Monday, March 25, 2013

Học như thế nào - Phần 1 (Cách khai mở trí tuệ)



Cách khai mở trí tuệ: Định lực, nghiệp lực, và chuyển nghiệp

Bạn chắc chắn đã tự trải qua hoặc nghe thấy những chuyện này:
-       -  Có người học mãi mà không vào (bị bố mẹ gọi là đồ óc bã đậu, dốt như bò, nước đổ đầu vịt), có người thì cô giáo vừa nói nửa câu đã hiểu.
-        - Có người rất thông minh, học hiểu nhanh, ai cũng bảo giỏi, nhưng cứ đi thi thì kết quả thấp; mọi người bảo “học tài thi phận”.
-        - Có người lúc bé học rất “dốt” đến lớn tự nhiên thông minh vượt bậc, không phải theo kiểu “khôn ra”, mà thực sự trí thông minh, tư duy phát triển lên. Và có người thì lúc bé học giỏi, lớn lên lại hoàn toàn “thui chột”.
-       -  Bạn có một ý tưởng, muốn biến nó thành hiện thực, và ở trong đầu thì bạn có thể nghĩ nó rõ ràng mà cứ muốn ngồi xuống làm thì đầu óc bắt đầu nhẹo nhệch, vặn vẹo, không sao làm được như ý.
-       -  Có người có khả năng tập trung rất cao, có người không – và cái này khác với trí thông minh. 

Dĩ nhiên là có thể giải thích tất cả những điều trên bằng các khái niệm, lý thuyết phương Tây như trí thông minh, do di truyền, vv... chuyện ấy nói sau. Giờ ta hẵng nói tới một cách giải thích mà tôi được học lúc ở ĐH ở Việt Nam. Với cá nhân tôi, đây là một trong những thứ đã thay đổi cuộc đời tôi.

Khi tôi học đại học, tôi bắt đầu đi tập thiền vì tôi hay bị đau ốm lặt vặt do lúc bé bị chạy sởi mấy năm liền. Tuy đi tập với mục đích thể chất là chính, rút cục tôi học được rất nhiều thứ. Một trong những thứ đó là khái niệm “định” và “huệ” hay còn gọi là “tuệ”. “Định” hiểu đơn giản nhất là khả năng tập trung. Còn “huệ” hay “tuệ” tức là việc thấy/biết/hiểu về bản chất vũ trụ, con người. Nó là một tầng bên trên nữa của trí thông minh lý tính. Người có trí huệ chắc chắn là thông minh; còn người thông minh thì chưa chắc đã có trí huệ. 

Khi nói đến “trí tuệ/trí huệ”, thầy tôi thường dùng từ “khai mở trí tuệ”. Thầy giải thích thêm rằng con người ta, ai cũng có khả năng đạt tới giác ngộ, tức trí tuệ của Phật – tức là biết tuốt (Phật nói ai cũng là Phật, tất cả chúng sinh cùng một bản thể, tự tính). Nhưng khi sinh ra trong thân xác con người, do vọng niệm, mà trí huệ đó bị che mờ như mây che mặt trăng. Để đạt đến ngộ, đến chỗ có trí tuệ như Phật thì không cần làm gì khác ngoài việc gạt dần mây ra cho thấy trăng mà thôi. Trăng thì lúc nào cũng ở đó, chứ không phải không có trăng.

Thầy nói: thân xác vật lý của ta lẫn tâm của ta cứ hay ốm đau và tăm tối là vì nó chứa quá nhiều thứ tạp niệm, gọi nôm na là chứa các thứ rác ý nghĩ, rác năng lượng, rác hành vi. Chứa trong đầu ý nghĩ xấu, tình cảm xấu, làm hành vi xấu… thì không khác gì chứa rác trong người. Phải lọc cho thân mình thanh sạch đi, thì mới có thể khỏe mạnh lên và phát triển trí tuệ. Thày nói một hình ảnh khác: thân ta (gồm cả thân vật lý và đầu óc ta) như cái bình nước, bao lâu nay đủ thứ cặn bẩn rơi trong đó, ta lại còn suốt ngày khoắng nó lên làm cái bình đục ngầu, thế thì có rọi ánh sáng vào cũng làm sao thấy được; phải lắng bụi, gạn hết bụi ra, chỉ còn lại nước trong, thì tự khắc ta hấp thụ mọi thứ đều đúng như nó.

Nghe thế thì tôi rất phấn khởi, nghĩ bụng ok, mình nhất định tập để cho thông minh lên :)

Để khai mở trí tuệ thì dĩ nhiên phải tập, vì bao lâu nay tích lũy cặn rác nhiều, giờ phải gạn đục khơi trong dần dần. Sơ khởi nhất là tập thở, tập quán để dùng ý chí lọc các tà khí, trược khí, năng lượng xấu khỏi cơ thể và học cách tập trung, ở trong hiện tại. Lúc đó tôi là học sinh mới nên chỉ tập các bài đơn giản, gọi là các bài tập “thanh lọc thân tâm”. 

Nhưng mà tôi thấy ngay cả trong lớp tập thiền, có người tập nhanh, có người tập chậm, có người tiến bộ, có người không; tôi ngấm ngầm nghi ngờ rằng có người bẩm sinh đã có trí tuệ hơn người khác và có thể giác ngộ trong đời này, có người thì không. Tôi hỏi thầy; thì thầy nói thêm ba khái niệm khác là định lực, nghiệp lực, và chuyển nghiệp. 

Đại để, thầy nói: khi ta làm bất cứ việc gì thì cũng có hai thứ lực khác nhau chi phối kết quả của việc ta làm. Nghiệp lực là cái lực tích trữ từ trước, là “quả” của những thứ mà ta đã gieo từ trước (gồm cả đời trước, kiếp trước); nếu nó là quả xấu thì nó sẽ ngăn trở ta, nếu nó là quả tốt thì nó giúp ta. Còn “định lực” là cái của hiện tại, là quyết tâm và thiện ý của ta vào lúc này. Kết quả của công việc phụ thuộc vào sự vật lộn của hai lực này. Ví dụ lúc ta cứ vặn vẹo, ngáng ra không chịu làm việc, là cũng do nghiệp lực ngăn trở. Hoặc “học tài thi phận” cũng thế.

Vậy làm thế nào để hạn chế các nghiệp lực xấu? 

Thầy nói: Chuyển tâm thì chuyển nghiệp.

Nghiệp là cái đã tạo; giống như tên đã bắn ra, không có cách nào mà kéo nó lại; giờ chỉ có làm cho nó đỡ đi. Và muốn thế, không có cách nào khác là chuyển cái tâm hiện tại. 

Đến chỗ này thì ta gặp một khái niệm khó nhất trong đạo Phật là “tâm”. Ai hiểu được “tâm” là gì thì đã ngộ, chuyện không cần nói nữa. Nhưng nôm na nhất thì chuyển tâm là chuyển cái thái độ, tinh thần, tình cảm của mình với tất cả mọi thứ trong vũ trụ.

Cách chuyển tâm tốt nhất là chuyển từ cái tâm ta đang có sang tâm Phật, tâm Bồ Tát, tâm Bồ Đề. Tức là hãy yêu thương tất cả - từ các sinh vật chó mèo, cây cỏ hoa lá, trời đất xung quanh, và nhất là tất cả mọi người, bao gồm cả kẻ thù của bạn. Hãy chân thành yêu thương, yêu quý họ, mong muốn điều tốt cho họ một cách sâu sắc. 

Chuyển tâm sang tâm lành, tâm thiện; thì cái định lực của bạn tức cái thiện ý, quyết tâm hiện tại của bạn có thể giúp bạn chiến thắng nghiệp lực. Có thể kết quả không được mĩ mãn như ý nhưng chắc chắn sẽ hơn là nếu bạn không có thiện ý, quyết tâm. 

Nói nghe dễ nhưng yêu thương cũng phải luyện thì mới thuần thục được vì bảo chúc lành cho bố mẹ mình thì dễ, chứ cho kẻ thù của mình thì khó lắm. Cho nên thầy có nhiều bài tập. Có mấy bài tập dễ như thế này. Thứ nhất là bài tập chúc lành. Sáng ngủ dậy, hãy hít thở sâu, nghĩ đến từng người quanh bạn, và chúc những điều tốt lành cho họ (bao gồm cả kẻ thù của bạn). Trong ngày, khi gặp ai ngoài đường, ở trường, ở nơi làm, hãy thầm chúc mọi điều tốt lành cho họ. Cuối ngày, trước khi đi ngủ, hãy hít thở, chúc lành cho tất cả mọi người. Thứ hai là bài tập lòng vị tha. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, khi hít vào thì thầm nghĩ “Lỗi người thì bỏ” và thành tâm bỏ hết tha thứ, xả bỏ hết mọi “lỗi” mà người khác gây cho mình. Thở ra thì niệm thầm trong óc “Lỗi mình xin tha” – và thành tâm xin người khác tha thứ các lỗi cho mình, dù ở bất cứ lúc nào. Xin tha thứ thì đồng thời phải tâm niệm sẽ không bao giờ mắc lại lỗi đó nữa.

Các bài tập “quán” và tập cho đầu óc tập trung hơn thì cần có thầy hướng dẫn, tôi không thể bừa bãi nói ra đây được. Nhưng có một bài dễ, ai cũng làm được là hãy để ý đến hơi thở của mình; cứ thở bình thường và để ý đến hơi thở của mình đi ra đi vào. Bạn cứ làm đi, bạn sẽ thấy nhiều điều kì diệu xảy ra.

Lúc đầu thì phải tập; về sau thì không cần phải ép mình nữa, mọi việc sẽ diễn ta tự nhiên. 

Quay lại câu hỏi “Học như thế nào?”. Để học tốt, hãy khai mở trí tuệ của bạn bằng thanh lọc thân tâm – làm cho tâm mình sáng lên, trong lên, sạch đi để tiếp thu mọi thứ dễ dàng. Khi bạn chuyển tâm:
-        - Bạn sẽ thông minh lên, sáng dạ ra, học hành và mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn.
-       - Lúc nào bạn cũng thấy một cảm giác vui vẻ lặng lẽ trong lòng, cuộc đời tự nhiên phơi phới; kể cả có lúc tụt xuống đáy vực thì mình cũng không bi lụy
-        - Thế giới và con người trở nên dễ chịu hơn nhiều.

Về sau này, khi đã tìm hiểu thêm về Phật pháp thì tôi biết là thầy đã đơn giản hóa rất nhiều khái niệm để chúng tôi có thể học được, tập được, hiểu được, theo được. Bạn tập qua các bài đơn giản này, rồi bạn tự có sức mà đi tiếp vào sự vô biên của thế giới.

Bạn có thể không tin vào đạo Phật, không tin chuyện nghiệp, chuyện nhân –quả, luân hồi – không sao cả. Chỉ cần bạn tin điều này: khi bạn thanh lọc thân mình, đầu óc mình khỏi những ý nghĩ xấu, tình cảm xấu và trang bị cho nó toàn bằng những thiện ý, nó sẽ sáng lên, sạch sẽ, và phẳng lặng; nó sẽ trong suốt, đủ để cho mọi kiến thức khác chảy vào dễ hơn.

Bài sau: Vượt chướng ngại trí tuệ - sở tri chướng và phiền não chướng

Saturday, March 23, 2013

Học như thế nào - Phần tổng quát



Học như thế nào? - Phần tổng quát

Phan Việt

“Học như thế nào?” là một câu hỏi phức tạp. Vì không có nhiều thời gian nên thay vì viết một bài nghị luận tử tế, tôi viết các mẩu ngăn ngắn để trình bày suy nghĩ về câu hỏi này – và chủ yếu xuất phát từ các kinh nghiệm cá nhân. Bản thân cách trả lời này cũng dựa trên việc áp dụng một trong những bài học lớn nhất của tôi trong suốt quá trình học tập và làm việc – đồng thời cũng là một quy tắc mà tôi dạy các sinh viên của tôi: chẻ nhỏ vấn đề. Ngoài ra, có một nguyên tắc lớn hơn: Với bất cứ vấn đề gì, dù phức tạp đến đâu, bạn cũng phải tóm tắt được bằng 3 ý lớn, và phải có thể tổng kết bằng một câu.

Để dễ hình dung điều này, có thể tưởng tượng: Khi con bạn, sếp bạn, học trò của bạn, một phóng viên báo chí, hay bạn của bạn hỏi bạn một câu hỏi phức tạp, nếu như bạn chỉ được phép nói 3 ý, hoặc nói một câu, thì bạn sẽ nói gì? 

Trên tinh thần như thế, tôi trả lời câu hỏi “Học như thế nào?” như thể tôi chỉ được nói ba điều lớn nhất mà tôi rút ra từ kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, vì tôi được tiếp xúc với cả hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây, với các cách tiếp cận khác nhau cho câu hỏi “Học thế nào?” nên nên tôi sẽ trình bày 3 bài học phương Đông và 3 bài học phương Tây. Với cá nhân tôi, cả cách của phương Đông và phương Tây đều hữu ích – mặc dù khác nhau về phạm vi áp dụng.

Các mẩu viết trong series “Học như thế nào?” này sẽ được viết trực tiếp lên blog và vội, nên hy vọng các bạn đọc lấy ý, đừng quá bám vào lời.  Tôi cũng cần phải nói đối tượng chủ yếu mà tôi nhắm tới là các bạn trẻ ở vào giai đoạn cuối cấp ba - đang học đại học hoặc mới tốt nghiệp đại học. Bài này không hướng tới các em học cấp 1, cấp 2 – khi nào có dịp, tôi sẽ viết một bài khác về vấn đề này.

Để bắt đầu, tôi thấy cần phải làm rõ khái niệm “học”. “Học” có ít nhất 2 nghĩa mà cả phương Đông và phương Tây đều phân biệt. Phương Đông nói “tiên học lễ, hậu học văn” trong đó “học lễ” ám chỉ học cả đời, học làm người; còn “học văn” ám chỉ việc học các kiến thức, kỹ năng cụ thể. Phương Tây thì có khái niệm to learnto study. Learn thường có thể hiểu là học nói chung, và việc học này sẽ kéo dài cả đời. Study là học hành/học tập, nghiên cứu, ví dụ như học trong trường – và sẽ chỉ xảy ra hữu hạn trong một khoảng thời gian nào đó (người nào học đến học vị cao nhất là tiến sỹ thì cũng chỉ mất chừng 20 năm trong trường). 

Khi trả lời câu hỏi “Học như thế nào?”, ta cần phân biệt rõ là ta đang nói tới cái học nào – học cả đời, học làm người như thế nào để có một cuộc đời tối ưu; hay là học như thế nào trong nhà trường để có thể tiếp thu tối ưu các kiến thức, kỹ năng, có thể đạt điểm cao, được học bổng, tìm được công việc tốt khi ra trường... 

Về lý thuyết, học trong trường là quá trình chuẩn bị, tập dượt, mô phỏng cho học nói chung, tiệm cận tới việc học nói chung. Học trong trường có mục đích cơ bản là trang bị 3 thứ - kiến thức (knowledge), kỹ năng (skills), và giá trị (values). Học chung thì hướng tới các mục đích khó định hình hơn – hạnh phúc, tăng trưởng, thăng hoa trong đời sống, sự thật, vv… - và thường phải dựa vào những kỹ năng, kiến thức, và giá trị được trang bị trong trường. Trong một xã hội lý tưởng với một nền giáo dục tốt thì học trong nhà trường và học chung nên có độ tương thích cao; là sự bổ trợ và nối dài của nhau. Trong một xã hội ấm ớ, thì học trong trường và học chung hoàn toàn lệch pha; học trong trường (tức hệ thống giáo dục – đào tạo) và những đo lường của nó hầu như không có giá trị gì trong đời sống thực. Bằng cấp của nhà trường – tức chứng chỉ chứng nhận về kỹ năng, kiến thức, và giá trị của một người – sẽ không còn ý nghĩa là con dấu đảm bảo chất lượng nhân lực trong xã hội đó. Cũng trong một xã hội ấm ớ, thì một người cần phải tự học rất nhiều để có thể thành công trong cuộc sống. 

Đến đây tôi cũng muốn nói thêm một điều: học trong trường (tức khái niệm giáo dục, đào tạo) là một thứ có tính xã hội; phục vụ mục đích tồn tại và chuyển giao kiến thức của một xã hội có tổ chức. Nó thay đổi theo thời đại; theo mô hình tổ chức của xã hội và các đòi hỏi cụ thể về kiến thức, kỹ năng của một xã hội  – các xã hội nguyên thủy không cần đến trường học tập trung; và các xã hội trong tương lai (200 nữa) có thể có một mô hình giáo dục hoàn toàn khác hiện tại. Chỉ bắt đầu từ Socrates ta mới có khái niệm trường học tập trung như hiện thấy. Giáo dục – đào tạo tập trung tại trường chỉ là một mô hình, một lựa chọn của xã hội con người để có thể truyền đạt các kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng cho thế hệ tiếp theo. Còn học nói chung trong đời sống thì là cái trường tồn chừng nào con người còn tồn tại và còn cần tìm ra sự thật về thế giới. Nó không nhất thiết xảy ra trong trường, bằng hình thức tập trung. Nói tóm lại: nhà trường là một môi trường chuyên nghiệp và có hiệu quả cho việc học xảy ra nhưng không phải là mô hình duy nhất. Những người như Bill Gates hay Mark Zuckerberg bỏ học vì họ chọn mô hình khác mà họ cho là tối ưu hơn học trong trường, phù hợp với họ hơn, chứ không phải họ không học. Bạn chỉ nên học theo họ nếu bạn, cũng như họ, đã tìm ra một mô hình học thay thế và tối ưu hơn cho cuộc đời bạn. 

Sau khi phân biệt khái niệm một cách sơ bộ như thế, thì tôi xin xác định là bài viết này nói tới các nguyên tắc chung để có thể học thành công trong cả trường học lẫn trong đời sống. Các nguyên tắc phương Tây thì có thể ứng dụng trực tiếp hơn với việc học trong trường; còn các nguyên tắc phương Đông thì ứng dụng được cho cả học trong trường và trong đời; nhưng quy trình “luyện” cho thành thục phương pháp thì phương Tây dễ hơn phương Đông. 

Tóm lại, học như thế nào?

1. Ba bài học từ phương Đông:
1.1. Cách khai mở trí tuệ: Định lực, nghiệp lực, và chuyển nghiệp
1.2. Cách vượt qua chướng ngại trí tuệ: Sở tri chướng và phiền não chướng
1.3. Cách sử dụng trí tuệ: Sử dụng ý thức, tiềm thức, tàng thức, và các thức khác trong việc học.

2. Ba bài học từ phương Tây:
2.1. Nguyên lý của việc học tốt: Vấn đề không phải là tư chất, vấn đề chỉ là hành vi học
2.2. Quy trình của việc học tốt: Từ ý tưởng đến triển khai ý tưởng thành mục tiêu - kế hoạch - hành động - và liên tục hành động.
2.3.  Thái độ để học tốt: Nếu bạn không làm gì, không ai có thể nói gì về bạn; nếu bạn làm, sẽ có người khen, kẻ chê.  Don’t take it personal; hãy học bằng cách nghe, trao đổi, chiêm nghiệm, hợp tác với tất cả mọi người, kể cả những người đối lập với bạn.

Bài sau: Cách khai mở trí tuệ - Định lực, nghiệp lực và chuyển nghiệp.

Thursday, March 21, 2013

Mời tham gia cộng tác với tủ sách CCMR


 Nhân các ý kiến này, tôi thay mặt nhóm làm sách CCMR trân trọng mời tất cả các bạn có quan tâm tới tủ sách CCMR nói riêng, tới việc đọc sách, tri thức, trí tuệ, phát triển, giáo dục ở VN nói chung đóng góp ý kiến cho tủ sách.

Trong lộ trình xây dựng tủ sách này, nhóm làm tủ sách mong muốn là sau một thời gian mà chúng tôi là người khởi động và góp phần định hình thì tủ sách này phải biến thành một tủ sách mở; người giới thiệu sách, dịch sách, viết review là bất cứ ai. Sớm muộn gì, bìa sách cũng sẽ không còn dòng "Với lời giới thiệu của nhà toàn học NBC và nhà văn PV nữa" mà hy vọng bản thân cái tên CCMR trở thành một thương hiệu tự thân.

Làm một tủ sách không hề dễ. Thứ nhất, có quá nhiều NXB, công ty sách đang hoạt động và họ là những người chuyên nghiệp 24/24 theo dõi thị trường sách; trong khi cả tôi và anh Châu đều không phải người chuyên tâm làm sách và gu đọc của chúng tôi có thể hơi cá biệt do đặc thù công việc và đời sống. Thứ hai, có những sách hay, chúng tôi thích, nhưng nơi khác đã mua bản quyền hoặc NXB phía nước ngoài từ chối bán bản quyền hoặc khó xin được giấy phép in ở VN. Vậy cũng đành chịu. Thứ ba, tủ sách này không có tài trợ, nó phải tự vận động về tài chính; nó phải tự sống được; cho nên có nhiều sách rất sâu, rất hay theo ý chúng tôi, nhưng quá kén độc giả, thì chúng tôi cũng chịu. Cân bằng những thứ này không dễ; nhất là ở giai đoạn định hình. 

Nhưng tôi kêu khó không phải để kêu khó; cái tôi hy vọng là các bạn sẽ tham gia làm với chúng tôi để tủ sách ngày càng tốt.


Tôi cũng xin chia sẻ một vài suy nghĩ cá nhân. Toàn bộ nhóm làm sách chia sẻ một quan điểm: tất cả chúng tôi - người giới thiệu, người dịch, làm bìa, biên tập - đều chỉ là công cụ cho cuốn sách. Đối với người dịch, việc "nâng đỡ tinh thần" tốt nhất là làm việc với họ để cho ra sản phẩm tốt - bởi vì tên họ đi với chất lượng bản dịch. Nếu bạn chưa làm ra một sản phẩm gì đó - dù là bài báo, cái bút, quyển sách, món ăn, nhà hàng - đề tên bạn lên đó, mang ra công chúng phán xét và trả tiền mua về, bạn chưa hiểu cái gánh nặng của người làm ra sản phẩm và gắn tên mình lên sản phẩm. Cho tới nay, toàn bộ nhóm làm sách đều làm việc hết sức với các bản dịch. Tôi ví dụ như lần này, bản dịch Alain nói về hạnh phúc, anh Châu soát từng câu. Hay trường hợp cuốn Báo ứng của Philip Roth. Cuốn này dịch giả đã dịch trước và liên hệ với tôi để hỏi. Tôi chuyển bản dịch cho nhóm làm tủ sách, khi chúng tôi thấy ưng thì tiến hành làm luôn; không cần biết gì về lai lịch của bạn ấy. Tất cả các phần thuộc về PR, bìa, các hoạt động khác là phần NXB Trẻ lo.

Tóm lại:

- Nếu bạn thấy sách hay, hy vọng bạn giới thiệu cho chúng tôi.

- Nếu bạn thấy sách dở, hy vọng bạn góp ý cho chúng tôi.

- Nếu bạn có một bản dịch và muốn chúng tôi đưa vào tủ sách, xin gửi cho chúng tôi.

- Nếu bạn muốn tham gia dịch sách, viết review sách, vv... xin liên hệ với chúng tôi.

- Nếu bạn muốn ủng hộ tủ sách về tài chính hoặc hình thức khác,  muốn tài trợ cho tủ sách hay một cuốn sách nhất định, xin cho chúng tôi biết.

- Nếu bạn muốn liên kết với tủ sách trong các hoạt động xã hội, xin liên hệ với chúng tôi.

Thư liên hệ: tre.canhcuamorong@gmail.com


Nhân đây, cá nhân tôi xin công khai cảm ơn tất cả các dịch giả, biên tập viên, họa sỹ làm bìa đã có đóng góp cho tủ sách. Tôi đặc biệt muốn nhắc đến anh Nam An và Tịnh Thủy của NXB Trẻ - cả hai là những người đã làm việc thầm lặng và vất vả cho tủ sách này. Tôi xin cảm ơn các bạn đọc đã và sẽ đọc sách Cánh cửa mở rộng.

Sunday, March 17, 2013

Học như thế nào và đọc gì?

1. Tôi viết entry này để đánh dấu là tôi sẽ viết một vài ý nghĩ nhân đọc bài "Học như thế nào?" của anh Châu. Tuần này bận quá nên chưa viết được nhưng cứ đánh dấu ở đây để mình phải viết.

2. Comment bên Gỗ Mun không được nên tôi chúc mừng Mun có sách mới ở đây. 

3. Sách tháng Ba: Đợt này tủ sách Cánh cửa mở rộng cho ra ba cuốn sách - Alain nói về hạnh phúc của Emile Chartier (dịch giả: Hồ Thanh Vân - Cao Việt Dũng - Nguyễn Ỉ Long); Xác thịt về đâu của Samuel Butler (dịch giả: Thái Hòa), và Báo ứng của Philip Roth (dịch giả: Hà Nguyễn, Sao Mai). Sách sẽ có mặt ở Hội sách của NXB Trẻ 23/3.


Alain nói về hạnh phúc



Báo ứng


Xác thịt về đâu

Wednesday, March 06, 2013

Tin sách


1. Trả lời câu hỏi một số bạn gửi thư cho tôi về cuốn Một mình ở châu Âu:

- Một mình ở châu Âu đang tái bản. Cảm ơn các bạn đã gửi thư cho tôi về các lỗi chính tả trong bản trước. Tôi cảm ơn rất nhiều bạn bè đã giúp đỡ tôi trong việc ra cuốn sách này.

- Ngoài các hiệu sách, bạn có thể mua sách ở các trang web như Tiki.vn.

- Nếu không có gì thay đổi, cuốn thứ 2 của bộ sách này sẽ ra vào mùa hè.

- Ngày 9-7, Nhã Nam sẽ tổ chức một buổi giao lưu về cuốn sách tại trung tâm văn hóa Pháp L'Espace. Tôi và một số khách mời sẽ nói chuyện về cuốn sách và các vấn đề liên quan.

2. Tủ sách Cánh cửa mở rộng chuẩn bị ra đợt sách tháng 3 và sẽ có một số hoạt động giao lưu với nhóm làm sách.