Tuesday, March 06, 2012

Tôi, Charley, và hành trình nước Mỹ - phần 1


Tôi, Charley, và hành trình nước Mỹ

- tác giả: John Steinbeck -

- Tuấn Việt dịch -

Khi tôi còn non trẻ, lòng mơ tưởng những phương trời xa xăm; người lớn bảo tôi rằng để chữa chứng ngứa ngáy đôi chân thì phải trưởng thành lên thôi. Đến khi năm tháng biến tôi thành gã trưởng thành, món thuốc trị ngứa hóa ra lại là tuổi trung niên. Đến tuổi trung niên, người ta lại bảo cần thêm nhiều tuổi nữa mới xoa dịu được cơn sốt ấy. Và giờ đây, khi tôi đã năm mươi tám tuổi đầu, có lẽ chăng sức khỏe sẽ là thang thuốc cuối cùng? Thế mà vẫn chẳng có món thuốc nào linh nghiệm cả. Còi tàu rúc lên đủ bốn tiếng là tóc gáy tôi cứ sởn hết cả lên, đôi chân tôi lại một phen nhấp nhổm. Cứ nghe tiếng máy bay, tiếng động cơ khởi hoạt, thậm chí đến tiếng vó ngựa lốc cốc trên mặt đường là tôi lại chứng nghiệm cái rùng mình muôn thuở, miệng khô khốc, đôi mắt xa xăm, lòng bàn tay ran nóng, cái nôn nao từ bụng dâng cả lên lồng ngực. Nói tóm lại, tôi vẫn cứ như xưa. Nói nôm na, đã lang bạt một thời thì cả đời lang bạt. Tôi e rằng căn bệnh đó là bất trị mất rồi. Tôi nêu cớ sự này, chẳng phải để răn đe ai đó mà chỉ là để bảo ban chính mình mà thôi.

Khi con virus lang bạt bắt đầu gặm nhấm gã đàn ông ương bướng, và con đường từ Chốn Này như thênh thang, như thẳng tắp, như ngọt ngào, thì gã nạn nhân ấy trước hết phải tìm cho mình một lý do hợp tình hợp lẽ để mà ra đi. Với một gã lang bạt bất trị thì chuyện này thật quá dễ. Hắn có cả một rừng lý do để mà lựa chọn. Kế tiếp, hắn phải lên kế hoạch thời gian và nơi chốn, chọn hướng, chọn đích. Và cuối cùng, hắn phải tính toán cuộc hành trình. Đi cách nào, mang theo gì, ở bao lâu. Công đoạn này là nhất thiết, là sống còn. Tôi nêu nó ra đây để những kẻ mới mò mẫm đến lang bạt xứ – ví như các cô cậu thiếu niên đang ngấp nghé trước thềm ải khổ – không tưởng lầm rằng mình đã phát minh ra nó.

Một khi hành trình được thiết kế, trang bị, xúc tiến xong thì lại có thêm một nhân tố nữa vào cuộc, chiếm lấy thế thượng phong. Mỗi chuyến du hành, rong ruổi, thám hiểm đều là một thực thể riêng, chẳng chuyến đi nào giống chuyến đi nào. Chúng có cá tính, tính cách, sự cá biệt, sự độc đáo riêng. Hành trình là chính con người, làm gì có ai giống ai? Và tất cả những kế hoạch, những phòng bị, những kiểm tra, những cưỡng thúc đều chẳng ích lợi gì. Sau nhiều năm vật vã, ta chợt nhận ra rằng ta đâu có “làm” cuộc hành trình nào, mà chỉ có những cuộc hành trình “làm” chúng ta mà thôi. Những toan tính, kế hoạch, việc đặt chỗ, tiền nong và những thứ buộc phải làm khác đều chẳng là gì cả trước cá tính của mỗi chuyến đi. Chỉ khi nhận ra điều đó, gã lang bạt mới có thể thư giãn và thuận theo với nó. Chỉ khi đó, mọi nỗi thất vọng mới tan biến. Khi đó, hành trình sẽ giống như cuộc hôn nhân. Bạn sai mười mươi nếu cứ nghĩ mình khống chế được nó. Tôi cảm thấy thật dễ chịu khi nói ra điều này, mặc dù chỉ những ai từng trải mới có thể hiểu được.

Kế hoạch của tôi rất rõ ràng, cụ thể và hợp lý, tôi cho là như thế. Suốt bao năm trời tôi đã bôn ba khắp thế giới. Tại Mỹ, tôi sống ở New York hoặc quanh quẩn ở Chicago hay San Francisco. Nhưng New York đâu còn là Mỹ nữa, tựa như Paris không còn là Pháp và London không còn là Anh vậy. Chính vì thế mà tôi nhận ra tôi chẳng biết gì về đất nước của mình. Tôi, một nhà văn Mỹ chuyên viết về nước Mỹ... Thế mà tôi vẫn chỉ biết cậy nhờ vào trí nhớ, mà trí nhớ thì giỏi lắm cũng chỉ là một kho chứa lệch lạc, méo mó. Tôi chưa từng nghe giọng nói của nước Mỹ, chưa từng ngửi mùi cỏ cây và cống rãnh, thấy sông hồ đồi núi cùng những sắc màu và ánh sáng của đất nước mình. Tôi chỉ biết đến những thay đổi của nó qua sách báo. Nhưng điều tệ hại hơn là tôi đã không cảm được đất nước tôi trong suốt hai mươi lăm năm trời. Nói tóm lại, tôi đã viết những thứ mình không biết, và với một gã được coi là nhà văn như tôi thì điều đó có khác gì tội ác. Hai mươi lăm năm gián đoạn đã làm trí nhớ tôi bị méo mó mất rồi.

Một lần nọ, tôi phiêu du trên một xe bán bánh mì lưu động, loại xe hai cửa, sàn trải nệm. Tôi dừng lại ở nơi có người dừng lại hay tụ tập. Tôi nghe, nhìn, cảm nhận và từ đó tôi có được một hình ảnh về đất nước tôi, mà nếu rủi như nó chưa được chuẩn xác thì đó chỉ là do sự kém cỏi của tôi mà thôi.

Thế là tôi quyết định xem xét lại, khám phá lại cái đất nước khổng lồ này. Nếu không làm thế thì khi viết lách tôi sẽ không cách gì mô tả được những sự thực nho nhỏ, vốn dĩ là nền tảng của một sự thực to lớn hơn. Một khó khăn lớn bỗng lù lù xuất hiện. Sau hai mươi lăm năm gián đoạn, cái tên của tôi đã trở nên khá nổi tiếng. Theo kinh nghiệm của tôi thì khi ai đó được nhiều người biết tiếng, dù là tiếng tốt hay tiếng xấu, thì họ cũng sẽ thay đổi. Sự dè dặt hay những phẩm chất nào đó do danh tiếng tạo ra sẽ khiến họ không còn giống với chính mình nữa. Chính vì vậy mà tôi buộc phải bỏ lại ở nhà cả tên tuổi lẫn danh tính của mình. Tôi phải luôn giương mắt, vểnh tai tựa như một đám thạch trên đĩa. Tôi không thể ký vào các tờ khai ở khách sạn, không thể gặp người quen, phỏng vấn ai đó, hay thậm chí đưa ra những câu hỏi tìm hiểu. Hơn nữa, cứ có hai người trở lên là hệ sinh thái phức tạp của một khu vực nào đó lại bị xáo trộn. Do đó, tôi phải đi một mình và hết sức kiềm chế, vào vai một chú rùa bình thường, gánh trên lưng cả ngôi nhà của mình.

Với tất cả những thứ đó trong đầu, tôi viết thư gửi đến trụ sở chính của một công ty lớn chuyên chế tạo xe tải. Tôi nêu rõ mục đích và nhu cầu của mình. Tôi muốn có một chiếc xe bán tải loại ba phần tư tấn có thể đi khắp mọi nơi trong điều kiện khắc nghiệt nhất, và trên xe tải đó tôi muốn có một ngôi nhà be bé giống như ca-bin của một chiếc thuyền nhỏ. Loại xe rơ-moóc thì rất khó lái trên đường núi, lại không cách gì đỗ được – thường là do bị cấm đỗ – và bị đủ thứ hạn chế khác. Sau một thời gian, họ gửi tài liệu kỹ thuật đến. Nó mô tả một chiếc xe chắc chắn, nhanh, tiện nghi, có một ca-bin dã ngoại gắn bên trên – một ngôi nhà nhỏ với chiếc giường đôi, chiếc bếp bốn lò, máy sưởi, tủ lạnh, những ngọn đèn bu-tan, bồn cầu dùng hóa chất tự hoại, tủ áo, kho chứa, cửa sổ gắn lưới ngăn côn trùng – chính xác như tôi mong muốn. Đến hè, nó được giao đến nơi câu cá be bé của tôi ở Sag Harbor, ở gần mạn cuối Long Island. Mặc dù tôi không định khởi hành trước ngày lễ Lao động, khi cả nước rút ra khỏi cuộc sống bình thường, nhưng tôi rất muốn làm quen với chiếc mu rùa của mình, trang bị đồ đạc cho nó và tìm hiểu về nó. Xe được đưa đến vào tháng Tám. Một món hàng đẹp, tuy mạnh mẽ mà vẫn mềm mại. Lái nó chẳng khó hơn là bao so với lái xe thường. Và vì chuyến đi của tôi đã làm khơi dậy một vài nhận xét châm biếm nơi bạn bè, nên tôi đặt tên cho nó là Rocinante, mà chắc các bạn cũng biết là tên con ngựa của Don Quixote.

Do tôi chẳng giấu giếm gì về dự định của mình nên một vài tranh luận đã nảy sinh trong số các bạn bè và nhà tư vấn của tôi (Một chuyến đi được lên kế hoạch làm sao tránh khỏi làm phát sinh ra những nhà tư vấn?). Họ nói rằng nhà xuất bản của tôi đã phát tán ảnh tôi tùm lum ra khắp nơi mất rồi, cách gì tôi đi đâu mà không bị nhận mặt. Xin thưa rằng, trong suốt hơn mười sáu ngàn cây số qua ba mươi bốn tiểu bang, tôi đã không một lần bị nhận ra. Tôi tin rằng người ta chỉ nhận ra mọi thứ trong bối cảnh của chúng mà thôi. Ngay cả những người có thể biết đến tôi trong cuộc sống hiện nay vẫn không cách nào nhận ra tôi trong chiếc Rocinante.

Tôi được tư vấn rằng nếu sơn cái tên Rocinante lên hông xe theo kiểu chữ Tây Ban Nha thế kỷ mười sáu thì nhất định tôi sẽ khơi lên sự tò mò và nghi vấn ở vài nơi. Chả biết có bao nhiều người biết đến cái tên này, nhưng chắc chắn là đã chẳng có ai hỏi han gì về nó.

Kế tiếp, người ta bảo tôi rằng một kẻ lạ mặt mà đi lang thang như thế thì có thể sẽ gây thắc mắc hay thậm chí nghi ngờ. Vì lẽ đó mà tôi dắt trên xe một khẩu súng săn, hai khẩu súng trường và vài chiếc cần câu. Bởi theo kinh nghiệm của tôi thì khi một người đàn ông đi săn bắn hoặc câu cá thì mục đích của anh ta là rõ ràng và có khi lại còn được hoan hô nữa ấy chứ. Thật ra, những ngày săn bắn của tôi đã qua đi lâu rồi. Tôi không còn giết hay bắt bất cứ con vật nào không lọt vừa chiếc chảo rán. Tôi đã quá già để chơi môn thể thao giết chóc đó. Nhưng hóa ra sự cẩn tắc này cũng chả cần thiết.

Người ta cũng bảo rằng bảng số xe New York có thể sẽ gây chú ý và tò mò, vì nó là dấu hiệu nhận diện bề ngoài duy nhất của tôi. Và quả thế thật, trong cả chuyến đi đã có đến hai ba chục lần tôi gặp phải những thắc mắc về nó. Nhưng những tò mò này luôn được tiếp nối bởi một mẫu hình bất biến, đại loại là như sau.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỊA PHƯƠNG: “New York hả?”

TÔI: “Chính xác”.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỊA PHƯƠNG: “Tôi đã đến đó hồi năm 1938... Hay ba mươi chín nhỉ? Alice, mình đến New York năm ba tám hay ba chín hả bà?”

ALICE: “Năm ba sáu lận, ông ơi! Tôi còn nhớ vì đó là năm Alfred chết”.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỊA PHƯƠNG: “Tóm lại là tôi không ưa nơi đó. Có cho tiền tôi cũng chẳng đến đó sống”.

Một số người thành thật lo lắng về việc tôi đi du lịch một mình sẽ dễ bị tấn công, bị cướp bóc, bị hành hung. Ai mà chả biết đường sá của chúng ta đầy rẫy những hiểm nghèo. Về chuyện này thì thú thật tôi đã lo lắng vô nghĩa. Đã vài năm rồi tôi sống một mình, không tên tuổi, không bạn bè, không có bất cứ sự an toàn nào mà người ta có được từ gia đình, bè bạn và những người cùng cánh. Nhưng hiểm nguy thì chẳng thấy đâu cả. Chỉ đơn giản là một cảm giác ban đầu rất cô đơn, rất tuyệt vọng – một thứ cảm giác cô độc. Vỉ lẽ đó, tôi mang theo một người bạn đồng hành trong hành trình của mình – một con chó xù Pháp hào hoa dù đã già nua có tên là Charley. Tên đầy đủ của nó là Charles le Chien. Nó ra đời tại Bercy ở ngoại ô Paris và được dạy dỗ bằng tiếng Pháp. Cho nên dù có biết chút ít tiếng Anh-chó xù, nó vẫn chỉ phản ứng nhanh nhạy trước các mệnh lệnh bằng tiếng Pháp. Còn như không phải tiếng Pháp thì nó phải phiên dịch ra, vì thế mà chậm chạp hẳn đi. Nó là một con chó xù rất lớn, mang một màu tạm gọi là màu xanh, và nó chỉ màu xanh khi nào sạch sẽ mà thôi. Charley là một nhà ngoại giao bẩm sinh. Nó thích thương lượng hơn là đánh nhau, và như thế là chí phải vì vốn dĩ nó đánh đấm rất tồi. Chỉ một lần duy nhất trong mười năm cuộc đời nó gặp rắc rối – đó là khi nó đụng phải một con chó không thích thương lượng. Thế là Charley bị mất một mẩu tai bên phải. Nhưng nó là một con chó giữ nhà rất tốt, tiếng nó rống lên nghe cứ như sư tử gầm, thật là phù hợp để răn đe những kẻ lang thang ban đêm, mặc dù nó chẳng cắn ai và chỉ là một thứ hổ giấy mà thôi. Charley là một người bạn, một người đồng hành tốt. Nó thích đi du lịch hơn bất cứ việc gì mà nó có thể hình dung. Nếu nó xuất hiện thường xuyên trong suốt câu chuyện này thì đó là vì nó đóng góp rất nhiều cho cuộc hành trình. Chó – đặc biệt là loại chó ngoại như Charley – luôn là cầu nối với những người xa lạ. Rất nhiều cuộc trò chuyện đã bắt đầu từ câu hỏi: “Nó thuộc giống chó gì vậy nhỉ?”

Kỹ thuật mở đầu câu chuyện ở đâu cũng như nhau. Từ lâu tôi đã biết và nhiều lần chứng nghiệm rằng cách tốt nhất để thu hút sự chú ý, sự giúp đỡ, sự đối thoại là... bị lạc. Dù là một gã đàn ông thấy mẹ mình chết đói giữa đường mà vẫn đá vào bụng bà để mở đường mà đi, thì hắn ta vẫn cứ hân hoan dành nhiều giờ đồng hồ thời gian của mình để chỉ vẽ những hướng đi trật lất cho một người hoàn toàn xa lạ, chỉ cần người này tự nhận là mình đi lạc.

No comments: