Monday, March 05, 2012

Crazy talk #2: Chỉ có CÁI NÀY thôi

Ghi lại lõm bõm cuộc nói chuyện hôm qua với AJ:

- Em thấy người phương Tây nhìn chung nhìn nhận cuộc sống của con người là một tiến trình phát triển (life course development), trong đó phân ra thành các giai đoạn như ấu thơ - vị thành niên - người lớn - già (childhood - adolescence - adulthood - old age). Về cơ bản, họ coi mỗi giai đoạn này là một giai đoạn riêng biệt vì nó là một sự tái kiến thiết, tái tổ chức (reorganization) lại cơ thể về mặt sinh lý, tâm lý, nhận thức, vv... Nhưng nhìn như vậy rõ ràng có sự khiên cưỡng. Em đang tìm hiểu xem đạo Phật và đạo Hindu quan niệm về vấn đề này thế nào?
- Đạo Phật thì anh không biết nhưng đạo Hindu - mà về cơ bản chắc sẽ giống đạo Phật ở chỗ này - thì nói rằng trước hết không có con người, không có ngã, chỉ có các ngộ nhận... Giống như con búp bê được làm bằng rất nhiều lớp vải quấn thành, nhưng gỡ vải ra thì chẳng có gì ở trong (một đoạn giải thích về ngã, vô ngã, vv...)

Một lúc sau:
- Tất cả chỉ là ảo tưởng (illusion). Nếu tin rằng những điều này là tốt, là thế nọ thế kia, và tin rằng ảo tưởng là đúng thì cũng thế; mà bước ra khỏi ảo tưởng, hiểu rằng nó không có gì cả, thì cũng thế; sống trong hay ngoài ảo tưởng thì cũng thế thôi, vẫn không thoát ra khỏi CÁI NÀY. Chẳng có gì trên đời ngoài CÁI NÀY cả. There only is, nothing else. You can step into or out of the illusion and it doesn't matter from the illusion's viewpoint. You're not going anywhere.
- Thế thì nếu em ở lại đây hoặc chuyển đi chỗ khác cũng chẳng có gì khác nhau?
- Không có gì khác nhau đối với CÁI NÀY.
- Nhưng có khác với em chứ.
- Nhưng em là ai?
- Thế ai đang hỏi em? Ai đang nói chuyện với em? Ai đang nói chuyện với anh?
- Hỏi thế là sai rồi. Nếu em đã bắt đầu hỏi bằng cách tách biệt em và anh, thì là em đã bắt đầu bằng tiền đề sai rồi. Sự chia tách là cái bắt đầu của tất cả các ngộ nhận. Em và anh thực ra không chia cắt, đều vẫn là một, ở trong CÁI NÀY hết, là CÁI NÀY hết. Em có biết cái tích mà ông .... hỏi chuyện đức Phật cái này là thế này hay là thế kia, và đức Phật trả lời "Mah", từ này không phải "Có" mà cũng không phải "Không", vì hỏi thế đã là sai rồi, làm sao trả lời được.
- Thế cái đồng hồ kia cũng không tách rời? (chỉ cái đồng hồ trên tường)
- Cái đồng hồ nào?
- Cả tủ sách kia?
- Tủ sách nào?
- Anh không thể phủ nhận là nó ở kia.
- Thế bây giờ em nhìn cái ngón tay út này (giơ bàn tay ra trước mặt). Nếu anh hỏi em là ngón út này với ngón đeo nhẫn có tách rời nhau không, thì em nói sao?
- Đại loại là tách rời (Sort of)
- Đại loại thôi, đúng không? Em không thể nói nó tách rời vì rõ ràng cả hai nối vào bàn tay; nhưng từ góc độ ngón út thì nó có thể bảo nó có tách rời, còn từ góc độ bàn tay hoặc cả người thì không. Khi em ăn, thì em không ăn vì ngón út, em ăn vì cả cơ thể. Từ góc độ vũ trụ, góc độ của CÁI NÀY, thì em ở đây hay đi chỗ khác cũng được, không có cái gì ra ngoài hay vào trong, tốt lên hay xấu đi khi nhìn từ góc độ toàn thể, vì lúc nào nó cũng luôn ở đây, nó là tất cả; cho nên em không bao giờ nên làm việc gì tốt vì nó tốt CHO EM hay cho ai, mà em chỉ nên làm việc tốt vì VIỆC ĐÓ TỐT (because it's good, not because it's good for you or anyone).
- ờ nhưng em chuyển đi X thì tốt cho nhiều người ở X chứ.
- Người nào? Làm gì có ai ở X?
- Wow, sợ nhỉ, nghĩ mà xem, nếu ta hiểu ra rằng thế giới thực sự không có ai cả, không có "người" nào cả... chỉ toàn những ảo ảnh.
- Thì em vẫn có quyền chọn tin rằng những ảo ảnh là có thật và có nghĩa, cũng không sao cả, vẫn không ra ngoài CÁI NÀY. Em có thể tin rằng có người, có mọi thứ, và sống theo nó, cũng không sao.
- Thế tức là rốt cuộc chẳng có gì làm sao cả (nothing matters)
- Chính xác.
- Mấy cái chuyện kết bạn, hẹn hò, yêu đương, sinh con đẻ cái vv... cũng chẳng làm sao cả.
- Chính xác. Như anh nói, em đứng trong hay đứng ngoài ảo tưởng thì vẫn thế thôi. Làm cũng thế, mà không làm cũng thế; nó không tốt hơn hay xấu đi; nó không thế nào cả... chỉ có mình gán nghĩa khi mình làm hay không làm và khi mình bám vào nó thì mình bắt đầu đau khổ thôi.
- Làm thế nào để biết cái gì đó là tốt?
- Em sẽ biết chứ, vì em chính là CÁI NÀY, kể cả em có biết hay không. Nếu em không cảm thấy sợ thì thường là tốt. Sự sợ hãi là một dấu hiệu cảnh báo tốt. Nếu em làm gì mà em thấy sợ thì nghĩa là em đang làm xáo trộn CÁI NÀY theo một cách không thuận lẽ tự nhiên.

No comments: