Wednesday, May 25, 2011

Con đeo mo vào mặt! Con đeo mo vào mặt!


Tờ New Yorker số ra ngày 23-5 có một bài kể chuyện sau đây:

Vào dịp Đại hội văn học thế giới vừa rồi, đức Lạt Ma Pema có làm một việc mà ông gọi là tạo ra một “dây nghiệp” (karma chain). Việc này như sau: những người có mặt ở đó sẽ xếp thành hàng dài, sau đó Lạt Ma Pema sẽ đọc cho người đầu tiên 3 câu chú từ trong kinh điển Phật giáo; người này sẽ truyền lại cho người tiếp theo, cho đến người cuối cùng trong hàng – và đó là nhà văn Salman Rushdie.

Lạt Ma đọc ba câu sau:

Câu 1: “Like a shimmering star, or a flickering lamp”

Câu 2: “A fleeting autumn cloud, or a shining drop of morning dew”

Câu 3: “A phantom, a dream, a bubble, so is all the existence to be seen”

Câu thứ nhất khi truyền đến người thứ 30 thì thành ra “Shivering style, flickering lamp”. Đến người thứ 60 thì thành “Locus star focus”, đến người thứ 100 thì thành “Fica sta” và đến người thứ 101 thì thành “Fica”.

Câu thứ hai khi đến người thứ 101 thì thành “Rashomon it’s odd, rashomon it’s weird”.

Người thứ 200 thì nghe cả ba câu như sau: “Follow the glass stone… Actually bongo… If anything exists it’s change”.

Salman Rushdie nghe được 3 câu như sau:

Câu 1: “Follow the glass stone. Follow the glass stone”

Câu 2: “The droid from hell.”

Câu 3: “If anything exists, it’s change.”

========

Con nam mô A Di Đà Phật! Con nam mô A Di Đà Phật!

Monday, May 23, 2011

Đã được lên ghế

Vào website trường cũ có việc, thấy anh Châu mới được phong "chair professor" - tức giáo sư đã được ngồi ghế để giảng bài (các giáo sư khác vẫn phải đứng :))

Saturday, May 21, 2011

Carmel-by-the-sea


Cạnh Monterey là Carmel-by-the-sea, một trị thấn ven biển khác rất đẹp và đầy người già. Chiều qua tôi xuống đây. Trời nhiều mây, gió lạnh, biển lúc mặt trời lặn có sóng lớn ném đầy các thân rong tảo lên mép nước. Những cây rong dài mọc dưới đáy biển nên có một màu vàng ngả nâu của thực vật thiếu nắng nhưng không phải một màu vàng chết; lẫn giữa những dải lá dài là những chùm quả bầu dục rất mượt, mọng nước, nổ lép bép khi bị dẫm lên. Những quả rong được tạo hình hoàn hảo - độ cân đối và mượt của nó làm tôi ý thức rõ sự thô thiển và ngớ ngẩn của mình.

Cạnh Carmel là khu bảo tồn Lobos với rất nhiều hải cẩu tự do bơi ngay sát mép nước. Trong ảnh này, nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy những con hải cẩu nằm phơi nắng trên một tảng đá ở giữa ảnh (mấy đốm trắng nhỏ). Ảnh chụp bằng điện thoại nên hơi nhỏ.


Monterey


Chỗ này gọi là Cannery Row, thuộc thị trấn ven biển Monterey, cách San Jose chừng hơn một tiếng lái xe, rất gần với Salinas, quê hương của John Steinbeck. Steinbeck viết nhiều về Monterey và có một cuốn novella lấy tên Cannery Row. Ngày xưa, Cannery Row là khu phố có rất nhiều các xưởng đóng hộp các loại hải sản, nhất là cá sardine, với rất nhiều dân gốc Mexico và người châu Á (nhất là Trung Quốc). Ngày nay, tất cả các xưởng này đã biến mất, chỗ này chỉ còn là khu du lịch.

Thursday, May 19, 2011

Nhân sinh nhật Bác


Lâu rồi tôi không viết ở đây. Nhiều khi tôi mong mình biến thành miếng giẻ rửa bát, chẳng nói gì cả, cứ thế thấm hút hết đời sống, rồi vắt lại ra từng ấy thứ lên các trang sách mình viết. Thế thôi. Im lặng mang lại cảm giác cả đời sống của mình ở trong trạng thái của một đứa trẻ đang nằm ngửa nhìn trời vào một đêm hè nhiều sao. Vì trời rất rộng nên ta rất nhỏ, ta không phải bận tâm gì về mình trong tương quan với bất cứ thứ gì trong gầm trời; mà đồng thời ta lại thật lớn bởi vì ta không nói gì và trời cũng chẳng nói gì, chỉ có đối diện nhau mà thôi.

Những ngày này, tôi bận chuẩn bị dọn nhà và đưa một đoàn sinh viên Mỹ sang Việt Nam học về công tác xã hội. Nhiều khi đến tối, mệt không cả mở được miệng ra; thôi cũng chẳng mở ra nữa. Dọn đi đâu thì cũng chưa biết; khi quay lại vào cuối mùa hè, tôi sẽ tìm nhà mới. Có lẽ tôi sẽ chuyển xuống Palo Alto để hưởng cái không khí ở đây. San Jose cũng tốt; cuộc sống rẻ, tiện, nhưng San Jose không có đủ độ đậm đặc về đời sống intellectual. Ở Palo Alto thì khác. Chỉ nhờ có đại học Stanford thôi mà nơi này có một không khí khác, một tinh thần khác. Ở chỗ này, dường như ai cũng tin rằng những điều vĩ đại trong đời sống không ở ngoài tầm tay, nó không thuộc về một ai đó ở một đất nước khác hay thành phố khác, thậm chí không cả ở nhà hàng xóm mà ở ngay chính mình. Ai cũng tin rằng mình có thể là Mark Zuckerberg thứ hai hay Steve Jobs thứ hai, mà còn tốt hơn thế, có chất hơn thế, và hoàn toàn là mình, không tiền lệ, mình là X đầu tiên. Hiển nhiên là như thế và cứ thế mà làm việc.

Khi nào tôi có tiền hoặc có ai đưa tôi tiền, tôi sẽ xây trường đại học như ông Stanford. Trong lúc chưa có tiền xây trường, thì tôi cứ sống như cái giẻ rửa bát đã. Cái bề ngoài không quyết định cái bên trong. Bạn nhất định phải tin như thế và sống như thế, chớ để ai nói khác đi.

Ảnh minh họa là San Jose vào mùa xuân. Bây giờ cỏ đã bắt đầu cháy nắng.