Tuesday, January 25, 2011

Ghi vội ở Sài Gòn (1)

Nửa đêm, tôi đi bộ từ khách sạn trên đường Mạc Thị Bưởi ra đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ xem đêm ở khu trung tâm Sài Gòn thế nào. Phố vắng. Một ông già ngoài 60, gầy, đen, đứng phía sau một cái xe đẩy nhỏ bán bánh mỳ kẹp. Quán hàng chỉ có một cái đèn chụp rất nhỏ thắp phía sau một khung kính để khách đi ngang thấy rõ là hàng bánh mỳ kẹp; bên trong khung kính là những miếng chả, giò lụa, giò thủ, dăm bông, xúc xích; bên cạnh là một cái chậu nhựa nhỏ đựng pate nhiều mỡ nấu nhừ, một chậu khác đựng rau thơm và một cái bát ô tô để cà rốt với xu hào muối thái con chì.

Ông già đứng sau cái xe đẩy nhỏ, cắt cắt thái thái rất chăm chú. Tôi không đói, không định ăn bánh mỳ, nhưng tôi đứng lại, nhẩm tính xem một người bán hàng rong như vậy trong một ngày sẽ bán được bao nhiêu tiền, lãi được bao nhiêu. Mùa hè trước, khi tôi về làm đám 49 ngày cho bà ngoại, các bà già trong họ ngồi vây quanh tôi trên phản, hỏi “thế mày đi làm bên đấy lương bao nhiêu cả con?”. Rồi các bà kêu lên, “ôi giời ơi, mày đi làm một năm thì bằng các bà làm cả đời”. Câu nói đấy cứ đeo đuổi tôi mãi - vì "cả đời" là một khoảng thời gian dài; có bao nhiêu tính toán, dè sẻn, vật lộn, đau khổ trong khoảng thời gian đó. Nông thôn Việt Nam là cả một bức tranh khác mà người trí thức, nhất là nhà văn, phải học, phải hiểu thì mới không trở nên hời hợt, ngay cả khi họ không viết về nông thôn.
- Cho cháu một cái bánh mỳ kẹp.
Ông già không nói gì; tiếp tục cắt cắt, thái thái. Tôi đứng nhìn, chờ.

Ngoài phố hầu như không có xe. Ông già tiếp tục cắt cắt, thái thái; tiếng dao trên thớt đều đều. Đột nhiên, ông già nói, giọng Nam Bộ:
- Thảy hết ra đi.

Tôi giật mình; lúc đó mới nhìn thấy phía sau ông già là một người phụ nữ nhỏ, ngồi sụp bên cạnh lò than nướng bánh mỳ phía dưới. Nhưng lúc đó, cái duy nhất mà tôi nghe thấy là mấy từ "Thảy hết ra đi". Chúng cứ âm vang bình thản, như một tiếng chuông dài trong thung lũng:
- Thảy hết ra đi. Thảy hết ra đi.


Bổ sung ngày 27: Đọc được bài này

No comments: