Sunday, March 30, 2014

Linh tinh chiều Chủ Nhật

Chiều Chủ Nhật, ngồi trong quán Starbucks cố viết xong cái IRB application cho một nghiên cứu vào mùa hè này. Dĩ nhiên là tôi ăn mặc chẳng ra gì, đầu tóc lộn xộn, buộc một túm sau đầu, đi một đôi giày bẹt với tất Puma ngắn đến cổ chân có lỗ thủng; mặc blazer trắng bên ngoài nhưng bên trong là một cái áo thun mà tôi vì không thích cái cổ chật của nó nên đã lấy kéo cắt rộng cổ ra bằng những đường nham nhở. Về cơ bản, tôi ngồi ở Starbucks với tinh thần đang ngả ngốn trên sô pha ở nhà, không ai nhìn thấy.

Một lúc nào đó, tôi ngẩng lên khỏi màn hình máy tính và bắt gặp một đôi mắt đang nhìn mình chăm chú từ giữa phòng. Anh ta lập tức đánh mắt đi. Nhưng đã quá muộn. Một cái gì đó đã xảy ra. Tôi có nghĩa vụ phải tìm hiểu. Ngoài 30, Mỹ, đẹp trai, tóc vàng, cao và gầy, quần bò, sơ mi, sport jacket nhạt, cà vạt. Đang đọc sách.

Một cái gì đó đã xảy ra. Thậm chí có thể là một cái rất quan trọng. Nhưng từ đó đến hết buổi chiều, không ai khẳng định được sự quan trọng đó bởi vì chẳng có gì xảy ra thêm, ngoài một vài lần lặp lại của những cái nhìn. Application thực ra không cần cả buổi chiều để viết, cà phê cũng không cần mấy tiếng để uống hết. Thế mà tôi vẫn cần cả buổi chiều; chủ yếu để hiểu và chắc chắn rằng chẳng có gì có thể xảy ra. Tôi đã mất tất cả các kỹ năng làm quen một người lạ ở chốn công cộng.

Chỉ có kỹ năng tưởng tượng thì hình như vẫn còn nguyên. Trong tưởng tượng, tuy tôi chẳng cao 1m70, tóc đen dài bay bay trong gió, váy áo thướt tha, nhưng cũng sẽ ăn mặc tử tế hơn lúc này. Cũng trong tưởng tượng ấy, khi bắt gặp ánh mắt từ giữa phòng, tôi sẽ nở nụ cười say đắm lòng người, hỏi "What u reading?"

Nhưng chắc chắn chẳng điều gì có thể xảy ra. Tôi chắc chắn như thế bởi vì ngay cả với phiên bản cải tiến về bản thân như trên; ngay sau khi tưởng tượng mình hỏi "What u reading" thì trong đầu tôi không biết ở đâu bỗng nẩy ra câu "Hello, is it me you're looking for?"

Ôi giời! Bây giờ là mấy giờ rồi mà còn nghe Hello của Lionel Richie?

Alas, tôi đích thực là một đứa trẻ của thập kỷ 70. Chỉ có những đứa trẻ sinh ra thập kỷ 70 - và ở Việt Nam - mới còn bất an và rụt rè như thế khi thích một ai.

Thế nên là tôi cười một mình và tiếp tục viết application dù trong đầu không sao có thể tắt được "Hello". Đến tận lúc ra về, tôi mới nghĩ ra: tại sao anh ta cũng chờ đến tận lúc tôi đứng lên đi về thì cũng mới ra về? Sách chẳng cần chừng đó tiếng để đọc. Cà phê uống hết đã lâu. Rút cuộc trong đầu anh ta là bài gì?

Ở một phiên bản khác, có thể tôi đã đuổi theo anh ta trong bãi đậu xe mà hỏi "So what's the song in your head?", rồi anh ta sẽ nở một nụ cười say đắm lòng người mà nói "Hello", và rồi anh ta bảo "Hey, it might sound weird but I am just wondering if you want to grab dinner together?", và tôi sẽ bảo "Sure, why not?", vân vân và vân vân. Nhưng ở cuộc đời thực này thì tôi lên xe, nổ máy, lùi, ra khỏi bãi, vừa đi vừa nghĩ xem ở nhà còn gì cho bữa tối không hay phải đi chợ.


Tuesday, March 25, 2014

Lời giới thiệu cuốn Thần thoại Sisyphus

Viết rất vội cách đây không lâu trong tình trạng bị một số khẩu súng kề bên thái dương :)




Lời giới thiệu cho cuốn Thần thoại Sisyphus


Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus bị các vị thần trừng phạt phải suốt đời đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi; khi lên tới đỉnh, anh phải đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, và Sisyphus phải trở xuống đẩy hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy. Với Albert Camus, nhà văn đoạt giải Nobel năm 1957, cuộc đời của Sisyphus đại diện cho bi kịch cuộc sống của đa số chúng ta: là con người có ý thức, về cơ bản đều muốn sống một cuộc đời tử tế (cao cả nếu có thể) nhưng cuối cùng thường bị “trừng phạt” bằng một cuộc đời với những lặp lại vô nghĩa. Càng là anh hùng, càng muốn vươn tới sự cao cả, tử tế, bi kịch này dường như càng rõ và càng lớn. Và như thế, Albert Camus hỏi: Sống để làm gì?
 
Câu hỏi quan trọng và khó, thậm chí quá khó. Đứng về mô hình, thì cả hành trình sống lẫn đích của hành trình sống – cái chết – khiến toàn bộ mô hình dường như trở nên phi lý, vô nghĩa. Cho nên, với đa số chúng ta, câu hỏi “Sống để làm gì?” trở thành một câu hỏi tu từ chỉ để cười trừ. Có nghĩa hay không có nghĩa, đa số chúng ta hiểu rằng mình phải sống. Cái hiểu này trở thành một bi kịch vì cùng với cái hiểu đó, ta hiểu thêm rằng mình không đủ can đảm (hoặc không đủ hèn nhát) để tự chấm dứt sự sống của mình, do đó ta chới với trong sự phi lý của tồn tại. Với một số nhỏ, câu hỏi này đưa tới câu trả lời quyết liệt bằng hành động: tự tử - một hành vi mà Camus cho là vấn đề triết học duy nhất đáng quan tâm. 

Với những người không chọn hai cách trên mà muốn xem xét câu hỏi một cách nghiêm túc - họ thường đi tới hai xu hướng: hoặc tìm thấy câu trả lời ở một đấng siêu nhiên (ví dụ như Chúa) hoặc đi tới sự duy lý cực đoan mà rốt ráo cũng chỉ là một thứ đức tin khác – tin rằng con người làm chủ cuộc sống của mình, và do đó câu hỏi “Sống để làm gì?” trở thành một đối tượng của trò chơi tư duy lý tính, chứ không phải một cuộc truy tìm ý nghĩa. Hỏi về ý nghĩa của cuộc sống – với một số nhà triết học – là một câu hỏi dở.

Trong Thần thoại Sisyphus, Camus cũng không có câu trả lời rốt ráo, nhưng những suy tư sâu sắc của ông trong việc tìm câu trả lời khiến cuốn sách này rất đáng đọc với bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi, nhưng nhất là các bạn đọc trẻ. Ra đời năm 1942, Thần thoại Sisyphus cũng như các tác phẩm văn học của Camus (tiểu thuyết Người Lạ, Dịch Hạch, vv) nằm trong trào lưu triết học hiện sinh với những đại diện như Soren Kierkegaard, Jean Paul Satre, Heidegger…. Đây có thể coi là một cơn động tâm chung của châu Âu trong giai đoạn sau Chiến tranh thế giới I và trước Chiến tranh thế giới II, khi tôn giáo (Chúa) ngày càng không thể thỏa mãn những câu hỏi của con người hiện đại về mục đích, ý nghĩa cuộc sống của mình; khi châu Âu phải chứng kiến sự tiêu vong đột ngột và khả năng tiếp tục tiêu vong của hàng triệu người trong những chuyển động lịch sử mà không ai có thể cam đoan là những chuyển động có sắp đặt và có ý nghĩa. Triết học phi lý của Camus, cùng với trào lưu triết học hiện sinh, có thể được hiểu như một nỗ lực cắt nghĩa câu hỏi “Sống để làm gì?” nhằm tránh biến mình thành nạn nhân vô ý thức trong cơn lốc xoáy của lịch sử. 

Tuy nhiên, khác với các tác phẩm triết học, Thần thoại Sisyphus là một cuốn tiểu luận triết của một nhà văn thông thái và thông minh; do đó nó chứa những biện luận triết lý trong cái vỏ của những khám phá trực tâm, nhạy cảm, được viết dễ hiểu và đẹp. Trong cuốn sách chỉ hơn 100 trang, Camus trình bày các luận điểm của ông về một thứ triết học mà ông gọi là triết học phi lý (Tư duy phi lý, Con người phi lý, Sáng tạo phi lý); đồng thời xem xét sự áp dụng của triết học đó vào những ca cụ thể, ví dụ Don Juan. Nếu như ta kết luận rằng cả hành trình lẫn đích của hành trình sống – là cái chết – đều phi lý, thì có gì khác nhau nếu một người cư xử như Don Juan hay như Magnum? Don Juan điên rồ hay khôn ngoan tuyệt vời? Don Juan phù phiếm hay thông thái? Don Juan coi thường cuộc sống hay nhìn xuyên qua được tính phi lý (vô thường?) của cuộc sống?

Với Camus, có lẽ không nên tìm câu trả lời cho câu hỏi“Sống để làm gì?” ở mô hình tổng quan bởi vì điều đó đồng nghĩa với mặc định có sự hình thành có ý thức và có nghĩa của mô hình tổng quan – một mặc định lập tức biến câu hỏi về mục đích trở thành câu hỏi vòng tròn kiểu con gà và quả trứng. Camus xử lý câu hỏi bằng cách nhận rõ rằng mô hình chỉ là sự tồn tại – có thể hoàn toàn rời rạc - của các lát cắt ngang về thời gian mà ta cảm tưởng là liên tục. Nói cách khác, cuộc sống là phép cộng khổng lồ của các thời điểm sống. Khi xem xét như thế, trong mỗi thời điểm, ta có thể khả dĩ trả lời câu hỏi “Sống để làm gì?”. Với Sisyphus, hãy xem xét thời điểm anh buông tay, đứng nhìn khối đá lăn xuống, hoàn toàn ý thức được việc mình phải đi xuống chân núi đẩy khối đá trở lại. Đấy là đỉnh cao của sự phi lý. Nhưng chính vì Sisyphus ý thức được điều đó, Sisyphus làm chủ, nên Sisyphus trở nên có nghĩa với anh, cuộc đời anh có nghĩa với anh, thuộc về anh – chứ không phải và không cần phải có nghĩa với một tổng thể vũ trụ hay một ai khác cao hơn. Công nhận sự thật – dù là sự thật về sự phi lý – chính là hành vi xóa bỏ sự phi lý.

“Con người phi lý, khi suy tư về sự đau khổ của mình, làm im tiếng tất cả thần tượng. Bản thân sự vật lộn đã đủ để lấp đầy trái tim anh ta. Ta buộc phải hình dung rằng Sisyphus hạnh phúc” – Camus viết.


Trân trọng giới thiệu với bạn đọc của tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng tác phẩm Thần thoại Sisyphus của nhà văn Albert Camus, qua bản dịch của dịch giả Trương Thị Hoàng Yến và Phong Sa.

Sunday, March 23, 2014

Tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng - đợt sách tháng 3-2014

Trân trọng giới thiệu 3 cuốn sách mới của tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng.

1. Thần thoại Sisyphus của nhà văn, nhà triết học Albert Camus (tác giả các tiểu thuyết Người lạ, Dịch hạch, Nobel văn học 1957). Bản dịch chung của dịch giả Trương Thị Hoàng Yến và Phong Sa.

2. Tiền không mua được gì của giáo sư Miacheal Sandel, Đh Harvard (Tác giả cuốn Phải trái đúng sai). Dịch giả: Diệu Hằng

3. Chín Mươi Ba, tiểu thuyết của Victor Hugo. Đây là cuốn in lại để giới thiệu Victor Hugo với một thế hệ độc giả trẻ mới của VN. Tủ sách sử dụng bản dịch cũ.









Sunday, March 16, 2014

Tổng kết năm qua



Hôm qua, đến hẹn lại lên, tất cả các giáo sư trẻ trong tenure-track như tôi phải nộp tổng kết các thành tích trong năm vừa qua, tính từ tháng 3 năm ngoái đến tháng 3 năm nay. Thượng vàng hạ cám, bất cứ mình từng làm việc gì trong ba mục - nghiên cứu, giảng dạy, và phục vụ (research, teaching, service) - thì đều phải liệt kê ra và có bằng chứng chứng minh. Sau ba năm, sẽ có một tổng kết một lần, sau 6 năm là Đại Tổng Kết (tenure review). Lúc này phải nộp một bộ hồ sơ dày độ nửa mét cho hội đồng khoa; Hội đồng khoa xét duyệt rồi trình lên Hội đồng trường; Hội đồng trường xét rồi trình lên Provost... vân vân... sau đó mới có phán quyết là có được tenure hay không. Có tenure xong thì lên đai thành associate professor; lại hì hục tích lũy thành tích thêm vài năm nữa, lại nộp nửa mét hồ sơ nữa, rồi lại xét duyệt, và lên đai Professor. Lúc đấy nói chung đầu bạc răng long, chuẩn bị lên nóc tủ là vừa.

Hôm qua tôi tổng kết thành tích một năm vừa rồi, đại để thế này:

- Xuất bản 4 bài tạp chí trên các tạp chí khoa học quốc tế.
- Cuốn Một mình ở châu Âu in lại x lần trong năm vừa qua
- Cuốn Nước Mỹ, nước Mỹ tái bản x lần trong năm vừa qua
- Các cuốn Phù phiếm truyện và Tiếng Người in lại với bìa mới.
- Cuốn Xuyên Mỹ sắp ra. Đây là cuốn tôi vật vã nhất. Sau cuốn này, đến viết cuốn 3 của bộ Bất hạnh là một tài sản sẽ rất vui.
- Báo cáo hội thảo: ít nhất là 5 tham luận được mời mà tôi có đi thuyết trình; còn các thể loại được mời mà từ chối không đi thì không tính.

- Các thể loại viết khác như chương sách....
- Dạy học: 4 lớp thạc sỹ, hơn 100 sinh viên. Bảng đánh giá của sinh viên về chất lượng dạy học của tôi tốt (tốt được hiểu là vượt khá xa điểm trung bình đánh giá chất lượng toàn bộ giáo viên của khoa)
- Quản lý 6 sinh viên thực tập.
- Môn học mới đã xây dựng: xây dựng một môn học mới là Công tác xã hội quốc tế. Hè này sẽ đưa một đoàn giáo sư và sinh viên sang Việt Nam để học 2 tuần. Sau 2 tuần, có vài sinh viên sẽ ở lại VN cả hè để làm việc với tôi.
-  Môn học mới đang xây dựng: đang cùng một giáo sư khác trong trường xây dựng một môn là Phương pháp nghiên cứu khoa học định tính cho cấp tiến sỹ, cùng giảng.
- Chủ nhiệm một môn học cơ bản của chương trình đại cương.
- Xây dựng 3 văn bản hợp tác cho trường tôi với 3 đại học lớn ở Hà Nội; đến tháng 5 này sẽ có đoàn của trường sang Hà Nội ký, để làm tiền đề cho các hoạt động hợp tác trong khoa học và đào tạo.
- Các thể loại thỉnh giảng, làm khách mời cho các lớp học không tính. 
- Nộp 5 hồ sơ xin các dự án tài trợ, đã thắng 3, đang chờ kết quả 2 hồ sơ. Lúc viết các hồ sơ này, tôi có rất nhiều người giúp đỡ tôi một cách nhiệt tình đến mức không thể tưởng tượng được mặc dù họ toàn là những người bận kinh khủng. Tôi học được rất nhiều từ họ. Đấy có lẽ là điều quý giá nhất.
- Tổ chức thành công một chương trình đào tạo tại trường tôi cho một đoàn 23 người của VN, gồm các thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, cục phó, vụ phó, các giám đốc sở lao động - thương binh - xã hội của Việt Nam. Chương trình 2 tuần, có hơn 30 giáo sư của trường tham gia giảng dạy, 5 sở của tiểu bang tham gia, và 7 cơ sở, gồm cả các doanh trại quân đội, viện quân y, vv...
- Tháng 6 này, tôi sẽ đồng chủ trì một hội thảo quốc tế về công tác xã hội ở Hà Nội.
- Tham gia vào các hội đồng xây dựng chương trình đào tạo của khoa.
- Các hoạt động tư vấn không tính.
- Các thể loại hoạt động lẻ tẻ khác không tính, ví dụ như tham gia các hội đồng bảo vệ luận án cho sinh viên.
- Các thể loại lên báo, lên tivi không tính.

Đấy là thành tích đếm được. Các việc khác không liệt kê trong hồ sơ nhưng lại là những việc đã mang lại nhiều niềm vui nhất và sẽ còn mang lại nhiều niềm vui trong những năm tới:
- Ở Việt Nam 3 tháng hè vừa rồi, học được không biết bao nhiêu thứ, nhất là thời gian ở chùa.
- Đi Ấn Độ và Nhật: hai chuyến đi đáng nhớ và sẽ còn để lại di sản cho nhiều năm.
- Các việc của tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng.
- Các buổi nói chuyện với độc giả của tôi nói chung và của cuốn Một mình ở châu Âu nói riêng.
- Giúp cho một sinh viên Việt Nam được nhận vào học tiến sỹ ở khoa tôi. Nếu em sang học thì tôi sẽ có thêm người cộng tác để cùng làm nghiên cứu.
- Bắt đầu một số nghiên cứu hứa hẹn sẽ có rất nhiều thú vị trong những năm tới.
- Bắt đầu xây dựng được một nhóm những người có cùng quan tâm tới các công việc nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam. Mong muốn lâu dài của tôi là sẽ có một team thật thân thiết gồm cả các đồng nghiệp và các học sinh cũ của tôi, cả Mỹ, quốc tế, và Việt Nam, những người nhiệt tình, có khả năng làm việc (và sự kiên nhẫn trong công việc), cùng phong cách làm việc để làm các việc cụ thể, không chỉ về học thuật mà xây dựng các chương trình dịch vụ cụ thể phục vụ người dân. Đây thực ra mới là cái tôi được đào tạo và đang làm hàng ngày. Cuộc sống đi song song hai thứ - khoa học và văn chương - đôi khi cảm thấy không trọn vẹn với cái nào nhưng cũng nhiều thú vị. Đã hiểu rằng cái số mình như thế, nên tạm thời cũng thôi không tranh đấu, lựa chọn nữa.
- Kết nối thêm rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp mới ở các lĩnh vực trước đây chưa từng biết... hứa hẹn sẽ có nhiều thứ vui để hợp tác trong những năm tới.

Các việc khác nữa thì không liệt kê được.

Cái được lớn nhất trong tất cả những gì liệt kê ở trên về năm qua là việc nhận ra ngày càng rõ nét tất cả những hạn chế và thiên hướng mà mình sinh ra đã như vậy và cuộc sống - nếu có một tính hướng đích nào đó trong những vận động của nó -  thì hẳn là muốn tôi cống hiến theo cách như thế, như thế..., và sẽ chặn tất cả những hướng như thế, như thế... Thì cũng thuận theo lẽ tự nhiên như thế, như thế... mà làm việc.