Wednesday, August 21, 2013

Những ngày an lạc (2)

Mưa ngoài Tam bảo

Tôi đã trở lại Mỹ từ giữa tuần trước nhưng nửa đêm Chủ Nhật vừa rồi mới chính thức về đến nhà và từ sáng thứ Hai đã trở lại trường cho năm học mới. Mấy hôm nay jetlag, đêm nào cũng gần 3h sáng là tỉnh dậy. Bên ngoài trời tối đen, mắt và đầu biết vậy nhưng bên trong cứ có cảm giác như đang là đầu giờ chiều và lại muốn ngồi dậy làm việc. Suốt mùa hè, khi tôi còn ở chùa, đầu buổi chiều là lúc chư tăng học tiểu trường trong nhà trai; tôi thì mang máy tính lên Tam bảo ngồi viết. Viết đến ngoài 4h thì phải ra để chư tăng lên tụng khóa lễ chiều. Cũng có khi tôi tham gia; có khi tôi chỉ ngồi ngoài hiên nghe mọi người tụng.

Lúc chiều là lúc nắng bắt đầu nhạt, gió nhẹ và mát; cây hoa đại ở góc sân đỏ hoa suốt mùa hè và có một con gà trống tre rất hay lảng vảng quanh Tam bảo lúc buổi chiều gáy te te. Có những hôm mưa; nước mưa làm ướt mặt sân bên ngoài, rỏ thành hàng từ mái Tam bảo xuống, chảy dọc các thân tượng Tỳ Lô Giá Na vàng óng, tiếng mưa lẫn vào tiếng chuông mõ và tiếng kinh...

 Tụng xong, mọi người xuống dưới nhà, tôi vẫn ngồi ở ngoài hiên. Có hôm sư ông đi qua:
- Ơ, sao cô lại ngồi đây?

Tôi cười:
- Con ngồi đây hưởng... - rồi không biết dùng từ gì cho đúng - con cũng không biết...
- Hưởng sự an lạc hả?

Đúng là có an lạc; nhưng còn nhiều hơn thế.

Ở chùa học được nhiều thứ - những thứ không phải do biện luận mà ra. Ví dụ như:

- Muốn có trí tuệ, phải bắt đầu bằng hoài nghi; nhưng đến một mức nào đó, muốn có trí tuệ nữa lại phải đoạn nghi, tức là dứt trừ sự hoài nghi để không rơi vào sự mênh mênh mang mang, nghi nghi hoặc hoặc, đi 1 bước lùi 2 bước.

- Trí tuệ thực sự nhất định đi kèm với từ bi. Bởi vì trí tuệ thực sự thì không còn thấy phân biệt mình với người; nếu mình cũng là người thì cảm giác của người mình đều cảm/hiểu được cả; cảm/hiểu được thì thương người cũng như thương mình.

- Pháp khó nói cao thấp. Cả đời chỉ niệm một câu "Nam mô A Di Đà Phật" cũng có thể thành đạo, mà ngồi nghĩ cao siêu cũng chưa chắc thành cái gì.

- Ai thì rồi cũng phải có một cái đạo cho mình - dù là đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Lão, hay đạo do tự mình nghĩ ra. Sống là hành cái đạo của mình. Hành đạo thì không có sự ngơi nghỉ. Không phải ngồi đọc kinh mới là hành, không phải ở trong chùa mới là hành... mà mọi lúc, mọi nơi, mọi hành vi từ nhỏ nhất đều là hành đạo của mình. Thở là hành cái đạo của mình; đi, đứng, nói, cười, làm việc, dạy con, viết blog, lái xe, ngủ... cũng là hành đạo. Không có sự ngơi nghỉ khỏi nó, giống như người ta không thể nói "thôi, tôi tạm nghỉ thở một lúc". Toàn bộ sự sống của mình phải thống nhất tự nhiên trong cái đạo đó.


- An lạc là cái người ta phải tìm cầu; phiền não là cái người ta phải kiên quyết, dũng mãnh đoạn trừ chứ đừng nghĩ nó là gia vị thú vị cho cuộc sống. Chư tăng trong chùa vẫn tụng:
"Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Tự tính chúng sinh thệ nguyện độ
Tự tính phiền não thệ nguyện đoạn
Tự tính Pháp môn thệ nguyện học
Tự tính Phật đạo thệ nguyện thành"

- Ai cũng có Phật tính bởi vì đó là tự tính của tất cả vạn vật. Thông minh, an lạc, hạnh phúc, tiền tài, thành công... tất cả đều nằm trong tự tính, từ tự tính mà ra. Con người không trở lại với tự tính, cứ toan tính theo những lối nhỏ, cuối cùng thường lại chẳng được gì.






Ở Tam bảo xuống
Chùa ngập nước. Sư chú phải bắc ghế gõ mộc bản để gọi mọi người vào niệm Phật khóa chiều
Thiền


Tuesday, August 13, 2013

Những ngày an lạc - 1

Hơn hai tháng nay, vì một dự án nghiên cứu bên Mỹ, tôi sống trong một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội.

4h sáng hàng ngày, chư tăng lên Tam bảo để hành trì công phu khuya. Hầu như ngày nào sư chú cũng là người lên đầu tiên và tôi theo sau để mở những cánh cửa gỗ của Tam bảo cho ánh sáng hắt ra sân chùa còn rất tối.


Tụng Lăng Nghiêm xong là ngoài 5 giờ, trời bắt đầu tang tảng sáng. Lúc đó lại xuống nhà trai niệm Phật khoá sáng. Vừa niệm vừa nhìn ra cửa sổ để thấy bầu trời sáng dần lên, mây tản ra. Niệm xong là trời bắt đầu sáng. Nắng sớm chiếu chênh chếch lên những bàn ghế và tách chén còn im lìm.

Ăn sáng lúc 6 giờ. Sau đó, từ 7 rưỡi đến tận khoá lễ chiều lúc ngoài 4h là liên tục các công việc hành trì của chư tăng trong mùa an cư.

Khoá lễ chiều xong, hoàng hôn bắt đầu xuống.

Trẻ con trong chùa thì nhảy xuống hồ bơi

Tôi thì hôm nào có thời gian là đi ra cánh đồng sau chùa.

Trong suốt 13 năm qua, đây là mùa hè tôi ở Việt Nam lâu nhất. Thật là một mùa hè an lạc.

Tuesday, July 23, 2013

Giao lưu về tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng và các thứ khác



Vào 15h ngày 1-8 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ sẽ tổ chức giao lưu với đọc giả về tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng. Tham gia giao lưu về phía tủ sách có anh Ngô Bảo Châu và tôi với tư cách là những người khởi xướng tủ sách và thực hiện nó trong 2 năm qua. Dẫn chương trình là một gương mặt vô cùng thú vị: hoạ sỹ Lê Thiết Cương.

Chương trình nói chuyện hôm tới sẽ có ba phần cơ bản:

- Nói chuyện về tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng và những gì đã làm được trong 2 năm qua.

- Giới thiệu 3 đầu sách mới lần này mà tôi cho là vô cùng xuất sắc: Núi thần của Thomas Mann (qua bản dịch xuất sắc của chị Nguyễn Hồng Vân), Tất cả chúng ta đều là cá của Neil Shubin (dịch giả Thạch Mai Hoàng), và Khởi sinh của cô độc của Paul Auster (dịch giả Phương Huyên).

- Giới thiệu cuốn sách thứ hai trong bộ Bất hạnh là một tài sản của tôi. Đây là cuốn sách tiếp theo cuốn Một mình ở châu Âu với tên Xuyên Mỹ. Sách thì sẽ ra sau khi tôi đã quay lại Mỹ cho nên NXB Trẻ tổ chức giới thiệu sách trước.

Địa điểm: Thư viện Hà Nội, 47 Bà Triệu. Chương trình mở cửa tự do.

Trân trọng mời các bạn tham dự. 

Wednesday, July 10, 2013

Thank you all and much love

Hôm qua, hội trường này chật kín chỗ, cả lối đi và hành lang. Hy vọng các bạn có một buổi tối ấm cúng. Thank you all and much much love.


Hôm qua anh Châu và anh Thao rất ga lăng xả thân cứu tác giả những đoạn ấp úng



Tuesday, July 02, 2013

Nói chuyện về cuốn "Một mình ở châu Âu"


Ngày 9-7 tới tại Hà Nội, Nhã Nam tổ chức một buổi nói chuyện về cuốn "Một mình ở châu Âu" của tôi. Khách mời của tôi tại buổi nói chuyện này là hai người bạn - nhà toán học Ngô Bảo Châu và luật sư kiêm nhà thơ Lâm Vũ Thao (tức blogger Goldmund). 

Thời gian: 6h tối ngày 9-7.
Địa điểm: Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp - L'Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Thông tin thêm về buổi nói chuyện ở đây:

Ở link trên gọi là "toạ đàm" nhưng tôi thì hình dung chỉ là một cuộc nói chuyện thoải mái. 

Thân mời các bạn tới dự. Vào cửa tự do. 

Wednesday, June 26, 2013

Ấn Độ

Tôi đã ở Mumbai từ cuối tuần trước. Sang đến Ấn Độ, cảm giác lớn nhất vào những ngày này là sự bất lực. Bất lực khi thấy những cái đẹp phí phạm trong cùng khổ. Bất lực thấy cái cùng khổ đưa đến những phí phạm cơ hội thoát khổ bằng cách cố gắng nhìn lên cao, nhìn vượt lên khỏi cơm áo trước mặt. Nhưng vừa cảm thấy bất lực, lại vừa thấy hy vọng.

Kiến ngộ khác chứng ngộ.

Duyên với nghiệp là một.

Phật với chúng ta vừa gần vừa xa.

Với căn cơ đa số chúng ta, muốn có trí tuệ trước hết phải tuân thủ giới luật; nhờ tuân thủ giới luật thì mới có định; có định thì trí tuệ phát sinh. Một người cũng thế, một nước cũng thế thôi.




Mấy bức ảnh chụp vội bằng điện thoại.

Tuesday, June 18, 2013

Tứ đại mỹ nhân


Ảnh chụp hôm qua. Mấy anh chị em đi ăn trưa với nhau (ăn chay). Từ trái qua phải:
1. Chị Phan Thị Hà Dương.
2. Anh Vũ Hà Văn
3. Tôi: vừa làm việc ở bệnh viện về nên vẫn còn mặc cái áo trắng họ phát.
4. Người mà ai cũng biết là ai đấy :)


Thursday, May 02, 2013

Lake Tahoe

Bảy người chúng tôi - ba gốc Ấn Độ, một gốc Thái Lan, hai Mỹ, và tôi Việt Nam - ở một cái cabin bên hồ Donner gần hồ Tahoe. Cabin là dạng nhà gỗ lớn, có nhiều phòng, thường cho người ta thuê để nghỉ hè hoặc nghỉ đông.

Đây là cabin


Từ trong nhà nhìn ra ngoài hồ qua cửa sổ:



Trong cabin có đầy đủ bếp và bát đĩa để nấu ăn.


 Lake Tahoe gần đó. 


Đánh bài và uống rượu bên ngoài deck.



Tuesday, April 30, 2013

Đạo Hồi

Tuần vừa rồi tôi đi Alabama nhận một cái giải thưởng nho nhỏ của một tổ chức Mỹ. Tôi ở nhà một người bạn Mỹ gốc Ấn Độ theo đạo Hồi. Ngày thứ Sáu, bạn tôi đưa tôi đến nhà thờ đạo Hồi để xem lễ. Lễ lúc 1h chiều thứ Sáu với người đạo Hồi giống như lễ vào sáng Chủ Nhật của người theo đạo Thiên Chúa. Kể chuyện thì dài, tôi post mấy cái ảnh trong nhà thờ.

 Họ có một phòng cho những người có trẻ con để ngồi trong đó, không gây ồn cho bên ngoài.
 Nhà thờ được ngăn đôi, phần phía trên dành cho đàn ông, phần dưới dành cho phụ nữ; giữa hai phần thì có vách ngăn và có dòng chữ "Đàn ông không vượt qua vạch này"
 Quỳ
Hiên nhà bạn tôi

 Ăn trưa đồ Ấn Độ:



Sunday, April 21, 2013

Paris - trích Một mình ở châu Âu

"Một mình ở châu Âu" là một cuốn rất khó trích


*
*    *


Đêm qua, tôi ăn bữa tối chia tay với Kai và Sarah. Chúng tôi đi bộ qua sông Seine ở đoạn Quai aux Fleurs, rồi vào một nhà hàng Địa Trung Hải chuyên phục vụ các loại crepe khác nhau. Kai gọi món crepe với thịt xông khói, trứng và rau; Sarah ăn bánh crepe với rau spinach; còn tôi ăn crepe với măng tây. Loại bánh crepe này có da màu nâu chứ không phải màu vàng vì chúng được làm bằng lúa mỳ còn nguyên thay vì bột mỳ. Kai gọi nước quả lên men, chỉ có 5% cồn. Chúng tôi ăn xong thì đi uống cà phê ở một quán ngay gần quảng trường Thánh Michel – lúc này đông nghẹt người ngồi ăn tối, uống cà phê và rượu. Khi chúng tôi đứng dậy đã là 11 giờ 33 phút và Kai phải bắt chuyến tàu muộn về lại nhà. Chúng tôi ôm hôn nhau và hẹn sẽ còn gặp lại.
Trở về khách sạn lúc gần nửa đêm sau khi chia tay Kai và Sarah, tôi có cảm giác như đã chia tay Paris đến nơi và một nỗi buồn len lén dâng lên. Tôi đi bộ trở lại bờ sông Seine, đứng đó nhìn xuống dòng nước một lúc rồi mới về phòng.
 Trong phòng, Carrie đang ngồi trên giường chăm chú nghiên cứu bản đồ Paris.
“Em đã tìm được nhà thuê chưa?” - tôi hỏi.
“Chậc," - Carrie tặc lưỡi rồi phá lên cười.  "Kế hoạch của em có một thay đổi nhỏ. Fuck, em đã khóc suốt cả ngày hôm nay…”
“Sao thế?”

Hóa ra, Carrie đi tới xem căn hộ và thích căn hộ đó. Nhưng vì Carrie chưa có việc làm và chỉ có visa du lịch nên người cho thuê nhà yêu cầu Carrie phải trả trước ba tháng tiền mặt, tức là khoảng 4000 đô la. Khi Carrie ra ngân hàng rút tiền, cô phát hoảng vì bốn nghìn là một nửa số tiền mà Carrie đã tiết kiệm được trong suốt mấy năm vừa học vừa làm bồi bàn.

“Thế là em bắt đầu khóc và nghĩ, fuck, không biết em đến Paris làm quái gì nhỉ. Chẳng hiểu thế quái nào mà em lại nảy ra cái ý định chuyển đến Paris sống một năm chứ. Em không thể làm thế được, em không thể. Em khóc, em gọi điện cho mẹ em, em bảo mẹ ơi, con không làm được. Mẹ em bảo con có thể làm bất cứ thứ gì con muốn, nếu con muốn chuyển đến Paris sống thì dũng cảm lên, con có thể làm được; còn nếu con chỉ muốn đi du lịch khắp châu Âu thì cũng được, tùy con. Em bảo là thôi con không chuyển đến Paris sống nữa, con chỉ đi du lịch quanh châu Âu khoảng ba tháng rồi sẽ về lại Mỹ. Đấy, giờ kế hoạch mới của em là thế… Nhưng vấn đề là bây giờ em không biết làm gì với cả cái đống shit này của em. Fuck! Em mang theo nhiều đồ quá, em cứ nghĩ là em sẽ chuyển đến đây, nhưng giờ chỉ đi du lịch thôi thì em không biết làm quái gì với cái đống shit này.”

Tôi nói với Carrie rằng sợ hãi là chuyện bình thường; ai cũng sẽ có một chút sợ hãi khi một mình chuyển đến một thành phố xa lạ ở một nước khác, không người thân thích.

“Nhưng em cần cho Paris một cơ hội và cho em một cơ hội với Paris,” tôi nói. “Rồi em sẽ thấy mừng là em đã chuyển đến đây.”

“Ồ không, không không" - Carrie lắc đầu quầy quậy - "Không đâu, em biết là em không muốn chuyển đến đây sống. Em chẳng biết là em lấy đâu ra cái ý nghĩ điên rồ đấy. Lúc em email cho cái bà chủ nhà và bảo bà ấy là xin lỗi bà, cháu không thuê nữa đâu, xin lỗi làm mất thời gian của bà, em thấy nhẹ hết cả người. Phù. Chúa ơi, không không, em không muốn đến đây sống đâu, em chỉ muốn đi du lịch ba lô quanh châu Âu một thời gian rồi về nhà tìm việc đi làm thôi. Lại đi làm kiếm tiền như mọi người.”

 Và đấy là lý do mà Carrie đang nghiên cứu cái bản đồ Paris bởi vì từ hôm đến đây, cô ấy quá lo lắng chuyện tìm nhà nên chẳng có tâm trí đâu mà ngắm Paris. Tôi chỉ cho Carrie cách gửi đồ thừa ngoài nhà ga, cách xem bản đồ, cách đi tàu điện và cách định hướng. Tôi trả lời các câu hỏi về Paris… và Carrie ngẩn ra, đập mạnh vào vai tôi:
“Ê bồ, làm thế quái nào mà bồ biết quá nhiều về Paris thế? Chị đến Paris được bao lâu rồi?”
“Mười hôm.”
“Mười hôm? Nghe cứ như chị đã sống ở đây cả năm, cái quái gì chị cũng biết là thế nào hử?”

Nghĩ cho kỹ thì Carrie cũng không sai nếu như tôi tính cả những năm tháng tôi đã đọc về Paris. Thực sự là, mới ở đây mười ngày nhưng tôi cảm giác như tôi đã biết rất rõ Paris, tôi có thể lên tàu đi bất cứ đâu, tìm đường về khách sạn từ bất cứ địa chỉ nào… tôi có thể chuyển đến đây sống mà sẽ không bỡ ngỡ. Thực sự, tôi đã không còn là một khách du lịch ở Paris nữa rồi.

Những ngày này, đêm nào tôi cũng đọc lại một chương trong Những người khốn khổ trước khi đi ngủ. Tôi sẽ trở về nhà từ đâu đó trong lòng Paris và trên chiếc giường đơn ở tầng hai, tôi bật cái đèn cá nhân ở đầu giường rồi mở Những người khốn khổ ra và lại chìm trong một Paris của Hugo với những cái tên quen thuộc – phố Thánh Denis, phố Thánh Jacques, Rue de Babylone, nhà xép Gác-bô, quán Cô-ranh, vườn Luxembourg, nhóm ABC, nhà tu Picpus, cầu Austerlitz, cánh đồng Sơn-ca, chân trời có rạng chớp, một phòng khách ngày ấy, Ma-ri-uýt nghèo, Ma-ri-uýt túng quẫn, Ma-ri-uýt tuyệt vọng… trong lúc cách đó không xa, sông Seine vẫn tiếp tục chảy trong đêm, Nhà thờ Đức Bà vẫn đứng sừng sững, vườn Luxembourg thiu thiu ngủ, và những tiếng giày lẻ loi của một người Paris nào đó vọng lên từ dưới lòng đường lát đá… - và tôi nghĩ “À phải, mình đã ở đây, mình biết chỗ này” hoặc “À, chỗ này mình chưa đến… mình phải nhớ đi tìm chỗ này…” và cứ thế, tôi chìm vào một giấc ngủ giữa một Paris ở gần tôi hơn, thật hơn, đẹp hơn đồng thời lại xa lạ, bí ẩn, và quyến rũ hơn bao giờ hết.


Ảnh: một cái ảnh hiếm hoi mà tôi chụp trong vườn Luxembourg; nếu không chẳng có bằng chứng gì về việc từng đến đây.




Wednesday, April 17, 2013

Trang mạng Học thế nào

Xin giới thiệu website mới: Học thế nào

Nhóm chủ xướng: Ngô Bảo Châu - Phạm Toàn - Vũ Hà Văn.


