Saturday, March 23, 2013

Học như thế nào - Phần tổng quát



Học như thế nào? - Phần tổng quát

Phan Việt

“Học như thế nào?” là một câu hỏi phức tạp. Vì không có nhiều thời gian nên thay vì viết một bài nghị luận tử tế, tôi viết các mẩu ngăn ngắn để trình bày suy nghĩ về câu hỏi này – và chủ yếu xuất phát từ các kinh nghiệm cá nhân. Bản thân cách trả lời này cũng dựa trên việc áp dụng một trong những bài học lớn nhất của tôi trong suốt quá trình học tập và làm việc – đồng thời cũng là một quy tắc mà tôi dạy các sinh viên của tôi: chẻ nhỏ vấn đề. Ngoài ra, có một nguyên tắc lớn hơn: Với bất cứ vấn đề gì, dù phức tạp đến đâu, bạn cũng phải tóm tắt được bằng 3 ý lớn, và phải có thể tổng kết bằng một câu.

Để dễ hình dung điều này, có thể tưởng tượng: Khi con bạn, sếp bạn, học trò của bạn, một phóng viên báo chí, hay bạn của bạn hỏi bạn một câu hỏi phức tạp, nếu như bạn chỉ được phép nói 3 ý, hoặc nói một câu, thì bạn sẽ nói gì? 

Trên tinh thần như thế, tôi trả lời câu hỏi “Học như thế nào?” như thể tôi chỉ được nói ba điều lớn nhất mà tôi rút ra từ kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, vì tôi được tiếp xúc với cả hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây, với các cách tiếp cận khác nhau cho câu hỏi “Học thế nào?” nên nên tôi sẽ trình bày 3 bài học phương Đông và 3 bài học phương Tây. Với cá nhân tôi, cả cách của phương Đông và phương Tây đều hữu ích – mặc dù khác nhau về phạm vi áp dụng.

Các mẩu viết trong series “Học như thế nào?” này sẽ được viết trực tiếp lên blog và vội, nên hy vọng các bạn đọc lấy ý, đừng quá bám vào lời.  Tôi cũng cần phải nói đối tượng chủ yếu mà tôi nhắm tới là các bạn trẻ ở vào giai đoạn cuối cấp ba - đang học đại học hoặc mới tốt nghiệp đại học. Bài này không hướng tới các em học cấp 1, cấp 2 – khi nào có dịp, tôi sẽ viết một bài khác về vấn đề này.

Để bắt đầu, tôi thấy cần phải làm rõ khái niệm “học”. “Học” có ít nhất 2 nghĩa mà cả phương Đông và phương Tây đều phân biệt. Phương Đông nói “tiên học lễ, hậu học văn” trong đó “học lễ” ám chỉ học cả đời, học làm người; còn “học văn” ám chỉ việc học các kiến thức, kỹ năng cụ thể. Phương Tây thì có khái niệm to learnto study. Learn thường có thể hiểu là học nói chung, và việc học này sẽ kéo dài cả đời. Study là học hành/học tập, nghiên cứu, ví dụ như học trong trường – và sẽ chỉ xảy ra hữu hạn trong một khoảng thời gian nào đó (người nào học đến học vị cao nhất là tiến sỹ thì cũng chỉ mất chừng 20 năm trong trường). 

Khi trả lời câu hỏi “Học như thế nào?”, ta cần phân biệt rõ là ta đang nói tới cái học nào – học cả đời, học làm người như thế nào để có một cuộc đời tối ưu; hay là học như thế nào trong nhà trường để có thể tiếp thu tối ưu các kiến thức, kỹ năng, có thể đạt điểm cao, được học bổng, tìm được công việc tốt khi ra trường... 

Về lý thuyết, học trong trường là quá trình chuẩn bị, tập dượt, mô phỏng cho học nói chung, tiệm cận tới việc học nói chung. Học trong trường có mục đích cơ bản là trang bị 3 thứ - kiến thức (knowledge), kỹ năng (skills), và giá trị (values). Học chung thì hướng tới các mục đích khó định hình hơn – hạnh phúc, tăng trưởng, thăng hoa trong đời sống, sự thật, vv… - và thường phải dựa vào những kỹ năng, kiến thức, và giá trị được trang bị trong trường. Trong một xã hội lý tưởng với một nền giáo dục tốt thì học trong nhà trường và học chung nên có độ tương thích cao; là sự bổ trợ và nối dài của nhau. Trong một xã hội ấm ớ, thì học trong trường và học chung hoàn toàn lệch pha; học trong trường (tức hệ thống giáo dục – đào tạo) và những đo lường của nó hầu như không có giá trị gì trong đời sống thực. Bằng cấp của nhà trường – tức chứng chỉ chứng nhận về kỹ năng, kiến thức, và giá trị của một người – sẽ không còn ý nghĩa là con dấu đảm bảo chất lượng nhân lực trong xã hội đó. Cũng trong một xã hội ấm ớ, thì một người cần phải tự học rất nhiều để có thể thành công trong cuộc sống. 

Đến đây tôi cũng muốn nói thêm một điều: học trong trường (tức khái niệm giáo dục, đào tạo) là một thứ có tính xã hội; phục vụ mục đích tồn tại và chuyển giao kiến thức của một xã hội có tổ chức. Nó thay đổi theo thời đại; theo mô hình tổ chức của xã hội và các đòi hỏi cụ thể về kiến thức, kỹ năng của một xã hội  – các xã hội nguyên thủy không cần đến trường học tập trung; và các xã hội trong tương lai (200 nữa) có thể có một mô hình giáo dục hoàn toàn khác hiện tại. Chỉ bắt đầu từ Socrates ta mới có khái niệm trường học tập trung như hiện thấy. Giáo dục – đào tạo tập trung tại trường chỉ là một mô hình, một lựa chọn của xã hội con người để có thể truyền đạt các kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng cho thế hệ tiếp theo. Còn học nói chung trong đời sống thì là cái trường tồn chừng nào con người còn tồn tại và còn cần tìm ra sự thật về thế giới. Nó không nhất thiết xảy ra trong trường, bằng hình thức tập trung. Nói tóm lại: nhà trường là một môi trường chuyên nghiệp và có hiệu quả cho việc học xảy ra nhưng không phải là mô hình duy nhất. Những người như Bill Gates hay Mark Zuckerberg bỏ học vì họ chọn mô hình khác mà họ cho là tối ưu hơn học trong trường, phù hợp với họ hơn, chứ không phải họ không học. Bạn chỉ nên học theo họ nếu bạn, cũng như họ, đã tìm ra một mô hình học thay thế và tối ưu hơn cho cuộc đời bạn. 

Sau khi phân biệt khái niệm một cách sơ bộ như thế, thì tôi xin xác định là bài viết này nói tới các nguyên tắc chung để có thể học thành công trong cả trường học lẫn trong đời sống. Các nguyên tắc phương Tây thì có thể ứng dụng trực tiếp hơn với việc học trong trường; còn các nguyên tắc phương Đông thì ứng dụng được cho cả học trong trường và trong đời; nhưng quy trình “luyện” cho thành thục phương pháp thì phương Tây dễ hơn phương Đông. 

Tóm lại, học như thế nào?

1. Ba bài học từ phương Đông:
1.1. Cách khai mở trí tuệ: Định lực, nghiệp lực, và chuyển nghiệp
1.2. Cách vượt qua chướng ngại trí tuệ: Sở tri chướng và phiền não chướng
1.3. Cách sử dụng trí tuệ: Sử dụng ý thức, tiềm thức, tàng thức, và các thức khác trong việc học.

2. Ba bài học từ phương Tây:
2.1. Nguyên lý của việc học tốt: Vấn đề không phải là tư chất, vấn đề chỉ là hành vi học
2.2. Quy trình của việc học tốt: Từ ý tưởng đến triển khai ý tưởng thành mục tiêu - kế hoạch - hành động - và liên tục hành động.
2.3.  Thái độ để học tốt: Nếu bạn không làm gì, không ai có thể nói gì về bạn; nếu bạn làm, sẽ có người khen, kẻ chê.  Don’t take it personal; hãy học bằng cách nghe, trao đổi, chiêm nghiệm, hợp tác với tất cả mọi người, kể cả những người đối lập với bạn.

Bài sau: Cách khai mở trí tuệ - Định lực, nghiệp lực và chuyển nghiệp.

No comments: