Wednesday, April 23, 2014

Sởi

Theo Vietnamnet:


"Bộ trưởng Y tế báo cáo với Thủ tướng dịch đã bắt đầu chững lại và giảm dần từ giữa tháng 4 kể từ khi ghi nhận trường hợp bệnh đầu tiên cuối 2013. Đến ngày 23/4, cả nước ghi nhận 3.569 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Hà Nội chiếm 37% số ca mắc ghi nhận.

25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi, chủ yếu điều trị tại các BV tuyến trung ương: BV Nhi trung ương, Bạch Mai, BV Nhiệt đới và 1 trường hợp điều trị, tử vong tại nhà ở Yên Bái. Số tử vong chủ yếu ở Hà Nội với 52 trường hợp
Bộ trưởng Y tế khẳng định hầu hết ca mắc sởi là không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc-xin sởi (chiếm 86,4%). Có 9,9% ca đã tiêm chủng 1 mũi vắc-xin."

119 trẻ tử vong là con số quá lớn ở thời đại này. Đây là chuyện mạng người, chứ có phải chuyện thể diện quốc gia với thể diện cá nhân hão đâu mà có thể tính toán những thứ bên lề. Nếu Bộ Y Tế, các bệnh viện không đủ cơ sở vật chất đối phó với dịch, tôi nghĩ người dân không ai trách; nhưng phải nói ra sự thật thì mới có cách giải quyết chính xác. Dù là đi xin, đi mượn, đi vay, huy động bất cứ trang thiết bị, nhân tài, vật lực ở đâu cũng được, làm bất cứ cái gì cũng được, nhưng cứu người thì không thể tính toán, đối đãi.

Không nói thật mà để chết người thì dù một mạng người cũng đã là quá nhiều. Có cái quyền lực cứu người là một cái phước, cái đặc ân lớn mà cuộc đời giao cho.

Ủng hộ các hoạt động của cộng đồng để giúp đỡ các gia đình đang đối phó với sởi ở đây:

Nhớ mùa hè 2 năm trước, tờ mờ sáng, em gái tôi ủ con gái hơn 1 tuổi trong áo choàng đi với mẹ tôi và tôi vào viện Nhi để khám cho cháu. Nghe tiếng trẻ con khóc thật là sót ruột. Nhà tôi có điều kiện thì còn đối phó được khi có bệnh; chứ nhìn những gia đình từ nông thôn lên, vạ vật ở hành lang, cả con lẫn bố mẹ ông bà bơ phờ, hoang mang, sợ hãi... alas, cảm giác thật là khó diễn tả.