Thursday, March 08, 2012

Hành trình nước Mỹ - phần 2

Phần 1

Dưới tán cây sồi lớn ở chỗ tôi tại Sag Harbor, Rocinante đang “an tọa”, bảnh bao và tự tại. Những người hàng xóm đến thăm nó, một số người tôi chẳng hề quen biết. Tôi thấy trong mắt họ điều mà tôi thấy đi thấy lại nhiều lần ở mọi nơi trên đất nước này: một khát vọng cháy bỏng được ra đi, được di chuyển, được lên đường, đến bất cứ nơi đâu, miễn là xa khỏi cái Chốn Này của họ. Họ thì thầm với nhau rằng họ ước sẽ ra đi vào một ngày nào đó. Một cách tự do, không có gì níu giữ, không hướng về nơi nào mà là rời xa khỏi chốn nào. Tôi thấy những ánh mắt ấy và nghe những lời ao ước ấy ở bất cứ bang nào mà tôi đã đi qua. Hầu như tất cả mọi người Mỹ đều thèm khát ra đi. Một cậu bé chừng mười ba tuổi ngày nào cũng ghé qua. Nó bẽn lẽn đứng cách xa, dõi mắt nhìn Rocinante. Nó đăm đăm nhìn cánh cửa, nằm cả xuống đất để ngắm nghía bộ nhíp khỏe khoắn. Một cậu nhóc thật lặng lẽ và dai dẳng. Nó đến cả vào ban đêm để ngắm nghía Rocinante. Sau một tuần lễ, nó chịu đựng hết nổi nữa. Những lời lẽ của nó liều lĩnh đánh vật để thoát khỏi sự thẹn thùng. Nó nói, “Nếu bác cho cháu đi theo, cháu sẽ làm mọi thứ. Cháu sẽ nấu nướng, rửa hết chén đĩa, làm tất tật mọi việc và cháu sẽ chăm sóc bác”.

Rủi thay tôi lại biết rõ nỗi khát khao của nó. Tôi nói, “Bác cũng muốn lắm chứ. Nhưng ban giám hiệu nhà trường và cha mẹ cháu và nhiều người khác nữa sẽ không cho phép bác”.

“Cháu sẽ làm mọi việc”, nó nói. Và tôi cũng tin là như thế. Tôi nghĩ nó sẽ chẳng bỏ cuộc cho đến khi tôi lái xe đi mà không mang theo nó. Nó có giấc mơ mà tôi đã có trong suốt cả cuộc đời, và giấc mơ đó không cách nào chữa trị được.

Trang bị cho Rocinante là cả một quá trình lâu la và thú vị. Tôi mang theo quá nhiều thứ mà không biết thực ra mình cần những thứ gì. Đồ nghề cho những lúc khẩn cấp, tời, một chiếc ròng rọc, một chiếc xẻng và một cây xà-beng để làm, để sửa hay để chế ra thứ gì đó. Rồi đến thực phẩm cho tình trạng khẩn cấp. Tôi có thể đi khuya ở vùng Tây Bắc và bị mắc kẹt trong tuyết. Tôi chuẩn bị cho ít nhất một tuần lễ gặp nạn. Nước thì dễ rồi: Rocinante có một bồn chứa đến một trăm mười bốn lít.

Tôi nghĩ tôi sẽ viết lách gì đó dọc đường, có lẽ là những bài tiểu luận, chắc chắn là những ghi chép, và dĩ nhiên là những lá thư. Tôi mang theo giấy, giấy than, máy đánh chữ, bút chì, sổ tay. Và không chỉ có thế mà còn cả những cuốn từ điển, một bách khoa toàn thư loại tinh gọn, và một tá những cuốn sách tra cứu khác, những thứ rất nặng. Có vẻ như khả năng tự lừa dối bản thân của chúng ta là không có giới hạn. Tôi biết thừa rằng tôi rất hiếm khi ghi chép, và nếu có ghi đi nữa thì tôi cũng để lạc mất hay không thể đọc được. Từ kinh nghiệm của ba mươi năm làm nghề, tôi cũng thừa biết mình không thể viết về một sự kiện nóng. Tôi phải chờ cho sự kiện đó lên men. Tôi phải làm điều mà các bạn tôi vẫn hay nói là “kềm cương con ngựa” cho đến khi nó dịu đi. Thế mà bất chấp sự hiểu biết về bản thân đó, tôi vẫn cứ trang bị cho Rocinante những vật liệu để viết lách, đủ để tạo ra một bộ sách mười tập. Tôi còn mang theo lượng sách nặng sáu mươi tám ký mà trước đây tôi đã chẳng mấy khi có thời giờ để đọc và dĩ nhiên sắp tới cũng vậy. Thức ăn đóng hộp, bao đựng súng săn, đạn súng trường, những hộp đồ nghề, và quá xá quần áo, chăn gối, quá chừng giày ống, đồ lót nylon chần cho nhiệt độ dưới không, đĩa và ly nhựa cùng một bồn rửa chén bằng nhựa, một két dự trữ khí đốt đóng chai. Những chiếc nhíp bị chất đồ lên cứ hạ xuống thấp dần, thấp dần. Giờ thì tôi ước tính mình đang mang theo nhiều hơn bốn lần mức cần thiết.

Giờ đây, Charley đã trở thành một con chó biết đọc suy nghĩ. Đời nó đã chứng kiến nhiều chuyến du hành, mà thường là nó bị bỏ lại ở nhà. Nó biết lần này sẽ rất lâu trước khi những chiếc va-li xẹp đi. Và thế là nó bắt đầu chạy lăng quăng, lo lắng, rên rỉ, tựa như mắc chứng cuồng loạn thể nhẹ dù nó là một con chó đã già. Trong suốt những tuần lễ chuẩn bị, nó suốt ngày quẩn chân tôi, gây ra những phiền toái chết tiệt. Nó trốn cả vào trong xe, trườn vào đó và cố làm cho ra vẻ nhỏ nhắn lắm vậy.

Lễ Lao động đến gần, ngày trọng đại mà hàng triệu đứa trẻ sẽ từ trường trở về nhà và hàng triệu phụ huynh sẽ rút khỏi các xa lộ. Tôi đã sẵn sàng để lên đường sớm nhất, ngay sau cái ngày đó. Vậy mà vào khoảng thời gian này lại có thông báo rằng bão Donna đang ồ ạt rời biển Caribe tràn về hướng chúng tôi. Ở phần chóp của Long Island, chúng tôi đã quá dày dạn với chuyện này để cảnh giác một cách cao độ. Cơn bão đến gần, chúng tôi chuẩn bị đối phó với một cuộc vây hãm. Cái vịnh bé nhỏ của chúng tôi được bảo vệ khá vững chắc, nhưng cũng chưa đủ để chống bão. Khi Donna trườn đến, tôi đổ đầy dầu vào các cây đèn dầu, gắn chiếc bơm tay vào giếng nước và cột chặt tất cả những thứ gì có thể di chuyển. Tôi có một chiếc tàu ca-bin dài hai mươi mét, chiếc Fayre Eleyne. Tôi đóng các cánh cửa của nó lại, lôi nó ra giữa vịnh, hạ thủy chiếc neo móc khổng lồ kiểu cổ cùng sợi xích mười ba ly, rồi cột cho nó đong đưa một khoảng dài. Với các biện pháp như thế, nó có thể cưỡi một cơn bão có tốc độ gió hai trăm bốn mươi km/h, trừ phi phần mũi của nó bị bứt neo.

Donna tràn tới. Chúng tôi lôi ra chiếc radio dùng pin để nghe tin tức, vì điện có thể bị cúp nếu Donna giáng đòn. Nhưng hãy còn thêm một nỗi lo khác. Đó là Rocinante tọa lạc giữa các cây cao. Trong một cơn ác mộng kinh hoàng, tôi thấy một thân cây đổ lên chiếc xe và đè nó “bẹp gí giống như một con bọ. Tôi bèn lôi nó ra khỏi chỗ có thể bị cây đè, nhưng điều này không có nghĩa là nguyên một ngọn cây không thể bay xa bốn mươi lăm mét và rơi đè lên nó.

Sáng sớm, đài báo cơn bão đang chuẩn bị tới. Đến khoảng mười giờ, đài lại báo mắt bão sẽ đi qua chỗ chúng tôi và nó sẽ đến vào lúc 1giờ 07 phút, chính xác đến vậy đó. Khu vịnh chỗ chúng tôi vẫn tĩnh lặng, không có lấy một gợn sóng, nhưng nước còn đục lắm và chiếc Fayre Eleyne thì vẫn bồng bềnh một cách duyên dáng ở nơi mà nó neo đậu.

Vịnh biển chỗ chúng tôi được che chắn vào hàng tốt nhất nên rất nhiều tàu thuyền nhỏ cũng kéo tới để neo đậu. Tôi lo ngại khi thấy nhiều chủ tàu không biết cách cột tàu. Cuối cùng có hai con tàu đi tới, trông xinh lắm, chiếc nọ dắt chiếc kia. Một chiếc neo nhẹ được thả xuống rồi chúng được bỏ lại, phần mũi của chiếc này được móc vào đuôi của chiếc kia và cả hai nằm trong khoảng đong đưa của Fayre Eleyne. Tôi vớ lấy chiếc loa ở cuối cầu tàu, cất tiếng phản đối sự điên rồ này, nhưng những chủ nhân của chúng hoặc là không nghe thấy, hoặc là không biết, hoặc là chả quan tâm.

Gió ập tới vào lúc đã dự báo, xé mặt nước như xé tấm vải đen. Nó giộng xuống như một quả đấm. Nguyên phần ngọn của một cây sồi đổ ụp xuống, sượt qua ngôi nhà gỗ nơi chúng tôi đang đứng quan sát. Đợt gió to kế tiếp làm bật tung một cửa sổ lớn của ngôi nhà gỗ. Tôi ra sức đóng chúng lại rồi dùng rìu đóng nêm chặn cả phần trên lẫn phần dưới. Điện và điện thoại bị cúp ngay từ đợt gió đầu, đúng như chúng tôi tiên liệu. Và cơn thủy triều cao hai mét rưỡi cũng đã được đoán trước. Chúng tôi quan sát gió càn quét mặt đất và mặt biển như một đàn chó săn từ đâu lao tới. Cây cối chao đảo, ngả nghiêng như ngọn cỏ, và mặt nước bị quất đập làm dậy lên cả một màn sương bọt nước. Một con tàu bị bứt dây, trôi tuột lên bờ, rồi tiếp đến là con tàu thứ hai. Những ngôi nhà xây vào mùa xuân tốt lành và đầu mùa hạ đón nhận những cơn sóng đập vào các cửa sổ tầng hai. Ngôi nhà gỗ của chúng tôi nằm trên ngọn đồi nhỏ cách mặt nước đến hơn chín mét. Nhưng ngọn triều dâng vẫn nhấn chìm cầu tàu của tôi. Khi gió đổi hướng, tôi dời Rocinante sang chỗ khác để tránh cho nó nằm dưới hướng gió thổi qua các cây sồi lớn. Chiếc Fayre Eleyne vẫn lịch lãm nổi bồng bềnh, đong đưa như chiếc chong chóng gió xuôi theo những cơn gió đổi chiều. Lúc này thì các con tàu cột vào nhau đang nhộn nhạo cả lên, dây thừng dưới chân vịt và bánh lái cứ va đập và cọ sát vào hai thân tàu. Một con tàu khác lôi chiếc neo của nó trèo lên tận bờ biển sình lầy.

Chó Charley chẳng thể hiện cảm xúc nào. Tiếng súng hay tiếng sấm, tiếng nổ hay tiếng gió rít, nó tuyệt đối chả quan tâm. Giữa cơn bão gầm rú, nó tìm một nơi ấm áp dưới gầm bàn đánh một giấc say sưa.

Gió lặng đi cũng đột ngột như lúc nó bùng lên. Mặc dù sóng vẫn tiếp tục lạc nhịp nhưng chúng không còn bị gió khuấy động, và thủy triều cứ dâng cao, dâng cao lên nữa. Tất cả những cầu tàu quanh chiếc vịnh nhỏ của chúng tôi đều bị nhận chìm dưới nước, chỉ còn nhú lên những chiếc cọc và tay vịn. Sự tĩnh lặng nghe cứ như một âm thanh cuống cuồng. Nhà đài thông báo chúng tôi đang ở trong mắt bão Donna. Sự yên ắng đáng sợ giữa cơn bão quay cuồng. Tôi chẳng biết bao lâu nữa sự tĩnh lặng này mới kết thúc. Có vẻ như sẽ phải còn chờ đợi rất lâu. Và rồi, mé bên kia giáng tới: gió đảo chiều. Chiếc Fayre Eleyne vẫn ngọt ngào đong đưa, hướng mũi về phía gió. Nhưng hai con tàu cột vào nhau đã lôi neo sà tới Fayre Eleyne và móc vào nó. Nó bị lôi đi, cố chống trả hướng gió và bị xô tới một cầu tàu bên cạnh. Chúng tôi nghe được cả tiếng nó kêu réo khi thân của nó bị dồn nén vào những cây cọc bằng gỗ sồi. Lúc này tốc độ gió được ghi nhận là trên 153km/h.

Tôi thấy mình đang chống chọi với gió, chạy bọc ra đầu vịnh, hướng về chiếc cầu tàu nơi các con tàu bị bứt neo đang ùn lại. Hình như vợ tôi – tên cô ấy được tôi dùng để đặt cho con tàu – đang đuổi theo tôi, hét lên ngăn tôi lại. Ván cầu ngập dưới nước một mét hai, nhưng những cây cọc nhú lên vẫn cho tôi chỗ bám tay. Tôi lần từng bước, từng bước, nước lên ngang túi ngực. Gió thổi vào bờ tạt nước vào miệng tôi. Con thuyền của tôi đang khóc lóc, rên rỉ do bị ép vào các cây cọc, và chúi đầu như một con bê khi hoảng sợ. Thế là tôi nhảy và lần mò sao đó leo được lên tàu. Lần đầu tiên trong đời tôi có được con dao đúng vào lúc cần thiết. Hai con tàu ương ngạnh ràng vào nhau đang ép Eleyne vào cầu tàu. Tôi cắt dây neo, dây chằng rồi đạp cho chúng tách ra, và chúng dạt về phía bờ sình lầy. Nhưng sợi xích neo của Eleyne không hề suy suyển, và cái vật bấu bùn cũ kỹ và to lớn kia vẫn nằm ở dưới đó, hơn bốn mươi lăm ký thép với những càng hình mũi giáo rộng như những chiếc xẻng.

Máy tàu của Eleyne không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn, nhưng ngày hôm đó chỉ mới vừa chạm vào là nó đã chạy. Tôi giữ máy, đứng trên boong, tay trái với vào trong để cầm lái và điều khiển ga và ly hợp. Và con thuyền này như cũng cố gắng giúp tôi – tôi nghĩ nó cũng hoảng như tôi vậy. Tôi ép được nó đi ra và lôi sợi xích neo lên bằng tay phải. Bình thường tôi khó lòng mà kéo được chiếc neo đó cho dù có dùng cả hai tay. Nhưng lần này thì mọi thứ rất ổn. Tôi khiển được chiếc neo, khiến cho nó lật lên và các ngạnh của nó thoát ra khỏi bùn. Rồi tôi nhấc bổng nó lên khỏi đáy, từ từ xoay mũi về hướng gió và tăng ga. Chúng tôi xoay xở với cơn gió chết tiệt ấy và nhích dần lên. Thật chẳng khác gì lội bì bõm trong món cháo đặc quánh. Ra cách bờ chín mươi mét, tôi thả cho neo chìm xuống, bấu lấy đáy. Fayre Eleyne đã đứng ngay ngắn, mũi nghếch lên. Có vẻ như nó vừa thở phào nhẹ nhõm.

Và thế đấy, tôi đang ở cách bờ chín mươi mét với Donna gào thét ở bên trên như một bầy chó săn ria trắng. Không một chiếc xuồng nào có thể chống chọi lại nó dẫu chỉ trong một phút. Tôi thấy một cành cây trôi ngang qua và đơn giản là nhảy ùm xuống tóm lấy nó. Không có gì nguy hiểm cả. Chỉ cần ngóc đầu lên được là gió sẽ thổi tôi tấp vào bờ, nhưng tôi phải thừa nhận là chiếc ủng cao su kiểu Half-Wellington[1] tôi đang mang sao mà nặng quá chừng. Có lẽ chưa đến ba phút tôi đã đến bờ, nơi nàng Fayre Eleyne kia cùng một người hàng xóm đã chờ sẵn để kéo tôi lên. Chỉ đến khi đó tôi mới bắt đầu run bần bật, nhưng nhìn ra ngoài thấy con thuyền bé bỏng của chúng tôi đang cưỡi sóng tốt và an toàn thì thật là dễ chịu. Hẳn là tôi đã bị bong trật đâu đó khi kéo chiếc mỏ neo bằng một tay, cho nên tôi cần giúp đỡ chút đỉnh khi về nhà. Một ly whisky trên bàn bếp cũng là sự giúp đỡ. Sau này tôi đã thử kéo chiếc neo đó lên bằng một tay nhưng không sao làm được.

Gió lặng đi nhanh chóng, để lại cho chúng tôi một đống hư hao và đổ nát: đường dây điện bị đứt, không có điện thoại trong suốt một tuần. Nhưng Rocinante thì không hề suy suyển.



[1] Một kiểu giày ủng có nguồn gốc từ Anh.

No comments: