Monday, March 25, 2013

Học như thế nào - Phần 1 (Cách khai mở trí tuệ)



Cách khai mở trí tuệ: Định lực, nghiệp lực, và chuyển nghiệp

Bạn chắc chắn đã tự trải qua hoặc nghe thấy những chuyện này:
-       -  Có người học mãi mà không vào (bị bố mẹ gọi là đồ óc bã đậu, dốt như bò, nước đổ đầu vịt), có người thì cô giáo vừa nói nửa câu đã hiểu.
-        - Có người rất thông minh, học hiểu nhanh, ai cũng bảo giỏi, nhưng cứ đi thi thì kết quả thấp; mọi người bảo “học tài thi phận”.
-        - Có người lúc bé học rất “dốt” đến lớn tự nhiên thông minh vượt bậc, không phải theo kiểu “khôn ra”, mà thực sự trí thông minh, tư duy phát triển lên. Và có người thì lúc bé học giỏi, lớn lên lại hoàn toàn “thui chột”.
-       -  Bạn có một ý tưởng, muốn biến nó thành hiện thực, và ở trong đầu thì bạn có thể nghĩ nó rõ ràng mà cứ muốn ngồi xuống làm thì đầu óc bắt đầu nhẹo nhệch, vặn vẹo, không sao làm được như ý.
-       -  Có người có khả năng tập trung rất cao, có người không – và cái này khác với trí thông minh. 

Dĩ nhiên là có thể giải thích tất cả những điều trên bằng các khái niệm, lý thuyết phương Tây như trí thông minh, do di truyền, vv... chuyện ấy nói sau. Giờ ta hẵng nói tới một cách giải thích mà tôi được học lúc ở ĐH ở Việt Nam. Với cá nhân tôi, đây là một trong những thứ đã thay đổi cuộc đời tôi.

Khi tôi học đại học, tôi bắt đầu đi tập thiền vì tôi hay bị đau ốm lặt vặt do lúc bé bị chạy sởi mấy năm liền. Tuy đi tập với mục đích thể chất là chính, rút cục tôi học được rất nhiều thứ. Một trong những thứ đó là khái niệm “định” và “huệ” hay còn gọi là “tuệ”. “Định” hiểu đơn giản nhất là khả năng tập trung. Còn “huệ” hay “tuệ” tức là việc thấy/biết/hiểu về bản chất vũ trụ, con người. Nó là một tầng bên trên nữa của trí thông minh lý tính. Người có trí huệ chắc chắn là thông minh; còn người thông minh thì chưa chắc đã có trí huệ. 

Khi nói đến “trí tuệ/trí huệ”, thầy tôi thường dùng từ “khai mở trí tuệ”. Thầy giải thích thêm rằng con người ta, ai cũng có khả năng đạt tới giác ngộ, tức trí tuệ của Phật – tức là biết tuốt (Phật nói ai cũng là Phật, tất cả chúng sinh cùng một bản thể, tự tính). Nhưng khi sinh ra trong thân xác con người, do vọng niệm, mà trí huệ đó bị che mờ như mây che mặt trăng. Để đạt đến ngộ, đến chỗ có trí tuệ như Phật thì không cần làm gì khác ngoài việc gạt dần mây ra cho thấy trăng mà thôi. Trăng thì lúc nào cũng ở đó, chứ không phải không có trăng.

Thầy nói: thân xác vật lý của ta lẫn tâm của ta cứ hay ốm đau và tăm tối là vì nó chứa quá nhiều thứ tạp niệm, gọi nôm na là chứa các thứ rác ý nghĩ, rác năng lượng, rác hành vi. Chứa trong đầu ý nghĩ xấu, tình cảm xấu, làm hành vi xấu… thì không khác gì chứa rác trong người. Phải lọc cho thân mình thanh sạch đi, thì mới có thể khỏe mạnh lên và phát triển trí tuệ. Thày nói một hình ảnh khác: thân ta (gồm cả thân vật lý và đầu óc ta) như cái bình nước, bao lâu nay đủ thứ cặn bẩn rơi trong đó, ta lại còn suốt ngày khoắng nó lên làm cái bình đục ngầu, thế thì có rọi ánh sáng vào cũng làm sao thấy được; phải lắng bụi, gạn hết bụi ra, chỉ còn lại nước trong, thì tự khắc ta hấp thụ mọi thứ đều đúng như nó.

Nghe thế thì tôi rất phấn khởi, nghĩ bụng ok, mình nhất định tập để cho thông minh lên :)

Để khai mở trí tuệ thì dĩ nhiên phải tập, vì bao lâu nay tích lũy cặn rác nhiều, giờ phải gạn đục khơi trong dần dần. Sơ khởi nhất là tập thở, tập quán để dùng ý chí lọc các tà khí, trược khí, năng lượng xấu khỏi cơ thể và học cách tập trung, ở trong hiện tại. Lúc đó tôi là học sinh mới nên chỉ tập các bài đơn giản, gọi là các bài tập “thanh lọc thân tâm”. 

Nhưng mà tôi thấy ngay cả trong lớp tập thiền, có người tập nhanh, có người tập chậm, có người tiến bộ, có người không; tôi ngấm ngầm nghi ngờ rằng có người bẩm sinh đã có trí tuệ hơn người khác và có thể giác ngộ trong đời này, có người thì không. Tôi hỏi thầy; thì thầy nói thêm ba khái niệm khác là định lực, nghiệp lực, và chuyển nghiệp. 

Đại để, thầy nói: khi ta làm bất cứ việc gì thì cũng có hai thứ lực khác nhau chi phối kết quả của việc ta làm. Nghiệp lực là cái lực tích trữ từ trước, là “quả” của những thứ mà ta đã gieo từ trước (gồm cả đời trước, kiếp trước); nếu nó là quả xấu thì nó sẽ ngăn trở ta, nếu nó là quả tốt thì nó giúp ta. Còn “định lực” là cái của hiện tại, là quyết tâm và thiện ý của ta vào lúc này. Kết quả của công việc phụ thuộc vào sự vật lộn của hai lực này. Ví dụ lúc ta cứ vặn vẹo, ngáng ra không chịu làm việc, là cũng do nghiệp lực ngăn trở. Hoặc “học tài thi phận” cũng thế.

Vậy làm thế nào để hạn chế các nghiệp lực xấu? 

Thầy nói: Chuyển tâm thì chuyển nghiệp.

Nghiệp là cái đã tạo; giống như tên đã bắn ra, không có cách nào mà kéo nó lại; giờ chỉ có làm cho nó đỡ đi. Và muốn thế, không có cách nào khác là chuyển cái tâm hiện tại. 

Đến chỗ này thì ta gặp một khái niệm khó nhất trong đạo Phật là “tâm”. Ai hiểu được “tâm” là gì thì đã ngộ, chuyện không cần nói nữa. Nhưng nôm na nhất thì chuyển tâm là chuyển cái thái độ, tinh thần, tình cảm của mình với tất cả mọi thứ trong vũ trụ.

Cách chuyển tâm tốt nhất là chuyển từ cái tâm ta đang có sang tâm Phật, tâm Bồ Tát, tâm Bồ Đề. Tức là hãy yêu thương tất cả - từ các sinh vật chó mèo, cây cỏ hoa lá, trời đất xung quanh, và nhất là tất cả mọi người, bao gồm cả kẻ thù của bạn. Hãy chân thành yêu thương, yêu quý họ, mong muốn điều tốt cho họ một cách sâu sắc. 

Chuyển tâm sang tâm lành, tâm thiện; thì cái định lực của bạn tức cái thiện ý, quyết tâm hiện tại của bạn có thể giúp bạn chiến thắng nghiệp lực. Có thể kết quả không được mĩ mãn như ý nhưng chắc chắn sẽ hơn là nếu bạn không có thiện ý, quyết tâm. 

Nói nghe dễ nhưng yêu thương cũng phải luyện thì mới thuần thục được vì bảo chúc lành cho bố mẹ mình thì dễ, chứ cho kẻ thù của mình thì khó lắm. Cho nên thầy có nhiều bài tập. Có mấy bài tập dễ như thế này. Thứ nhất là bài tập chúc lành. Sáng ngủ dậy, hãy hít thở sâu, nghĩ đến từng người quanh bạn, và chúc những điều tốt lành cho họ (bao gồm cả kẻ thù của bạn). Trong ngày, khi gặp ai ngoài đường, ở trường, ở nơi làm, hãy thầm chúc mọi điều tốt lành cho họ. Cuối ngày, trước khi đi ngủ, hãy hít thở, chúc lành cho tất cả mọi người. Thứ hai là bài tập lòng vị tha. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, khi hít vào thì thầm nghĩ “Lỗi người thì bỏ” và thành tâm bỏ hết tha thứ, xả bỏ hết mọi “lỗi” mà người khác gây cho mình. Thở ra thì niệm thầm trong óc “Lỗi mình xin tha” – và thành tâm xin người khác tha thứ các lỗi cho mình, dù ở bất cứ lúc nào. Xin tha thứ thì đồng thời phải tâm niệm sẽ không bao giờ mắc lại lỗi đó nữa.

Các bài tập “quán” và tập cho đầu óc tập trung hơn thì cần có thầy hướng dẫn, tôi không thể bừa bãi nói ra đây được. Nhưng có một bài dễ, ai cũng làm được là hãy để ý đến hơi thở của mình; cứ thở bình thường và để ý đến hơi thở của mình đi ra đi vào. Bạn cứ làm đi, bạn sẽ thấy nhiều điều kì diệu xảy ra.

Lúc đầu thì phải tập; về sau thì không cần phải ép mình nữa, mọi việc sẽ diễn ta tự nhiên. 

Quay lại câu hỏi “Học như thế nào?”. Để học tốt, hãy khai mở trí tuệ của bạn bằng thanh lọc thân tâm – làm cho tâm mình sáng lên, trong lên, sạch đi để tiếp thu mọi thứ dễ dàng. Khi bạn chuyển tâm:
-        - Bạn sẽ thông minh lên, sáng dạ ra, học hành và mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn.
-       - Lúc nào bạn cũng thấy một cảm giác vui vẻ lặng lẽ trong lòng, cuộc đời tự nhiên phơi phới; kể cả có lúc tụt xuống đáy vực thì mình cũng không bi lụy
-        - Thế giới và con người trở nên dễ chịu hơn nhiều.

Về sau này, khi đã tìm hiểu thêm về Phật pháp thì tôi biết là thầy đã đơn giản hóa rất nhiều khái niệm để chúng tôi có thể học được, tập được, hiểu được, theo được. Bạn tập qua các bài đơn giản này, rồi bạn tự có sức mà đi tiếp vào sự vô biên của thế giới.

Bạn có thể không tin vào đạo Phật, không tin chuyện nghiệp, chuyện nhân –quả, luân hồi – không sao cả. Chỉ cần bạn tin điều này: khi bạn thanh lọc thân mình, đầu óc mình khỏi những ý nghĩ xấu, tình cảm xấu và trang bị cho nó toàn bằng những thiện ý, nó sẽ sáng lên, sạch sẽ, và phẳng lặng; nó sẽ trong suốt, đủ để cho mọi kiến thức khác chảy vào dễ hơn.

Bài sau: Vượt chướng ngại trí tuệ - sở tri chướng và phiền não chướng

No comments: