Saturday, January 08, 2011

Ghi vội ở Hà Nội

Tôi mới về Hà Nội được mấy ngày. Ngày 1, tôi ngồi hết một buổi chiều ở một hàng cắt tóc để cắt tóc. Cô bé gội đầu khoảng 18 tuổi, hỏi:
- Chị gội đầu kiểu gì?
Lần này thì tôi biết nói "Gì cũng được em ạ". Lần trước - tức mùa hè vừa rồi - cũng ở hàng cắt tóc này và cũng với câu hỏi này, tôi ngớ ra không hiểu "kiểu" ở đây là gì.

"Lẽ ra em phải bảo chị muốn gội đầu kiểu trường phái Chicago" - một người bạn đùa tôi như vậy khi tôi kể lại.

Quả thật là lúc đó, tôi cũng tưởng tượng một cái gì tương tự như vậy - có thể là các hàng gội đầu bây giờ có gội đầu ấn tượng, gội đầu tân cổ điển, gội đầu lập thể, gội đầu hậu hiện đại, gội đầu hiện sinh, gội đầu giải cấu trúc, gội đầu tối giản, gội đầu hiện thực phê phán hoặc ít nhất cũng gội đầu 2 nước, gội 3 nước, gội xả mát xa rửa mặt combo hay gì gì đó mà tôi không biết. Lúc ấy lúng túng và đã đang trong tư thế nằm trên ghế, mắt nhắm lại, tôi đành nói chung chung:
- Chị gội đầu bình thường, gội để cắt tóc thôi em ạ.
Ý tôi là em chỉ cần xả nước và gội qua một chút để cắt cho dễ - vì trong 10 năm qua thì những người cắt tóc cho tôi tại Mỹ bao giờ cũng chỉ mất 5 phút để xả nước và gội qua trước khi cắt tóc.

Em bé gội đầu vẫn kiên quyết:
- Vầng, nhưng chị gội kiểu gì?

Tôi bí quá:
- Thế em có những kiểu gội gì?

Em nói:
- Bọn em có Sunsilk, Pantene với Clear.

Ra thế. Cảm giác phải học lại về một nơi vốn thân thuộc với mình bắt đầu từ những thứ nhỏ trở đi là một cảm giác thú vị. Mà có lẽ phải nói là cảm giác quý giá. Từ góc độ người kể chuyện, tất cả những điều có thể làm nên “nghĩa” và “thực tại” ở tầng bên dưới của sự kể và minh họa đều là những thứ quý giá với người viết. Cho nên đối với tôi, mỗi lần về Hà Nội thời gian gần đây là một lần quý giá – quý giá vì sự thân quen và xa lạ của nó, quý giá vì được bắt đầu lại, được thấy sự bề bộn và liên tục chảy trôi ở đây, sự nghiễm nhiên của những thứ không bao giờ là nghiễm nhiên ở Mỹ… như những mỏ vàng cho người viết.
Một khi bạn đã là người viết văn, bạn sẽ không bao giờ ngừng là người viết. Bạn viết cả trong lúc nghe cô gái gội đầu nói “Vầng, nhưng chị gội kiểu gì?” Bạn viết cả trong lúc bạn nằm ngửa trên ghế để cho cô gái đó xả nước, xoa xà phòng, gãi đầu cho bạn, lật đầu bạn sang bên để gãi bên phải, rồi lật đầu bạn sang bên để gãi bên trái bằng những động tác tay uyển chuyển đến mức không hề có sự đứt gãy giữa gãi, lật, xả nước. Và bạn tiếp tục viết trong lúc cô gái đó lại xả nước lần 2, rồi lại xoa dầu gội, lại gãi, lại xả nước, lại xoa dầu, lại gội. Bạn viết bằng sự ghi nhận cái lúng túng của bạn trước một câu hỏi bình thường “Chị gội đầu kiểu gì?” Và trong sự ghi nhận thấm thía, bình tĩnh những cảm giác không chỉ ở trên da đầu bạn khi tiếp xúc với nước ấm, với một đôi bàn tay khác, với sự uyển chuyển đã nói trên, mà với những thứ khác nữa. Ví dụ của "những thứ khác" đó là việc bỗng nhận ra mồn một cái xa lạ và lưu vong về tâm lý của những người sinh ra và lớn lên ở một nơi, nhưng sinh sống và lập nghiệp ở một thế giới khác. Những chuyện này, nếu coi giản đơn thì chỉ là những lựa chọn và vào bất cứ lúc nào, nếu muốn, người ta đều có thể chấm dứt nó bằng cách lựa chọn chấm dứt nó. Nhưng nếu coi nó là phức tạp thì nó cũng rất phức tạp. Cả sự giản đơn và phức tạp đều là một phần của cái làm nên thực tại và cuộc sống con người.
Nếu nhận ra như thế thì ở Hà Nội bây giờ, phải viết 24/24 mới đủ thời gian. Ở Hà Nội bây giờ, ở Việt Nam bây giờ, cuộc sống cứ ứa ra, túa ra lênh láng như nước từ một đường ống chẳng may bị những người đặt cáp làm đường bổ vỡ vậy.

No comments: