- Chị ơi, chồng em bị làm sao ý, có khi phải gọi cấp cứu.
Cô bé hàng xóm người Việt của tôi không nói tiếng Anh. Chồng N người châu Á, đang học tiếng Anh. Họ có hai đứa con nhỏ - một lên 3 tuổi, một mới 5 tháng. Chúng tôi sống cùng tòa nhà; thân nhau như chị em ruột. Cả hai chúng tôi đều mới tới San Jose được một năm nay - tôi từ Chicago, N từ châu Á.
Trên sàn nhà, G đang ngồi bệt, mặt tái xanh, mồ hôi toát ra, hai tay ôm lấy một bàn chân. V, con bé 5 tháng tuổi đang nằm ngửa trên sàn, còn M, con bé 3 tuổi thì quỳ cạnh bố, cả hai đều hoảng sợ.
- Chồng em dẫm phải con ong, kêu là đau lắm. Em chỉ sợ nhỡ ong độc thì sao - N nói với tôi.
- Chị gọi cấp cứu nhé?
- Cấp cứu thế nào ạ?
- Gọi 911.
- Em không biết, thôi chị cứ gọi đi.
Tôi gọi 911. Họ hỏi rất nhiều câu trong lúc 2 đứa trẻ bắt đầu khóc; tôi cũng không nhớ chính xác họ hỏi những gì.
- Cô ở đâu?
- Tôi ở địa chỉ....
- Cô có vấn đề gì?
- Người bạn của tôi bị một con ong đốt, anh ấy rất đau, hiện không đi được...
- Anh ấy đang ngồi hay nằm?
- Ngồi.
- Có thở không?
- Có thở
- Có bị sốt không?
- Không
- Trên mặt có bị sưng, có vết đỏ hay không?
- Không, mặt anh ấy đang tái đi
- Anh ấy có bị dị ứng với cái gì không?
- Tôi không biết. Hiện nay anh ấy rất đau, không nói được, không đi được, chúng tôi sợ là ong độc thì có thể bị trúng độc.
- Chúng tôi sẽ gửi một xe cứu hỏa tới, có bác sỹ đi kèm. Cô đừng lo. Tạm thời, cô bảo anh ấy đừng di chuyển, cứ nằm hoặc ngồi tại chỗ, tùy tư thế nào dễ chịu hơn cho anh ấy, chúng tôi sẽ tới ngay.
Khoảng 7 phút sau có tiếng đập cửa. Tôi ra mở. Bốn người đàn ông còn trẻ, lực lưỡng, lao vào - hai người mặc đồng phục cứu hỏa phản quang màu xanh lá cây, một người mặc đồng phục bác sỹ, một người mặc đồng phục đen trông như lính thủy mặc đồ lặn. Anh bác sỹ (rất trẻ, da trắng) lập tức hỏi:
- Ai là người cần cấp cứu?
Tôi chỉ G cho anh ta.
- Tôi sẽ bắt mạch cho anh bây giờ - anh ta nói với G - và kiểm tra sơ bộ các thông số sống còn của anh, có được không?
- Vâng - G nói.
Anh bác sỹ lấy ống nghe ra nghe, rồi lấy đèn pin soi mắt, soi miệng, soi tai, sờ mạch, vv... Trong lúc này, anh mặc đồng phục đen cầm một bảng ghi chép nói chuyện với tôi.
- Cô là cô Nguyễn phải không? Cô là người gọi điện hả?
- Vâng.
- Chuyện gì xảy ra?
Tôi kể lại sự việc. Lúc này, N từ đằng sau đi tới chỗ hai chúng tôi. N giơ cái túi bóng cho anh ta xem, nói tiếng Việt:
- Đây này, con ong đây này.
Rồi quay sang tôi:
- Chị hỏi xem có phải ong độc không.
Anh ta nhìn con ong trong cái túi bóng - một con ong nhỏ bằng đầu đũa, màu nâu, đang cố lết trên thành túi, phía đuôi nó là một vệt đen dài - con ong đã bị sổ ruột sau khi đốt.
Hai người lính cứu hỏa cũng đã lại gần nhìn. Một anh là người da đen.
- Ồ không đâu cô, đây chỉ là một con ong thường thôi, không phải ong độc đâu - người mặc đồ đen nói với tôi.
- Ong đốt thì dĩ nhiên là đau rồi, hồi bé tôi cũng hay bị ong đốt - anh da đen nói - đau tưởng chết đi được nhưng mà không sao đâu. Cô cứ yên tâm, bạn cô không sao cả.
- Thế có thể chết vì bị ong đốt không? - tôi hỏi hộ N.
- Không cô ạ - người mặc áo đen nói - Ong này chỉ là ong thường thôi mà. Cô lấy túi đá chườm lên chỗ đau cho bạn cô thì sẽ đỡ.
Anh da đen không nhìn thẳng vào tôi khi nói. Người mặc áo đen thì có nhìn thẳng nhưng anh ta phải cố gắng lắm mới nhịn được cười. Thực ra lúc ấy, tôi cũng phải cố lắm mới nhịn được cười. Tôi tưởng tượng: bốn người đàn ông đang ngồi ở trạm cứu hỏa vào một tối mùa thu đẹp trời, có thể đang xem vô tuyến, chơi bài, hoặc tán gẫu; rồi có điện thoại 911, và họ vội vàng mặc đồng phục, lên xe, lao đến tòa nhà trên đường X. Họ mở cửa tòa nhà, đi thang máy lên tầng 7, gõ cửa căn hộ thứ Y. Cửa mở ra, họ lao vào. Trước mắt họ là một căn phòng đồ đạc bừa bộn khắp nơi, nào giấy, nào tã, nào đồ chơi, nào chăn màn, nào cũi, vân vân và vân vân. Trên sàn, một thanh niên châu Á gày gò đang nhăn nhó, mặt tái mét, nói không ra tiếng; hai người đàn bà châu Á nhỏ bé và xộc xêch đang lăng xăng đi lại quanh anh ta hỏi han; một đứa bé 3 tuổi mếu máo, lúc thì ngồi cạnh bố lúc thì chạy ra ôm chân mẹ; đứa nhỏ 5 tháng tuổi thì vừa cố lẫy vừa gào khóc trên sàn. Tất cả chỉ vì một con ong đất mà những người châu Á này đã bằng cách nào đó bắt được và bỏ vào trong một cái túi bóng, buộc chặt lại.
Phải bám rất chặt mới không lơi mắt khỏi những chuyển động rất tinh tế của cái đẹp và những cái nháy mắt của cuộc sống.
No comments:
Post a Comment