chương hai
|
... Gustav Aschenbach, con trai một công chức cao cấp ngành tư pháp, sinh quán ở thành phố L., huyện lị xứ Schlesien. Tổ tiên ông từng là sĩ quan, thẩm phán, quan chức chính quyền, thảy đều là những người đã dốc lòng phụng sự nhà vua, nhà nước và luôn giữ một nếp sống thanh liêm, chính trực. Trong dòng họ có một vị giáo sĩ được coi là hiện thân cho khả năng trí tuệ sắc sảo; từ thế hệ trước gia đình lại được truyền thêm dòng máu sôi nổi và đam mê của người mẹ thi sĩ, con gái một vị nhạc trưởng gốc gác Bohemia. Cũng nhờ bà mà dung mạo ông mang nhiều nét của người ngoại quốc. Cuộc phối ngẫu một bên là tinh thần trách nhiệm cao và lòng tận tụy với bên kia là tính khí bồng bột nặng về cảm xúc say mê đã cho ra đời một nghệ sĩ tài năng, chính là ông.
Bản tính nhiều cao vọng, nên từ rất sớm, với giọng văn quả quyết và súc tích ông đã được công chúng biết đến như một cây bút chín chắn và tinh xảo, nếu không muốn gọi là thần đồng. Ngay khi còn là cậu học sinh trung học ông đã nổi danh. Mười năm sau ông đã thành thạo trong việc tự thể hiện mình bên bàn viết, bồi đắp tiếng tăm bằng một loạt những bức thư tuy ngắn gọn (vì có rất nhiều yêu cầu đặt ra cho một nhân vật thành công và khả kính như ông), nhưng lời lẽ nhân hậu và trịnh trọng. Ở tuổi tứ tuần, đã mệt mỏi vì những căng thẳng và thăng trầm trong sáng tác ông vẫn phải ngày ngày trả lời vô số thư từ mang những con tem của rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Không tầm thường mà cũng chẳng lập dị, tài năng của ông vừa chinh phục được lòng tin của đông đảo công chúng vừa đáp ứng được sự hâm mộ và những đòi hỏi khắt khe của giới sành điệu. Chính vì từ thuở thiếu thời đã quen nỗ lực để đạt đến thành công - mà là những thành công đáng kể, nên ông không bao giờ biết tới thói vô công rồi nghề hoặc kiểu làm việc qua loa đại khái là những căn bệnh phổ biến của tuổi trẻ. Năm ba mươi lăm tuổi, khi ông lâm bệnh nặng ở Vienna, một người quan sát tinh tế đã đưa ra nhận xét sau với mọi người: “Quý vị thấy không, từ trước tới nay Aschenbach vẫn luôn sống thế này” - người nói khép chặt mấy ngón bàn tay trái lại thành nắm đấm - “mà không hề biết sống thế này” - và ông ta để bàn tay mở buông hờ trên thành ghế một cách thoải mái. Quả là một nhận xét xác đáng; và điều đáng nói ở đây là đức tính quật cường đã giúp ông giữ một nếp sống căng thẳng, đòi hỏi nỗ lực cao đáng lý ra hoàn toàn không phù hợp với thể trạng bẩm sinh yếu ớt của ông.
Hồi nhỏ, điều kiện sức khỏe không cho phép ông cắp sách đến trường mà phải học ở nhà với gia sư. Ông lớn lên đơn độc không bạn bè cùng trang lứa, sớm nhận biết mình thuộc về một gia tộc không thiếu tài năng, chỉ thiếu sức khỏe là yếu tố cần thiết để tài năng nảy nở - một dòng họ mà ai cũng dốc sức phấn đấu từ khi còn trẻ nhưng chẳng mấy người thọ được lâu. Mặc dù vậy, chữ ông ưa thích nhất vẫn là “bền bỉ” - dưới mắt ông tác phẩm về Friedrich Đại đế không khác gì lời tôn vinh châm ngôn như một mệnh lệnh ấy, đối với ông đó chính là hiện thân của đức tính hành nhẫn. Thực tình, trong thâm tâm ông cũng mong đạt đến tuổi thọ cao, vì xưa nay ông vẫn quan niệm rằng, người nghệ sĩ chỉ thực sự xuất chúng, toàn diện, nếu thể hiện được nét đặc trưng ở mọi độ tuổi của một đời người.
Và như thế, chất lên đôi vai gầy gánh nặng trách nhiệm của tài năng, để dấn bước trên con đường nghệ thuật xa vạn dặm, điều cần thiết nhất đối với ông là kỷ luật tự tu dưỡng rèn luyện - may thay đức tính này đã thấm nhuần trong máu huyết ông, được thừa kế từ tổ tiên họ nội. Ở cái tuổi bốn năm mươi, trong khi những người khác vẫn còn phung phí, đàn đúm, điềm nhiên tặc lưỡi trì hoãn những kế hoạch trọng đại, thì ông bắt đầu ngày mới bằng cách dậy sớm dội nước lạnh khắp người, rồi ngồi dưới ánh sáng đôi nến dài cắm trong cặp giá bạc để trên đầu bản thảo, ông dồn hết sức lực gom góp được qua giấc ngủ, say mê tận tụy cống hiến mình cho nghệ thuật trong vòng hai hay ba tiếng đồng hồ buổi ban mai. Có thể châm chước, thậm chí còn có thể coi đó là thắng lợi tinh thần về phía ông, nếu những người không am hiểu tưởng rằng thế giới Maja hoặc thiên anh hùng ca đồ sộ kể về những chiến công lẫy lừng của Friedrich Đại đế ra đời liền một mạch nhờ vào một nỗ lực phi thường; trong thực tế các tác phẩm này đã được bồi đắp mỗi ngày một chút như kiến tha lâu đầy tổ, từ hàng trăm cảm hứng riêng lẻ chất chồng lên đến tầm cao ấy, và chỉ có như vậy tác phẩm mới đạt được mức độ hoàn hảo tới từng chi tiết, bởi vì tác giả đã nhiều năm kiên trì tập trung trí lực vào chỉ một mục tiêu duy nhất, với ý chí bền bỉ dẻo dai, hệt như nhân vật chính của bản trường ca khi xưa chinh phục mảnh đất quê hương ông, để cuối cùng chắt lọc đưa vào trong tác phẩm thành quả những giờ phút sáng tạo xuất sắc và xứng đáng nhất.
Một sản phẩm tinh thần có giá trị nếu muốn ngay lập tức gây được tác động tinh thần sâu rộng, cần có mối liên hệ mật thiết, thậm chí một sự đồng nhất giữa số phận cá nhân tác giả với định mệnh chung của đông đảo công chúng đương thời. Quần chúng thường không biết tại sao họ ca ngợi một tác phẩm nghệ thuật. Khác xa giới chuyên môn, họ cứ tự tưởng tượng ra hàng trăm điều tốt đẹp ở đó để lý giải cho lòng ngưỡng mộ của mình; nhưng nguyên nhân đích thực khiến họ tán thưởng lại không thể đưa ra cân nhắc được, đó là thiện cảm. Có lần, ở một đoạn không mấy nổi bật Aschenbach đã thẳng thắn phát biểu rằng, hầu như tất cả những điều vĩ đại trên đời đều đứng vững trơ gan cùng tuế nguyệt, bất chấp khổ đau hành hạ, nghèo đói, cô đơn, bệnh tật, thói hư tật xấu, dục vọng đam mê và hàng ngàn trở ngại khác. Đó không chỉ đơn thuần là một nhận định, mà hơn thế đó là kinh nghiệm, hay còn có thể gọi là công thức áp dụng cho cuộc đời và sự nghiệp của ông, là chiếc chìa khóa mở đường vào tác phẩm của ông; và có gì là lạ khi điều đó cũng xuất hiện trong cá tính đạo đức và cử chỉ thái độ của những nhân vật tiêu biểu nhất của ông?
[1] Vua Phổ (1712-1786), ba lần cất quân đánh chiếm xứ Schlesien (Silesia).
[2] Đại thi hào Đức (1759-1805).
[3] Vùng đất rộng lớn Schlesien (Silesia) thời Trung Cổ thuộc về đế quốc La Mã, do triều đình Áo quản lý, trong thế kỷ XVIII bị Friedrich Đại đế đánh chiếm nhập vào nước Phổ. Sau thế chiến thứ hai bị chia tách, phần lớn nay thuộc Ba Lan, một phần nhỏ thuộc Séc và phần còn lại thuộc Đức.
No comments:
Post a Comment