Friday, September 16, 2011

Crazy talk - số 1: Mỳ ống và thịt băm


(Tôi không chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính logic, hoặc sự có nghĩa của các dòng bên dưới đây.)

Tôi và AJ, một người bạn, đang nói chuyện liệu có cuộc sống sau cái chết hay không. AJ thì đã uống rượu trong bữa tối; tôi thì buồn ngủ. AJ là dân khoa học hardcore (học MIT ra), tự nhận mình vô thần. AJ nói rằng afterlife chỉ là một giả thuyết của những người tiền sử ngồi trong hang đá, thấy sấm thì phải nghĩ là có thần sấm. Họ phải nghĩ ra cuộc sống sau cái chết vì nếu không thì sẽ không thể có một ý nghĩa nào cho cuộc sống con người; đấy chỉ là một model và là một model “tiện lợi” khi không có model nào thay thế. Model thay thế duy nhất là model không có cuộc sống sau cái chết, tất cả chỉ là đây và bây giờ; với model này thì nếu ta nhận ra thêm các dữ kiện là đến một thời điểm nào đó, toàn bộ loài người phải bị tiêu diệt, vân vân… như thế thì cuộc sống rất vô nghĩa, model này không convinient và functional cho tồn tại nên người ta không chấp nhận. Chỗ này AJ còn nói đến các phép chứng minh trong sác xuất thống kê: khi bạn có một null hypothesis, bạn làm gì, khi có một alternative hypothesis, bạn làm gì, nhưng tôi sẽ bỏ qua.

AJ hỏi tôi nghĩ thế nào. Tôi nói vì tôi không biết chắc chắn và sẽ không có khả năng biết chắc chắn cho đến lúc tôi chết đi hoặc là cho đến lúc, alas, tôi thành siêu nhân có khả năng quán chiếu toàn bộ sự thật về vũ trụ, cho nên tạm thời tôi không kết luận mà tôi lựa chọn dùng mô hình giải thích của đạo Phật vì khi tôi dùng đạo Phật để giải thích thì thế giới có nghĩa hơn (make sense) – không phải vì tôi cần một ý nghĩa cho cuộc sống của tôi (meaningful – mô hình interpretive), mà vì như thế thì tôi thấy giải thích các kinh nghiệm và nhận thức của tôi một cách hợp lý và trọn vẹn nhất (data fit model).

Sau phần đầu đó thì đến một đoạn nói chuyện kéo dài 2 tiếng xung quanh vấn đề này; tôi còn nhớ được một số thứ thế này:

- AJ, anh có nghĩ là có một sự thật rốt ráo (an absolute truth) về thế giới hay không? Tức là sự thật chân xác, không thể phủ nhận, không phụ thuộc vào ý chí và nhận thức của con người. Ví dụ, Phật nói có một trạng thái gọi là Chân-như, và khi đạt tới Chân-như, ta thấy thế giới-chính-xác-như-nó-là; thế giới là thế, không thể nghĩ bàn.

- Tôi nghĩ là có 2 câu hỏi ở đây mà ta cần phân biệt. Một là câu hỏi có sự thật rốt ráo không (is there an absolute truth?) và hai là có sự thật rốt ráo mà ta có thể biết được hay không (is there a knowable absolute truth?). Với câu hỏi thứ nhất thì tôi nghiêng về khả năng là có, có sự thật đấy; nhưng mà ta sẽ phải trả lời không cho câu hỏi thứ hai; tức là chắc là có sự thật rốt ráo, nhưng ta sẽ không thể biết được.

- Tại sao không?

- Bởi vì làm sao ta biết là ta biết? Làm sao ta biết được đấy là sự thật rốt ráo. Nếu sự thật rốt ráo là cái giải thích được mọi thứ, thì nó là một hệ thống toàn vẹn, hoàn chỉnh; nhưng để biết nó có đúng không thì phải có một hệ thống bên ngoài chứng minh và kiểm nghiệm tính đúng của nó. Mà nếu đã tồn tại một hệ thống bên ngoài, và vận hành theo quy tắc và tính đúng của nó, thì hệ thống kia không thể nào còn rốt ráo được. Cái này là Godel phát biểu và đã chứng minh được trong toán; không thể có một mô hình hoàn thiện (Godel’s incompleteness theorem), không thể luôn chứng minh được một cái gì là đúng.

- Nhưng mà anh nói thế tức là anh vẫn đang vận hành trong khuôn khổ tư duy của con người. Anh đang nói rằng khi ta đề cập đến việc biết, thì phải có một người nhận thức (perceiver), một đối tượng của nhận thức (perceived) và có một cơ chế nối người nhận thức với đối tượng nhận thức, nhưng mà chưa chắc nó là như thế. Có thể có trạng thái nhận thức hoàn toàn không theo con đường như thế, mà người nhận thức và đối tượng nhận thức là một, ví dụ như trong trạng thái Chân-như thì ta và thế giới là một và ở đây, và lúc nào cũng thế, không sinh không diệt, sắc sắc không không (form is emptiness, emptiness is form – đoạn này là tôi nói nhảm, for the sake of the argument)

Sau đó AJ trình bày một đoạn về Godel và Bertrand Russell (analytical philosophy) và Wittgenstein và các lý thuyết liên quan đến câu hỏi: Làm sao biết là mình biết, và làm sao chứng minh một cái gì đó là thật, là nó, là đúng.

- Trong toán học, thì không thể có cái gì vừa là nó lại vừa không là nó – AJ nói – Nhưng trong vũ trụ thì ta không bị giới hạn bởi quy luật này. Trên thực tế, mọi thứ đều phải vừa là nó vừa không phải là nó. Ví dụ bây giờ tôi hỏi “Đây có phải cuốn sách không?” (AJ cầm cuốn sách lên). Thế thì không thể nào trả lời là đúng, nó là cuốn sách mà không phải là quả tạ. Nhưng trả lời thế là sai; nó là cuốn sách nhưng lại cũng không phải là cuốn sách. Đôi khi, câu trả lời duy nhất hợp lý là “that’s a bad question”.

- Anh nói không khác gì Phật. Đạo Phật sẽ nói chính xác là như thế - ít nhất là như tôi hiểu đến giờ. Không có cái gì là cái gì hết, mọi thứ mà ta nói là là-cái-này, là-cái-kia đều chỉ là quy ước, là phóng dật của tâm, là hình tướng, không phải là chính-nó. Anh nên gọi mình là Phật tử, không nên gọi mình là vô thần.

- Về mặt phương pháp tư duy thì tôi gần với đạo Phật, mà bản chất đạo Phật là vô thần; trong đạo Phật làm gì có Chúa nào đâu; quy trình rất khoa học: ta xuất phát từ một vấn đề/hiện tượng là khổ; ta đi đến giải thích tại sao khổ, rồi sau đó đi đến mô hình thoát khổ. Tôi có thể theo được cái đó.

- À nhưng mà nó không chỉ có thế; nếu anh đã theo thì anh phải theo toàn bộ, phải dùng toàn bộ nhân sinh quan và thế giới quan Phật giáo, như vậy thì anh phải tin là có cuộc sống sau cái chết bởi vì Phật nói rõ là có cuộc sống sau cái chết của con người; mặc dù dĩ nhiên lúc đó ta phải hiểu rộng ra khái niệm “trước” và “sau”; phải định nghĩa lại khái niệm “chết” và phải hiểu lại cái gì chết, cái gì là “thế giới”.

- Nhưng mà như thế thì lại là vận hành trong một mô hình, và ta lại rơi vào cái hố là ta không thể chứng minh mô hình này tốt hơn mô hình kia. Bây giờ tôi bảo, không, không có cuộc sống sau cái chết, thế giới này hoàn toàn chịu sự điều khiển của một siêu nhân làm từ mỳ ống và thịt băm (spaghetti and meatball). Đây, ông ấy đang đứng ngay đây này, em không nhìn thấy à?

- Cái gì?

- Spaghetti monster? Đây này, ơ không nhìn thấy à?

- Đâu?

- Đây (chỉ vào khoảng không), ngay đây này. Em chưa nghe bao giờ à?

- Chưa.

- Trời ơi, toàn bộ thế giới này là do Chúa spaghetti điều khiển, Chúa này làm từ spaghetti và thịt bằm.

Đến đoạn này tôi buồn cười quá; tôi tưởng AJ bịa ra, nhưng AJ bảo không, không bịa, có cả một Đạo thờ Chúa Spaghetti và thịt bằm (Spaghetti Monterism). Nó dĩ nhiên xuất phát từ một chuyện có thật là một cậu sinh viên có tên Bobby Henderson muốn phản đối chuyện Phòng giáo dục của tiểu bang Kansas đồng ý cho các lớp học được dạy Kinh thánh thay cho dạy thuyết tiến hóa của Darwin vì đây là hai hệ thống có tính đúng đắn ngang nhau để giải thích về sự hình thành và phát triển của thế giới. Henderson nói rằng nếu dạy các thuyết sáng thế nhờ vào một đức Chúa thì sao không dạy thuyết nào khác – và bèn sáng tạo ra một đạo thờ một vị chúa làm từ mỳ ống và thịt bằm.

Cái mà Henderson đang nói đến là, nếu như không chứng minh được một cái gì đó là sai (ví dụ như Đạo Mỳ ống) thì không bác bỏ nó được, nó ngang bằng với các mô hình khác. Mọi thứ đều vẫn là các giả thuyết và các mô hình, chứ không phải là sự thật rốt ráo. Thế thì trong lớp học, cần phải chia thời gian: 1/3 thời gian dạy thuyết tiến hóa của Đác-uyn, một phần ba dạy thuyết sáng thế nhờ Chúa, và 1/3 thời gian dạy thuyết sáng thế nhờ Chúa Spaghetti. Hiện giờ có cả một cộng đồng đông người thờ Chúa Spaghetti để nói móc lại các đạo khác.

- Đấy – AJ nói - bây giờ tôi cũng mô tả mọi thứ về mô hình thế giới này; và nó cũng logic trong mô hình của nó; chỉ có khác là thay vì Chúa Giê-su hay Phật hay vị nào đấy, tôi nói Chúa này làm từ mỳ ống và thịt bằm. Giờ làm sao em chứng minh được là mô hình này sai, mô hình kia đúng.

Chúng tôi tranh luận một đoạn ở chỗ này, liên quan đến sự hạn chế của ngôn ngữ trong diễn tả những thứ không hạn chế; rồi là chuyện nếu chọn mô hình thì luôn chấp nhận các tiền đề/axioms; làm thế nào phân biệt được “biết” (knowing) và “tin” (believing); rồi đến các “thức” khác nhau theo quan điểm Phật giáo. Tôi nói tại sao Phật Thích Ca giác ngộ xong là nhập Niết Bàn, nếu không có ai thỉnh Phật trụ thế.

Loằng ngoằng một lúc sau, tôi hỏi AJ:

- Thế rút cục anh có nghĩ là anh biết cái gì không? (Do you think you know anything?)

- Không. Vì “biết” là cái gì? Giờ tôi cầm cuốn sách này lên, tôi thả tay ra; tôi có biết là nó rơi xuống đất không? Tôi không biết; tôi có thể nói tôi nghĩ là nhiều khả năng nó sẽ rơi, nhưng thực ra tôi không biết là nó sẽ rơi. Vì có thể một ngày đẹp trời nào đấy, nó cứ lơ lửng ở đây này. Tôi chỉ có thể có các kết luận về mặt thống kê, là tôi nghĩ khà năng nó rơi xuống rất lớn. Hoặc tôi có biết là em ngồi trước mặt tôi và đang nói chuyện với tôi không? Không, thực tế là không. Có thể tất cả những cái này chỉ là tưởng tượng. Có thể não tôi nó tưởng tượng ra bằng cách nào đó là có một cô gái tên là H đang ngồi đối diện tôi và nói chuyện với tôi thế này thế này. Có thể là tôi có nhu cầu nói chuyện nên não tôi sinh ra thế. Tôi có thể ra chạm vào em, nhưng cả cảm giác chạm vào đó chắc gì là thật, có thể chỉ là não tôi bảo là thật, trong bối cảnh là tôi đã tưởng tượng ra một cô H ngồi đây nói chuyện; nó không khác gì việc mình thấy mọi thứ trong mơ là thật. Hoặc cũng có thể là tôi đang vận hành theo một chương trình máy tính ai đó gắn vào não tôi; khi nào chương trình chạy thì tôi bắt đầu dựng lên một thế giới trong đó tôi là nhân viên làm việc ở chỗ này chỗ này, cha mẹ tôi là thế này thế này, tôi sống ở đây, tôi có một người bạn tên là H mà tôi hay gặp để nói chuyện thế này thế này, rồi ngày này ngày này tôi đi hiệu sách, ngày này ngày này tôi đi chợ, vân vân… Có thể hoàn toàn là vấn đề lập trình. Có thể toàn bộ là mơ; làm sao tôi biết là những thứ này thật và làm sao biết là tôi biết. Làm sao tôi biết là tôi có thật.

- Thì Phật nói chính xác như thế. Nhất thiết duy tâm tạo. Tâm sinh tướng; mọi thứ là hình tướng của tâm. Cái “ngã” cũng không có thật. Không có gì là “thật” theo nghĩa thật thật; cái mà ta thấy ở đây và ở trong mơ – hai cái thực tại này về bản chất không khác nhau.

- Tôi không biết nữa. Khi tôi đọc về Bertrand Russell, ông ấy cố gắng xây dựng một mô hình để có thể chứng minh mọi thứ là đúng hoặc sai, thì tôi thấy tôi có lối tư duy rất giống Russell, dĩ nhiên là ông ấy giỏi hơn và nổi tiếng hơn haha.

- Biết đâu anh là kiếp sau của ông ấy. Có thể kiếp trước anh chính là Russell, anh quay lại kiếp này để chứng minh cái gì đó; có thể 10 năm nữa anh sẽ phát hiện ra lý thuyết mới.

- Có thể; mà cũng có thể là tôi quay lại kiếp này chỉ để sống một cuộc sống đơn giản bình thường thôi; tôi không quan tâm đến nổi tiếng hay chứng minh gì nữa. Có thể toàn bộ mục đích của tôi khi đầu thai lại kiếp này là chỉ để ngồi nói chuyện với H về sự thật này, và thế thôi. Có thể toàn độ mục đích của cuộc đời tôi trong cái kiếp này chỉ là để có buổi tối hôm nay, là cuộc đối thoại này, and that’s it.

- Maybe... mà anh cũng có thể chọn toàn bộ mục đích cuộc đời anh là buổi tối này. That’s it.

- That’s it. Do you want some tea?


No comments: