Wednesday, December 08, 2010

Phương Đông - phương Tây


Ngày hôm qua tôi đi cùng bà trưởng khoa và một đồng nghiệp tới dự buổi họp tổng kết năm của Phòng 3 Nguyên Lý Sống thuộc Sở Dịch Vụ Ma Túy và Rượu của hạt Santa Clara. Chúng tôi dự cuộc họp này theo lời mời từ một trong những nhân viên chính của phòng - sơ Margarita, hay còn có tên tiếng Việt là Dì Bảy. Dì Bảy là người công giáo Việt Nam, đã sang Mỹ ngay sau năm 1975 và cống hiến cả đời cho việc giúp đỡ những người Việt Nam bị vào tù do nghiện ngập, phạm pháp, vv... Chuyện về Dì Bảy tôi sẽ kể một dịp khác.

Nói đến chương trình 3 nguyên lý sống (3 principles) thì chương trình này bắt đầu vào những năm 1970 bởi một người đàn ông chỉ học hết lớp 7 có tên là Sydney Banks. Cho đến bây giờ, chương trình đã nhân ra khá rộng và được mở cho bất cứ ai muốn học cách thay đổi đời sống của họ, sao cho họ sống hạnh phúc hơn. Chương này được đưa vào Sở Dịch Vụ Ma Túy và Rượu của hạt Santa Clara với mục đích giúp những người có các vấn đề nghiện ngập, bạo hành gia đình và các vấn đề khác có thể học cách làm lại cuộc đời bằng cách dẹp bỏ trầm cảm, giận dữ, tuyệt vọng, và stress trong cuộc sống của họ; tìm lại bản thân, làm mới bản thân, vv... Riêng trong năm 2010 chẳng hạn, chương trình 3 nguyên lý sống này phục vụ 2000 người.

Tôi có xem các tài liệu về chương trình cũng như các sách của Sydney Banks thì phải nói rằng những gì mà chương trình 3 nguyên lý sống đặt ra không khác gì những nguyên tắc nền tảng của Đạo Đức Kinh: nó là chuyện vô sở cầu, chuyện sống trong khoảnh khắc hiện tại, chuyện vô vi, chuyện lùi lại và nhận biết những xung động tình cảm hay suy nghĩ của mình trong khoảnh khắc nhất định, chuyện thuận theo lẽ tự nhiên, chuyện hướng tới cái Đạo lớn, biết cái Đạo lớn, hòa vào cái Đạo lớn, vân vân và vân vân…

Ở buổi họp về, tôi cứ nghĩ một việc: ở VN, Đạo Đức Kinh vẫn cứ là một thứ hầu như chỉ dành cho giới học giả thuần túy, một bộ phận của giới kinh doanh, và lẻ tẻ các đối tượng khác – tóm lại vẫn là đối tượng có đặc quyền nhất định trong cơ hội tiếp cận tri thức. Những triết lý của nó – dù hữu ích đến mấy – vẫn khó tiếp cận với công chúng bình dân bởi vì nó vẫn cứ tồn tại dưới dạng "Đạo khả đạo phi thường đạo". Nó không được người ta triển khai ra thành những công cụ cụ thể, có tính ứng dụng để giải quyết những vấn đề cụ thể cho những người thực ra rất cần nó – kiểu như chương trình 3 nguyên tắc sống mà một trong những nội dung cụ thể của nó là dạy người ta cách điều khiển giận dữ hay các kỹ năng làm cha mẹ (parenting skills).

Đây dĩ nhiên chỉ là một ví dụ nhỏ của những khác biệt có tính nền tảng giữa phương Đông và phương Tây trong cách tiếp cận những thứ trừu tượng và sau đó là cách làm cho cuộc sống con người tốt hơn. Tôi dĩ nhiên có nhìn thấy mặt trái của việc cụ thể hóa cái trừu tượng nhưng tôi nghĩ trong nhiều trường hợp, cụ thể hóa để thay đổi dần thì tốt hơn là bảo tồn/bảo toàn cái trừu tượng rồi biến nó thành u mê. Nhưng tôi tạm thời dừng ở đây đã.

Thêm 1: Ở hạt Santa Clara, người Việt Nam, mà chính xác là Việt kiều đang làm rất nhiều việc tích cực và giữ nhiều trọng trách trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Có dịp tôi sẽ giới thiệu công việc của họ.

Thêm 2: Giới thiệu bản dịch Đạo Đức Kinh ra tiếng Anh của Stephen Mitchell - bản dịch mà tôi thấy là tốt nhất. Chỉ cần nhìn vào cách dịch của người Mỹ cũng phần nào thấy sự khác biệt Đông - Tây mà tôi đề cập ở trên. Vấn đề ở đây không phải là chuyện khả năng hiểu bản gốc hay chuyện ngôn ngữ (ta không nên mặc định người khác kém "hiểu đạo" hơn ta) mà là chuyện cách tiếp cận và, quan trọng hơn, sự lựa chọn cách tiếp cận vào những thời điểm nhất định, cho những đối tượng nhất định.

No comments: