Monday, April 15, 2013
Học thế nào - sở tri chướng và phiền não chướng
Hôm nay tôi dạy buổi cuối cùng của kỳ này. Buổi hôm nay học về tuổi già và chúng tôi nói về việc đối mặt với cái chết. Chúng tôi nói về các lý thuyết của phương Tây, ví dụ lý thuyết của Elizabeth Kubler-Ross; rồi nói chuyện tại sao đa số người già sợ chết. Xong tôi hỏi sinh viên là các bạn có nghĩ là người ta có thể dùng ý chí để quyết định việc chết của mình như quyết định giơ tay lên hoặc bỏ tay xuống hay không? Tức là một ngày nào đó, bạn tự nhủ một cách chắn chắn "Tôi đã xong việc ở đây rồi; cuộc sống này với tôi thế là có thể chấm dứt", bạn biết chắc rằng không còn gì ở đây níu kéo bạn nữa và bạn ngồi xuống rồi nói "Nào, giờ ta chết" và thế là bạn dừng thở, giống như bạn quyết định giơ tay lên.
Sinh viên của tôi bảo cũng có thể; có nhiều người già bị bệnh, họ không muốn sống nữa, không muốn điều trị thì họ bỏ ăn dần rồi chết theo ý nguyện của họ.
Tôi bảo không, không phải bỏ ăn rồi chết; cũng không phải già có bệnh rồi quyết định chết. Mà là bạn có thể hoàn toàn khỏe mạnh, bạn có thể đang rất thành công, bạn hoàn toàn vui vẻ, bình thản khi nói "ta đã xong cuộc sống này, ta không còn gì ở đây để học nữa, ngày mai không mang lại giá trị gia tăng nào so với hôm nay" và bạn chết. Giống như đi đã ăn no thì ta chủ động dừng lại mặc dù thức ăn còn đầy trên bàn. Và ở đây có hai câu hỏi: thứ nhất, các bạn có thể nghĩ đến cái chết như cái gì đó mà bạn có thể chủ động quyết định trong cuộc đời bạn thay vì để nó "xảy ra" với bạn như đa số mọi người đều nghĩ thế; như đa số mọi người nghĩ đến việc sống lâu như một đặc ân/may mắn, và chết như một thứ mà họ phải chờ và phó mặc số phận? Thứ hai, nếu bạn muốn chủ động với cái chết của mình, thì bạn có thể dùng ý chí làm cho mình chết mà không cần đến việc nhịn ăn hay các phương pháp can thiệp khác (như thuốc ngủ, dao, súng, hoa hồng, nến, tàu điện, vv...)
Sinh viên của tôi bảo: không, không có chuyện đấy.
Tôi bảo có nhiều nhà sư có thể làm thế. Rồi tôi kể là bản thân tôi từng có lúc nhận biết rõ ràng nếu tôi nói với tôi "ta đã xong cuộc sống này" và biết chắc chắn điều đó, thì tôi sẽ ngừng thở. Tôi chưa thử nên không biết có đúng không, nhưng tôi có cảm giác rõ ràng như thế. Ngược lại, tôi cũng có cảm giác, chừng nào tôi còn bảo tôi sẽ không chết thì nhất định tôi sẽ không chết.
Cái chuyện tôi vừa nói ở trên không xa chuyện sở tri chướng và phiền não chướng. Nỗi sợ chết cũng như tất cả các cảm giác khác, chúng chỉ là thế mà thôi - chúng chỉ là các cảm giác; chúng đến liên tục, rồi chúng biến đổi, và rồi chúng ra đi, rồi chúng lại đến. Phút này mình vui, phút sau mình buồn. Phút này nghĩ cái này, phút sau nghĩ cái khác... cứ thế, cứ thế... Nhưng chúng chỉ là thế là thôi. Ngày trước, tôi cứ để những cảm xúc khác nhau lôi mình đi, hết lên cao lại xuống thấp, hết lên đỉnh núi lại xuống vực sâu - khiến mình mệt nhọc, chẳng làm được việc. Cho đến một ngày, tôi bảo "Đứng lại, mặc xác mày, tao không theo mày nữa". Thế là chúng đứng lại. Nói chính xác là tôi đứng lại. Những cái tình cảm và ý nghĩ thì vẫn đến mỗi phút, mỗi giây, mỗi khắc - vì đấy là việc của chúng, là bản chất của chúng, không thể thay đổi - nhưng mà tôi không theo chúng nữa.
Không theo chúng nữa - nhất là theo các cảm giác phiền muộn, đau buồn, theo các ý nghĩ cứ trở đi trở lại - thì tự nhiên đầu óc nhẹ bẫng, tiếp thu mọi thứ rất dễ dàng.
Phiền não chướng chính là việc để cho các cảm xúc và suy nghĩ phiền não lôi kéo, hành hạ mình như thể chúng với mình là một. Nhưng không phải vậy - chúng chỉ là chúng; kệ chúng thì rồi chúng sẽ thôi.
Sở tri chướng chính là việc để cho những suy nghĩ đứng chắn lối của mình. Suy nghĩ kiểu này chính là định kiến. Lấy ví dụ đơn giản, nếu các bạn gái tin rằng mình không thể giỏi toán, thì ngồi vào học toán là thấy đầu óc mụ mị. Nếu các bạn nam tin rằng mình không thể giỏi văn và ngoại ngữ, thậm chí còn tin con trai phải dốt văn, thì cái "sở tri" đó sẽ cản đường các bạn. Nói rộng ra, tất cả các tín điều về con người, thế giới, nhất là về bản thân mình sẽ là những cái hàng rào chắn bạn tiếp thu các kiến thức mới. Rộng nữa ra, chừng nào bạn chưa đạt tới hiểu biết rốt ráo về thế giới (trí tuệ Như Lai) thì mọi kiến thức bạn có, kể cả kiến thức uyên bác và tinh vi nhất, đều có thể chỉ là kiến thức nằm trong một hệ thống quy ước nhất định, nó là một mô phỏng và biến hiện mà thôi. Như thế thì mình luôn phải giữ một đầu óc thật rỗng và cởi mở để xem xét các hệ thống khác nữa, cho đến khi mình đi đến cái biết cuối cùng.
Bỏ chúng xuống, để chúng nó đấy, đừng theo chúng, bám vào chúng mỗi khi chúng trỗi lên. Gột sạch chúng, để cho đầu mình thật rỗng, thật sạch thì những kiến thức mới mới có chỗ để vào.
Bất cứ khi nào bạn đang học một điều mới mà một tình cảm hay ý nghĩ trỗi dậy cản bạn, bạn chỉ cần nhìn nó rồi đặt nó sang bên, bạn bảo "chắc gì" và bạn tiếp tục nghe cái điều mới... rồi suy xét. Đừng suy xét trước khi nghe xong.
Đặc biệt với các phiền muộn, bạn cần phải nhìn chúng, bỏ chúng xuống, đặt chúng sang bên. Chúng không phải là bạn. Chúng chỉ là thế mà thôi.
Bạn sẽ hỏi "chúng không phải là bạn" thì ai là bạn? Và cái người "bỏ" chúng xuống là ai? Tạm thời tôi sẽ nói thế này theo kinh nghiệm cá nhân: nếu bạn hít thở sâu, nhắm mắt và nhìn vào bên trong, thì cái phần tĩnh lặng nhất, sâu nhất ở trong cái làm thành sự nhận biết của bạn chính là bạn. Cái phần nằm yên lặng ở đáy tim bạn ấy. Hãy chỉ tin và theo cái đó thôi. Còn những cảm xúc và ý nghĩ chạy nhảy trên bề mặt, mặc kệ chúng. Chúng chỉ thế mà thôi.
Tôi nghe nói sau này, toàn bộ cảm giác về "tôi" về ngã sẽ biến mất. Nhưng trước khi đi đến đó, đầu tiên, hãy cứ bám vào cái tôi nằm yên lặng ở đáy tim bạn và để cho nó dẫn đường. Trong kinh nghiệm của tôi, nó độ lượng và sáng suốt hơn rất nhiều tất cả những thứ tình cảm, kiến thức chạy nhảy trên bề mặt mà ta hay nhầm tưởng là ta. Nó mới thực sự là "người học".
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment