Thursday, December 09, 2010

Thăm nhà John Steinbeck ở Salinas


Hôm nay là ngày cuối cùng của học kỳ này - chúng tôi gọi là "dead day". Suốt cả 2 tuần vừa rồi, khu vực hành lang bên ngoài văn phòng của tôi lúc nào cũng ầm ỹ sinh viên ngồi làm bài cuối khóa và chờ gặp giáo viên để giải quyết các công việc tồn đọng của học kỳ. Đấy là hai tuần nước rút - ai cũng hối hả và phờ phạc. Hôm nay, hành lang vắng tanh; giáo viên chúng tôi tổ chức pot luck vào buổi trưa, và chia quà; sau đó, mọi người tản mát đi làm việc. Từ tuần sau, trong khoa sẽ còn vắng nữa. Sinh viên không đến trường và giáo viên cũng hầu như không đến.

Tôi muốn kể chuyện tôi đi thăm nhà và bảo tàng John Steinbeck hồi cuối tháng 9 vừa rồi; nhưng để tiết kiệm thời gian, tôi chép lại đây một email ngắn tôi gửi cho các "sinh viên" của tôi ở Việt Nam. Đây là những sinh viên tôi dạy trong khóa học bồi dưỡng chuyên môn công tác xã hội do ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức vào mùa hè vừa rồi. Gọi là sinh viên - và họ cũng gọi tôi bằng "cô" xưng "em" - nhưng thực ra đa số họ đang là giảng viên ngành CTXH ở các trường đại học và nhiều người lớn hơn tôi nhiều tuổi và giỏi hơn tôi nhiều. Dạy họ là một kinh nghiệm khó khăn và thú vị và tôi ngờ là tôi học được ở họ nhiều hơn những gì họ học được từ bài giảng của tôi. Email này được gửi chung cho lớp.

====================
"San Jose, ngày 28-9-2010

Chào cả lớp,

Thư này tôi viết chủ yếu để hỏi thăm lớp vì có một số bạn nói "dạo này không thấy cô viết thư cho lớp". Thực ra là vì toàn viết thư riêng theo công việc của từng bạn, nhất là với nhóm thành lập Hội :)

Hỏi thăm lớp thì tôi tranh thủ kể chuyện nước Mỹ một chút. Cuối tuần vừa rồi, tôi đi Salinas thăm bảo tàng và nhà của John Steinbeck. Đề phòng bạn nào chưa biết, Steinbeck là một nhà văn Mỹ, được giải Nobel năm 1962, tác giả một số tiểu thuyết lớn như Của người và chuột; Chùm nho nổi giận (có bản dịch là Chùm nho phẫn nộ) và Phía đông vườn địa đàng. Steinbeck lớn lên ở Salinas và sách của ông chủ yếu lấy bối cảnh ở đây, về con người ở đây.

Tôi đi Salinas từ sáng. Lái xe chỉ mất hơn 1 tiếng thôi. Mùa này ở California vẫn đang là mùa khô, nói chung từ mấy tháng nay không có mưa cho nên cỏ cây cháy nắng và lấm lem bụi đất. Ở trong San Jose thì còn thấy màu xanh vì cây cối sạch sẽ; nhưng ra đến ngoài xa lộ và càng đi gần về Salinas thì màu xanh càng biến mất dần; thay vào đó là màu vàng nhạt của nắng và bụi. Bụi phủ lên những cánh đồng, những cây phi lao và cọ lưa thưa, và những bụi xương rồng tàn tạ dọc xa lộ. Địa hình ở đây cũng khác; bên cạnh các ruộng trồng bắp cải và dâu đất trải dài là những khu đầm lầy do nước biển lấn dần vào; xa hơn là biển và ở về phía bên kia lại là các quả núi của rặng X, rặng Y, rặng Z mà giờ tôi không còn nhớ tên (Steinbeck có nói đến chúng). Càng vào gần Salinas tôi càng có cảm giác đi ngược thời gian bởi vì những gì mà Steibeck kể về vùng đất này vào nửa đầu và giữa thế kỷ trước dường như giờ vẫn còn nguyên. Đấy là khí nóng bốc lên mờ mắt, và gió biển, và thung lũng, và cái mệt, cái nắng, cái trễ nải buồn tẻ đến mức làm người ta chỉ muốn ngồi trên hiên nhà uống nước mát hoặc uống rượu say rồi ngủ vùi - để cho cái thực tại rung rinh vì hơi nóng bên ngoài lẫn luôn vào những giấc ngủ nhiều mộng mị. Đấy là cuộc sống thị trấn nhỏ (small town) mà tôi đã gặp nhiều ở Mỹ nhưng ở Salinas lại có phong vị riêng bởi ở đây nhiều người gốc Mexico và người châu Á. Họ vẫn cứ là nông dân, vẫn đứng dàn hàng trên các thửa ruộng mà trồng, cấy, nhặt cỏ, cuốc đất, tưới nước, và thu hoạch như họ đã làm 50 năm trước. Trên đường đi, tôi thấy rất nhiều người gốc Mexico và châu Á - có lẽ là gốc Trung Quốc hoặc Nhật - mặc quần áo dày và trùm những tấm khăn dày để tránh nắng, ngồi trên các vạt ruộng dâu tây thu hoạch dâu; rồi bê về phía một chiếc xe tải thu mua ở gần đó. Họ là các paisanos mà Steinbeck nói đến trong những cuốn như Tortilla Flat.

Ở Salinas, tôi vào trong bảo tàng xem một lượt các hiện vật về cuộc đời Steinbeck và về quá trình sáng tác của ông. Sau đó thì ăn trưa trong một nhà hàng kiêm luôn công ty sản xuất bia. Thực ra là một nhà hàng gia đình có phòng nấu bia. Bên California này, vì khí hậu nắng ấm nên người ta trồng nhiều nho và không thiếu các gia đình sản xuất rượu bia. Tôi ăn trưa rồi đi loanh quanh thị trấn, ngắm nghía sự vắng vẻ, trễ nải và uể oải của nó vào một ngày thứ Bảy cuối tuần; rồi quay lại bãi biển ở gần đó và nằm đến chiều tối thì về nhà. Bắt đầu ngấm cái tinh thần laid-back nổi tiếng của người California - với họ, dường như cuộc sống chủ yếu diễn ra vào cuối tuần, còn các ngày trong tuần với công việc thường nhật chỉ là những thứ phụ, là phần không cơ bản trong sự tồn tại.

Tôi kết thúc email này bằng mấy câu của Steinbeck:

"Con người, khác với tất cả các sinh vật trong vũ trụ, có khả năng lớn vượt ra khỏi công việc của anh ta, leo lên những bậc thang ý niệm của chính anh ta, và đi trước các thành công của mình."

"Rất nhiều hành trình còn tiếp tục rất lâu sau khi động thái di chuyển đã dừng lại về mặt thời gian và không gian"

"Con người có khả năng thay đổi, và thay đổi đến giống như một cơn gió lay nhẹ bức rèm vào lúc sáng sớm hoặc như mùi hương thoang thoảng của những bông hoa dại ẩn náu dưới cỏ"

"Không ai thực sự biết về người khác. Điều tốt nhất mà anh ta có thể làm là mặc định rằng họ cũng giống với anh ta"

Chúc cả lớp một tuần vui vẻ.

H."

Ảnh minh họa: Máy cày trên những cánh đồng trồng đậu hoặc dâu ở gần Salinas.

No comments: