Wednesday, May 16, 2012

Về cái ác

Đọc bài "Tại sao người ta hành xử tàn ác" trên blog GS Trần Văn Tuấn, tôi muốn viết một chút. Đây chỉ là suy nghĩ tản mạn chưa sắp xếp trong lúc quá bận.

Trước hết là khái niệm "ác". Trong khái niệm này có ít nhất hai thứ - một là bản thân hành động/hành vi, và hai là sự đánh giá, thường của xã hội, nhóm, hoặc cá nhân cụ thể, về ý nghĩa và giá trị đạo đức của hành động đó. Ngoài ra thì có một phần thứ ba nữa mà ít người tính đến, đó là  xét trên một tổng thể rộng lớn hơn - tiếng Anh hay gọi là cosmic sense, tức là tính đến ý nghĩa kiểu như tính dây chuyền nhân quả trên phạm vi toàn nhân loại, toàn vũ trụ, toàn thể cái gọi là cuộc sống - thì một hành vi còn phải bị xét đoán là có "ác" hay không theo nghĩa này.

Ngoài ra, nếu lại còn xét thêm một tầng nữa bên trên cái cosmic sense này, theo kiểu "sắc sắc, không không" của nhà Phật, thì thực sự mà nói là rất khó có thể kết luận một hành vi nào đó là ác hay không, bởi vì nếu ta nhìn thật rộng và dài ra "vô lượng kiếp", thì mỗi một hành vi đều quá nhỏ, và tuân theo những quy luật lớn nhất định, cho nên việc gán nghĩa cho nó trong một bối cảnh hữu hạn về không gian thời gian là hầu như vô nghĩa; quan trọng hơn, khi xét đến độ này, thì thực ra mọi ý nghĩa đều đã bị triệt tiêu, chỉ còn lại bản thân hành động trần trụi... và hành động này xảy ra tuân theo những quy luật mà nói như kinh Phật thì "bất khả tư nghị" tức là "không thể nghĩ bàn".

Nhưng chúng ta sống trong không gian và thời gian hữu hạn, và về cơ bản thì bị chi phối bởi tính hữu hạn này (cộng với sự hữu hạn còn lớn hơn của tư duy). Cho nên ta vẫn cứ phải xét đến chuyện ác trong hai chiều đầu tiên, với khung tham chiếu là không gian và thời gian cụ thể mà hành vi đó xảy ra.

Nói như thế thì càng ngày tôi càng thấy là có vô cùng ít người thực sự có thể gọi là "tốt". Làm người tốt vô cùng khó; và người tốt thì lại thường "buồn tẻ" cho nên chẳng mấy khi được để ý. Vì để làm người tốt thật sự, thì ngoài cái chuyện tâm tính thiên bẩm là một người "tốt" (ví dụ thương người, hiền hòa, không tham lam, hay nghĩ cho người khác, dũng cảm, trung thực, công bằng, độ lượng, vv...) thì một cái phần quan trọng hơn nữa là phải nhìn nhận được rất rõ về sự vận hành chắc chắn của luật nhân- quả. Nếu đã nhìn thấy nhân-quả vận hành một cách chắc chắn, thì không thể không "tốt" - có thể ban đầu là tốt như một ý thức và một sự tính toán lợi ích (chỗ này giống Pascal lí giải vì sao người ta tin Chúa trên quan điểm tính toán chi phí); nhưng sau đó trở thành một điều thuận theo lẽ tự nhiên. Như vậy, thực ra để "tốt" thật sự thì phải rất hiểu về nhiều thứ. Tốt đến chỗ này thì không lí luận nữa rồi.

Còn lại đa số chúng ta thì sao? Đa số chúng ta muốn là "người tốt" và cố gắng tốt; nhưng rút cục, chúng ta đều chỉ là những người làm những việc, có một số việc tốt và một số việc "ác". Trong post "Trở lại Paris", tôi có viết "Cái áp lực hoàn hảo bản thân và/hoặc bản thân hoàn hảo là một áp lực ảo tưởng lãng phí" là có cái ý này. Rất khó nói một người là "người tốt" hay xấu; bởi vì cái gọi là "một người" thực ra, về cơ bản, chỉ là tập hợp rất nhiều việc người đó làm. Một người có thể cố gắng làm tốt tất cả những việc họ phải làm, làm tốt từng việc một, và như vậy thì "người đó" nói chung tốt; nhưng không có cái "người này" tốt tự thân. Người đó có thể làm những việc xấu, hoặc việc mà người khác cho là xấu.

Với cá nhân tôi, khi tôi chỉ tập trung vào từng việc, và với mỗi việc, tôi nói "tôi sẽ cố gắng làm tốt việc này một cách hết sức có thể" thì mọi việc dễ thở hơn nhiều so với việc tôi nói "tôi là người tốt, và tôi phải làm thế này, thế này..." Khi bạn khăng khăng rằng bạn là "người tốt", rồi bạn làm một việc xấu, thì sự chênh lệnh giữa nhận thức/mong muốn của cá nhân bạn về bạn với hành vi của bạn sẽ thường gây ra rất nhiều biến thái tâm lý đáng tiếc, và sẽ có những hậu quả domino to lớn (trong tâm lý học, cái này chính là các dạng khác nhau của identity crisis và các rối loạn liên quan đến identity). Hoặc ngược lại, ngay từ đầu, cái việc bạn khăng khăng bạn là "người tốt" có thể sẽ có tác dụng như một thứ siêu ngã đưa đến việc bạn làm rất nhiều việc giả trá vì chịu cái áp lực phải là "người tốt" hoặc các áp lực tương tự đến từ các danh hiệu tương tự "người giỏi", "người trẻ", "người hoàn hảo", "người x, y, z...".


Quay lại với chuyện ác. Càng ngày tôi càng thấy là ai cũng có khả năng có hành vi ác nếu có điều kiện. Trong cuộc sống hàng ngày, những người bình thường cũng sẽ ác nếu họ có thể. Mà tôi không nói đến "ác" theo nghĩa phải tra tấn, đánh đập, chửi bới... "ác" theo nghĩa, để cho đơn giản thì tạm coi là việc họ sẽ làm với người khác những việc họ sẽ không làm với bản thân mình hoặc không muốn người khác làm thế với mình. Ví dụ, trong công việc, tôi thấy quá nhiều người đẩy việc cho đồng nghiệp, bắt cấp dưới làm quá sức, lợi dụng đồng nghiệp... Ngay trong môi trường học thuật, chuyện giáo sư bắt nghiên cứu sinh làm việc quá sức, cấp trên bắt cấp dưới làm việc có lợi cho mình, hoặc trong cùng một nhóm, khi người ta biết điểm yếu của bạn (ví dụ như họ biết bạn là người làm việc trách nhiệm, bạn không bao giờ từ chối giúp người khác, bạn cầu toàn) thì họ sẽ luôn đẩy việc cho bạn. Miễn có cơ hội và có môi trường để thực hiện điều đó, con người ta sẽ lợi dụng nhau và lạm dụng nhau.

Nói đến lạm dụng (abuse); chuyện này diễn ra phổ biến trong gia đình, nơi làm việc, trong toàn xã hội. Trong gia đình, bố mẹ có thể lạm dụng con cái; chồng lạm dụng vợ về mặt thể chất, tinh thần (và ngược lại). Trong một xã hội, các loại giáo điều và văn hóa có tính đè nén cũng là một hình thức lạm dụng tập thể về tinh thần. Khoa học đã chỉ ra rằng những người từng bị lạm dụng sẽ có nguy cơ trở thành kẻ lạm dụng người khác khi có điều kiện - mà xã hội loài người đến nay thì về cơ bản là xã hội có giai cấp, với các nhóm lợi ích và quyền lực khác nhau; các tổ chức xã hội cơ bản như gia đình, nhà trường, nơi làm việc đều là các tổ chức có phân cấp. Một đứa trẻ bị bố đánh đập, dè bỉu, chỉ trích nặng nề lúc bé thì lớn lên sẽ có nguy cơ đánh đập, dè bỉu, chỉ trích bạn đời hoặc con cái mình. Những người bị cấp trên lạm dụng sẽ lạm dụng trở lại cấp nhỏ hơn hoặc về nhà lạm dụng vợ con. Một xã hội bị lạm dụng, đè nén, sẽ có khả năng hành xử như những nạn nhân của sự lạm dụng khi có cơ hội. Ít người có khả năng không lạm dụng/lợi dụng người khác khi có điều kiện.

Điều này lại quay lại với điều tôi cũng nói trong bài "Trở lại Paris": sự sai hỏng một cách hệ thống của cuộc sống hiện đại khi phương pháp đo lường giá trị đang bị đánh tráo với bản thân giá trị. Xã hội ngày nay đo lường con người bằng những thước đo có vấn đề  (bao gồm cả cách đo năng suất ở nơi làm việc, đo hiệu quả công việc, đo giá trị trong xã hội, đo giá trị của một đời người), khiến cho người ta phải nghĩ ra những cách đối phó với việc đo giá trị, thay vì tạo ra giá trị. Đây là cái làm nảy sinh tất cả những giả trá, bừa ẩu, và độc ác theo nghĩa hẹp.

Giải quyết chuyện này thế nào?

Câu trả lời của mỗi người nằm ở quan niệm của họ về việc: đâu là điểm tác động tạo ra hiệu quả lớn nhất. Ví dụ, có người cho là cần tác động vĩ mô vào hệ thống, vào các thiết chế chính, ví dụ như chính trị, nền kinh tế, văn hóa, cấu trúc xã hội. Có người thì cho là cần tác động vào các cá nhân, bắt đầu từ các cá nhân mà đi lên. Ngay cả trong niềm tin phải tác động vào các cá nhân, có người sẽ chọn tác động vào tư duy nói chung, có người chọn tác động vào hành vi, hoặc vào tâm tính, tình cảm, có người cho là phải tác động vào đạo đức... Vân vân...


Tôi cứ lấy tôi ra làm ví dụ vậy. Lấy một ví dụ nhỏ là tủ sách Cánh cửa mở rộng; tôi chắc chắn bạn đọc nhận ra tôi và anh Châu chọn sách hơi khác nhau một chút. Rất nhiều sách tôi chọn có xuất phát điểm là hai niềm tin của tôi: thứ nhất là niềm tin rằng trong bối cảnh hiện tại, một điểm tác động hiệu quả là các cá nhân; khi có một cá nhân vững, rồi nhiều cá nhân vững sẽ tạo nên những quần thể vững và những xã hội vững; thứ hai là niềm tin rằng với đọc giả Việt nam hiện tại (nhất là độc giả trẻ), cái cần hơn không phải là kiến thức mà là thái độ hiền lành, là cái tâm tính giản dị, kiên trì, kiên định trong mọi việc mình làm... Thế nên nhiều sách tôi chọn chỉ là những sách nói những chuyện sống bình thường. Sống bình thường thực ra rất khó; phải kiên định lắm mới sống bình thường được; nhưng nếu ai cũng sống bình thường, làm những việc của mình thật tốt thì tự khắc mọi thứ đâu vào đấy. Nói như này dĩ nhiên là một cách nói đơn giản hóa nhưng trong chừng mực những thứ có thể nói được thì tôi tạm nói như vậy.

Ở tầng vĩ mô hơn phải tác động thế nào thì đấy lại là một câu chuyện khác.

Một việc không tốt là một việc không tốt. Một việc tốt là một việc tốt. Việc nào ra việc ấy và có hậu quả của việc ấy. Còn những chủ thể người của những việc tốt và không tốt là một việc khác. Khi quy trách nhiệm, dĩ nhiên ta vẫn phải quy về con người; nhưng đánh giá con người cũng cần tách bạch đánh giá việc họ làm và đánh giá "con người" họ.

Thôi, tôi lan man đến đây cũng dài rồi.