Bây giờ là buổi tối ở Thượng Hải. Trời đang mưa, nhiệt độ khoảng 30 độ C, cũng nóng ẩm như ở VN. Chiều nay, khi tôi đến, trời không mưa nhưng không hề nhìn thấy mặt trời. Cả thành phố ở dưới một màn mây màu xám do khói bụi kết lại; không khí lúc nào cũng như phủ sương mù. Tuy thế, ngay từ khi đặt chân xuống sân bay Pudong, tôi lập tức nhận ra Thượng Hải là một thành phố có định hướng quốc tế rất rõ ràng. Những người quy hoạch cho thành phố này có vẻ có ý thức rất rõ việc biến nó thành một trung tâm quốc tế trước hết là ở châu Á và sau đó là cả thế giới. Từ sân bay đồ sộ và hiện đại, tới đường cao tốc nhiều làn, có kẻ biển hiệu giống hệt ở Mỹ, bằng tiếng Trung và tiếng Anh, tới những thứ nho nhỏ như việc người ta cử người xếp các xe đẩy hành lý trong sân bay thành một hàng một trên vỉa hè để cho hành khách có thể dễ dàng lấy xe... Những cái đó thể hiện một tinh thần hướng vào dịch vụ, tiện nghi, hướng vào việc thỏa mãn khách hàng ở mức phổ quát nhất và quốc tế nhất.
Không kể lần đi Hồng Kong năm ngoái thì đây là lần đầu tôi tới Trung Quốc - để dự một hội thảo quốc tế về công tác xã hội và chính sách xã hội mà tôi có một bài thuyết trình, đồng thời là một thành viên của ban tổ chức từ phía Hội những người giảng dạy CTXH châu Á - Thái Bình Dương. Hội thảo này có nhiều bên đồng tổ chức - trường đại học Đông Á ở Thượng Hải, Hội những người giảng dạy CTXH nói trên, Đại học New York, Humboldt Foundation của Đức, và Vụ các vấn đề xã hội của Thượng Hải. Về cơ bản thì phần nội dung là do bên Hội tổ chức; các thành phần còn lại hỗ trợ về mặt kinh phí và hậu cần. Đặc biệt, sự tham gia của ĐH New York nằm trong chiến lược mở một chi nhánh của ĐH New York tại Thượng Hải nhằm đặt một tiền đồn cho thị trường TQ và châu Á - giống như họ đã mở một campus ở Abu Dhabi để đặt một tiền đồn ở khối các nước nói tiếng Ả rập. Theo dự kiến, năm 2013, tức là chỉ 2 năm nữa, campus ở Thượng Hải sẽ khai giảng khóa đầu tiên. Trong vòng một năm qua, kể từ khi tôi bắt đầu làm việc cho Đại học San Jose và triển khai khóa học mùa hè về CTXH cho sinh viên Mỹ tại Việt Nam, tôi nhận thấy rất rõ cái thế của TQ trong thị trường giáo dục Mỹ. Ở Mỹ hiện tại, trong hầu hết các trường đại học, "châu Á" về cơ bản được hiểu là Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Các khoa ngôn ngữ và văn minh châu Á chủ yếu dạy tiếng, văn hóa, lịch sử, vv... về các nước này; toàn bộ phần còn lại của châu Á gần như bị bỏ không.
Từ sân bay về khách sạn mất 40 phút. Đường cao tốc từ sân bay vào thành phố 4-5 làn, xây hiện đại không khác gì ở Mỹ, và xe chạy tương đối quy củ, chắc chắn là hơn hẳn VN. Giá đi taxi ở đây có vẻ cũng rẻ hơn ở Hà Nội. Tôi check-in vào khách sạn, và lập tức được yêu cầu phải trả trước toàn bộ tiền phòng cho 3 tối, cộng với 100 đô la đảm bảo. Mà đây là khách sạn chính thức của hội thảo. Cái tâm lý “ăn chắc mặt bền”, không tin người và luôn đề phòng thủ lợi cho mình trước là một tâm lý rất đáng buồn ở nhiều nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Về mặt này, tôi buộc phải nói rằng ở Mỹ sống dễ hơn rất nhiều vì không phải nhìn trước ngó sau, không phải suy đoán xem người ta có đang lừa mình không. Bản thân luật và các dịch vụ ở Mỹ cũng thế: hầu hết dựa trên mặc định rằng đa số người ta là tốt và trung thực (hoặc muốn được sống trung thực), phần không trung thực là rất nhỏ; cho nên không nên vì đề phòng phần không trung thực mà tạo ra các loại cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa, tra xét rất tốn thời gian và tốn tiền, lại không tôn trọng con người. Cho nên, ở Mỹ, bạn không phải đi xin xác nhận của phường hay của bất cứ ai khi đi đăng ký kết hôn, chỉ cần cái cam kết và chữ ký của chính bạn là đủ. Người Mỹ “thực dụng” thực sự chính là ở những chỗ như thế này: với họ, tính về hiệu quả kinh tế, tin tưởng lẫn nhau thực ra có lợi hơn là đề phòng và tạo các cơ chế kiểm soát mà theo đó ngầm mặc định sự thấp kém của con người.
Phòng khách sạn có internet nhưng không vào được Facebook, Blogspot và nhiều trang khác vì tường lửa. Google và nhiều trang nghiễm nhiên chuyển sang tiếng Trung. Cái cảm giác bị quản lý và theo dõi ở đây rất rõ và lộ liễu. Tôi lập tức thấy mình cảnh giác – nên không vào banking online và hạn chế luôn cả việc vào Internet.
Buổi tối, tôi bắt taxi chạy vào khu trung tâm thành phố. Tính về mức độ sầm uất, mật độ nhà chọc trời, sự phong phú của hàng hóa thì Thượng Hải còn hơn các thành phố lớn của Mỹ và châu Âu. Nhưng xét về mặt dịch vụ và văn minh thì còn một khoảng cách lớn. Một ví dụ đơn giản là việc nhân viên phục vụ nhà hàng ở đây không hề quán xuyến khách – mà cứ phải để khách phải gọi. Một ví dụ khác là việc khi bạn đứng chụp ảnh thì những người đi qua đi lại không hề có ý thức tránh ra giúp bạn; họ cứ thản nhiên đi ngang qua màn hình hoặc thậm chí đứng lại nhìn; hoặc chen ngang chặn trước mặt bạn. Văn minh và sự quý trọng con người phải đến từ hai thứ - một là cái triết lý sống sâu xa của xã hội đó, và hai là quá trình thực hành thói quen sống văn minh. Tôi nhớ hồi năm ngoái, khi bố tôi sang Chicago thăm tôi, sáng nào cụ cũng dậy sớm đi bộ trên mấy con đường quanh nhà, và cụ cứ tấm tắc (gần như kinh ngạc) một việc là khi cụ đi bộ trên vỉa hè, thì những người đi ngược chiều với cụ lập tức tránh qua bên kia từ xa để nhường đường cho cụ, hoặc nếu họ dắt chó thì họ lập tức đứng lại, ghìm dây chó thật chắc và mỉm cười chào cụ, chờ cụ đi qua xong họ mới đi tiếp. Hoặc cụ cứ tấm tắc là khi chúng tôi đi chơi, thì những người đi qua nhìn thấy tôi chụp ảnh cho bố mẹ tôi là họ tươi cười hỏi "Các bạn có muốn tôi chụp cho cả ba người hay không?".
Đồ ăn ở Thượng Hải nhiều dầu mỡ xào nấu, hầu như chỉ có vị của đồ nêm, không còn có vị nguyên chất của thực phẩm. Ít rau, nhiều thịt, và tương đối cay. Có lẽ vì thế mà người Thượng Hải không đẹp – họ nặng nề, các nét thô, xương to, da thô; cả một ngày, tôi không gặp một cô gái nào mà tôi thấy là đẹp. Ở Hà Nội, mật độ này dày. Bạn tôi nói người Bắc Kinh đẹp hơn.
Trước khi đi ngủ, tôi mở vô tuyến xem truyền hình của TQ. Trong một chương trình gì đó có vẻ là thời sự, người dẫn chương trình đang nói chuyện bàn tròn với hai người đàn ông khác có vẻ là chính trị gia; họ chiếu nhiều hình ảnh hải quân và tàu trên biển – chắc chắn là đang nói về Biển Đông. Trong một chương trình ca nhạc khác, một cô bé khoảng 3 tuổi, mặc quân phục trắng của quân đội, đội mũ quân đội đang cầm một chiếc micro rất to hát sang sảng một bài gì đó chắc chắn nói về tình yêu nước hay tinh thần cách mạng hay cái gì đó đại loại như vậy. Cô bé quắc mắc, giơ nắm đấm lên cao. Khán giả vỗ tay vang dội. Tôi nghe cái âm sang sảng và những tiếng rin rít trầm bổng của thứ tiếng Tàu được phát âm với nhiều cảm xúc mà không khỏi nghĩ đất nước này là một khối tham vọng khẳng định bản thân khổng lồ, kể từ trong cái khí độ của ngôn ngữ trở đi. Bất kể cái tham vọng khẳng định đó có hình thù cụ thể là gì thì cái khối 1 tỷ người khổng lồ này, dưới sự định hướng của chính quyền TQ hiện tại, có vẻ đang rất cần giải tỏa, khai thông nó để tránh làm cơ thể Trung Hoa suy nhược do bế khí. Ở cạnh một khối khí aggressive đang cần khai thông như thế thì không thể nào lơ là việc tập luyện cho mình khỏe lên, lành mạnh lên, vững vàng lên.
No comments:
Post a Comment