chương ba
|
Sau cuộc dạo chơi hôm ấy, nhiều bận rộn văn chương và đời thường đã giữ chân người nóng lòng đi du lịch lại München khoảng chừng hai tuần lễ. Cuối cùng ông cho người sửa soạn căn nhà ở quê hẹn trong vòng bốn tuần phải xong để mình dọn về, và vào một ngày hạ tuần tháng Năm ông lên chuyến tàu đêm đi Trieste, chỉ dừng chân ở đó hai mươi bốn tiếng đồng hồ, rồi ngay sáng hôm sau đáp tàu thủy đến Pola.
Dự định tìm một nơi khác lạ và biệt lập nhưng không xa quá, cuối cùng ông quyết định đến hòn đảo trên biển Adriatic mấy năm gần đây rất nổi tiếng, nằm cách bờ biển Istrian không bao xa, có đám thổ dân trang phục rách rưới nhưng sặc sỡ, nói một thứ tiếng lạ tai, và những vách đá lởm chởm ngoạn mục án ngữ phía biển khơi. Tuy nhiên mưa dầm và bầu không khí ngột ngạt, khách trọ thì rặt hạng người Áo nửa tỉnh nửa quê, lại thiếu bãi tắm cát mịn làm chốn nghỉ ngơi giao hòa với biển, những điều đó làm ông bực bội, không cho ông cái cảm giác đã đến đúng nơi tiền định; một thôi thúc nội tâm, chính ông cũng chưa rõ theo chiều hướng nào, khiến ông bồn chồn không yên, ông tìm hiểu lịch tàu chạy, ông nhìn ngó xung quanh, và bỗng nhiên, vừa bất ngờ vừa dễ hiểu, mục tiêu hiện ra rành rành trước mắt ông. Nếu tự dưng muốn tìm kiếm những điều độc nhất vô nhị, huyễn hoặc khác thường thì người ta đi đâu? Thật rõ như ban ngày. Ông đến đây làm gì? Ông nhầm to rồi. Lẽ ra ông phải tới đó. Không chậm trễ, ông hủy bỏ cuộc du lịch lầm chỗ. Một tuần rưỡi sau khi đặt chân lên đảo, ông chất hành lý xuống một chiếc xuồng máy phóng như bay trên mặt nước mịt mù sương sớm quay trở về hải cảng quân sự, vừa lên bờ ông lại bước ngay qua tấm ván gỗ bắc sang mặt boong ẩm ướt của một chiếc tàu thủy đang xì hơi chuẩn bị đi Venice.
Đó là một chiếc tàu Ý già nua tuổi tác, cũ kỹ, tối tăm, đóng lọ nghẹ đen xì. Vừa đặt chân lên boong, Aschenbach đã bị một gã thủy thủ lưng gù nhếch nhác, cười nhăn nhở, săn đón đẩy vào một khoang sâu như cái hang trong bụng tàu, phải thắp sáng bằng đèn. Ngồi sau bàn là một lão già râu dê tướng tá như ông chủ một gánh xiếc rong, trang phục cổ lỗ sĩ, mũ kéo sụp xuống trán, một đầu mẩu thuốc lá vắt vẻo bên mép, nhăn nhó khổ sở chăm chú ghi tên tuổi hành khách và bán vé. “Đi Venice!” lão nhắc lại yêu cầu của Aschenbach, rồi dang tay chọc cọng bút lông vào bãi cặn nhoe nhoét dưới đáy một cái lọ mực để nghiêng. “Vé hạng nhất đi Venice! Có ngay, thưa ngài!” Và lão hí hoáy viết mấy chữ to như quạ bới, rắc lên đó một nhúm cát xanh đựng trong cái ống nhỏ, dốc cát chảy vào một cái thẩu bằng đất sét nung, gập đôi tờ giấy bằng mấy ngón tay xương xẩu vàng khè rồi lại tiếp tục viết. “Đúng là chọn mặt gửi vàng!” vừa làm lão vừa tán. “Ôi, Venice! Thành phố tuyệt vời! Hấp dẫn vô cùng đối với một vị học giả, bằng vào lịch sử lâu đời và vẻ hoa lệ ngày nay!” Cử động nhanh thoăn thoắt và những lời đưa đẩy sáo rỗng của lão có cái gì đó thôi miên và đánh lạc hướng, cứ như thể lão sợ hành khách trù trừ đổi ý không muốn đi Venice nữa. Lão thu tiền nhanh như chớp, xỉa tiền thừa xuống tấm khăn trải bàn ố bẩn thành thạo như một tay hồ lì chuyên nghiệp ở sòng bạc. “Chúc ngài một chuyến đi vui vẻ!” lão cúi chào như diễn viên trên sân khấu. “Rất hân hạnh được phục vụ quý ngài... Nào mời quý vị tiếp theo!” Vừa nói lão vừa giơ tay lớn tiếng gọi tiếp ra ngoài, làm như hành khách chờ mua vé đông lắm, kỳ thực ở đó chẳng còn ai khác nữa. Aschenbach quay trở lên boong.
Một tay vịn lan can, ông đứng ngắm cảnh những người nhàn rỗi chạy lông rông trên bờ đợi xem tàu rời bến và đám hành khách trên boong. Những hành khách hạng hai, cả đàn ông lẫn đàn bà chen chúc ở boong trước, lôi hết hành lý hòm xiểng ra làm ghế ngồi. Khách đi trên boong hạng nhất chỉ có một toán trai trẻ, chừng như là thư ký hãng buôn ở Pola, đang sôi nổi thống nhất với nhau về một chuyến tham quan Ý. Họ làm bộ làm tịch quan trọng hóa bản thân, nói cười huyên thuyên, cử chỉ dương dương tự đắc, nhoài cả người ra ngoài lan can chọc ghẹo các đồng nghiệp bận đi giải quyết công việc dưới bến, nách cắp cặp táp, tay dứ dứ ba toong dọa lại đám trên tàu. Một anh chàng mặc bộ đồ mùa hè mốt mới nhất màu vàng chóe, thắt cravát đỏ, đội mũ Panama vành bẻ cong tớn, nói cười quàng quạc tỏ ra hăng hái nhất bọn. Nhưng để ý nhìn kỹ Aschenbach giật mình kinh hãi nhận ra gã này cưa sừng giả nghé. Gã đã già khằng, không còn nghi ngờ gì nữa. Quanh mắt quanh miệng gã chi chít nếp nhăn. Gò má phớt hồng nhờ đánh phấn, mớ tóc nâu thò ra dưới vành mũ rơm sặc sỡ uốn cong là tóc giả, cần cổ gân guốc tong teo, hàng ria mép vểnh lên và chòm râu nhỏ dưới cằm đã được nhuộm lại màu, hàm răng vàng khè không thiếu chiếc nào mà gã nhe ra mỗi khi cười là một bộ răng giả rẻ tiền, và đôi bàn tay, mỗi ngón trỏ đeo một chiếc nhẫn mặt ấn, là tay một người già cốc đế đại vương.
Aschenbach nhìn lão và đám bạn đùa cợt mà rùng mình ghê tởm. Chẳng lẽ họ không biết, không nhận ra lão đã trọng tuổi, không có quyền mặc bộ đồ diêm dúa lòe loẹt kia, không có quyền ra dáng trai tơ như họ? Cứ như một sự đương nhiên và thông thường nhất trần đời, đám trẻ chấp nhận lão là đồng bọn, đối xử với lão như với bạn bè cùng trang lứa, đáp lại không ngại ngùng những cú thúc cùi chỏ thân mật của lão. Sao lại có thể như thế được? Aschenbach đặt tay lên trán và nhắm nghiền cặp mắt nóng ran vì thiếu ngủ. Ông thấy hình như vừa xảy ra điều gì đó bất thường, như thể bắt đầu một sự thoát ly mộng mị, thế giới quanh ông trở nên méo mó lạ đời, và để ngăn chặn có lẽ ông nên che mặt đi giây lát trước khi mở mắt ra nhìn lại xung quanh. Nhưng đúng lúc ấy người ông tròng trành chao đảo, hoảng hồn mở choàng mắt trông lên ông thấy thân tàu nặng nề tối thui đang từ từ tách khỏi bờ kè. Từng tấc từng tấc, dưới tác động đẩy tới đẩy lui của cỗ máy, dải nước bẩn loang lổ giữa bờ và thân tàu cứ rộng dần ra, và sau vài động tác xoay trở nặng nhọc con tàu quay hẳn mình hướng mũi ra khơi. Aschenbach bỏ đi sang mạn phải, ở đó gã lưng gù kê cho ông một chiếc ghế nằm và một gã bồi tàu mặc bộ đồng phục ố bẩn tới hỏi ông cần gì để y phục vụ.
Bầu trời xám xịt, gió ẩm ướt; hải cảng và những hòn đảo lùi lại đằng sau, chẳng bao lâu đất liền biến mất hẳn trong màn sương dày đặc. Bụi than trương lên vì ngấm nước lấm tấm đậu xuống sàn tàu ướt rượt chẳng chịu khô. Độ một tiếng đồng hồ sau trời bắt đầu mưa, và người ta phải căng một tấm bạt lên che boong tàu.
Quấn kín trong chiếc áo choàng, quyển sách để trên lòng, người khách lãng du nằm nghỉ và thời gian trôi tựa tên bay. Mưa đã tạnh; người ta dỡ tấm vải cất đi. Chân trời hiện lên rõ nét. Dưới vòm trời rộng mặt biển hoang vắng trải ra bốn phía như một cái đĩa khổng lồ; nhưng trong không gian trống rỗng đơn điệu ấy con người dần dần đánh mất cảm giác về thời gian, và mụ mị chìm đắm vào cõi vô biên. Những nhân vật quái đản, lão già nhí nhảnh, lão râu dê từ khoang tàu ra, lướt qua tâm trí lơ mơ của người khách đang nằm nghỉ như những cái bóng với cử chỉ mơ hồ, lời nói lộn xộn, và rồi ông ngủ thiếp đi.
No comments:
Post a Comment