Monday, April 15, 2013

Học thế nào - sở tri chướng và phiền não chướng


Hôm nay tôi dạy buổi cuối cùng của kỳ này. Buổi hôm nay học về tuổi già và chúng tôi nói về việc đối mặt với cái chết. Chúng tôi nói về các lý thuyết của phương Tây, ví dụ lý thuyết của Elizabeth Kubler-Ross; rồi nói chuyện tại sao đa số người già sợ chết. Xong tôi hỏi sinh viên là các bạn có nghĩ là người ta có thể dùng ý chí để quyết định việc chết của mình như quyết định giơ tay lên hoặc bỏ tay xuống hay không? Tức là một ngày nào đó, bạn tự nhủ một cách chắn chắn "Tôi đã xong việc ở đây rồi; cuộc sống này với tôi thế là có thể chấm dứt", bạn biết chắc rằng không còn gì ở đây níu kéo bạn nữa và bạn ngồi xuống rồi nói "Nào, giờ ta chết" và thế là bạn dừng thở, giống như bạn quyết định giơ tay lên.

Sinh viên của tôi bảo cũng có thể; có nhiều người già bị bệnh, họ không muốn sống nữa, không muốn điều trị thì họ bỏ ăn dần rồi chết theo ý nguyện của họ.

Tôi bảo không, không phải bỏ ăn rồi chết; cũng không phải già có bệnh rồi quyết định chết. Mà là bạn có thể hoàn toàn khỏe mạnh, bạn có thể đang rất thành công, bạn hoàn toàn vui vẻ, bình thản khi nói "ta đã xong cuộc sống này, ta không còn gì ở đây để học nữa, ngày mai không mang lại giá trị gia tăng nào so với hôm nay" và bạn chết. Giống như đi đã ăn no thì ta chủ động dừng lại mặc dù thức ăn còn đầy trên bàn. Và ở đây có hai câu hỏi: thứ nhất, các bạn có thể nghĩ đến cái chết như cái gì đó mà bạn có thể chủ động quyết định trong cuộc đời bạn thay vì để nó "xảy ra" với bạn như đa số mọi người đều nghĩ thế; như đa số mọi người nghĩ đến việc sống lâu như một đặc ân/may mắn, và chết như một thứ mà họ phải chờ và phó mặc số phận? Thứ hai, nếu bạn muốn chủ động với cái chết của mình, thì bạn có thể dùng ý chí làm cho mình chết mà không cần đến việc nhịn ăn hay các phương pháp can thiệp khác (như thuốc ngủ, dao, súng, hoa hồng, nến, tàu điện, vv...)

Sinh viên của tôi bảo: không, không có chuyện đấy.

Tôi bảo có nhiều nhà sư có thể làm thế. Rồi tôi kể là bản thân tôi từng có lúc nhận biết rõ ràng nếu tôi nói với tôi "ta đã xong cuộc sống này" và biết chắc chắn điều đó, thì tôi sẽ ngừng thở. Tôi chưa thử nên không biết có đúng không, nhưng tôi có cảm giác rõ ràng như thế. Ngược lại, tôi cũng có cảm giác, chừng nào tôi còn bảo tôi sẽ không chết thì nhất định tôi sẽ không chết.

Cái chuyện tôi vừa nói ở trên không xa chuyện sở tri chướng và phiền não chướng. Nỗi sợ chết cũng như tất cả các cảm giác khác, chúng chỉ là thế mà thôi - chúng chỉ là các cảm giác; chúng đến liên tục, rồi chúng biến đổi, và rồi chúng ra đi, rồi chúng lại đến. Phút này mình vui, phút sau mình buồn. Phút này nghĩ cái này, phút sau nghĩ cái khác... cứ thế, cứ thế... Nhưng chúng chỉ là thế là thôi. Ngày trước, tôi cứ để những cảm xúc khác nhau lôi mình đi, hết lên cao lại xuống thấp, hết lên đỉnh núi lại xuống vực sâu - khiến mình mệt nhọc, chẳng làm được việc. Cho đến một ngày, tôi bảo "Đứng lại, mặc xác mày, tao không theo mày nữa". Thế là chúng đứng lại. Nói chính xác là tôi đứng lại. Những cái tình cảm và ý nghĩ thì vẫn đến mỗi phút, mỗi giây, mỗi khắc - vì đấy là việc của chúng, là bản chất của chúng, không thể thay đổi - nhưng mà tôi không theo chúng nữa.

Không theo chúng nữa - nhất là theo các cảm giác phiền muộn, đau buồn, theo các ý nghĩ cứ trở đi trở lại - thì tự nhiên đầu óc nhẹ bẫng, tiếp thu mọi thứ rất dễ dàng.

Phiền não chướng chính là việc để cho các cảm xúc và suy nghĩ phiền não lôi kéo, hành hạ mình như thể chúng với mình là một. Nhưng không phải vậy - chúng chỉ là chúng; kệ chúng thì rồi chúng sẽ thôi.

Sở tri chướng chính là việc để cho những suy nghĩ đứng chắn lối của mình. Suy nghĩ kiểu này chính là định kiến. Lấy ví dụ đơn giản, nếu các bạn gái tin rằng mình không thể giỏi toán, thì ngồi vào học toán là thấy đầu óc mụ mị. Nếu các bạn nam tin rằng mình không thể giỏi văn và ngoại ngữ, thậm chí còn tin con trai phải dốt văn, thì cái "sở tri" đó sẽ cản đường các bạn. Nói rộng ra, tất cả các tín điều về con người, thế giới, nhất là về bản thân mình sẽ là những cái hàng rào chắn bạn tiếp thu các kiến thức mới. Rộng nữa ra, chừng nào bạn chưa đạt tới hiểu biết rốt ráo về thế giới (trí tuệ Như Lai) thì mọi kiến thức bạn có, kể cả kiến thức uyên bác và tinh vi nhất, đều có thể chỉ là kiến thức nằm trong một hệ thống quy ước nhất định, nó là một mô phỏng và biến hiện mà thôi. Như thế thì mình luôn phải giữ một đầu óc thật rỗng và cởi mở để xem xét các hệ thống khác nữa, cho đến khi mình đi đến cái biết cuối cùng.

Bỏ chúng xuống, để chúng nó đấy, đừng theo chúng, bám vào chúng mỗi khi chúng trỗi lên. Gột sạch chúng, để cho đầu mình thật rỗng, thật sạch thì những kiến thức mới mới có chỗ để vào.

Bất cứ khi nào bạn đang học một điều mới mà một tình cảm hay ý nghĩ trỗi dậy cản bạn, bạn chỉ cần nhìn nó rồi đặt nó sang bên, bạn bảo "chắc gì" và bạn tiếp tục nghe cái điều mới... rồi suy xét. Đừng suy xét trước khi nghe xong.

Đặc biệt với các phiền muộn, bạn cần phải nhìn chúng, bỏ chúng xuống, đặt chúng sang bên. Chúng không phải là bạn. Chúng chỉ là thế mà thôi.

Bạn sẽ hỏi "chúng không phải là bạn" thì ai là bạn? Và cái người "bỏ" chúng xuống là ai? Tạm thời tôi sẽ nói thế này theo kinh nghiệm cá nhân: nếu bạn hít thở sâu, nhắm mắt và nhìn vào bên trong, thì cái phần tĩnh lặng nhất, sâu nhất ở trong cái làm thành sự nhận biết của bạn chính là bạn. Cái phần nằm yên lặng ở đáy tim bạn ấy. Hãy chỉ tin và theo cái đó thôi. Còn những cảm xúc và ý nghĩ chạy nhảy trên bề mặt, mặc kệ chúng. Chúng chỉ thế mà thôi.

Tôi nghe nói sau này, toàn bộ cảm giác về "tôi" về ngã sẽ biến mất. Nhưng trước khi đi đến đó, đầu tiên, hãy cứ bám vào cái tôi nằm yên lặng đáy tim bạn và để cho nó dẫn đường. Trong kinh nghiệm của tôi, nó độ lượng và sáng suốt hơn rất nhiều tất cả những thứ tình cảm, kiến thức chạy nhảy trên bề mặt mà ta hay nhầm tưởng là ta. Nó mới thực sự là "người học". 

Tuesday, April 09, 2013

Mùa xuân rồi

Hoa nở, cỏ mọc lại, cây ra lá trong trường




Sinh viên bắt đầu mặc áo phông, quần sóoc đến trường

Đã bắt đầu có thể ra ngồi ăn trưa ở cái vườn nhỏ sau văn phòng của tôi

Friday, April 05, 2013

Lặn

Có lần tôi nói viết văn giống như đào mỏ... phải đào bới, gạt đất đá ra để thấy quặng. 

Hoặc viết văn giống như bắt bướm... lúc đó phải đứng im, toàn thân bất động để nó không bay đi mất

Hoặc viết văn giống như ngủ mơ, và không được phép thức dậy để làm gián đoạn giấc mơ.

Viết văn cũng giống lặn. Mỗi lúc hoàn thành một cuốn sách là một cuộc lặn sâu, chỉ thỉnh thoảng ngoi lên mặt nước lấy không khí, rồi lại lặn xuống tiếp.

Mỗi lúc như thế, dù không muốn thì cuộc sống bên ngoài vẫn bị đẩy vào trạng thái cảnh nền, về cơ bản là nhòa; mọi hoạt động có tính auto-pilot.

Dạo này tôi cũng đang trong trạng thái lặn.

Nhưng cũng không thể lặn liên tục được; thỉnh thoảng vẫn phải ngoi lên mặt nước để thở và thấy mặt trời.

Ví dụ như mặt trời chân lý này của Goldmund:
"Một mình ở châu Âu - Phan Việt: Chuyện gái đi lang thang một mình và ngắm những anh đẹp trai."

Thật là thiên tài! Từ giờ tất cả các sách tôi viết sẽ có công thức thế này:

"Chuyện gái [.......điền động từ thích hợp vào chỗ này.....] những anh đẹp trai"

Thật đấy :).

Monday, March 25, 2013

Học như thế nào - Phần 1 (Cách khai mở trí tuệ)



Cách khai mở trí tuệ: Định lực, nghiệp lực, và chuyển nghiệp

Bạn chắc chắn đã tự trải qua hoặc nghe thấy những chuyện này:
-       -  Có người học mãi mà không vào (bị bố mẹ gọi là đồ óc bã đậu, dốt như bò, nước đổ đầu vịt), có người thì cô giáo vừa nói nửa câu đã hiểu.
-        - Có người rất thông minh, học hiểu nhanh, ai cũng bảo giỏi, nhưng cứ đi thi thì kết quả thấp; mọi người bảo “học tài thi phận”.
-        - Có người lúc bé học rất “dốt” đến lớn tự nhiên thông minh vượt bậc, không phải theo kiểu “khôn ra”, mà thực sự trí thông minh, tư duy phát triển lên. Và có người thì lúc bé học giỏi, lớn lên lại hoàn toàn “thui chột”.
-       -  Bạn có một ý tưởng, muốn biến nó thành hiện thực, và ở trong đầu thì bạn có thể nghĩ nó rõ ràng mà cứ muốn ngồi xuống làm thì đầu óc bắt đầu nhẹo nhệch, vặn vẹo, không sao làm được như ý.
-       -  Có người có khả năng tập trung rất cao, có người không – và cái này khác với trí thông minh. 

Dĩ nhiên là có thể giải thích tất cả những điều trên bằng các khái niệm, lý thuyết phương Tây như trí thông minh, do di truyền, vv... chuyện ấy nói sau. Giờ ta hẵng nói tới một cách giải thích mà tôi được học lúc ở ĐH ở Việt Nam. Với cá nhân tôi, đây là một trong những thứ đã thay đổi cuộc đời tôi.

Khi tôi học đại học, tôi bắt đầu đi tập thiền vì tôi hay bị đau ốm lặt vặt do lúc bé bị chạy sởi mấy năm liền. Tuy đi tập với mục đích thể chất là chính, rút cục tôi học được rất nhiều thứ. Một trong những thứ đó là khái niệm “định” và “huệ” hay còn gọi là “tuệ”. “Định” hiểu đơn giản nhất là khả năng tập trung. Còn “huệ” hay “tuệ” tức là việc thấy/biết/hiểu về bản chất vũ trụ, con người. Nó là một tầng bên trên nữa của trí thông minh lý tính. Người có trí huệ chắc chắn là thông minh; còn người thông minh thì chưa chắc đã có trí huệ. 

Khi nói đến “trí tuệ/trí huệ”, thầy tôi thường dùng từ “khai mở trí tuệ”. Thầy giải thích thêm rằng con người ta, ai cũng có khả năng đạt tới giác ngộ, tức trí tuệ của Phật – tức là biết tuốt (Phật nói ai cũng là Phật, tất cả chúng sinh cùng một bản thể, tự tính). Nhưng khi sinh ra trong thân xác con người, do vọng niệm, mà trí huệ đó bị che mờ như mây che mặt trăng. Để đạt đến ngộ, đến chỗ có trí tuệ như Phật thì không cần làm gì khác ngoài việc gạt dần mây ra cho thấy trăng mà thôi. Trăng thì lúc nào cũng ở đó, chứ không phải không có trăng.

Thầy nói: thân xác vật lý của ta lẫn tâm của ta cứ hay ốm đau và tăm tối là vì nó chứa quá nhiều thứ tạp niệm, gọi nôm na là chứa các thứ rác ý nghĩ, rác năng lượng, rác hành vi. Chứa trong đầu ý nghĩ xấu, tình cảm xấu, làm hành vi xấu… thì không khác gì chứa rác trong người. Phải lọc cho thân mình thanh sạch đi, thì mới có thể khỏe mạnh lên và phát triển trí tuệ. Thày nói một hình ảnh khác: thân ta (gồm cả thân vật lý và đầu óc ta) như cái bình nước, bao lâu nay đủ thứ cặn bẩn rơi trong đó, ta lại còn suốt ngày khoắng nó lên làm cái bình đục ngầu, thế thì có rọi ánh sáng vào cũng làm sao thấy được; phải lắng bụi, gạn hết bụi ra, chỉ còn lại nước trong, thì tự khắc ta hấp thụ mọi thứ đều đúng như nó.

Nghe thế thì tôi rất phấn khởi, nghĩ bụng ok, mình nhất định tập để cho thông minh lên :)

Để khai mở trí tuệ thì dĩ nhiên phải tập, vì bao lâu nay tích lũy cặn rác nhiều, giờ phải gạn đục khơi trong dần dần. Sơ khởi nhất là tập thở, tập quán để dùng ý chí lọc các tà khí, trược khí, năng lượng xấu khỏi cơ thể và học cách tập trung, ở trong hiện tại. Lúc đó tôi là học sinh mới nên chỉ tập các bài đơn giản, gọi là các bài tập “thanh lọc thân tâm”. 

Nhưng mà tôi thấy ngay cả trong lớp tập thiền, có người tập nhanh, có người tập chậm, có người tiến bộ, có người không; tôi ngấm ngầm nghi ngờ rằng có người bẩm sinh đã có trí tuệ hơn người khác và có thể giác ngộ trong đời này, có người thì không. Tôi hỏi thầy; thì thầy nói thêm ba khái niệm khác là định lực, nghiệp lực, và chuyển nghiệp. 

Đại để, thầy nói: khi ta làm bất cứ việc gì thì cũng có hai thứ lực khác nhau chi phối kết quả của việc ta làm. Nghiệp lực là cái lực tích trữ từ trước, là “quả” của những thứ mà ta đã gieo từ trước (gồm cả đời trước, kiếp trước); nếu nó là quả xấu thì nó sẽ ngăn trở ta, nếu nó là quả tốt thì nó giúp ta. Còn “định lực” là cái của hiện tại, là quyết tâm và thiện ý của ta vào lúc này. Kết quả của công việc phụ thuộc vào sự vật lộn của hai lực này. Ví dụ lúc ta cứ vặn vẹo, ngáng ra không chịu làm việc, là cũng do nghiệp lực ngăn trở. Hoặc “học tài thi phận” cũng thế.

Vậy làm thế nào để hạn chế các nghiệp lực xấu? 

Thầy nói: Chuyển tâm thì chuyển nghiệp.

Nghiệp là cái đã tạo; giống như tên đã bắn ra, không có cách nào mà kéo nó lại; giờ chỉ có làm cho nó đỡ đi. Và muốn thế, không có cách nào khác là chuyển cái tâm hiện tại. 

Đến chỗ này thì ta gặp một khái niệm khó nhất trong đạo Phật là “tâm”. Ai hiểu được “tâm” là gì thì đã ngộ, chuyện không cần nói nữa. Nhưng nôm na nhất thì chuyển tâm là chuyển cái thái độ, tinh thần, tình cảm của mình với tất cả mọi thứ trong vũ trụ.

Cách chuyển tâm tốt nhất là chuyển từ cái tâm ta đang có sang tâm Phật, tâm Bồ Tát, tâm Bồ Đề. Tức là hãy yêu thương tất cả - từ các sinh vật chó mèo, cây cỏ hoa lá, trời đất xung quanh, và nhất là tất cả mọi người, bao gồm cả kẻ thù của bạn. Hãy chân thành yêu thương, yêu quý họ, mong muốn điều tốt cho họ một cách sâu sắc. 

Chuyển tâm sang tâm lành, tâm thiện; thì cái định lực của bạn tức cái thiện ý, quyết tâm hiện tại của bạn có thể giúp bạn chiến thắng nghiệp lực. Có thể kết quả không được mĩ mãn như ý nhưng chắc chắn sẽ hơn là nếu bạn không có thiện ý, quyết tâm. 

Nói nghe dễ nhưng yêu thương cũng phải luyện thì mới thuần thục được vì bảo chúc lành cho bố mẹ mình thì dễ, chứ cho kẻ thù của mình thì khó lắm. Cho nên thầy có nhiều bài tập. Có mấy bài tập dễ như thế này. Thứ nhất là bài tập chúc lành. Sáng ngủ dậy, hãy hít thở sâu, nghĩ đến từng người quanh bạn, và chúc những điều tốt lành cho họ (bao gồm cả kẻ thù của bạn). Trong ngày, khi gặp ai ngoài đường, ở trường, ở nơi làm, hãy thầm chúc mọi điều tốt lành cho họ. Cuối ngày, trước khi đi ngủ, hãy hít thở, chúc lành cho tất cả mọi người. Thứ hai là bài tập lòng vị tha. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, khi hít vào thì thầm nghĩ “Lỗi người thì bỏ” và thành tâm bỏ hết tha thứ, xả bỏ hết mọi “lỗi” mà người khác gây cho mình. Thở ra thì niệm thầm trong óc “Lỗi mình xin tha” – và thành tâm xin người khác tha thứ các lỗi cho mình, dù ở bất cứ lúc nào. Xin tha thứ thì đồng thời phải tâm niệm sẽ không bao giờ mắc lại lỗi đó nữa.

Các bài tập “quán” và tập cho đầu óc tập trung hơn thì cần có thầy hướng dẫn, tôi không thể bừa bãi nói ra đây được. Nhưng có một bài dễ, ai cũng làm được là hãy để ý đến hơi thở của mình; cứ thở bình thường và để ý đến hơi thở của mình đi ra đi vào. Bạn cứ làm đi, bạn sẽ thấy nhiều điều kì diệu xảy ra.

Lúc đầu thì phải tập; về sau thì không cần phải ép mình nữa, mọi việc sẽ diễn ta tự nhiên. 

Quay lại câu hỏi “Học như thế nào?”. Để học tốt, hãy khai mở trí tuệ của bạn bằng thanh lọc thân tâm – làm cho tâm mình sáng lên, trong lên, sạch đi để tiếp thu mọi thứ dễ dàng. Khi bạn chuyển tâm:
-        - Bạn sẽ thông minh lên, sáng dạ ra, học hành và mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn.
-       - Lúc nào bạn cũng thấy một cảm giác vui vẻ lặng lẽ trong lòng, cuộc đời tự nhiên phơi phới; kể cả có lúc tụt xuống đáy vực thì mình cũng không bi lụy
-        - Thế giới và con người trở nên dễ chịu hơn nhiều.

Về sau này, khi đã tìm hiểu thêm về Phật pháp thì tôi biết là thầy đã đơn giản hóa rất nhiều khái niệm để chúng tôi có thể học được, tập được, hiểu được, theo được. Bạn tập qua các bài đơn giản này, rồi bạn tự có sức mà đi tiếp vào sự vô biên của thế giới.

Bạn có thể không tin vào đạo Phật, không tin chuyện nghiệp, chuyện nhân –quả, luân hồi – không sao cả. Chỉ cần bạn tin điều này: khi bạn thanh lọc thân mình, đầu óc mình khỏi những ý nghĩ xấu, tình cảm xấu và trang bị cho nó toàn bằng những thiện ý, nó sẽ sáng lên, sạch sẽ, và phẳng lặng; nó sẽ trong suốt, đủ để cho mọi kiến thức khác chảy vào dễ hơn.

Bài sau: Vượt chướng ngại trí tuệ - sở tri chướng và phiền não chướng