Thursday, March 17, 2011

Trở lại với văn chương


Trang văn học nước ngoài của Tuổi Trẻ cuối tuần này có một truyện ngắn của Tobias Wolff đi kèm một bài phỏng vấn do tôi thực hiện. Tobias Wolff là một trong những cây bút truyện ngắn và hồi ký xuất sắc nhất của Mỹ hiện tại. Ông đang dạy tại Đại học Stanford. Dưới đây tôi trích đăng một đoạn đầu bài phỏng vấn. Tôi sẽ đăng nốt cả bài phỏng vấn và truyện ngắn sau khi báo ra.

======
Phỏng vấn nhà văn Tobias Wolff
- Phan Việt thực hiện -

Tôi lập tức nhận ra Tobias Wolff với mái tóc bạc trắng khi đi qua cửa căng-tin của Đại học Stanford, nơi ông đang dạy viết văn. Ông ngồi một mình ở một bàn ăn, trước mặt là mấy miếng pizza, một chai nước cam, và một túi ni-lông nhỏ đựng hoa quả cắt sẵn mang đi từ nhà. Thấy tôi, ông đứng dậy chìa tay ra, cười, và xin lỗi tôi vì bận từ sáng nên giờ mới có thời gian ăn trưa (lúc đó là 1:30 chiều) và sẽ phải vừa nói chuyện với tôi vừa ăn. Cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài 2 tiếng – một cuộc nói chuyện nhiều tiếng cười, và thỉnh thoảng Tobias Wolff lại đọc một đoạn viết ngắn của Tolstoy, Babel, Hemingway, hay Fitzgerald – hoàn toàn chỉ bằng trí nhớ. Bài phỏng vấn dưới đây trích từ cuộc nói chuyện này.

Phan Việt (PV): Ông có thấy khó khi phải hóa thân thành người khác lúc viết không?

Tobias Wolff (TW): Có. Và tôi nghĩ nó là một trong những thử thách lớn nhất, không chỉ của nhà văn, mà của việc làm một con người. Chúng ta làm quá nhiều những thứ tồi tệ đối với nhau bởi vì chúng ta không tưởng tượng được cảm giác khi là một người khác. Tôi thích tưởng tượng mình là người khác. Cô biết đấy, đôi khi tôi cũng chán ngấy việc là bản thân mình (cười).

PV:Nhưng dường như ai cũng từng vật vã tìm ra bản thân mình. Trong Old School (Trường Cũ), ông kể chuyện một nhà văn trẻ đã từng thần tượng Ayn Rand, Hemingway, và những nhà văn khác; sau đó anh ta đều thất vọng với những thần tượng này và phải tự tìm lấy giọng của mình. Đây có phải là một cái… ta tạm gọi là “lộ trình phát triển” chung của các nhà văn không?

Tobias Wolff (TW): Có, tôi nghĩ là tất cả các nhà văn trẻ đều có nhu cầu tìm kiếm một người cha hay người mẹ nghệ thuật nào đó, và sau đó, cũng như là đối với cha mẹ đẻ của mình, họ tách khỏi cha mẹ nghệ thuật. Họ có nhu cầu chịu ảnh hưởng và chối bỏ ảnh hưởng từ người khác. Về nhiều mặt, sự trưởng thành của một nhà văn cũng giống như sự trưởng thành của một con người; anh ta phải tìm kiếm thần tượng, phải tìm kiếm chỗ đứng của mình trong thế giới, phải tìm cách để viết, để bày tỏ bản thân, phải tìm ra giọng của chính mình; nó cũng giống như thử quần áo vậy, anh ta sẽ nhận ra, có những quần áo mặc vào không hợp với mình, thậm chí làm mình trông hết sức lố bịch, vậy là phải tìm cái hợp với mình.

PV: Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông từng nói rằng quyết định tham gia chiến tranh ở Việt Nam của ông là một “quyết định văn học”?

TW: Đúng thế, nó có lẽ là một quyết định ngu ngốc (cười), nhưng hồi đó, tôi đang ngưỡng mộ Hemingway, Remarque, rồi Mailer, và tôi nghĩ là tôi cần phải có những kinh nghiệm tàn khốc để có thể trở thành một nhà văn cũng như một người đàn ông. Lúc đó, chiến tranh là một kinh nghiệm trung tâm trong cuộc đời những nhà văn mà tôi đang đọc. Thực ra nếu tôi đọc họ kỹ hơn, lẽ ra tôi phải hiểu ý họ định nói là đừng có tham chiến. Ồ, nhưng mà cô biết đấy, nhiều khi chúng ta đâu có chịu hiểu đâu (cười)

PV:Vậy là ông sang Việt Nam? Vào khoảng thời gian nào vậy?

TW: Từ tháng 4-1967 tới 4-1968. Tôi đóng quân ở gần Mỹ Tho.

(còn nữa)

Bổ sung ngày 30-3:
Vì một số lí do, tôi chưa thể đăng bài phỏng vấn này lên blog, thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc.

No comments: