Saturday, March 17, 2012

Chết ở Venice - phần 5

Nhiều năm trước, khi nhận xét về hình tượng anh hùng mới thường xuyên xuất hiện trong vai những nhân vật khác nhau được nhà văn tỏ ra ưu ái, một nhà phê bình chuyên chẻ sợi tóc làm tư đã viết rằng: đó là hình tượng “nam tính trẻ trung và trí tuệ”, “trong nỗi hổ thẹn đầy kiêu hãnh đã cắn chặt răng đứng im tại chỗ chịu cho gươm giáo phanh thây xẻ thịt mình”. Đó là một nhận định rất hay, thông minh và chính xác, mặc dầu ấn tượng tạo ra có thể bị cho là quá thụ động. Thực ra giữ được tư cách trong lúc hiểm nghèo, giữ được vẻ đẹp trong khi đau khổ, đó không chỉ đơn thuần là chịu đựng mà là nỗ lực tích cực, là thắng lợi tuyệt đối; và nhân vật Sebastian[1] là biểu tượng đẹp nhất, nếu không phải của toàn bộ nghệ thuật nói chung thì chí ít cũng là của bộ môn nghệ thuật đang được nhắc đến ở đây.

Nhìn vào thế giới chuyện kể của ông, người ta thấy tinh thần tự chế ngự bản thân đã kiêu hãnh che giấu đến giây phút cuối những hủy hoại bên trong và suy sụp bên ngoài trước con mắt người đời; thấy nhan sắc vàng vọt xấu xí bị rẻ rúng đã thổi bùng dục vọng âm ỉ thành ngọn lửa thuần khiết, để rồi cất cánh bay lên trở thành chúa tể vương quốc của cái đẹp; thấy thể chất xanh xao bất lực đã huy động sức mạnh từ thẳm sâu tinh thần rực lửa để buộc cả dân tộc tự cao tự đại quỳ gối dưới chân thánh giá, quỳ gối dưới chân mình; thấy thái độ nhã nhặn lịch thiệp trong hình thức phục vụ khuôn sáo và rỗng tuếch; thấy cuộc đời mạo hiểm đầy những ham muốn nhất thời và mưu mô lừa đảo của kẻ lưu manh. Theo dõi những số phận này và vô số mảnh đời tương tự người ta phải băn khoăn tự hỏi, không biết có còn tồn tại một chủ nghĩa anh hùng nào khác ngoài chủ nghĩa anh hùng của kẻ yếu. Và còn chủ nghĩa anh hùng nào hợp thời hơn chủ nghĩa anh hùng này?

Gustav Aschenbach là nhà thơ của giới cần lao, những con người vắt hết sức mình ra làm việc, phải gánh chịu quá nhiều nặng nhọc, bị cuộc đời đày ải dày vò nhưng vẫn kiên cường chống đỡ, ông là thi sĩ của tất cả những tấm gương lao động ấy, tuy thân thể còm cõi và tài sản hao mòn, vẫn vận dụng hết sức mạnh ý chí và tài quản lý khôn khéo để nhất thời giành chút vinh quang. Có rất nhiều người như thế, họ là những anh hùng của thời đại chúng ta. Và tất cả những con người ấy nhận ra hình ảnh mình trong tác phẩm của ông, họ thấy mình được công nhận, được đề cao, được ca ngợi, cho nên họ biết ơn ông, họ tung hô tên tuổi ông.

Khi xưa, ông còn trẻ dại và cấp tiến một cách thô sơ, vì chưa được thời gian đào luyện nên ông đã bao phen vấp ngã, phạm bao lầm lỗi, tự bôi gio trát trấu lên mình, xử sự không lịch thiệp và thiếu khôn ngoan cả khi nói lẫn khi viết. Nhưng dần dà ông đã có được một phẩm giá mà, theo nhận định của ông, là mục tiêu phấn đấu tất yếu của mọi tài năng lớn, thật vậy, có thể nói rằng toàn bộ quá trình phát triển nhân cách ông là một sự vươn lên có ý thức và đầy thách thức, phá vỡ mọi xiềng xích hoài nghi và mai mỉa để đạt đến phẩm giá này.

Đông đảo quần chúng dễ bị cuốn hút bởi những hình ảnh sinh động, cụ thể và không ràng buộc nhiều về tư tưởng, nhưng tuổi trẻ cực đoan và hăng hái lại chỉ quan tâm đến những đề tài tranh luận hóc búa: và Aschenbach thời đó cũng hóc búa, cũng cực đoan như bất cứ một chàng trai trẻ nào. Ông đã quên mình cống hiến cho tư tưởng, khai thác kiệt quệ tri thức, đổ cả hạt giống ra xay, tiết lộ bí mật, ngờ vực tài năng, phản bội nghệ thuật - đúng thế, trong khi các tác phẩm đầy hình ảnh của ông mua vui cho đám quần chúng cả tin, tâng bốc đề cao bọn họ, truyền sinh khí cho họ thì thế hệ tuổi đôi mươi lại hồi hộp nín thở theo dõi thái độ mỉa mai cay độc mà ông, người nghệ sĩ trẻ, dùng để chĩa mũi nhọn tấn công vào bản chất đáng ngờ của nghệ thuật, của nhân sinh quan nghệ sĩ.

Nhưng dường như không có cái gì làm cùn lụt một tinh thần cao thượng và nhiều năng lực một cách nhanh chóng, toàn diện hơn là ma lực sắc bén và cay độc của tri thức; và lẽ dĩ nhiên, thái độ triệt để tận tâm đầy ưu tư của chàng trai trẻ thời ấy còn rất nông cạn nếu đem so với quyết tâm của người nghệ sĩ bậc thầy, quyết tâm chối bỏ tri thức, phủ định hiểu biết, quay lưng lại với trí tuệ, chừng nào kiến thức còn được dùng để làm mất tinh thần, phá hủy giá trị của ý chí và hành động, làm tê liệt xúc cảm và niềm hăng say của con người. Câu chuyện nổi tiếng trong “Một người khốn khổ” làm sao có thể hiểu khác hơn là một tiếng thét phản kháng, tỏ thái độ ghê tởm trào lưu tôn sùng thái quá môn tâm lý học vô luân đương thời, hiện thân là tên lưu manh nửa mùa vừa hèn nhát vừa dốt nát, kẻ hy vọng bằng mánh lới gian tà có thể giành cho mình một số phận khá hơn; nhưng vì nhu nhược, vì thói hư tật xấu, vì đạo đức suy đồi y đã đẩy vợ mình vào vòng tay một tên mày râu nhẵn nhụi, mà tận đáy lòng y vẫn chắc mẩm rằng mình có quyền làm những điều không xứng đáng ấy? Bằng sức đột phá của ngôn từ, được dùng ở đây để đào thải những tư tưởng đáng bị đào thải, ông lên tiếng cự tuyệt mọi hồ nghi về đạo đức, mọi đồng tình với suy đồi, không chấp nhận thái độ dễ dãi của câu từ bi cửa miệng cho rằng hễ hiểu được là tha thứ được; và những gì đang hình thành hay đã thành hình ở đây, là cái “phép màu tái sinh tính hồn nhiên” mà sau đó ít lâu, trong một bài đối thoại của mình, tác giả có nhấn mạnh bằng giọng úp mở đầy bí mật.

Những mối liên hệ lạ lùng thay! Phải chăng đó là thành quả tinh thần của sự “tái sinh”, của phẩm giá và nguyên tắc mới, mà cùng thời gian này người ta thấy bộc lộ ra qua mỹ cảm tăng lên hầu như quá độ ở ông, chất thanh tao, giản dị và hài hòa trong hình thức thể hiện từ đây về sau đã in lên các tác phẩm của ông một dấu ấn nổi bật, rất hữu ý, cho thấy một phong cách bậc thầy thấm nhuần tính cổ điển? Nhưng quyết tâm đề cao đạo đức lên trên tri thức, cái tri thức vừa giải thoát lại vừa ràng buộc con người ta - liệu điều đó có dẫn tới sự đơn giản hóa, đạo đức hóa một cách sơ sài cả thế giới lẫn tâm hồn, và như thế cũng có thể trở nên thái quá dẫn tới cái ác, điều cấm kỵ, tính vô luân? Và chẳng phải hình thức trong nghệ thuật vẫn luôn luôn có hai mặt đó sao? Chẳng phải hình thức vừa đạo đức lại đồng thời vô đạo đức - đạo đức vì nó là kết quả và biểu hiện của tu dưỡng rèn luyện, nhưng vô đạo đức và còn trái đạo lý nếu trong bản chất nó chứa đựng một sự lãnh đạm về luân lý, thậm chí chứa đựng khuynh hướng thống trị, buộc đạo đức khuất phục cây vương trượng độc đoán và kiêu căng của mình?

Nhưng thôi, cũng đành phó mặc cho tạo hóa! Mỗi quá trình trưởng thành là một số phận; và lẽ nào số phận của người thu phục được lòng ngưỡng mộ của đông đảo công chúng lại không khác với người chẳng được hưởng những hào quang và hệ lụy của danh vọng? Chỉ có đám giang hồ tứ chiếng mới tỏ ý khinh thường và ưa mỉa mai cười nhạo một tài năng lớn đã thoát xác khỏi giai đoạn ấu trĩ tự do vô độ, đã hoàn toàn lĩnh hội được những giá trị tinh thần cao đẹp và chấp nhận nếp sống cô đơn hiền giả, không người cố vấn, tự lực cánh sinh chịu đựng khổ đau và phấn đấu hết mình để đạt đến quyền lực cùng danh dự hơn người. Thêm vào đó còn có biết bao nhiêu mưu toan, bao nhiêu ngoan cường, bao nhiêu vui thú trong quá trình tự hình thành tài năng ấy!

Cùng với thời gian, ngòi bút Gustav Aschenbach dần dần trở nên chính thống và mô phạm, những năm sau này văn phong của ông mất đi cái táo bạo thẳng thắn, vắng bóng những sắc độ tinh tế mới, trở nên vững vàng và mẫu mực, trau chuốt và truyền thống, đến mức bảo thủ, công thức, thậm chí khuôn sáo; và giống như một giai thoại về vua Pháp Louis XIV, khi trở về già ông loại bỏ hết ra khỏi ngôn từ của mình những chữ thông tục tầm thường. Khi ấy xảy ra sự kiện bộ giáo dục chỉ thị đưa vào sách giáo khoa các trường phổ thông một số trang chọn lọc từ tác phẩm của ông. Điều này làm ông rất đẹp lòng, và ông cũng không khước từ nhã ý của một công vương Đức mới lên ngôi, khi vị vua này quyết định phong tước quý tộc cho tác giả sử thi “Friedrich” nhân dịp ông tròn năm mươi tuổi.

Sau vài năm long đong lận đận thử tìm chốn an cư lạc nghiệp ở một vài nơi, ông đã bén rễ tại München và sống một cuộc đời thị dân phong lưu, được trọng vọng nhờ có một số đóng góp đặc biệt về tư tưởng. Ông kết hôn từ khi còn trẻ, vợ ông xuất thân trong một gia đình trí thức, nhưng sau một thời gian hạnh phúc ngắn ngủi bà đã qua đời, để lại cho ông một người con gái nay đã vu quy. Ông không có con trai.

Gustav von Aschenbach người hơi thấp, tóc nâu, không để râu. Đầu ông có vẻ hơi lớn so với thân hình mảnh khảnh. Mái tóc ông, trên đỉnh đầu đã hơi thưa nhưng hai bên thái dương còn rất rậm và điểm bạc, được chải hất ra sau gáy để lộ vầng trán cao đầy nếp nhăn loáng thoáng rỗ hoa. Cặp kính gọng vàng hằn sâu một vết trên sống mũi cao hơi gồ lên. Miệng ông rộng, khi hé mở thì dễ dãi, khi mím chặt căng thẳng thì đầy cương quyết; cặp má hóp hằn sâu ngoặc đơn ngoặc kép, cái cằm cân đối xẻ một chút cánh én. Những ngọn đòn số phận dường như đều né tránh mái đầu thường hay đau khổ nghiêng nghiêng về một phía của ông, và chính nghệ thuật mới là thủ phạm khắc họa nên tướng mạo người nghệ sĩ, để lại những đường nét tưởng đâu là dấu ấn của một cuộc đời khó nhọc và nhiều biến cố. Sau vầng trán kia đã nảy ra những câu đối đáp chớp nhoáng trong cuộc đối thoại giữa Voltaire[2] và nhà vua Phổ luận bàn về chiến tranh; đôi mắt ấy, mệt mỏi hõm sâu đằng sau cặp kính, đã chứng kiến cảnh các bệnh viện dã chiến chìm trong máu lửa của cuộc chiến tranh bảy năm[3]. Nghiệm vào cá nhân ông thì nghệ thuật cũng là cuộc đời ở mức độ cao hơn. Nghệ thuật mang đến cho ông niềm hạnh phúc sâu xa hơn, nhưng cũng làm ông tàn tạ nhanh hơn. Nó khắc lên gương mặt kẻ phụng sự nó dấu vết những cuộc phiêu lưu tinh thần hư cấu, và, dù cho ông có giữ nếp sống thanh tịnh như một tu sĩ, về lâu về dài nó vẫn làm thần kinh ông căng thẳng, khiến ông trở nên nhạy cảm quá mức, mệt mỏi và thao thức, gây ra những hậu quả không khác gì một lối sống phóng đãng chạy theo ham mê và lạc thú.



[1] Hiệp sĩ La Mã tử vì đạo ở đầu thế kỷ III.

[2] Đại văn hào Pháp (1694-1778), từ 1750-1753 là thượng khách trong triều đình Friedrich Đại đế.

[3] Cuộc chinh phạt xứ Schlesien (Silesia) lần thứ ba của Friedrich Đại đế, từ 1756-1763.

No comments: