Tuesday, March 13, 2012

Chết ở Venice - phần 1



Chết ở Venice

tác giả: Thomas Mann

dịch giả: Nguyễn Hồng Vân

chương một


Vào một buổi chiều xuân năm 19..., cái năm đã đem bộ mặt dữ dằn hăm dọa lục địa chúng ta từ vài tháng nay[1][1], Gustav Aschenbach - hay ngài von Aschenbach như danh xưng chính thức của ông từ khi sang tuổi ngũ tuần - một mình rời khỏi căn hộ ở phố Prinz-Regent, München[2][2], định đi tản bộ một vòng. Quá căng thẳng vì công việc lao tâm khổ tứ suốt buổi sáng, một công việc yêu cầu đầu óc phải tinh tế, tỉnh táo, mạch lạc và chuẩn xác, sau bữa ăn trưa nhà văn vẫn bị cuốn theo đà quay của cái động cơ sáng tạo trong nội tâm, cái “motus animi continuus”[3][3] mà Cicero[4][4] gọi là cốt lõi của thuật hùng biện, và không thể chợp mắt giây lát để xả hơi như mọi ngày - giấc ngủ trưa rất cần thiết cho tình trạng sức khỏe sa sút của ông hiện nay. Vì vậy sau tuần trà ông cất bước ra khỏi nhà với hy vọng không khí trong lành và sự vận động cơ thể sẽ hồi phục sức lực và mang lại cho ông một buổi tối hữu ích.

Bấy giờ mới đầu tháng Năm, nhưng sau mấy tuần mưa lạnh bỗng nắng ấm hửng lên chẳng khác gì chính hạ. Trong Công viên Anh quốc, mặc dù cây cối mới vừa trổ lộc non, không khí đã ngột ngạt như trời tháng Tám và khu ngoại ô gần đấy đông nườm nượp xe cộ cùng khách bộ hành. Aschenbach cứ để cho những con đường mòn lặng lẽ quạnh hiu dẫn bước chân mình đi mãi tới khu Aumeister, mới dừng gót đứng ngắm một hồi quang cảnh nhộn nhịp đầy màu sắc dân gian của các hàng quán ngoài trời và đám xe song mã, tứ mã đậu chầu chực bên rìa. Lúc trở về, ông theo con đường bên ngoài công viên băng qua cánh đồng phơi mình dưới ánh tà dương và đến đợi ở bến xe điện Nghĩa trang Bắc, chỗ có tuyến đường chạy thẳng vào trung tâm thành phố, để đón xe về nhà - phần vì ông đã thấm mệt, phần vì một cơn dông đang đùn lên trên trời bên mạn Föhring.

Khác với khu công viên, chung quanh bến xe điện vắng tanh không một bóng người. Cả con lộ Föhringer Chausee lẫn đường phố Unger lát đá, nơi cặp đường ray bóng nhẫy đơn độc trườn về hướng Schwabing, không đâu thấy dáng dấp một chiếc xe; kế đó, đằng sau hàng rào các xưởng tạc bia đá, nơi đủ loại thánh giá, bia mộ và tượng đá bày bán dàn thành nhiều dãy cứ y như một bãi tha ma không có người chết, cũng chẳng thấy động tĩnh gì; đối diện bên kia đường là ngôi nhà tang lễ xây theo trường phái Byzantine nằm im lìm trong nắng quái chiều hôm. Mặt tiền ngôi nhà được trang trí màu sắc tươi sáng với hình thánh giá kiểu Hy Lạp và các bức họa mang nội dung tôn giáo, thêm vào đó là mấy câu chữ khắc mạ vàng, trình bày cân đối, lời lẽ chọn lọc phù hợp cho cuộc đời bên kia thế giới, đại loại như: “Họ đã được đón nhận vào nước Chúa” hay là: “Ánh sáng vĩnh hằng soi đường cho họ”. Người khách đứng chờ xe tìm được vài phút giải khuây nghiêm túc khi đọc các câu châm ngôn ấy, và đang trầm tư mặc tưởng trong không gian thần bí mà những lời có cánh kia gợi mở ra, thì thình lình bị kéo trở về thực tại. Ông phát hiện thấy một người đàn ông đứng trên thềm nhà nguyện, giữa hàng cột cao trang trí mặt tiền, phía trên đôi quái vật dữ tợn bằng đá canh gác hai bên bậc tam cấp. Dung mạo người này có một vẻ khác thường đến nỗi luồng suy nghĩ của ông lập tức bị thu hút theo một chiều hướng hoàn toàn khác.





[1][1] Ám chỉ tình hình ngoại giao căng thẳng ở châu Âu trước thế chiến I. (Các chú thích trong truyện là của người dịch)

[2][2] Tức thành phố Munich, thủ phủ bang Bayern.

[3][3] “Luồng tư tưởng không ngừng vận động”

[4][4] Triết gia cổ La Mã (106-43 tr.CN)

No comments: