Wednesday, March 21, 2012

Nơi dòng sông chảy qua - phần 1



Nơi dòng sông chảy qua

tác giả: Norman Maclean

dịch giả: Nam An

Trong gia đình chúng tôi không hề có sự phân biệt rạch ròi giữa chuyện đạo và chuyện câu cá. Chúng tôi sống tại vùng hợp lưu của các con sông đầy cá hồi ở miền Tây bang Montana. Cha tôi là một mục sư dòng Presbyterian[1], cũng là một người câu cá bằng mồi giả. Ông không những tự bện lấy mồi mà còn hướng dẫn cho những người khác cách làm. Ông kể cho chúng tôi nghe về những tông đồ của Chúa là người đánh cá, rồi ông để tôi và em trai tôi tự suy ra rằng tất cả những người đánh cá giỏi nhất ở biển Galilee là những người câu cá mồi giả và thánh John, vị thánh mà chúng tôi yêu thích, là một người câu cá mồi nổi[2].

Thật sự là mỗi tuần, có một ngày được dành trọn cho việc đạo. Vào các buổi sáng Chủ nhật, tôi và em trai Paul đến trường Chúa nhật và sau đó dự lễ sáng để nghe cha chúng tôi giảng đạo, còn buổi chiều thì đi sinh hoạt hướng đạo và sau đó thì lại đi lễ chiều để nghe cha giảng tiếp. Giữa hai lễ, vào các buổi trưa Chủ nhật, chúng tôi phải học cuốn Giáo lý vấn đáp Westminster[3] trong một tiếng và sau đó, trả bài trước khi chúng tôi được đi dạo trên các ngọn đồi với ông vào lúc ông nạp năng lượng giữa hai buổi lễ. Nhưng ông không bao giờ hỏi chúng tôi quá câu đầu tiên trong sách giáo lý: “Mục đích cuối cùng của con người là gì?”. Và chúng tôi đồng thanh trả lời để một đứa có thể đọc tiếp nếu đứa kia quên: “Mục đích cuối cùng của con người là vinh danh Chúa, và để làm vui lòng Ngài mãi mãi”. Câu trả lời này có vẻ luôn làm ông hài lòng, tất nhiên là phải thế đối với một câu trả lời hay như vậy. Ngoài ra, ông nóng lòng muốn đi dạo trên các ngọn đồi để có thể lấy lại sự minh mẫn và năng lượng nhằm cống hiến cho buổi lễ chiều. Cách chủ yếu để ông lấy lại cảm hứng là kể cho chúng tôi nghe những gì ông sẽ giảng ở buổi lễ tới, lâu lâu lại xen vào những đoạn thành công nhất của lễ sáng.

Mặc dù vậy, thông thường mỗi tuần, tôi và Paul vẫn được dạy câu cá nhiều như được nghe giảng giáo lý.

Khi tôi và em trai đã trở thành những người câu cá giỏi, chúng tôi nhận ra rằng cha chúng tôi không phải là một người quăng câu cừ khôi, nhưng ông ném chính xác và điệu nghệ, và hay đeo găng ở tay quăng câu. Khi ông gài nút găng tay để chuẩn bị hướng dẫn cho chúng tôi, ông sẽ nói: “Đây là một nghệ thuật được trình diễn theo nhịp đếm đến bốn từ góc mười giờ đến góc hai giờ[4]”.

Là một người Scotland theo Cơ đốc giáo dòng Trưởng lão, cha tôi tin rằng con người, về bản chất, là một mớ hỗn độn và đã bị sẩy chân khỏi trạng thái tốt đẹp ban đầu. Không biết làm sao hồi nhỏ tôi lại có ý nghĩ họ đã bị như vậy khi ngã từ trên cây xuống. Về cha tôi, tôi không bao giờ biết liệu ông có tin Chúa là một nhà toán học không, nhưng chắc chắn ông tin rằng Chúa có thể đếm và chỉ cần bắt được vào nhịp điệu của Chúa là chúng tôi có thể lấy lại sức mạnh và cái đẹp. Không giống nhiều tín hữu Trưởng lão, ông thường sử dụng từ “đẹp”.

Sau khi cài nút găng tay, cha tôi sẽ giữ cần câu thẳng ngay trước mặt, nó sẽ rung lên với nhịp đập của trái tim ông. Mặc dù chiếc cần dài hơn hai mét rưỡi, song nó chỉ nặng một trăm hai mươi tám gram. Nó được làm bằng thân tre chẻ có xuất xứ từ tận Vịnh Bắc bộ[5]. Nó được quấn chỉ lụa màu đỏ và xanh, và lớp chỉ được quấn cẩn thận để làm cho chiếc cần tinh tế đó chắc nhưng không quá cứng và có được độ nhún.

Bao giờ nó cũng phải được gọi là cần câu. Nếu ai đó gọi là cây sào, cha tôi sẽ nhìn anh ta như một trung sĩ Thủy quân lục chiến nhìn một cậu lính mới gọi khẩu súng trường là súng lục.



[1] Trong suốt thế kỷ 16, phong trào Cải cách do John Calvin và Martin Luther lãnh đạo nhằm ly khai khỏi giáo hội Công giáo La Mã phát triển tại châu Âu. Tại Scotland, những người Cải cách đã lập ra giáo hội riêng vào năm 1560, nhưng giáo hội bị chia rẽ thành phái Trưởng lão (Presbyterian) và phái Tân giáo (Episcopalian). Phái Trưởng lão chủ trương giáo hội không chịu sự kiểm soát của nhà nước và không có giám mục. Một thế kỷ xung đột tôn giáo chỉ được kết thúc vào năm 1689, khi Nghị viện Scotland và tòa án quyết định Giáo hội sẽ theo dòng Trưởng lão. Những người Scotland di cư sang Bắc Mỹ mang theo những bản sắc tôn giáo, cũng như những tàn dư xung đột tôn giáo này (tất cả các chú thích trong sách là của người dịch).

[2] Dry fly – mồi giả được thả cho nổi trên mặt nước, khác với phương pháp câu cá bằng mồi chìm (sinking fly).

[3] The Westminster Shorter Catechism.

[4] Tức góc 30 độ và 150 độ.

[5] Bay of Tonkin – xét bối cảnh câu chuyện thì lúc đó nước ta đang dưới thời Pháp thuộc.

No comments: