http://tuoitre.vn/Giao-duc/474615/Giao-su-Ngo-Bao-Chau-Ban-tre-van-day-niem-tin-tuong-lai.html
Cái đoạn mà họ chỉ trích nhiều nhất là đoạn này:
"Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội."
Khi đọc bài viết của người khác, và nhất là của những người làm khoa học và có ý thức rõ về các phát ngôn của mình - thì cái tâm lý tối thiểu cần có là hiểu rằng mỗi từ họ nói đều được chọn kỹ càng, với tất cả nội hàm và ngoại diên của nó, vì họ tôn trọng tính chính xác của diễn đạt.Trong cái đoạn anh Châu nói ở trên, hình như những người phản đối anh Châu không để ý đến hai chữ mà tôi đã bôi đỏ. Anh Châu nói "phản biện xã hội" không nên là "chỉ tiêu" - nghĩa là nó không nên là cái bắt buộc về mặt nghề nghiệp và chuyên môn do xã hội quy định (required) chứ anh không dùng một từ nào khác như "phẩm chất" (là cái thuộc về đạo đức cá nhân, lựa chọn cá nhân). Anh Châu cũng nói trí thức "trước hết" nên được đánh giá ở kết quả lao động - anh không nói trí thức chỉ cần được đánh giá duy nhất ở kết quả lao động.
Trong toàn bộ bài phỏng vấn, không có một chỗ nào anh Châu nói trí thức không nên phản biện xã hội, thậm chí là ngược lại. Anh Châu chỉ nói: họ có quyền lựa chọn có phản biện xã hội không và theo hình thức nào, và nên ý thức rõ về lựa chọn này, đấy cũng là một trong những hành vi cơ bản của người trí thức. Anh Châu cũng nói: cần tách việc đánh giá giá trị lao động của họ ra khỏi cái lựa chọn có phản biện hay không và hình thức phản biện của họ - chuyện tách bạch này trong xã hội nói chung và giữa các đồng nghiệp trí thức với nhau cũng là một nền tảng văn hóa cần có để xây dựng một nền khoa học lành mạnh và một đội ngũ trí thức mạnh. Anh Châu cũng (có ý) nói: nên làm tốt và làm đúng việc mà mình có sở trường trước khi làm cái mà mình nghĩ là người khác kỳ vọng mình làm - đấy cũng là sự dũng cảm và trách nhiệm của người trí thức. Cá nhân tôi không thấy có mâu thuẫn trong các phát biểu của anh Châu. Đọc kỹ, và đọc trên tinh thần hiểu rằng người phát biểu ở vào một cái thế không hề dễ dàng, thì thấy rằng anh Châu đã nói được rất nhiều trong một bài phỏng vấn ngắn.
Đọc các bài phản đối ý kiến anh Châu trên các blog khác mà thấy vừa xót vừa sợ. Sợ ở cái chỗ trước một bầu không khí tranh luận như hiện thấy, những người trí thức không có "tạng" tranh luận càng im lặng, càng bị đẩy ra lề khi cách mà họ chọn để "phản biện xã hội" không được thừa nhận là "đúng cách". Đấy là một sự chia rẽ đáng tiếc và lãng phí. Khi chúng ta không hiểu rằng mỗi chúng ta đều đang bằng những cách khác nhau để cùng làm một việc và độ lượng với các nỗ lực của nhau hơn, thì rút cục chúng ta sẽ chỉ làm cho nhau kiệt sức mà thôi.
No comments:
Post a Comment