Sunday, May 20, 2012

Chết ở Venice - phần 7

Một số bạn có yêu cầu tôi post tiếp các phần của các sách trong tủ sách CCMR nhưng NXB có yêu cầu là tôi không post quá một số lượng nhất định nên tôi chỉ có thể post thêm một số phần nữa.

=========

Chết ở Venice - phần 7

Khoảng tầm trưa người ta gọi ông xuống gian phòng ăn dài như cái hành lang, có cửa thông sang các khoang phòng ngủ, để dùng bữa. Ông ngồi vào một đầu chiếc bàn dài, ở đầu kia toán nhân viên thương mại, cả lão già, đã ngồi nhậu nhẹt với viên thuyền trưởng vui tính từ lúc mười giờ. Bữa ăn rất đạm bạc, và ông ăn thật nhanh cho xong. Ông nóng lòng muốn ra ngoài ngóng nhìn trời: chẳng biết phía Venice trời có hửng lên không?

Ông không trông đợi điều gì khác, vì thành phố này luôn luôn đón tiếp ông trong ánh sáng huy hoàng. Nhưng trời và biển vẫn mù mịt một màn sương nặng như chì, thỉnh thoảng còn đổ mưa phùn, và ông đành chấp nhận ý nghĩ rằng trên thủy lộ ông sẽ gặp một Venice khác hẳn những lần xưa đến bằng đường bộ. Đứng bên cột buồm mũi dõi mắt ra xa ngóng vào đất liền, ông nhớ đến một thi sĩ[1] với tâm hồn ưu tư nồng cháy, xưa kia đã thổn thức khi những mái vòm gác chuông trong mộng tưởng nhô lên từ sau làn nước lai láng này đây, ông thầm lặp lại trong yên lặng một vài lời khi ấy đã biến lòng tôn kính, hạnh phúc và sầu đau thành bài ca tuyệt mỹ, và ru mình trong cảm xúc ngày nào ông tự hỏi, trái tim khô khan và mệt mỏi liệu có còn khả năng đón nhận chút bồi hồi rung động mới, một cuộc phiêu lưu tình cảm muộn màng dành cho kẻ lãng du nữa hay không.

Rồi bên phải mạn tàu nổi dần lên dải bờ thấp, những con thuyền đánh cá lăng xăng làm mặt biển hết đìu hiu, hòn đảo nghỉ mát Lido hiện ra, lùi dần về bên trái, chiếc tàu thủy giảm tốc độ lướt qua cửa biển hẹp cùng tên với đảo vào trong vịnh và dừng lại ngang tầm những ngôi nhà đơn sơ quét vôi sặc sỡ trên bờ, neo lại đó đợi thuyền vệ sinh dịch tễ ra kiểm tra.

Một giờ đồng hồ trôi qua mới thấy mặt họ. Đã đến nơi mà vẫn chưa tới đích; dẫu không vội vã gì người ta cũng cảm thấy nóng lòng sốt ruột. Đám thanh niên Pola, hẳn lòng ái quốc bị tiếng kèn nhà binh từ mạn công viên vọng qua mặt nước khơi dậy, kéo hết cả lên boong, và, được rượu Asti cổ vũ tinh thần, lớn tiếng tung hô đội xạ thủ đang tập dượt trên bờ. Nhưng thật kinh tởm khi phải chứng kiến tình cảnh lão già cưa sừng làm nghé gồng lên giả trẻ. Bộ thần kinh rệu rão của lão không kham nổi lượng cồn như đám trai cường tráng, nên lão say bí tỉ. Cái nhìn đờ đẫn, điếu thuốc lá run rẩy giữa mấy ngón tay, lão lắc lư, khổ sở để giữ thăng bằng, người cứ ngả nghiêng từ trước ra sau. Sợ bước đi một bước là đổ nhào, lão không dám nhấc chân khỏi chỗ, nhưng vẫn cố tỏ ra hào hứng một cách thảm hại, cứ có ai lại gần là lão túm chặt áo, ngọng líu ngọng lô, mắt nháy lia lịa, miệng cười khúc khích, ngón tay trỏ nhăn nheo khua khua bỡn cợt và đầu lưỡi lo le liếm mép ngụ ý hết sức tục tĩu và bỉ ổi. Aschenbach chau mày nhìn lão đầy ác cảm, và lại thấy trào lên trong lòng cảm giác nôn nao, như thể thế giới đang nghiêng lệch đi theo một khuynh hướng mong manh nhưng không gì cản nổi, biến dạng thành một bức biếm họa kỳ khôi và phi lý; nhưng hoàn cảnh bấy giờ không cho phép ông dò tìm đến ngọn nguồn cảm giác ấy vì con tàu lại bắt đầu rồ máy tiếp tục cuộc hành trình bị gián đoạn khi đã gần tới đích, đi vào kênh San Marco.

Thế là ông đã được gặp lại chốn thân quen, bến cảng đẹp tuyệt trần, tập hợp kiến trúc hoành tráng mà xứ cộng hòa này từ xưa đã đem ra trưng bày trước cặp mắt e dè kính phục của khách hàng hải từ biển vào: Cung điện nguy nga tráng lệ, cây cầu Than Thở, hàng cột đội tượng thiên thần và tượng sư tử dọc bờ kênh, một cánh bên hông Ngôi Đền Thần Thoại nhô lên bề thế uy nghi, quang cảnh nhìn xuyên qua Cổng Thành và Tháp Đồng Hồ khổng lồ; vừa say sưa chiêm ngưỡng ông vừa tự nhủ, đi đường bộ đến Venice qua nhà ga thật chẳng khác gì vào một cung điện bằng lối cửa sau, và để đến thành phố hư ảo nhất trần đời này người ta không nên đi cách nào khác ngoài cách ông đang đi đây, bằng tàu thủy, vượt trùng khơi.

Tàu tắt máy, những chiếc gondola[1] tấp đến, thang dây buông xuống, nhân viên quan thuế lên tàu khám xét qua quít lấy lệ; hành khách được phép rời tàu. Aschenbach ngỏ ý cần một chiếc gondola chở người và hành lý đến bến canô chạy từ thành phố sang đảo Lido; vì ông muốn thuê phòng trọ ngoài bãi biển. Y lệnh, người ta lớn tiếng xướng nguyện vọng của ông xuống mặt nước, nơi những người chèo gondola đang chí chóe cãi nhau bằng thổ ngữ địa phương. Ông còn kẹt chưa xuống được vì vướng chiếc vali, dù lôi hay kéo đều rất khó đưa đi qua mấy bậc thang dây. Thế cho nên mất vài phút ông không thể nào thoát khỏi tay lão già gớm ghiếc, trong cơn say xỉn cứ nhất định đòi chia tay ông khách lạ. “Chúc ngài một kỳ nghỉ tuyệt vời”, lão lè nhè trong lúc nhún gối khuỵu chân trịnh trọng cúi chào theo lối cung đình. “Mong được nhớ mãi kỷ niệm hôm nay! Au revoir, excusez và bon jour[2], thưa quý ngài!” Rớt dãi lòng thòng nhểu ra từ miệng, lão dụi mắt, lão liếm mép, và hàng ria nhuộm trên cặp môi già nua dựng lên tua tủa. “Xin gửi lời thăm”, lão líu lưỡi ngọng nghịu, hai ngón tay ấn vào miệng, “gửi lời thăm cưng của ông, cưng đẹp nhất, đáng yêu nhất hạng...” Bất thình lình nửa trên hàm răng giả của lão tuột ra rơi xuống môi dưới. Aschenbach thừa cơ thoát nạn. “Cưng dễ thương, cưng thượng hạng”, ông còn nghe sau lưng mình tiếng lắp bắp khàn đặc tiếp tục gù ghì, trong lúc nắm chặt tay vịn thang dây lần bước xuống.


[1]      Thuyền nhẹ đáy bằng, mũi cong, chuyên chở khách trên những dòng kênh ở Venice.

[2]      “Tạm biệt, xin lỗi và xin chào”.




[1]      Bá tước August von Platen (1796-1835) với nguyện vọng, ngày nào đó sẽ có một lữ khách hậu sinh đọc bài thơ Venice của ông mà đồng cảm thốt lên: “Nơi đây đã thổn thức nhịp đập của một trái tim đầy cảm xúc”.





No comments: