Monday, March 12, 2012

Tôi, Charley, và hành trình nước Mỹ - phần 3


"Về kế hoạch tổng thể cho chuyến đi, có lẽ tôi có một mong ước thầm kín rằng chuyến đi đó sẽ không diễn ra. Khi ngày ấy đến gần, chiếc giường êm ái và ấm cúng của tôi ở nhà càng lúc càng có nhiều hấp lực và cô vợ yêu dấu của tôi thì trở nên quý báu không thể tả xiết. Thật là điên rồ khi phải nhịn những thứ này trong suốt ba tháng trời và đón lấy sự khủng khiếp của việc thiếu tiện nghi và ổn định. Tôi chẳng muốn đi chút nào. Phải có điều gì đó xảy ra để cản chân tôi lại! Nhưng chả có gì cả. Dĩ nhiên, tôi có thể đổ bệnh, nhưng đó lại là một trong những lý do chính yếu và bí mật của tôi để ra đi cơ mà. Mùa đông năm ngoái, tôi đã bị ốm khá nặng bởi một trong những vấn đề mà tôi trau chuốt đặt tên là “lời thì thầm của tuổi xế chiều”. Khi khỏi bệnh, tôi tham gia một buổi học dạy cách giảm nhịp sống, giảm cân, hạn chế lượng cholesterol trong thức ăn. Điều đó diễn ra với nhiều người đàn ông và tôi nghĩ các bác sĩ đã thuộc lòng nó như đọc kinh. Nó diễn ra với quá nhiều bè bạn của tôi. Buổi học kết thúc bằng câu nói: “Sống chậm lại. Quý vị không còn trẻ trung như trước đây nữa đâu”. Và tôi đã thấy rất nhiều người bắt đầu cuộn cuộc đời của mình trong len dạ, dập tắt những thôi thúc, bịt chặt những đam mê và từ từ bước ra khỏi phận người, thu mình về một dạng bán thân bất toại tinh thần và thể xác.

Ai chẳng muốn mình là trung tâm của sự chú ý? Một dạng tuổi thơ thứ hai đã rơi xuống rất nhiều người đàn ông. Họ đánh đổi sự mãnh liệt của mình để nhận lấy lời hứa hẹn về một sự gia tăng tuổi thọ không đáng kể. Kết quả là người chủ gia đình trở thành đứa con bé nhất. Tôi đã tự đặt mình trước khả năng này và cảm thấy thật hãi hùng. Bởi vì tôi luôn sống mãnh liệt, uống rất dữ, ăn rất nhiều hoặc không ăn gì cả, ngủ li bì hoặc hai đêm thức trắng, làm việc quá căng, quá nhiều hoặc nằm ườn chảy thây. Tôi đã nhấc, đã kéo, đã bổ, đã leo, đã vui sướng làm tình và xem dư vị của những trận say là hệ quả chứ không phải là một sự trừng phạt. Tôi không muốn giao nộp sự mãnh liệt để đổi lấy một khoản lợi nhỏ về tuổi tác. Vợ tôi đã cưới một người đàn ông, và tôi thấy không có lý do gì để cô ấy phải thừa hưởng một đứa con nít.

Tôi biết rằng việc lái xe qua mười sáu hay hai mươi ngàn cây số, đơn độc và không ai chăm sóc, vượt qua đủ loại đường sá, sẽ là một công việc nặng nhọc, nhưng với tôi, điều đó tượng trưng cho món thuốc giải độc dành cho một người đàn ông đích thực đang lâm bệnh. Và trong cuộc đời tôi, tôi không sẵn lòng đổi chất lượng lấy số lượng. Nếu như cuộc hành trình được lên kế hoạch này có thể minh chứng nhiều điều như thế thì đã đến lúc phải lên đường thôi. Tôi thấy quá nhiều người đã trì hoãn cuộc xuất hành của họ do sự ngập ngừng bệnh hoạn trong việc rời bỏ chiếc sân khấu. Đó là một nhà hát tồi và cũng là một cuộc sống tồi. Tôi rất may mắn khi có một cô vợ thích được là phụ nữ, có nghĩa là cô ấy thích đàn ông chứ không phải là một bé già. Mặc dù lý lẽ cuối cùng này cho cuộc hành trình chưa bao giờ được đem ra thảo luận, nhưng tôi tin là cô ấy hiểu.

Buổi sáng đến, một buổi sáng đẹp trời với cảnh thu vàng dưới nắng mai. Tôi và vợ chia tay nhau rất nhanh vì cả hai chúng tôi đều rất ghét phải nói lời tạm biệt, và hai đứa tôi chẳng ai muốn ở lại khi người kia ra đi. Cô ấy rồ ga chiếc mô-tô, phóng lên New York, còn tôi, với Charley bên cạnh, thì đưa Rocinante ra bến phà Shelter Island, rồi đáp chuyến phà khác đi Greenport, sau đó đáp thêm một chuyến phà nữa từ Orient Point đến vùng duyên hải Connecticut, băng qua eo biển Long Island Sound vì tôi muốn tránh kẹt xe ở New York và lên đường suôn sẻ. Và tôi thừa nhận đã sớm mang cái cảm giác đơn độc u uất."


No comments: