Tuesday, December 21, 2010
Tìm việc làm ở Mỹ - phần 2
Mùa tuyển giáo sư ở Mỹ thường bắt đầu vào khoảng tháng 8 hàng năm và kết thúc khoảng tháng 3 hoặc đầu tháng 4 năm sau. Quy trình tuyển thường có mấy giai đoạn cơ bản:
1. Nhận hồ sơ từ các ứng cử viên. Ở giai đoạn này, có trường yêu cầu cả hồ sơ hoàn chỉnh, có trường chỉ yêu cầu hồ sơ vắn tắt. Hồ sơ vắn tắt chỉ gồm có thư xin việc và CV. Còn nếu là hồ sơ hoàn chỉnh thì thường phải có một số tài liệu sau: (1) Thư xin việc; (2) CV dạng academic, không phải Resume ngắn; (3) Research agenda; (4) ít nhất 3 lá thư giới thiệu từ các giáo sư hoặc sếp cũ; (5) Writing sample, có thể là một vài chương luận án hoặc công trình nghiên cứu đã xuất bản. Đối với các trường chú trọng vào giảng dạy (không phải trường chú trọng nghiên cứu, tức là R1) thì có thể họ bắt có thêm một số tài liệu như Statement of teaching philosophy và Kết quả đánh giá giảng dạy của sinh viên (Teaching evaluations).
2. Đánh giá hồ sơ rồi mời khoảng 10-15 ứng cử viên qua được vòng hồ sơ tới đại hội hàng năm của ngành để tiến hành phỏng vấn vòng 1. Với ngành công tác xã hội của tôi thì có 2 đại hội chính cho việc tuyển dụng; một là CSWE thường dành cho các trường tập trung vào giảng dạy, và SSWR cho các trường tập trung vào nghiên cứu. CSWE diễn ra khoảng tháng 10 hoặc 11, còn SSWR vào tháng 12 hoặc tháng 1. Vòng phỏng vấn ở các đại hội này rất mệt và nhiều chuyện buồn cười, tôi sẽ kể ở phần dưới.
3. Sau vòng phỏng vấn ở các đại hội, các trường thường sẽ chọn khoảng 2 hoặc 3 ứng cử viên tốt nhất cho vòng phỏng vấn tại trường, gọi là campus visit. Họ sẽ trả tiền để đưa ứng viên tới trường trong khoảng 2 hoặc 3 ngày, tùy vào trường. Những trường giàu có như ĐH Chicago thường mời ứng cử viên tới trong 3 ngày; các trường nhỏ thì chỉ mời ứng cử viên tới vào ngày hôm trước và về vào tối hôm sau. Trong khoảng thời gian ở campus, các ứng cử viên sẽ phải có một bài presentation về nghiên cứu của mình, gặp mặt toàn bộ hoặc gần như toàn bộ các giáo sư của khoa, có thể gặp mặt sinh viên, có thể phải lên lớp dạy thử; và có thể phải gặp hiệu trưởng, provost, phòng nhân sự hoặc là những người có vai trò phê duyệt tuyển dụng nhân sự cuối cùng. Đây là những ngày rất mệt vì kín đặc lịch gặp gỡ, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối từ 7 giờ sáng đến tối và thường là đến những lúc cuối cùng thì bạn hầu như chỉ có cười và gật chứ khó mà còn hiểu được người đối thoại đang nói gì. Như tôi, trong lần đi campus visit ở một trường đại học khá lớn bên bờ Đông thì còn buột miệng nói tiếng Việt với bà trưởng khoa vì quá mệt.
4. Sau vòng campus visit, các trường sẽ quyết định có offer job cho bạn hay không. Nếu bạn có offer thì bạn có một thời gian để trả lời bạn có nhận lời không, có thể thương lượng các điều khoản làm việc, ví dụ lương bao nhiêu, sẽ dạy bao nhiêu lớp một năm, thời gian nghiên cứu ra sao, có được tiền nghiên cứu ban đầu không (startup research fund), có người trợ giúp không, các hình thức trợ giúp việc bắt đầu công việc mới như trợ giúp tiền chuyển nhà, trợ giúp mua nhà, vv...
5. Nếu bạn quyết định nhận lời mời làm giáo sư thì ký hợp đồng và bắt đầu một giai đoạn mới: cuộc đời đau khổ của một assistant professor.
Tôi sẽ kể dần những câu chuyện lẻ tẻ trong từng giai đoạn trên. Nhưng đầu tiên phải nói rằng những gì tôi kể ở đây có thể không điển hình vì mùa 2009 mà tôi "lên job market" là một mùa không bình thường. Do khủng hoảng kinh tế, rất nhiều trường, nhất là các trường trong hệ thống trường công đóng băng việc tuyển giáo sư; do đó mà số vị trí tuyển dụng thì ít trong khi số người lên job market lại đông bất thường. Có một số giáo sư ở trong các committee tuyển dụng nói với tôi rằng họ chưa bao giờ nhận nhiều hồ sơ cho một vị trí như vậy trong lịch sử của trường. Đối với người nước ngoài, mọi việc càng trở nên khó khăn.
(còn tiếp)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment