Sunday, October 05, 2014

Sách mới: Thác loạn ở Las Vegas

Thác loạn ở Las Vegas (Fear and loathing in Las Vegas) là một trong ba cuốn sách mà tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng cho ra mắt đợt này. Tôi sẽ giới thiệu 2 cuốn kia sau. Tác giả cuốn sách, Hunter Thompson, được coi là "người viết hài hước nhất của Mỹ trong thế kỷ 20" (Tom Wolfe); còn Thác loạn ở Las Vegas là international best-seller, "cuốn sách tuyệt vời nhất về thập kỷ dope của nước Mỹ", và "cuốn sách kinh điển về pop culture Mỹ".
================

Lời giới thiệu cho
“Thác Loạn ở Las Vegas”

       Giống một cá thể người, mỗi dân tộc cũng trải qua những giai đoạn tâm trạng khác nhau. Từng thế hệ của dân tộc do đó trở thành người mang vác, trình diễn, và bị định dạng bởi một tâm trạng dân tộc nổi trội mà họ hấp thụ vào thời thanh xuân. Những năm tháng người lớn sau này có thể làm sắc nét hay nhạt bớt nhưng thường khó có thể thay thế vai trò chủ đạo của tâm trạng thanh xuân nguyên sơ ấy. Trong nhiều trường hợp, những năm tháng người lớn trở thành sự tưởng niệm, níu kéo, hoặc phản ứng lại cảm giác chủ đạo mà tuổi thanh xuân đã kinh nghiệm.

            Khó có thể hiểu rõ nước Mỹ hiện tại – với công nghệ, sáng tạo, học thuật đỉnh cao đi liền thác loạn, cùng quẫn, điên rồ cũng đỉnh cao – nếu không hiểu những cơn sóng tâm trạng mà những thế hệ người Mỹ đã trải qua trong thập kỷ 60 và 70. Bùng cháy trong các phong trào nhân quyền và phản chiến liên tục, thập kỷ 60 là thập kỷ mà “vũ trụ tràn ngập một thứ cảm giác tuyệt vời rằng bất cứ thứ gì chúng tôi đang làm đều đúng, và chúng tôi […] đang thắng Cái Cũ và Cái Xấu”. Nói cách khác, nước Mỹ và phần thế giới chịu ảnh hưởng của Mỹ đã cưỡi trên đỉnh một con sóng cao và đẹp. Nhưng thập kỷ 60 rồi cũng kết thúc; con sóng đó đã chạy hết đường của nó, phải đổ bờ, tan thành bọt nước với quá nhiều tàn dư. Thập kỷ 70, do đó, là thập kỷ nhiều hoang mang, bải hoải khi một thế hệ mới lớn lên cũng như thế hệ đã đi qua những năm 60 cố gắng ngoái đầu mà cắt nghĩa xem họ đã làm gì, rồi tất cả những đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn sẽ đi về đâu, và làm thế nào có thể níu kéo cái năng lượng tuyệt vời của những ngày tháng say sưa cũ. Ma túy, vốn chỉ là thứ hỗ trợ cho sự thăng hoa và chia sẻ giữa người với người trong thập kỷ 60, bỗng nhiên trở thành câu trả lời và cứu cánh để người ta chạy trốn những hoang mang, bải hoải cá nhân và thế hệ.

Theo nghĩa đó, người ta phải đọc “Thác loạn ở Las Vegas” của Hunter Thompson bởi cuốn sách này là “biên niên ký tuyệt vời nhất” về thập kỷ 70 của nước Mỹ và một thiên hài hước có một không hai trong lịch sử những cuốn sách viết về pop culture Mỹ. Ra đời năm 1972, cuốn tiểu thuyết nhiều yếu tố tự truyện này kể lại hành trình của nhà báo Raoul Duke và luật sư Gonzo từ California tới Las Vegas để tường thuật một cuộc đua xe “hoàng tráng nhất thế giới” như cách đuổi theo giấc mơ Mỹ mà thập kỷ 60 đã xác quyết. Tuy thế, với “hai túi cỏ, bảy mươi lăm viên mescaline, năm vỉ a-xít dạng viên giấy cực mạnh, một nửa lọ cocaine, và cả một thiên hà mĩ miều các loại thuốc lắc, thuốc rũ, thuốc cười, thuốc hét ...”, chuyến đi của hai người đàn ông chưa già nhưng không còn trẻ nhanh chóng biến thành một triền miên mê mê tỉnh tỉnh. Khó có thể kể lại họ đã làm gì, thấy gì ở Las Vegas - và thực sự không quan trọng việc họ đã làm gì, thấy gì - bởi vì trong sự chuếnh choáng của ma túy mà đồng hành với nó luôn là sự sợ hãi cái phải thấy, phải làm khi tỉnh táo, Duke và Gonzo cho ta thấy cái thực tại đầy ảo giác và ảo thanh của ma túy với cái thực tại của tỉnh táo đều nực cười, phi lý, và xót xa ngang nhau. Chuếnh choáng, điên loạn, vì thế, có vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng. Tỉnh táo, trái lại, không phải luôn luôn là thứ đáng mong chờ.

Đọc “Thác loạn ở Las Vegas” là bước vào một cơn ngật ngưỡng, siêu vẹo tuyệt mỹ của hai kẻ say lãng mạn muốn xác quyết "tất cả những gì đúng, thật, và tử tế trong tính cách của dân tộc Mỹ". Bất kể bạn nghĩ gì về ma túy, ít nhất bạn cũng sẽ phải lòng sự ngây thơ và thanh xuân này. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng tiểu thuyết "Thác loạn ở Las Vegas" của Hunter Thompson qua bản dịch của Phủ Quỳ.

Phan Việt

           
Ghi chú: Bìa sách làm theo sách nguyên bản mà NXB đối tác gửi từ Mỹ.

No comments: