Thursday, March 22, 2012

Nơi dòng sông chảy qua - phần 2







Tôi và em trai hẳn đã thích học câu cá bằng cách cứ ra sông và câu lấy vài con, bỏ qua toàn bộ những thứ “khó nhai” hay các vấn đề kỹ thuật làm cho việc đi câu bớt vui đi. Nhưng chúng tôi không làm quen với môn nghệ thuật của cha tôi cho vui. Nếu cha tôi có quyền, ông sẽ không cho phép ai không biết câu cá dám “làm nhục” cá bằng cách câu chúng. Vì thế, bạn cũng sẽ phải học nghệ thuật câu cá kiểu Trưởng lão và Thủy quân lục chiến, và nếu bạn chưa bao giờ cầm cần câu trước đây, bạn sẽ sớm nhận ra rằng cả trên thực tế lẫn lý thuyết, con người, về bản chất, là một mớ hỗn độn chết tiệt. Thứ đồ vật nặng một trăm hai mươi tám gram quấn chỉ lụa rung động theo những cử động của cơ bắp con người cứ trở nên một que củi vô hồn, không tuân theo bất cứ điều đơn giản nào người ta mong muốn ở nó.

Công dụng của que củi ấy đơn giản chỉ là kéo sợi dây câu, đoạn cước trong và mồi giả[1] lên khỏi mặt nước, vung qua đầu rồi vụt tới trước. Cú vụt phải làm sao cho tất cả đáp xuống mà không làm động nước: mồi giả phải đáp xuống trước, đến đoạn cước nối, cuối cùng là dây câu; nếu không, lũ cá sẽ nhận ra con mồi là giả và lập tức biến hết. Dĩ nhiên, có những thế quăng câu mà ai cũng biết là khó, và đòi hỏi phải có kỹ thuật quăng câu điệu nghệ ở những nơi dây câu không thể vung qua đầu người câu vì có vách đá hay cây ở ngay phía sau, thế quăng ngang để mồi bay phía dưới những cây liễu mọc nhô ra sông, v.v... Nhưng có gì hay ho ở một cú quăng câu thẳng – chỉ là cầm lấy cần với dây câu rồi vụt qua sông?

À, trước khi là một người thuần thục, anh ta luôn luôn vung cần về phía sau quá mạnh, cũng như bình thường người ta luôn vung cây rìu hay cây gậy đánh golf quá mạnh về phía sau và phí phạm sức lực vào đó; với cần câu thì lại càng tệ hơn, do mồi giả thường bay ra sau quá xa, nó thường bị vướng vào bụi rậm hay vách đá phía sau. Khi cha tôi nói đó là thứ nghệ thuật kết thúc lúc hai giờ, ông thường nói thêm: “gần mười hai giờ hơn là hai giờ”, có nghĩa là chỉ nên vung cần câu ra sau, qua đầu một chút (thẳng ngay trên đầu là mười hai giờ).

Lúc đó, do người câu thường cố gắng quăng câu cho mạnh mà không giữ tư thế, anh ta vụt sợi dây câu ra trước, về sau, làm nó kêu vun vút, và đôi khi còn làm long mồi giả ra khỏi đoạn cước nối, nhưng sức mạnh để vụt mồi câu bé xíu qua sông không biết sao lại ném một nùi dây câu, cước nối và mồi câu ra trước mặt người câu cá có đến ba mét. Nếu người câu mường tượng được quỹ đạo vòng tròn của dây câu, đoạn cước trong và mồi giả từ khi rời mặt nước cho đến khi trở lại mặt nước, anh ta sẽ dễ quăng câu hơn. Thông thường, sợi dây câu to sẽ rời mặt nước trước và dẫn đầu, đoạn cước nối và mồi câu sẽ theo sau. Nhưng khi bay qua đầu, chúng sẽ phải cần một nhịp nghỉ để đoạn cước nối mảnh trong suốt và mồi câu có thể đuổi kịp sợi dây câu lớn lúc này bắt đầu hướng ra trước và lại đuổi theo phía sau nó; nếu không như vậy, sợi dây câu bắt đầu quỹ đạo quay trở lại sẽ va chạm với đoạn cước nối và mồi vẫn đang trên đường bay lên, như thế sẽ tạo thành một nùi dây nhợ rơi xuống nước cách người câu ba mét.

Tuy nhiên, gần như ngay khi cái thứ tự trước sau của dây câu, đoạn cước nối và mồi câu được tái lập thì nó lại phải bị đảo ngược, vì mồi và đoạn cước nối phải ở phía trước sợi dây câu to khi chúng nằm trên mặt nước. Nếu lũ cá trông thấy sợi dây câu vốn dễ lộ, thì người câu cá sẽ chỉ còn trông thấy những cái lưng đen trũi phóng đi như tên bắn, và có lẽ lúc đó, anh ta cũng nên bắt đầu đi tìm cái vũng mới. Sau đó, ở cao tít trên đầu, ở vị trí quăng câu về phía trước (góc mười giờ), người câu cá lại nhả dây.

Tất nhiên, nhịp đếm đến bốn có công dụng của nó. Nhịp một kéo dây câu, đoạn cước nối và mồi lên khỏi mặt nước; nhịp hai phất chúng gần như thẳng đứng lên trời; nhịp ba, theo cách nói của cha tôi là tại đỉnh, đoạn cước nối và mồi phải có một tích tắc nghỉ để rơi lại phía sau dây câu khi nó bắt đầu hướng về phía trước; nhịp bốn là lấy đà và thu dây vào cần cho đến khi đến vị trí mười giờ thì thả dây, để cho mồi câu và cước nối đi ra phía trước dây câu, rồi thả cho chúng đáp xuống nhẹ nhàng và hoàn hảo. Người ta quăng câu được xa không phải do dùng sức, mà là do biết được khi nào thì ra lực. Cha tôi vẫn luôn nói: “Hãy nhớ đó là một thứ nghệ thuật được biểu diễn theo nhịp đếm đến bốn, giữa vị trí mười giờ và hai giờ”.

Cha tôi rất chắc chắn về một số vấn đề thuộc về vũ trụ. Đối với ông, tất cả những điều tốt đẹp – cả cá hồi lẫn sự cứu rỗi vĩnh hằng – đều là do ơn phước, còn ơn phước thì đến qua nghệ thuật, và để có nghệ thuật thì không dễ chút nào.



[1] Câu cá mồi giả không dùng chì để tạo độ nặng khi quăng câu mà dùng bản thân trọng lượng của sợi dây câu. Vì vậy sợi dây câu (line) khá lớn và thường làm bằng dây bện, nối với sợi dây câu là đoạn cước trong và mảnh (leader) để cá không nhìn thấy, dưới cùng là mồi giả bện vào lưỡi câu được làm phỏng theo hình dạng các loại côn trùng (fly).

No comments: