Thursday, March 31, 2011

You like? (1)

Huong Nguyen/Phan Viet (Facebook status): Đang bắt đầu like một người. I feel like a fool in like (sigh)

Bình luận 1: Ngọt quá :x, thỉnh thoảng fool thế hay, chứ tỉnh mãi đau đầu nhỉ :) good luck.

Bình luận 2: Hay thế. Kể đi :D

Huong Nguyen: He's an American. A Stanford man.

Huong Nguyen: One day he said, "Huong, would you like to have coffee with me?" I said sure. That's how the story begins (sigh)

7 người đã like câu chuyện này.

- còn tiếp -

Saturday, March 19, 2011

Thursday, March 17, 2011

Trở lại với văn chương


Trang văn học nước ngoài của Tuổi Trẻ cuối tuần này có một truyện ngắn của Tobias Wolff đi kèm một bài phỏng vấn do tôi thực hiện. Tobias Wolff là một trong những cây bút truyện ngắn và hồi ký xuất sắc nhất của Mỹ hiện tại. Ông đang dạy tại Đại học Stanford. Dưới đây tôi trích đăng một đoạn đầu bài phỏng vấn. Tôi sẽ đăng nốt cả bài phỏng vấn và truyện ngắn sau khi báo ra.

======
Phỏng vấn nhà văn Tobias Wolff
- Phan Việt thực hiện -

Tôi lập tức nhận ra Tobias Wolff với mái tóc bạc trắng khi đi qua cửa căng-tin của Đại học Stanford, nơi ông đang dạy viết văn. Ông ngồi một mình ở một bàn ăn, trước mặt là mấy miếng pizza, một chai nước cam, và một túi ni-lông nhỏ đựng hoa quả cắt sẵn mang đi từ nhà. Thấy tôi, ông đứng dậy chìa tay ra, cười, và xin lỗi tôi vì bận từ sáng nên giờ mới có thời gian ăn trưa (lúc đó là 1:30 chiều) và sẽ phải vừa nói chuyện với tôi vừa ăn. Cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài 2 tiếng – một cuộc nói chuyện nhiều tiếng cười, và thỉnh thoảng Tobias Wolff lại đọc một đoạn viết ngắn của Tolstoy, Babel, Hemingway, hay Fitzgerald – hoàn toàn chỉ bằng trí nhớ. Bài phỏng vấn dưới đây trích từ cuộc nói chuyện này.

Phan Việt (PV): Ông có thấy khó khi phải hóa thân thành người khác lúc viết không?

Tobias Wolff (TW): Có. Và tôi nghĩ nó là một trong những thử thách lớn nhất, không chỉ của nhà văn, mà của việc làm một con người. Chúng ta làm quá nhiều những thứ tồi tệ đối với nhau bởi vì chúng ta không tưởng tượng được cảm giác khi là một người khác. Tôi thích tưởng tượng mình là người khác. Cô biết đấy, đôi khi tôi cũng chán ngấy việc là bản thân mình (cười).

PV:Nhưng dường như ai cũng từng vật vã tìm ra bản thân mình. Trong Old School (Trường Cũ), ông kể chuyện một nhà văn trẻ đã từng thần tượng Ayn Rand, Hemingway, và những nhà văn khác; sau đó anh ta đều thất vọng với những thần tượng này và phải tự tìm lấy giọng của mình. Đây có phải là một cái… ta tạm gọi là “lộ trình phát triển” chung của các nhà văn không?

Tobias Wolff (TW): Có, tôi nghĩ là tất cả các nhà văn trẻ đều có nhu cầu tìm kiếm một người cha hay người mẹ nghệ thuật nào đó, và sau đó, cũng như là đối với cha mẹ đẻ của mình, họ tách khỏi cha mẹ nghệ thuật. Họ có nhu cầu chịu ảnh hưởng và chối bỏ ảnh hưởng từ người khác. Về nhiều mặt, sự trưởng thành của một nhà văn cũng giống như sự trưởng thành của một con người; anh ta phải tìm kiếm thần tượng, phải tìm kiếm chỗ đứng của mình trong thế giới, phải tìm cách để viết, để bày tỏ bản thân, phải tìm ra giọng của chính mình; nó cũng giống như thử quần áo vậy, anh ta sẽ nhận ra, có những quần áo mặc vào không hợp với mình, thậm chí làm mình trông hết sức lố bịch, vậy là phải tìm cái hợp với mình.

PV: Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông từng nói rằng quyết định tham gia chiến tranh ở Việt Nam của ông là một “quyết định văn học”?

TW: Đúng thế, nó có lẽ là một quyết định ngu ngốc (cười), nhưng hồi đó, tôi đang ngưỡng mộ Hemingway, Remarque, rồi Mailer, và tôi nghĩ là tôi cần phải có những kinh nghiệm tàn khốc để có thể trở thành một nhà văn cũng như một người đàn ông. Lúc đó, chiến tranh là một kinh nghiệm trung tâm trong cuộc đời những nhà văn mà tôi đang đọc. Thực ra nếu tôi đọc họ kỹ hơn, lẽ ra tôi phải hiểu ý họ định nói là đừng có tham chiến. Ồ, nhưng mà cô biết đấy, nhiều khi chúng ta đâu có chịu hiểu đâu (cười)

PV:Vậy là ông sang Việt Nam? Vào khoảng thời gian nào vậy?

TW: Từ tháng 4-1967 tới 4-1968. Tôi đóng quân ở gần Mỹ Tho.

(còn nữa)

Bổ sung ngày 30-3:
Vì một số lí do, tôi chưa thể đăng bài phỏng vấn này lên blog, thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc.

Wednesday, March 16, 2011

Giúp người dân Nhật

Nếu ở nước ngoài, bạn có thể gửi tiền ủng hộ tại:

1. American Red Cross (tôi gửi ở đây)

2. UNICEF

3. Salvation Army

4. USAID

Monday, March 14, 2011

Xuân sớm



Bạn tôi đi xem concert về gọi điện háo hức kể cho tôi câu chuyện của đôi vợ chồng biểu diễn trong concert. Họ gặp nhau lúc trẻ, chàng trai là người hâm mộ âm nhạc của cô gái, cô gái cũng hâm mộ âm nhạc của chàng trai; nhưng hai bên đều đã ràng buộc; vậy là ai đi đường nấy, vân vân và vân vân; 15 năm sau, họ gặp lại, hai bên đều đã trải qua đủ sóng gió, từ đó họ đi cùng đường, đến giờ hơn 20 năm. Bạn tôi cứ tấm tắc, thật là một câu chuyện có hậu, một câu chuyện đẹp. Bạn bảo "Tin không? Chỉ cần nhìn họ là đủ biết họ yêu nhau".

Tôi bảo dĩ nhiên là tôi tin. Mà tôi còn tin là cả tôi, bạn, và mọi người đều đang ở trong những câu chuyện có hậu, những câu chuyện đẹp của cuộc đời mỗi chúng ta mà không biết. Như hai người kia, bây giờ ở cuối đường, họ có thể nhìn lại mà nói về cái kết thúc có hậu; nhưng trong cái khoảng 15 năm xa cách, có ai biết được kết thúc đó. Tôi, bạn, và mọi người, trong thời điểm hiện tại, có thể đều đang ở trong cái 15 năm "lưu lạc" của chúng ta. Cũng có thể chúng ta phải mất 2 tháng, 2 năm, hoặc 20 năm và lâu hơn nữa để hiểu rằng ta đang ở trong một câu chuyện có hậu, một câu chuyện đẹp, hoặc ít nhất là trong một câu chuyện.

Và nếu bạn tin vào đạo Phật, thì bạn còn có thể lạc quan hơn nữa vì Phật nói mỗi chúng ta, trải qua vô lượng kiếp, rồi đều sẽ thành Phật hết. Và như thế, trong một đời người, không ai trong chúng ta cần tham lam làm mọi việc một cách hoàn hảo cả - bạn không cần phải vừa là ca sỹ nổi tiếng, vừa là doanh nhân thành đạt, vừa là người mẹ mẫu mực, vừa là người vợ hoàn hảo, lại vừa là người bạn hữu hảo, người chị đáng kính... (1) Không cần vội và tham thế làm gì. Trong một đời sống, bạn có thể chỉ cần chọn làm thật tốt một việc - như trong đời này, bạn có thể chọn chỉ làm ca sỹ thật tốt, đời sau bạn sẽ là người mẹ thật tốt, đời sau nữa đến trồng nho ở Florence, đời sau nữa làm lãnh tụ giải phóng da đen.
Nhưng ở đời này hay đời nào, cũng phải cố gắng ra khỏi vòng đối-đãi.
San Jose bắt đầu vào mùa xuân, sớm hơn phần còn lại của nước Mỹ tới cả tháng. Cỏ tràn lên không giấu diếm, dâng từng ngày từ dưới chân đồi nhiều đất ấm lên đỉnh đồi còn lác đác tuyết phủ, lấn từ vạt đồi này sang vạt đồi khác, màu xanh mỗi ngày một vững. Hoa cải mù-tạt và cúc tràn trề, anh đào sáng trời. Nhìn chừng ấy sự sống vươn lên sau mùa đông, không thể không tin vào sự hồi sinh và quy luật thành-trụ-hoại-sinh.
====
(1) Đoạn này và đoạn sau không phải Phật nói mà là tôi cứ mạnh dạn suy như thế. A di đà Phật!

Thursday, March 10, 2011

Quảng cáo

1. Trang web tài chính GAFIN của các bạn tôi:

http://gafin.vn

2. Tôi đang tìm người dịch sách - sách văn học và sách khoa học xã hội, từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Bạn nào có mong muốn, xin liên hệ; nhất là các bạn du học sinh.

Dịch sách là một việc thử thách lòng kiên nhẫn rất nhiều nhưng dịch xong một cuốn sách hoặc làm xong một cuốn sách cũng rất vui.

Wednesday, March 09, 2011

Hemingway on writing

"Nếu một nhà văn định viết về sự sa ngã của anh ta - với tư cách một con người và một nhà văn - anh ta phải chấp nhận sự sa ngã đó và viết về nó.

Anh ta có thể hư cấu và tưởng tượng toàn bộ câu chuyện nhưng anh ta phải hư cấu một cách rốt ráo. Đấy là điều cơ bản nhất, nếu anh ta muốn cái anh ta viết ra là văn học.

Một nhà văn có thể hư cấu mọi từ ngữ, ý tưởng, và hành động; nhưng anh ta phải hư cấu triệt để. Dứt khoát không được hư cấu nửa vời chỉ để cho tiện hoặc để khớp với những hành động anh ta còn nhớ được.

Và anh ta phải biết rõ mình đang viết về cái gì.

Sử dụng các chi tiết thật luôn là cách viết khó hay nhất. Bịa đặt là cách dễ nhất và tốt nhất. Nhưng để bịa đặt được thì trước hết phải biết mình đang viết về cái gì và phải tự tin.

Nó giống như là lái tàu sau khi bờ biển đã khuất. Nếu anh ta tự tin thì anh ta sẽ ổn. Nhưng để có sự tự tin thì anh ta phải biết rõ mình đang làm gì."

================

Nguyên bản tiếng Anh:

"If he's going to write about himself going to hell as a man and a writer, he has to accept that and write about it.

He can make it all up and imagine it all but he must imagine it truly. That's it. If he wants it to be literature.

You can make up every word, thought, and action. But you must make them up truly. Not fake them to suit your convenience or to fit some remembered actions.

And you must know what things are about.

Using actual stuff is the most difficult writing in the world to have good. Making it all up is the easiest and the best. But you have to know what things are about before you start and you have to have confidence. It's like navigating once you have dropped the shore out of sight astern. If you have confidence you're alright. But to have confidence you have to know your stuff."

Tuesday, March 08, 2011

Về tình yêu

Tôi cứ nhớ mãi hồi mùa hè vừa rồi, khi bố mẹ tôi sang Chicago thăm tôi; chiều tối nào, tôi cũng thấy hai người đứng ở trong nhà nhìn qua cửa sổ chờ tôi từ trường về.

Hôm nay 8-3, tôi định viết một bài essay nghiêm chỉnh nói về tình yêu; rút cục tôi chẳng nói được gì.